Chia sẻ

Tre Làng

BÃO SỐ 12: VÌ SAO TỔN THẤT NẶNG NỀ ?

Bão số 12: Vì sao tổn thất nặng nề?

Ba ngày sau khi cơn bão số 12 đi qua, các tỉnh Trung bộ vẫn phải gồng mình lên chống chọi những hậu họa kéo theo và xử lý những hậu quả trầm trọng. Có điều, câu hỏi tại sao một cơn bão cũng có quy mô lan rộng và sức tàn phá như cơn bão số 10 trước đó, lại gây ra thảm họa nặng nề, thật sự cần được đặt ra nghiêm túc.

Tổn thất từ bão số 12 với các tỉnh miền Trung là nặng nề và đến lúc này vẫn chưa dừng lại. (Ảnh minh họa).

Báo cáo tổng hợp của các cơ quan chức năng thể hiện, bão số 12 đã ảnh hưởng lớn đến các tỉnh miền Trung, làm 46 người chết và 15 người mất tích; hơn 1.300 ngôi nhà sập đổ, 114.866 ngôi nhà tốc mái, hư hại. Con số này được coi là chưa dừng lại vì tình hình lũ lụt, sạt lở đất vẫn đang tiếp tục do hoàn lưu của bão số 12 gây ra tại khu vực bắc Trung bộ.

Chủ quan và thiếu kiên quyết?

Trong phiên họp đánh giá bão số 12 vào 2 ngày trước, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đã nhìn nhận, việc ứng phó của các địa phương đã có sự lúng túng, có nơi thiếu chỉ đạo quyết liệt, nên đã dẫn đến thiệt hại lớn.

Ông Hoài khẳng định, trong tiến trình của bão số 12, Trung ương đã cố gắng ở mức cao nhất, huy động toàn bộ các lực lượng hỗ trợ, kể cả các nhà mạng viễn thông để tăng mức độ kết nối thông tin, liên tục ra công điện, họp trực tuyến chỉ đạo…Nhưng những cố gắng này khi chuyển xuống địa phương thì không thể nắm chắc được triển khai đạt bao nhiêu. “Chúng ta phải làm rõ việc này, để báo cáo Thủ tướng, phải rút kinh nghiệm chi tiết để lấy đó làm bài học cho các địa phương”, ông Hoài nói như vậy.

Ông Hoài cũng đánh giá, khả năng đáp ứng yêu cầu theo dõi tình hình, đôn đốc chỉ đạo của các văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai ở các tỉnh hiện vẫn đang rất thấp. Do đó, các địa phương cần rà soát để tổ chức tốt hơn. Đặc biệt những Ban thuộc tỉnh nào đang thiếu thốn về con người và trang thiết bị, phải xem xét đầu tư để tăng cường hiệu quả tham mưu, chỉ đạo điều hành.

Hiện trạng nhà cửa tan hoang sau khi bão số 12 đi qua, là có liên quan đến công tác dự báo, ứng phó xử lý chưa tốt của các địa phương.

Quan trọng hơn, theo ông Hoài, sự nỗ lực của các địa phương, coi như nắm vị trí then chốt trong điều hành đối phó bão lũ, lại chưa ở mức cao nhất. “Ngay như Bình Định, hôm qua báo chìm 8 tàu vận tải, hôm nay lại báo lên 10 chiếc. Địa phương không nắm được tổn thất như vậy, thì rất khó trở tay”, ông Hoài dẫn chứng.

Chính do thực trạng thiếu kiên quyết đó, các địa phương đã không kịp đôn đốc tình hình. Trong khi nhiều người dân vẫn còn thờ ơ, không quan tâm đến các yêu cầu từ cơ quan chức năng, thì sự thiếu quyết liệt đó đã dẫn đến nhiều sơ hở đáng tiếc. Cụ thể những vụ việc do nhà đổ sập làm chết người, hay người dân không chịu rời các lồng bè nuôi cá, nên bị kẹt lại trong nguy hiểm giữa cơn bão, đều là những biểu hiện chính quyền chưa quyết liệt hành động.

Hợp tác chưa đồng bộ?

Căn nguyên của tình trạng trên, theo nhiều người, liên quan đến yêu cầu hợp tác giữa chính quyền và người dân chưa đồng bộ. Rất nhiều người dân ở Nha Trang cho hay, họ nghe tin bão số 12 sẽ ảnh hưởng phía nam, nên không hề đề phòng trước khi bão ập vào Khánh Hòa. Nếu việc thông tin giữa người dân và chính quyền thông suốt hơn, sẽ không thể có chuyện người dân tự thờ ơ với sinh mạng của mình như vậy.

Có thể thấy, việc hợp tác xử lý thông tin như vậy nằm ở 2 khía cạnh.

Thứ nhất là hợp tác giữa chính quyền và các doanh nghiệp, các hộ dân ở các địa phương chưa tốt. Điều này biểu hiện ở chất lượng “sát sườn” trong thông tin kết nối. Số liệu cho thấy, về kinh tế biển, bão số 12 đã làm hơn 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản đã bị cuốn trôi; gần 100 tàu bị chìm, trong đó 8 tàu vận tải. Con số này thật sự có đáng xảy ra, nếu việc điều hành chỉ đạo của các địa phương và sự đáp ứng phối hợp của người dân tốt hơn?

Tàu hàng bị chìm ở Quy Nhơn (Bình Định) là do các cơ quan quản lý chức năng và doanh nghiệp hợp tác điều tiết tàu chưa tốt?

Ai cũng biết 1 lồng bè nuôi cá, 1 chiếc thuyền đánh bắt xa bờ đòi hỏi vốn đầu tư lớn, là toàn bộ tài sản tích cóp cả đời của nhiều gia đình người dân. Việc để họ chấp nhận rời lồng bè, bỏ thuyền trong thiên tai thật không dễ. Người ta sẽ bất chấp tất cả để bảo vệ tài sản. Chỉ có hướng dẫn tuyên truyền tốt, động viên ý thức ngay từ đầu, và nhất là chính quyền có những cam kết hỗ trợ chính sách, tương hỗ người dân sau thiệt hại, họ mới có thể nhắm mắt chấp nhận 1 hoàn cảnh để an toàn cho chính họ.

Thứ hai, công tác phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý với các chủ đầu tư dự án, đặc biệt là thủy điện, phải chặt chẽ hơn. Dư luận luôn cho rằng, tình trạng điều phối xả lũ, xử lý các tình huống sự cố, đều xuất phát bởi tinh thần hợp tác không tốt giữa các cơ quan chuyên môn và chức năng. Tại sao một cảng biển lớn lại không thể tính toán điều phối tàu hàng vào tránh trú bão an toàn? Tại sao các thủy điện không phân chia lịch xả lũ theo nhau mà luôn thiếu liên kết, đến mức khi xả lũ là đồng loạt xả? Ông Hoài nêu vấn đề, cần mời các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn cùng ngồi lại để tính toán vận hành việc xả lũ liên hồ chứa như vậy, mới có thể dứt điểm cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du.

Chính bởi những vướng mắc hiện hữu trong các quan hệ và trách nhiệm như thế, mà khả năng ứng phó, điều tiết xử lý của các cơ quan chức năng, của cộng đồng, người dân, trong cơn bão số 12 và các cơn bão, các vụ việc thiên tai nói chung đã có vấn đề. Những tổn thất nặng nề từ cơn bão, vì thế sẽ là câu hỏi lớn cần giải đáp và những giải pháp hành động để không còn tái lặp nữa!

Thụy Bất Nhi.

17 nhận xét:

  1. Nặc danh17:11 9/11/17

    Sau khi đọc bài viết "Cứu trợ lũ lụt: Sao cứ là mì tôm, nước mắm" trên Báo Người Lao Động, bạn đọc Nguyễn Xuân Thành (Đà Nẵng) đã có bài viết phản hồi, cho rằng đó là cái nhìn phiến diện.

    Đọc bài viết về quà từ thiện, tôi có chút tâm tư. Bài viết rất dài, sâu sắc, ý nghĩa nhưng chưa hề đủ. Đúng và đủ ở đâu tôi xin chia sẻ vài nhận định từ bản thân là người từng trải nghiệm lũ lụt. 20 năm qua, năm nào cũng lũ lụt ở quê tôi và gần 10 năm tôi dấn thân trong các đợt bão lũ.

    Đại Lộc (Quảng Nam) đúng là năm nào cũng lũ và người dân luôn chủ động trong công tác chạy lũ. Cái này không sai. Nhưng đâu phải năm nào cũng ngập như năm nào đâu. Mỗi năm một diễn biến khác nhau. Mực nước khác nhau, tốc độ dòng chảy khác nhau. Đỉnh lũ lịch sử mỗi năm một cao. Người dân thường hay làm nhà hay kê đồ cao bằng đỉnh lũ cũ, vậy mà đỉnh lũ mới lại xuất hiện và họ trắng tay. Chưa kể tâm lý chủ quan.

    Hộ nào có nhà ở chỗ cao và kiên cố thì không sao, nhưng cả huyện đâu phải nhà nào cũng khang trang, cũng 2 tầng tránh lũ?. Rất nhiều những hoàn cảnh neo đơn, những ngôi nhà thấp xiêu vẹo. Nhưng ở quê ít ai chịu di tản. Họ thường không yên tâm bỏ nhà, bỏ tài sản để đi lánh nạn từ sớm, chỉ đến khi nước lên cao mới chịu đi, lúc đó dường như hơi muộn. Cũng không phải lụt nào các đoàn cứu trợ cũng về. Thường khi quá sức với người dân ở đó cả xã hội mới chung tay.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh17:11 9/11/17

    - Lúc lũ lên nhanh như năm nay được đánh giá rất nhanh thì ai cũng cuống cuồng lo di tản tài sản và con người lên nơi cao, hơi đâu mà đứng đó nấu nồi cơm kho con cá để sẵn tí ăn. Loay hoay chống đỡ xong thì nước ngập 2/3 nhà. Bắc bếp đâu nấu khi chỗ ngồi còn không có. Lúc này có gạo mắm thì cũng chỉ ngồi nhìn.

    - Mì tôm không phải đắt đỏ để dân không mua nổi, nhưng ở quê tâm lý ai cũng ăn cơm cho chắc dạ. Lũ về thì trữ 5-10 gói mì phòng thân để làm canh ăn. Nhưng nước ngâm 2 ngày, 5-6 người thì mấy gói mì đó đủ sao?

    - Áo quần thì có nhưng 2 ngày ngâm mình dưới nước; 2-3 ngày dọn dẹp sau lũ ướt bao nhiêu bộ. Đồ kê cao mà nước ngập mái còn bộ nào không? Trời thì mưa nước uống còn không có, nước đâu giặt đống đồ ngâm bùn đó. Nhà cao còn đồ mặc chứ nhà thấp thì có phải mặc đồ ướt chịu lạnh không. Vậy, cho họ mấy bộ đồ mặc vài ngày có sai không? Chúng tôi không thể hỏi từng người cần đồ không để chạy về TP mua chở vô. Đành cho đại trà, ai không dùng xin đừng lấy để cho người cần lấy; dư chúng tôi mang đi vùng khác, không sao cả.

    - Vấn đề cứu trợ sau lũ không phải đoàn nào về cũng chỉ có mì tôm đâu. Trong lũ có đoàn lo nấu cơm cho vào hộp nước suối kèm theo, rồi thuê ghe lớn đi đến tận nhà cho bà con ấm dạ vì cả đêm thức dầm nước bạc lo bảo vệ tài sản. Ai đã từng ngâm mình dưới đó mới hiểu cái lạnh của nước bạc khi lũ về.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh17:11 9/11/17

    Có đoàn thì hỗ trợ gạo vì tuy dân có chuẩn bị nhưng khi lũ cao ướt hết rồi. Một số vùng nước đến mái nhà thì có gì là không ướt đâu. Tường vách, trụ móng yếu thì nhà còn đi theo dòng lũ mà. Có đoàn thì thêm thuốc khử trùng, thuốc đau bụng, thuốc cảm, dầu gió. Cũng có đoàn thì áo mưa, thùng chứa nước lớn, có đoàn hỗ trợ áo phao. Mỗi đoàn 1 sản phẩm mang tới. Mì tôm chỉ là cái hỗ trợ thêm, coi như là để dành khi tức thời. Một số nhà thiệt hại nặng thì có phong bì gọi là một chút gì để họ khắc phục.

    Sau lũ, chúng tôi cũng từng vận động tặng heo, tặng bò; đâu phải không có. Tôi từng nhớ anh Chiến bên Hội Chữ thập đỏ huyện Đại Lộc năm 2009 đã dẫn đoàn về tặng heo giống cho bà con mà. Năm ngoái hay năm kia, có 1 doanh nhân trẻ ở Đại Lộc cũng kêu gọi hỗ trợ giống cây trồng cho bà con tái sản xuất. Đâu phải họ không nghĩ tới.

    Sau lũ, đoàn thanh niên, bộ đội, công an cũng giúp dân khắc phục hậu quả. Mỗi người 1 nhiệm vụ, xã hội phân công rất rõ ràng.

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh17:12 9/11/17

    - Những vùng ngập sâu chính quyền cũng xây nhà 3 tầng tránh lũ, cũng sắm ghe gác ở nhà văn hóa thôn, có áo phao trang bị đầy đủ; không phải không có.

    Ai đã từng nhiều năm đi về vùng lũ làm công tác cứu trợ thì đều lắng nghe tiếng nói dân cần gì chứ không phải năm nào cũng cho như năm nào đâu. Trừ một số nhóm hội mới thành lập, kinh nghiệm ít hay một số tổ chức đánh bóng tên tuổi thì hầu như đều thấu hiểu nỗi khổ của bà con.

    - Gạo, dầu, mì tôm, nước mắm thì không phải lũ chúng tôi mới cho Đại Lộc đâu, bình thường hàng tháng vẫn về hỗ trợ 1 xã vài chục hộ, có xã cả trăm hộ các cụ neo đơn không người thân chăm sóc. Nhà tranh vách đất thì lũ cuốn rồi nên đừng hỏi tại sao cứ gạo, mì mà không là cái khác. Một số nhà 5 ngày rồi vẫn đang ngập nước. Nên hiểu chữ ngặt lúc sự cố bất ngờ nó ra sao.

    Một lần về cả xã mấy ngàn hộ không phải chúng tôi cho hết mấy ngàn suất. Có vài ba trăm phần cho nhà cần thiết thôi, còn cho không đúng đối tượng xã nhiều xã ít, người nhiều người ít thì do người đứng đầu ở đó đưa lên và phân bổ chứ chúng tôi không đủ thời gian đi điều tra từng nhà.

    Trên đây là những suy nghĩ cá nhân, tôi không đem suy nghĩ của tôi áp lên các bạn nên xin đừng "ném đá".

    Trả lờiXóa
  5. cơn bão đã đi qua nhưng những gì mà nó để lại thật đau lòng, đã có những so sánh của cơn bão 12 với cơn bão số 10 trước đó nhưng tại sao lại để lại hậu quả nặng nề như vậy, không thể nói là do địa phương chưa có kinh nghiệm phòng chống bão lũ vậy còn quan hệ hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan thì sao, chắc chắn cần có sự rút kinh nghiệm sâu sắc không để tình trạng này tiếp diễn

    Trả lờiXóa
  6. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ trong vòng 20 năm nay. Mức độ nguy hiểm của nó tương đương, thậm chí còn lớn hơn cơn bão số 10 đã đổ bộ vào miền Trung. Khánh Hòa ít bị bão đổ bộ nên tâm lý người dân rất chủ quan, ít có kinh nghiệm trong ứng phó với bão. Nên mới xảy ra cơ sự này.

    Trả lờiXóa
  7. Bão lũ gây ra thiệt hại nặng nề quá , thật khổ cho người dân miền trung . Thủ tướng đích thân thị sát như thế này , dư luận cũng rất quan tâm, chắn chắn sẽ tạo động lực cho người dân vượt qua khó khăn hơn, mong rằng chính quyền sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân cùng nhân dân khắc phục thiên tai này.

    Trả lờiXóa
  8. Xem các bản tin mà thấy thật khủng khiếp, hoang tàn và đổ nát, tất cả mọi thứ nằm ngổn ngang, lộn xộn trên mặt nước. Phần lớn bè nuôi hải sản của người dân đều bị đánh chìm. Nhiều ngư dân bám víu vào thùng phuy hoặc bất cứ vật gì nổi trên mặt nước và họ đã cạn kiệt sức lực do gió và sóng biển đánh tới tấp. Đúng là sức mạnh của mẹ thiên nhiên.

    Trả lờiXóa
  9. Không đợt nào cơn bão đến là không có thiệt hại cả , thương miền trung quá . năm nào cũng thế , cứ cơn bão đến là người dân mất hết nhà cửa , tài sản , thậm chí cả tính mạng nữa . Chính quyền hãy tạo điều kiện , có chính sách giúp đỡ bà con , cùng bà con khắc phục hậu quả của thiên tai

    Trả lờiXóa
  10. Bão đến và đưa đến rất nhiều thiệt hại cho người dân bị tác động, cuộc sống họ dựa vào biển và nuôi hải sản mà bão như này thì lấy gì để trang trải cuộc sống. Chính quyền ,các đơn vị chức năng cần có nhiều biện pháp chung tay giúp đỡ nhân dân miền trung cùng nhân dân vượt qua khó khăn này

    Trả lờiXóa
  11. Đã đành rằng Dự báo thì không thể chính xác rồi, nhưng lần này khác xa nhất thực tế nhất, dự báo tt gì mà không bám sát thực tế, cảnh báo thảm họa, tổn thất do thiên tai gây ra còn chưa nhấn mạnh, làm cho bà kon lơ là chủ quan, không hiểu là do "biến chứng" thời tiết, hay là do lơ là chủ quan tắc trách của con người trong công việc dự báo tt? ...

    Trả lờiXóa
  12. Dự báo không chính xác dẫn đến ban chỉ đạo PCLB trung ương va co quan truyền thông đều chu quan không có đưa tin Bao khan cấp dẫn đến người dân chủ quan. Đài truyền hình buổi trưa 27/7 ngày đầu bản tin đưa tin linh tinh không quan trọng sau đấy mới đưa tin báo bão. Do vậy người dân tin tưởng bão nhỏ và vị tri bão đỏ bộ quá rộng. Đây là con bão lớn thật đáng tiếc.

    Trả lờiXóa
  13. Các đã quá quen với cách suy nghĩ về dự báo thời tiết nên mới nghĩ như vậy. Ngày xưa phương tiện quan trắc còn lạc hậu và thủ công mới thê... Bây giờ nhiều trung tâm phân tích tiên tiến trên thế giới họ dự báo cực kỳ chính xác qua việc phân tích hình ảnh từ vệ tinh. Họ chỉ dự báo những tình huống giả định có thể xảy ra thôi còn bản chất không thay đổi. Và bây giờ họ gọi là bản tin thời tiết chứ không còn là dự báo thời tiết đâu bạn!

    Trả lờiXóa
  14. Thiên tai địch họa là những thứ mà chúng ta khó có thể lường trước được, nó đến một cách bất ngờ, không báo trước. Dù có dự vảo thế nào đi nữa thì mức độ nguy hiểm của nó thế nào cũng khó có thể đoán định trước được. Vậy nên khi dự báo thời tiết có thông tin về tình hình mưa bão cách phòng tránh tốt nhất của chúng ta đó là chủ động và phòng thủ, chủ động trong mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Như cơn bão vừa qua chúng ta vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là cho rằng báo không thế vào được những tỉnh này.

    Trả lờiXóa
  15. Bây lâu nay người dân, chính quyền các tỉnh miền nam trung bộ chưa bao giờ gặp phải bảo lụt nên chuyện chủ quan là điều không thể tránh khỏi trong công tác phong chống lụt baõ. Hơn nữa sự hợp tác giũa nhân dân và chính quyền địa phương chưa đồng bộ trong ứng cứu, cứu hộ cứu nạn .Chính bởi những vướng mắc hiện hữu trong các quan hệ và trách nhiệm như thế, mà khả năng ứng phó, điều tiết xử lý của các cơ quan chức năng, của cộng đồng, người dân, trong cơn bão số 12 và các cơn bão, các vụ việc thiên tai nói chung đã có vấn đề. Những tổn thất nặng nề từ cơn bão, vì thế sẽ là câu hỏi lớn cần giải đáp và những giải pháp hành động để không còn tái lặp nữa!

    Trả lờiXóa
  16. Ba ngày sau khi cơn bão số 12 đi qua, các tỉnh Trung bộ vẫn phải gồng mình lên chống chọi những hậu họa kéo theo và xử lý những hậu quả trầm trọng. Có điều, câu hỏi tại sao một cơn bão cũng có quy mô lan rộng và sức tàn phá như cơn bão số 10 trước đó, lại gây ra thảm họa nặng nề, thật sự cần được đặt ra nghiêm túc.

    Người dân miền trung rất vất vả và khổ tột cùng khi một năm không biết hứng bao nhiêu trận bão

    Trả lờiXóa
  17. Chính bởi những vướng mắc hiện hữu trong các quan hệ và trách nhiệm như thế, mà khả năng ứng phó, điều tiết xử lý của các cơ quan chức năng, của cộng đồng, người dân, trong cơn bão số 12 và các cơn bão, các vụ việc thiên tai nói chung đã có vấn đề. Những tổn thất nặng nề từ cơn bão, vì thế sẽ là câu hỏi lớn cần giải đáp và những giải pháp hành động để không còn tái lặp nữa!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog