Chia sẻ

Tre Làng

CHUYỆN NGƯỢC ĐỜI VỀ BIÊN CHẾ: CÀNG TINH GIẢN CÀNG TĂNG

LâmTrực@ 

Người viết thực sự sốc khi "Hai năm thực hiện tinh giản biên chế đã… tăng thêm 96.000 người và chi thường xuyên tăng 16,25%..". 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII, diễn ra sáng 29/11/2017, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã giới thiệu và quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. 

Phát biểu của ông Chính rất thẳng thắn, phản ánh đúng tình trạng bộ máy nhà nước và biên chế hiện nay, đặc biệt là những hạn chế cần được nhận diện một cách nghiêm túc để khắc phục.

Về tổ chức bộ máy:

Ông Phạm Minh Chính cho biết: Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều cơ quan có chức năng, nhiệm vụ chồng chéo (Bộ Tài chính với Bộ KH-ĐT, Bộ GT-VT với Bộ Xây dựng).

Dẫn chứng các số liệu cho thấy, cả nước có 42 tổng cục tăng 2 lần so với năm 2011; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7% so với năm 2011; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với năm 2011 (chưa kể quân đội và công an). Riêng các cơ quan giúp việc của Trung ương tăng 23 đầu mối (21,9%) và 40 đầu mối cấp vụ tăng 21%; đầu mối cấp phòng cũng tăng 37,4%;...

Về biên chế:

Theo ông Phạm Minh Chính, cơ cấu tổ chức cán bộ, công chức còn bất cập, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn.

Tính đến ngày 1/3/2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 4 triệu người, chưa tính quân đội và công an. Số cán bộ công chức ở Trung ương là 279.143 người; cấp tỉnh, huyện 2.080.000 người; cấp xã, thôn, tổ dân phố 1.266.000 người.
Có thể khẳng định số người ăn lương và phụ cấp của ta tăng rất nhanh. Nền kinh tế phải gánh vác rất khó khăn. Khó khăn này tập trung vào 2 điểm chính là các đơn vị sự nghiệp trên 2 triệu người và cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Ông Phạm Minh Chính cho biết.
Đáng chú ý: Sau 2 năm thực hiện tinh giản biên chế nhưng số người hưởng lương, phụ cấp không giảm mà còn tăng lên. Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị, mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người mới theo tiến độ nhưng thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng lên 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn lớn.

Lấy ví dụ từ các nước trong khu vực để so sánh, ông Chính cho biết: Tỷ lệ công viên chức hưởng lương trên 1.000 dân ở Việt Nam là 43 người chưa kể quân đội và công an, trong khi đó 1 số nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philipines là 1.000 dân mới có 13 cán bộ công viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người; Singapore có 25 người…và ông kết luận: "Về cơ bản, tỷ lệ công chức nước ta cao hơn rất nhiều so với các nước".

Bài toán biên chế đang gây khó khăn cho ngân sách nhà nước. Ông Chính cho biết, từ năm 2011 đến năm 2015 chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách, tăng 2,2 lần so 5 năm trước. Những năm gần đây, tổng chi thường xuyên đều tăng. Năm 2014 là 704.000 tỷ; năm 2015: 777.000 tỷ tăng 10,3% so 2014; năm 2016: 837.000 tỷ tăng 1,7% so với năm 2015; dự toán chi năm 2017 là 900.000 tỷ, tăng 7,87% so với năm 2016, tăng 16,25 so với năm 2015 (năm ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế). Trong chi thường xuyên này, chi cho con người là cao (lương và phụ cấp khác chiếm 53%).

Về số lượng lãnh đạo:

Số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan Trung ương còn nhiều. Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện.

Cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng.
Chúng ta đang lạm phát cấp phó, đây là việc rất rõ. Mỗi bộ có từ 5- 6 cấp phó, thiếu bổ sung rất nhanh nhưng vẫn kêu không đủ người đi họp, rõ ràng cơ chế vận hành có vấn đề, chức năng nhiệm vụ có vấn đề
Ông Phạm Minh Chính nhận định.
Về đơn vị hành chính cấp địa phương:

Ông Phạm Minh Chính cho biết, năm 1986, cả nước chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện và 1.136 xã. Trong số đó, hiện cả nước có hơn 700 đơn vị cấp xã không đạt tiêu chí về quy mô diện tích và dân số.

Đặc biệt, chưa phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong những năm qua chỉ có xu hướng là phải tách ra chứ không có nhập vào. 10 năm qua chỉ giảm được một đơn vị hành chính cấp tỉnh là việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.

Theo ông Phạm Minh Chính, việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội lúc bàn thảo thì khó khăn vô cùng, với rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Ví như sáp nhập vào rồi thì truyền thống văn hóa, lịch sử, kinh phí, đặc biệt là công tác cán bộ sẽ ra sao?
Sáp nhập phòng đã khó rồi, vì hai ông trưởng phòng nay chỉ còn chọn một ông. Sáp nhập cấp tỉnh thì còn khó khăn gấp bội, vì 2 người đứng đầu cũng là Ủy viên Trung ương cả. Rất khó, nhưng với quyết tâm chính trị cao, chúng ta đã làm.
Ông Phạm Minh Chính cho biết.
Giờ đây, sau gần 10 năm nhìn lại, thấy quyết sách sáp nhập Hà Tây và Hà Nội là “đúng đắn, thành công, hiệu quả”, mở ra không gian cho sự phát triển cho cả Hà Nội cũng như Hà Tây cũ. Mọi khó khăn lúc đầu đặt ra đến nay cũng đều được giải quyết.
Sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, vậy xã, phường thì sao không làm được? Hà Tĩnh hiện nay đang sáp nhập thôn bản. Hòa Bình đang nghiên cứu nhập xã và ở một số nơi đang nghiên cứu sáp nhập huyện. Sáp nhập được là sẽ giảm ngay đội ngũ cán bộ, biên chế, giảm chi ngân sách... Hà Tây sáp nhập Hà Nội là bài học thành công sống động. Khó mấy cũng làm được, nếu điều đó là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn xã hội, 
Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Rõ ràng, khi có một chủ trương mới, tất cả cùng làm quyết liệt, song kết quả lại thất bại thì phải xem lại cách làm và sự quyết tâm của những người đứng đầu.

12 nhận xét:

  1. Tinh giảm biên chế, thu gọn đầu mối mà tổng kết lại vẫn tăng thì cơ làm sao. Cơ quan tổ chức nào cũng nói là siết chặt biên chế, siết chặt đầu vào, thậm chí là siết chặt tuyển sinh của chuyên ngành đó những suy cho cùng cũng không thể làm cho bộ máy nhỏ bớt đi, thậm chí còn cồng kềnh hơn. Họ tìm mọi cách để nhồi nhét con em họ vào những vị trí ngon, thậm chí những người làm không đúng chuyên ngành, không có chuyên môn và kinh nghiệm cũng nghiễm nhiên được tuyển chọn. Vậy thì làm sao bộ máy hành chính của chúng ta không tăng cho được?

    Trả lờiXóa
  2. Tinh giảm gì đâu, cứ thử mang một cơ quan công quyền nhỏ nhất là Phường ra thôi cũng thấy không thiếu kẻ có tên mà không có việc làm

    Trả lờiXóa
  3. Trước năm 2000, cấp xã chỉ có 19 cán bộ được biên chế, nay tăng lên 24 biên chế .Thêm 01 Văn phòng Đảng ủy (trước đây Văn phòng UBND kiêm); thêm 01 cán bộ tài chính - ngân sách (trước đây chỉ có 1); thêm 01 cán bộ Tư pháp (trước đây Phó công an kiêm); thêm 01 cán bộ Địa chính(trước đây chỉ có 01); thêm 01 cán bộ Thương binh xã hội (Trước đây xã đội trưởng kiêm. Khi chưa tăng biên chế, mọi việc vẫn suôn sẻ, nay tăng cũng vậy. chỉ thêm người đến công sở trà nước. Theo tôi cấp xã chỉ cần 13 biên chế như thời kỳ trước năm 1986. Nhiều công việc có thể kiêm nhiệm được như: Phó chủ tịch xã kiêm Công an, tư pháp; xã đội kiêm công tác Thương binh - xã hội, chữ thập đỏ; Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch MTTQ; Văn phòng UB kiêm VP Đảng ủy v...v. Hiện nay Đảng đã có Nghị quyết về tinh giản biên chế, đề nghị các cấp phải làm ngay để thực hiện nghiêm NQ của Đảng.

    Trả lờiXóa
  4. Rõ ràng, khi có một chủ trương mới, tất cả cùng làm quyết liệt, song kết quả lại thất bại thì phải xem lại cách làm và sự quyết tâm của những người đứng đầu.

    Trả lờiXóa
  5. Nếu không tinh giản biên chế thì rất khó cải cách tiền lương. Khi đã có tiềm lực kinh tế, Nhà nước có quyền lựa chọn người tài thực sự để làm việc phục vụ hệ thống, phục vụ nhân dân… khi đó mới mong đất nước có sự chuyển mình. Chứ giờ tiền ngân sách chỉ để chi trả tiền lương cũng đang chật vật rồi.

    Trả lờiXóa
  6. Ai cũng thấy hệ thống thang bảng lương phức tạp và lạc hậu, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập còn nhiều bất cập; chính sách tiền lương của cơ quan Nhà nước chưa thỏa đáng, thế nhưng ai cũng tìm cách để có một chân trong cơ quan Nhà nước. Đội ngũ những người ăn bám, ký sinh vào hệ thống cơ quan Nhà nước để gây khó cho người dân, doanh nghiệp vì thế mà cũng gia tăng. Chắc hẳn đằng sau đó còn có gì đấy mà chúng ta không biết thôi

    Trả lờiXóa
  7. Rất nhiều dự án, công trình, công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước đều có tình trạng thất thoát, thua lỗ kéo dài, nhưng tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước lại quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo tôi không ‘ôm’ doanh nghiệp nhà nước, sáp nhập còn 15 bộ, thế là bộ máy nhà nước giảm nửa rồi

    Trả lờiXóa
  8. Vào nhà nước là chắc chân rồi. Sáng mở mắt ra là có tiền rồi. Nên người ta thi nhau vào nhà nước. Muốn thanh giảm thì ai kí tuyển dụng để phình ra phải chịu trách nhiệm. Rõ ràng thực hiện sai, không hoàn thành nhiệm vụ phải bị xử lý chứ. Hỏi rằng đã ai bị xử lý chưa? Sai không xử thì nhờn. Bảo sao bao nhiêu chủ trương đề ra hiệ quả không cao thậm chí không hiệu quả. Nói cho hay rồi đâu vẫn thế, không chuyển biến là hiện tượng phổ biến. Nếu thực hiện nghiêm thì đối tượng 5c không đủ xếp nên họ cố tình cho " phình".

    Trả lờiXóa
  9. Chúng ta chưa loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức yếu kém, không có năng lực, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Thực tế có quá nhiều đơn vị gặp tình trạng 1 người làm việc “gánh” 2-3 người ngồi chơi. Sở dĩ có tình trạng càng giảm càng phình là do tình trạng nể nang, lợi ích nhóm nên vô cùng khó để cắt giảm.

    Trả lờiXóa
  10. Để có một bộ máy kiến tạo như mong muốn của Thủ tướng, tôi đề nghị xóa bỏ hình thức biên chế trong sử dụng lao động . Và thay nó bằng hình thức hợp đồng. Và xin cám ơn Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo đã tiên phong trong việc này sau đó là đến các bộ ngành nôi trường, công an, quốc phòng an ninh, cũng như xem xét lại việc điều hành các tập đoàn kinh tế nhà nước nữa

    Trả lờiXóa
  11. Nghịch lý biên chế càng tinh giản lại càng phình to. Nghị định về tinh giản biên chế ban hành 2007, vậy mà tới nay cán bộ, công chức từ trung ương tới huyện không những không giảm mà còn tăng 42.000 người; cán bộ công chức cấp xã tăng 14.000 người. Cái sự ổn định nó làm thui trột đi sự năng động, phấn đấu. Nếu còn giữ biên chế thì không phát triển nổi đâu

    Trả lờiXóa
  12. Phải làm mạnh tay từ trên xuống. Không thể cứ nói một đàng làm một nẻo, bảo giảm mà lại tăng, vậy thì điều hành, chỉ đạo cái gì? Mà lại cứ họp tới họp lui... Chẳng qua là đấm vào không khí mãi sao? Đã mười năm từ 2017 đến nay rồi, càng ngày càng thấy người việt nam ta càng trì trệ.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog