"Gửi anh Vũ Minh Hiếu" (thư ngỏ tới sư trụ trì chùa Ba Vàng ở Uông Bí)
Thư ngỏ gửi trên mạng xã hội, mà một trong ba người kí tên ở dưới hiện là quân số ban lãnh đạo của PVN. Nói tắt dạng dân gian là "người của dầu khí". Địa chỉ nhận là nhà sư trụ trì chùa Ba Vàng đã nhắc hôm trước.
Ở đây, nhóm tác giả bức thư sử dụng thế danh, mà không phải là pháp danh.
Chép nguyên từ Fb Đinh Thiện Huy. Bản lên ngày 4/1/2018.
Đinh Thiện Huyさんが写真2件を追加しました。
Kính thưa các vị Thủ nhang, Đồng Đền.
Kính thưa các đệ tử của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Kính thưa Quý vị yêu mến tín ngưỡng thờ Mẫu
Ông Trần Quang Dũng - Phó Chủ tịch Hội di sản văn hoá Thăng Long và nhóm tác giả cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ - Chốn Thiêng nơi cõi thực” đã gửi Thư ngỏ đến anh Vũ Minh Hiếu (tức Thích Trúc Thái Minh)
Kính mời Quý vị xem và share để mọi người, mọi nhà hiểu rõ về tín ngưỡng và Đạo giáo Việt Nam.
Trân trọng.
***
Hà Nội, ngày 4 tháng 1 năm 2018
Gửi anh Vũ Minh Hiếu!
“Chân như đạo Phật nhiệm màu,
Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân.
Hiếu là độ được đấng thân,
Nhân là vớt hết trầm luân mọi loài.”
Câu kể hạnh của các cụ bà ngân nga trong ngày hội chùa quê thủa nào đã gieo vào lòng chúng tôi ánh sáng nhiệm màu của Phật Pháp. Ánh sáng ấy vừa lung linh, huyền diệu như hào quang khi ông Bụt hiện ra trong truyện cổ tích, vừa gần gũi tựa ánh ban mai đượm hương bưởi, hương cau, dẫn chúng tôi thực hành giáo pháp của Đức Phật trong cuộc sống. Giáo lý của Đạo Phật, ảnh xạ qua tâm thức dân gian thuần Việt, được ông bà cha mẹ nâng niu, và chúng tôi - lại nối đời gìn giữ, noi theo.
Ấy cũng chính là lý do khiến chúng tôi thật băn khoăn, áy náy khi vốn kiến thức Phật Pháp chỉ có vậy, mà lại trao đổi với người có pháp danh Thích Trúc Thái Minh thì quả thực chúng tôi có phần thô lậu. Sau khi xem video tối ngày 31-12-2017, được phát trực tiếp từ ngôi Đại Hùng Bảo Điện - Chùa Ba Vàng, chúng tôi thật sự ái ngại về đạo đức và đạo hạnh của người thuyết giảng trong video đó, càng e ngại nếu có lời với người mang pháp danh Thích Trúc Thái Minh thì sẽ làm tổn hại sự tôn nghiêm của các bậc chân tu trong hàng Thích tử. Vậy nên đành gọi anh bằng cái tên của một công dân Việt Nam - Vũ Minh Hiếu!
Trước tiên, chúng tôi bày tỏ sự trân trọng đối với Chùa Ba Vàng - một công trình Phật giáo thuộc hàng lớn nhất nước ta hiện nay, được chung tay góp sức xây dựng bởi sự hằng tâm, hằng sản của chư tăng, Phật tử và nhân dân. Chúng tôi cũng có thấy những ánh mắt của rất đông Phật tử, nhìn họ thật sáng rõ một tấm lòng kính Phật, trọng tăng, cầu giải thoát. Về tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, cũng cần nói thêm, mặc dù điều này anh đã rõ, là hầu hết các đệ tử của tín ngưỡng cũng đồng thời là Phật tử. Đặc biệt, Đức Thánh Mẫu Thần chủ của tín ngưỡng - Ngài cũng quy y Phật Pháp.
Thứ đến, chúng tôi nghe anh so sánh tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ với tôn giáo mà thấy thật buồn. Tín ngưỡng hay tôn giáo, so sánh về giáo lý, luật lệ, lễ nghi, tổ chức… chỉ nên là để phân định tương đối hai khái niệm, chứ không nên tuyệt đối là để phân cao - thấp, hay hạ thấp một tín ngưỡng dân gian được ông cha gìn giữ, trao truyền qua bao thăng trầm của lịch sử. Ở Việt Nam chúng ta trước đây, trong giao tiếp cũng như các văn kiện của Đảng và Nhà nước, chỉ dùng khái niệm “tín ngưỡng” với ý nghĩa bao gồm cả tín ngưỡng và tôn giáo (ví dụ Hiến pháp năm 1946 quy định: tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân).
Thứ nữa, trải mấy trăm năm các ngôi chùa cổ Bắc bộ đều kết cấu tiền Phật - hậu Mẫu, chùa quê chúng tôi điện thờ Mẫu tuy nhỏ mà còn có cả sắc phong của triều đình phong kiến đối với Đức Thánh Mẫu. Hòa thượng Linh Phong - bậc cao tăng thạc đức, chắc anh có biết, khi gieo duyên lành dựng Phật đường ở Vũng Tàu, Bà Nà - Đà Nẵng,… Ngài cũng không quên dựng ngôi bảo sở phụng sự Đức Thánh Mẫu và đình thần Tứ phủ. Nếu anh không phải là người sinh ra ở vùng quê văn hiến, chúng tôi cũng sẽ không dẫn những chuyện này.
Nhắc thế để anh tĩnh tâm ngẫm ngợi, thấy được Chư Tổ từ xa xưa thông tuệ lắm, dày công lắm để đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc. Và ngày nay, rất rất nhiều ngôi chùa của Việt Nam có thờ Mẫu, ở những nơi đó, các vị trụ trì hẳn chẳng bao giờ chấp nhận ai đó dùng lời lẽ dung tục để đánh giá, nhận xét, hay xúc phạm tín ngưỡng linh thiêng của dân tộc. Đức Phật từ bi cứu độ chúng sinh, chúng tôi kính tin rằng Ngài cũng không mong những lời như thế!
Cuối cùng, cho đến tận những dòng này, chúng tôi vẫn không thôi trăn trở về cách xưng hô với anh. Chúng tôi biết anh có sự nghiệp học hành “đáng nể”, lại lánh đời tầm sư học đạo, nghĩ cũng lắm công phu. Vậy mà khó hiểu là anh lại gọi trống không tôn hiệu của Đức Thánh Mẫu Thần chủ. Người trần tục khi réo tên bố mẹ người khác, cũng là mạo phạm lắm, huống chi đây là Mẹ tâm linh - Thần chủ tín ngưỡng nội sinh của dân tộc, được thế giới vinh danh. Thiết nghĩ, anh lúc đó - phải chăng là do “oan gia trái chủ”? Hiểu biết của anh về tín ngưỡng và cách mà anh “đem trí đoản lạm bàn chuyện Tiên Thánh”, chính là nguyên nhân của sự phản đối mà anh đã nhận được, không chỉ từ các thanh đồng, đạo quan, con cái Tứ phủ, mà còn từ cả các vị tu hành. Mong anh sớm tỉnh cơn mê quay về bờ Giác!
Cũng nhân đây, chúng tôi xin có lời với chư vị thanh đồng, đạo quan, con nhang Tứ phủ và những người trân quý tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Chúng tôi đã trao đổi với cơ quan chức năng có thẩm quyền và được thông tin rằng, lẽ phải sẽ sớm đến. Cho đến thời điểm này, việc đi sâu vào các hành động, lời nói của sự việc đã diễn ra, cuối cùng chỉ càng làm chúng ta thêm đau lòng và không khéo sẽ chia rẽ đoàn kết tôn giáo, tín ngưỡng. Bởi thế, điều quan trọng hơn cả là nén tâm, bình tĩnh, chung sức, đồng lòng bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ mà cha ông bao đời gìn giữ, trao truyền cho chúng ta ngày hôm nay.
Nguyện cầu Phật Pháp trường tồn, tín ngưỡng Tứ phủ hưng long, chúng nhân cát khánh!
***
Trần Quang Dũng, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Lê Khánh Ly, Nhà báo
Nguyễn Long Hưng, Nhiếp ảnh gia — with Nguyễn Long Hưng and 5 others
https://www.facebook.com/gialong.dinh/posts/1984616111552478
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét