Chia sẻ

Tre Làng

PHÓNG VIÊN...ĐẾM TẦNG VÀ GÓC KHUẤT CỦA LÀNG BÁO

Bài đăng trên Nhà báo và công luận, sau đó gỡ

Phóng viên … đếm tầng & góc khuất của làng báo

Liên kết báo chí ngày càng trở thành “vũ khí” hữu dụng trong bối cảnh truyền thông hiện nay. Nhưng không phải sự liên kết nào cũng đem lại sự vinh quang cho người làm báo. Có những sự liên kết, mà những người làm báo chân chính, mỗi lần nhắc tới, lại một lần thấy xót lòng…

1.Một tờ báo điện tử chuyên về giáo dục, nhưng mở giao diện ra không ngày nào là không có những hình ảnh về các công trình xây dựng sai phép của người dân. Nào thì sai tầng, sai mật độ, không đảm bảo an toàn, môi trường trong quá trình thi công… đều được quý báo “vạch lá, tìm sâu” chỉ ra sai phạm.

Thậm chí, có cái tum thang vừa mới nhú ra tí, báo cũng nhanh chóng cử phóng viên tới hiện trường để phản ánh. Tờ báo này hiện đang được coi là lá cờ đầu trong phong trào “đánh” vi phạm trật tự xây dựng hiện nay trên địa bàn Thủ đô. Dư luận và không ít đồng nghiệp khi “trà dư, tửu hậu” đã bông đùa nên đổi tên báo thành “demtang.vn” (đếm tầng chấm vn). Một cơ quan báo chí chuyên về làng nghề, hiện cũng đang nổi danh làng báo về những lùm xùm quanh câu chuyện đếm tầng. Giương cao khẩu hiệu “thực hiện năm trật tự văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô”, tờ báo này liên tục sản xuất trên trang tin điện tử của mình (mặc dù không được phép) những bài phản ánh “quyết liệt” về vi phạm trật tự xây dựng, mức độ sai phạm đôi khi chỉ là chủ nhà quên “phủ bạt” trong quá trình thi công, cũng được bản báo nhanh chóng đưa tin.

Và điều lạ là mô típ của các bài báo của những tờ báo kể trên đều giống nhau phần mở đầu: Qua phản ánh của bạn đọc bức xúc cho biết, trên địa bàn phường X,Y,Z, một công trình vi phạm trật tự xây dựng “khủng” đang ngang nhiên diễn ra… Khái niệm phóng viên đếm tầng có lẽ xuất phát từ những bài báo đó. Một vị phó chủ tịch phường phụ trách xây dựng trên địa bàn Hà Nội, trong một lần tâm sự với người viết đã phải lắc đầu ngao ngán: Không hiểu bây giờ sao nhiều phóng viên đi làm trật tự xây dựng đến thế. Có cái nhà dân sai phạm bé như mắt muỗi, ấy vậy mà hơn 70 ông phóng viên mò đến, mỗi ngày trung bình tôi phải tiếp từ 3-5 phóng viên.

Thậm chí, có báo không hiểu quản lý kiểu gì mà cùng một vụ việc nhưng có đến 6 lượt phóng viên “xuất hiện” hỏi thăm. Điện thoại lúc nào cũng trong tình trạng cháy máy, công việc khác thì bị đình trệ vì không tiếp phóng viên thì lại bị “quy chụp” là cản trở báo chí tác nghiệp, trốn tránh bao che cho… sai phạm. Lật giở gần hơn 10 trang giấy trên cuốn sổ nhở cầm theo, anh Ng.M.T (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chỉ cho người viết danh sách 182 nhà báo, phóng viên với đầy đủ tên tuổi, cơ quan, số điện thoại đã “mò” đến công trình xây dựng của anh trên phố cổ vì tội dám “lòi” thêm… cái tum. “Lúc đầu, một vài anh em phóng viên đến mình nghĩ đơn giản, biếu đồng quà, tấm bánh, xin anh em thông cảm bỏ qua. Nhưng hỡi ôi, suốt nửa năm trời, gần như ngày nào mình cũng phải chuẩn bị quà, bánh gặp gỡ anh em phóng viên. Đâm lao đành phải theo lao, biết thế này ngay từ đầu mình đã không làm sai”.

2.Phản ánh những vi phạm trật tự xây dựng đã diễn ra “nhức nhối” suốt bao năm qua trên địa bàn Thủ đô là một việc làm đáng hoan nghênh của các cơ quan báo chí. Nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng “khủng” như 8B Lê Trực hay nhà của Phó Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội nếu không được báo chí quyết liệt phanh phui, thì có lẽ “những con vui chui lọt lỗ kim” ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục công khai diễn ra, bất chấp con mắt “thanh, giám sát” của hàng loạt các cơ quan chức năng. Nhưng bên cạnh những nhà báo “bút sắc, lòng trong, mắt sáng” như vậy, đã có không ít nhà báo, phóng viên biến chất, lợi dụng mác “người làm báo” đem đi hù doạ chính quyền, doanh nghiệp, người dân khi xây dựng sai phép bắt phải… nôn tiền.

Quy trình tác nghiệp của những nhà báo này vô cùng đơn giản: Cầm trên tay giấy giới thiệu của một cơ quan báo chí, liên hệ với chính quyền phường sở tại. Mục đích lấy thông tin thì ít, chủ yếu là bóng gió, để lại số điện thoại, ung dung ra về, chờ “khổ chủ” (chủ nhà) liên hệ xin giải trình. Một quán coffe sang trọng sẽ được chọn làm điểm hẹn để phóng viên và chủ nhà gặp nhau làm việc. Những phóng viên kiểu này, phong cách thường i xì giống nhau, luôn đao tó búa lớn, “điều tra” sai phạm trật tự xây dựng này là được hẳn Ban biên tập cử đi, “các sếp” rất bức xúc, vân vân và vân vân…

Lạ ở chỗ, chủ nhà chỉ tủm tỉm cười, không hề rúm ró hay sợ hãi. Để phóng viên “lên gân” chán, chủ nhà mới rút “tem thư” (phong bì chứa tiền) xin được trình bày, mong các anh bỏ qua. “Thuận mua, vừa bán”, cầm “tem thư” thấy nội dung trình bày (tiền) đã đủ đô, cả phóng viên lẫn chủ nhà bắt tay nhau hoan hỉ cùng ra về.

3.Sức mạnh của báo chí nằm ở khả năng tác động vào dư luận xã hội. Hiệu quả tác động ấy phụ thuộc vào nội dung thông tin, cường độ và biên độ thông tin, bối cảnh và thời điểm thông tin, uy tín của cơ quan báo chí…

Lý thuyết là vậy nhưng trong thực tế, hiệu quả truyền thông có thể trái với mong đợi của chủ thể truyền thông và sức mạnh ấy có thể bị lợi dụng, lạm dụng – vô tình hay hữu ý – cho những mục đích xấu. Hiệu ứng đám đông chỉ trở thành sức mạnh thật sự của báo chí khi nhà báo có tâm và đủ hiểu biết để phân biệt đúng – sai, tốt – xấu, dở – hay (căn cứ quy phạm pháp luật và các giá trị đạo đức, các chuẩn mực xã hội) trong chọn lựa đề tài, góc tiếp cận, trong thái độ khách quan và trách nhiệm xã hội khi phản ánh hiện thực, trong việc nhân danh lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc để khơi nguồn và định hướng dư luận.

21/6- Ngày báo chí cách mạng Việt Nam- ngày giới báo chí cả nước tôn vinh nghề nghiệp mình đang đeo đuổi, cũng là ngày để những người làm báo nhìn lại những “thăng trầm” trong cuộc đời làm báo, để thấy hơn những khó khăn, gian nan của nghề nghiệp trên con đường tìm đến sự thật, phản ánh sự thật – nhiệm vụ và trách nhiệm cao cả của người làm báo. Xin mượn mấy dòng thơ của nhà báo Lê Cảnh Nhạc để thay cho lời kết sau “một ngày nhìn lại”: Sự thật đo bằng trách nhiệm trước nhân dân/ Sự thật song hành trái tim người cầm bút/ Sự thật đã từng phải trả bằng cả máu và nước mắt/ Gỡ bòng bong cuộc đời, sự thật sáng bừng lên.

Hồng Quang
(Nhà báo công luận)

2 nhận xét:

  1. 21/6- Ngày báo chí cách mạng Việt Nam- ngày giới báo chí cả nước tôn vinh nghề nghiệp mình đang đeo đuổi, cũng là ngày để những người làm báo nhìn lại những “thăng trầm” trong cuộc đời làm báo, để thấy hơn những khó khăn, gian nan của nghề nghiệp trên con đường tìm đến sự thật, phản ánh sự thật – nhiệm vụ và trách nhiệm cao cả của người làm báo. Xin mượn mấy dòng thơ của nhà báo Lê Cảnh Nhạc để thay cho lời kết sau “một ngày nhìn lại”: Sự thật đo bằng trách nhiệm trước nhân dân/ Sự thật song hành trái tim người cầm bút/ Sự thật đã từng phải trả bằng cả máu và nước mắt/ Gỡ bòng bong cuộc đời, sự thật sáng bừng lên.

    Trả lờiXóa
  2. Xin mượn mấy dòng thơ của nhà báo Lê Cảnh Nhạc để thay cho lời kết sau “một ngày nhìn lại”: Sự thật đo bằng trách nhiệm trước nhân dân/ Sự thật song hành trái tim người cầm bút/ Sự thật đã từng phải trả bằng cả máu và nước mắt/ Gỡ bòng bong cuộc đời, sự thật sáng bừng lên.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog