Vi Phạm Quyền Tự Do Cá Nhân
Bộ Quy Tắc Ứng Xử Hà Nội
Hoàng Hữu Phước, MIB, Chuyên Gia Human Resources/Human Capital
27-12-2016
A) Báo Chí Và Giới Tinh Hoa Việt Nam
Chính quyền Hà Nội vừa ban hành Bộ Quy Tắc Ứng Xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.
Ngay lập tức, đã có những phản xạ trên một số tờ báo thuộc truyền thông đại chúng chính thống cho thấy những phản xạ mang tính vấn nạn có thể liệt kê như sau.
1- Phản Xạ Chống Đối
Gọi là chống đối vì bất cứ khi nào cơ quan chức năng của Chính Phủ Việt Nam như một Bộ nào đó chẳng hạn, hoặc cơ quan chức năng của một địa phương lớn, ban hành một quy định nào đó là ngay lập tức các câu hỏi được báo chí nêu lên theo kiểu chõi lại thay vì chung sức giải thích cho người dân hoặc chí ít làm tỏa lan chủ trương chính sách tân kỳ mà bổn phận báo chí cùng các “viện” lẽ ra đã phải biết đó là nhiệm vụ của riêng mình mà bản thân mình đã ngữa tay nhận tiền lương tháng hậu hĩ để thực hiện mỗi việc giản đơn ấy. Đặc biệt dưới tác động của độc tố mang tên tự do dân chủ nhân quyền phiên bản Mỹ Âu BSE (bovine spongiform encephalopathy) thì kiểu nêu tương tự như “…liệu có vi phạm quyền tự do cá nhân của mỗi công dân?” là thứ mang bản chất của sự xách động chống đối cực kỳ quen thuộc của báo chí chính thống Việt Nam nhằm tạo nên một phản ứng tự nhiên nơi độc giả mỗi khi nghe nói có quy định bất kỳ, dẫn đến phản ứng chống đối tự nhiên nơi độc giả đối với Chính phủ và chế độ như một tập thể chỉ biết sản sinh những quy định hay luật lệ thuộc hạng tồi, kém, vất đi.
2- Phản Xạ Công Thức
Gọi là công thức vì ngay lập tức phóng viên sẽ chạy đến – hoặc phone đến – những vị mà tên của họ đã sẵn có trong danh bạ “việc nào thì phỏng vấn ai” chẳng hạn luât sư nào, nhà sử học nào, nhà giáo nào, nhà văn nào, v.v., đến độ độc giả thì phát ngấy với những cái tên nhàm chán của giới tinh hoa vô dụng được báo chí tinh chọn từ số người tinh quái nhất song kém tinh túy nhất, nhưng tờ báo thì phát phì vì có bài vỡ lấp đầy chỗ trống. Thậm chí có nhiều lúc phỏng vấn bất kỳ ai miễn “cùng phe” nên hoàn toàn không có chút chất lượng nào trong các mẫu đưa tin có kèm phỏng vấn.
3- Phản Xạ Kiến Thức Zero
Thay vì cung cấp cho độc giả những lý giải sâu sắc, báo chí chỉ giáng thêm những câu hỏi, và bồi thêm những câu trả lời của những đấng tinh hoa mà những câu trả lời ấy hòa âm điền dã với câu hỏi của báo chí khiến câu hỏi – nếu có, hoặc bị báo chí khuấy động lên thành có – của độc giả từ giản đơn trở thành vấn đề. Sự việc của Bộ Quy Tắc Ứng Xử của Hà Nội vốn là điều cực kỳ bình thường của thế giới tư bản văn minh hiện đại lại trở thành lỗ hổng kiến thức của báo chí và của giới tinh hoa nào chấp nhận trả lời phỏng vấn của báo chí ấy theo hướng mà báo chí uốn nắn, biến cả báo chí cùng cơ quan của giới tinh hoa “Viện” Việt trở thành loại tầm thường không có kiến thức – tức kiến thức bằng không tức kiến thức zero – vì tất cả các cơ quan từ nhà nước đến công ty dù lớn dù nhỏ của tư nhân trong thế giới tư bản văn minh toàn cầu đều có Bộ Quy Tắc Ứng Xử và Quy Định Trang Phục nghiêm túc nghiêm minh nghiêm khắc và nghiêm nhặt để nâng tôn giá trị của chính mình và có thêm công cụ pháp lý trong đối nội và đối ngoại.
Sự thiếu vắng của các Bộ Quy Tắc Ứng Xử – vốn tương đương với cái gọi là Bộ Quy Tắc Đạo Đức Làm Việc – ở các cơ quan báo chí chính thống Việt Nam đương nhiên giúp lý giải cho (a) việc vì sao họ không hề đánh giá cao cái Bộ Quy Tắc Ứng Xử của Chính Quyền Hà Nội, (b) vì sao các cơ quan truyền thông này vẫn chưa thể sánh vai với các cơ quan truyền thông Âu Mỹ về uy tín và “đạo đức”, và (c) sự vô đạo đức và/hoặc bất chuyên nghiệp và/hoặc vô chuyên môn của các nhân sự của họ từ tổng biên tập cho đến phóng viên lại quá hiển nhiên lồ lộ trơ trẻn đến trần truồng.
B) Thế Nào Là Quy Tắc Ứng Xử Code of Conduct
Khi nói nghiêm túc nghiêm minh nghiêm khắc và nghiêm nhặt, có nghĩa là có sự phân định rạch ròi rõ ràng y như đối với “miễn thuế” và “thuế suất bằng không” vì bản thân hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau trong hoạt động xuất nhập khẩu, không dính dáng với nhau – nghĩa là ngay cả khi có sự thoáng cực kỳ thì vẫn phải ghi rõ nội dung chi tiết của và lý do cho cái sự thoáng cực kỳ ấy trong bộ Quy Tắc Ứng Xử và Quy Định Trang Phục của đơn vị, cơ quan, công ty, tổ chức.
Thế thì nếu lãnh đạo báo chí chính thống của Việt Nam và các vị ở “viện” của Việt Nam vốn đều đi nước ngoài như đi chợ Đồng Xuân, có bằng cấp cao cấp lý luận chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam, có bằng cấp nước ngoài, lại không biết gì về Code of Conduct và Dress Code của ngôi trường mà các vị ắt đã có đến “nhận” bằng cấp, các cơ quan hàn lâm mà quý vị ắt đã có đến họp hành “công vụ” bằng tiền thuế của nhân dân, nên phát biểu linh tinh trật lấc về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Hà Nội thì ắt các vị ấy thuộc một hoặc hơn một những loại sau: (a) học viên mất nết vô kỹ luật đi chơi nhiều hơn đến lớp nhưng chưa từng bị kỹ luật vì học viện ngoại chuyên cấp văn bằng “hữu nghị” cho “chức sắc tiềm năng làm lãnh đạo” của Việt Nam, (b) học viên đút đầu vào học viện đầu hàng chẳng thuộc danh mục các học viện/đại học hàng đầu, (c) học viên học quá giỏi nên chỉ được chui đầu vào thực tập tại cơ sở hạng tai tiếng đầu hàng tức không thuộc danh mục các cơ quan/công ty danh tiếng hàng đầu.
Đã không đủ khôn ngoan che dấu sự thấp kém của mình, thay vì ngậm tăm đừng phê phán gì về “Quy Tắc Ứng Xử của Hà Nội” lại phô trương cái thấp kém đó trên mặt báo khiến di họa cho giới trẻ Việt Nam, các vị đã buộc tác giả bài viết này phải cứu nguy xã tắc bằng cách làm phiền những bậc thức giả khi diễn giải dài dòng các vấn đề cực kỳ sơ đẳng sau mà tất cả các bậc thức giả thực thụ của giới tinh hoa thực thụ đều đã tường tỏ vì đã thực sự “có đi làm việc đàng hoàng”, trong khi tất cả những ai đã thực sự “muốn đi làm việc đàng hoàng” đều đã tỏ tường từ lúc còn ở nhà trường.
1- Nội Dung Quy Tắc Ứng Xử Code of Conduct ở Âu Mỹ
Tại mỗi công ty/cơ quan/tổ chức, Bộ Quy Tắc Ứng Xử tức Code of Conduct (còn được gọi là Code of Ethics hoặc Ethical Code, được phổ biến dưới tên gọi Code of Business Conduct hoặc Governance & Ethics) là bộ quy tắc phải có, không thể tách rời khỏi hoạt động của công ty/cơ quan/tổ chức, nhằm nêu bật các giá trị, đạo đức làm việc, mục tiêu, trách nhiệm, và danh tiếng của cơ quan, xây dựng nên văn hóa cơ quan, cũng như phản ảnh phong thái làm việc của công ty/cơ quan/tổ chức ấy.
Các công ty/cơ quan/tổ chức khi đề ra một Bộ Quy Tắc Ứng Xử là nhằm để nhân viên/viên chức/công chức quán triệt các kỳ vọng của lãnh đạo đối với tập thể nhân lực, cùng những chuẫn mực về phong cách làm việc mà tập thể phải bảo đảm đạt được trong làm việc hàng ngày tại công ty/cơ quan/tổ chức và tại bất kỳ đâu dưới danh nghĩa nhân lực của công ty/cơ quan/tổ chức, đồng thời cung cấp cho nhân viên những hướng dẫn phải xử trí ra sao trong những tình huống đạo đức nhất định.
Việc tham khảo các Code of Conduct của các công ty quá lớn như Roche, Kraft, Verizon, Colgate-Palmolive, Baylor, Johnson&Johnson, Boeing, hoặc của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (tuân thủ ICoCA), và của bất kỳ công ty quá nhỏ nào của Âu Mỹ, là cần thiết cho các lãnh đạo cơ quan/doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân nào ở Việt Nam chưa từng nhận biết về tầm quan trọng đối nội và đối ngoại của một Code of Conduct (không thể được đối tác nước ngoài xem trọng nếu bản thân đơn vị thiếu vắng Code of Conduct minh định chi tiết trên trang web và trong brochure của đơn vị) để hiểu biết thêm về quan niệm chung và khác của các công ty/cơ quan/tổ chức ấy, từ đó nắm bắt được những yếu tố trọng tâm nào được đưa ra làm kim chỉ nam cho lĩnh vực hoạt động và dịch vụ, tính liêm chính của từng cá nhân, sự liêm chính của công ty/cơ quan/tổ chức, quy trình tuyển dụng, tài sản công ty, tinh thần trách nhiệm, những tiêu chuẩn hành xử thích hợp đối với cơ quan/đối tác của cơ quan/khách hàng của cơ quan/các nhân viên khác của cơ quan, và sự tuân thủ toàn vẹn với ý thức rằng các hành xử khác đi sẽ ảnh hưởng không những đến hình ảnh cơ quan mà còn cả đến sự nghiệp của nhân viên tại cơ quan, toát lên từ Code of Conduct còn mạnh mẽ hơn những lời quảng cáo phóng đại đầy tốn kém trên truyền thông.
Các Code of Conduct có khi chỉ dài 1 trang giấy khổ A4, có khi đến gần 20 trang, nội dung có thể nêu cả – song không chỉ giới hạn bởi – các vấn đề như quan hệ trung thực với nhà cơ quan nhà nước, tôn trọng môi trường, minh bạch sổ sách và báo cáo, không đem bí mật kinh doanh nội bộ ra giao dịch với bên ngoài, quan hệ với đồng nghiệp/công ty/khách hàng/cơ quan Nhà Nước/luật pháp/xã hội. Code of Conduct còn quy định cách ứng xử của cá nhân các lãnh đạo cơ quan đối với nhân sự cơ quan và các nội dung khác tương tự như những gì nhân viên phải tuân thủ, khiến chặn ngăn các hành vi không phù hợp và buộc lãnh đạo phải chịu trách nhiệm quản lý nhân sự tuân thủ Code of Conduct. Khi công ty/cơ quan/tổ chức phát triển mạnh, Quy Tắc Ứng Xử tức Quy Tắc Đạo Đức Trong Làm Việc của công ty/cơ quan/tổ chức có thể được được lồng ghép vào trong các thông điệp hoành tráng về sứ mệnh và giá trị của mình.
2- Vấn Đề Nước Ngoài
Nhân viên khi được tuyển dụng sẽ được yêu cầu nghiên cứu Code of Conduct của cơ quan và được yêu cầu ký tên xác nhận đã đọc và cam kết tuân thủ, biến chữ ký đó thành văn bản thỏa thuận được trữ lưu trong hồ sơ nhân sự mang tính ràng buộc pháp lý giữa người sử dụng lao động và cá nhân người lao động, dựa vào đó các hình thức kỹ luật và/hoặc các biện pháp kiện tụng ra tòa án được tiến hành.
3- Vấn Nạn Việt Nam
Sự thiếu vắng các Bộ Quy Tắc Ứng Xử tức không có bất kỳ sự cương tỏa nào minh bạch hóa minh định hóa trong nội bộ các công ty/cơ quan/tổ chức ở Việt Nam, đã làm phát sinh 7 vấn nạn thường thấy như (a) tác phong phục vụ khách hàng kiểu ta-là-chúa còn khách-hàng-là-hành-khất, (b) khẩu ngữ trong phục vụ khách hàng kiểu ban-ơn-mưa-móc hay thí-cô-hồn, (c) khẩu ngữ trong sinh hoạt nội bộ như bác/cháu/em/anh Hai/chị Tư luông tuồng phi chuyên nghiệp, (d) tác phong làm việc gia-đình-trong-công-sở, (e) nhận thức xem danh tiếng của công ty/cơ quan/tổ chức là vấn đề vĩ mô của công ty/cơ quan/tổ chức mà mình không phải là ốc vít trong guồng máy ấy, (f) tính quan liêu, (g) sự bất minh/bất liêm/bất chính/vô văn hóa đơn vị/vô giá trị cơ quan ở từ cấp lãnh đạo cho đến nhân viên.
Với tính cách trên-dưới của quyền lực quản trị cơ quan/doanh nghiệp Nhà Nước/tổ chức luôn kèm theo quyền lực chính trị – nghĩa là chỉ có đảng viên cấp cao mới được bổ nhiệm quản trị cơ quan/công ty/tổ chức – việc có một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trở thành điều bất khả thi do giới lãnh đạo – và giới “con ông cháu cha” – không chịu để mình bị kềm tỏa bởi cái gọi là Bộ Quy Tắc đầy minh bạch và quá cụ thể ấy.
Vấn nạn còn ở chỗ:
a) Ngay cả truyền thông chính thống lại tự hỏi không rõ Bộ Quy Tắc Ứng Xử Hà Nội có “vi phạm quyền tự do cá nhân”, mà không hiểu rằng trong thế giới văn minh Âu Mỹ thì cái quyền tự do cá nhân chỉ được thực thi ở trong nhà riêng, trong cộng đồng riêng, và khi chẳng đang làm việc không riêng. Làm việc tại cơ quan là làm việc riêng ư? Đi bộ ngoài đường là sinh hoạt riêng trong cộng đồng riêng nên muốn ăn mặc sao cũng được mà không cần đếm xỉa đến người xung quanh ư? Ngay cả người xứ “mọi” cũng không ai phát biểu như truyền thông chính thống Việt Nam đối với Bộ Quy Tắc Ứng Xử Hà Nội.
b) Trong khi đó một tên giáo sư nguyên viện trưởng một viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam lại khuyên nên xem Bộ Quy Tắc là “phần cứng” để “ai có điều kiện, có thể theo được thì cứ theo, còn nếu ai vì lý do nào đó mà không theo được, thì có thể dùng những quy tắc ấy để tham khảo”. Giống như một nhà sử học Việt Nam vừa không bao giờ có kiến thức về thế giới sử và các ngành sử đặc thù đầy dẫy ở các nước văn minh Âu Mỹ, vừa chẳng làm nên trò trống gì để phát triển môn Sử ở Việt Nam và tỏa lan môn Sử ấy ra khắp bốn bể năm châu, viện nghiên cứu văn hóa Việt ắt cũng vừa không bao giờ có kiến thức về tương quan văn hóa thế giới và các ngành văn hóa đặc thù đầy dẫy ở các nước văn minh Âu Mỹ, vừa chẳng làm nên trò trống gì để phát triển văn hóa Việt Nam và tỏa lan văn hóa Việt Nam ấy ra khắp năm châu bốn bể.
Quy tắc là để hoặc tuân theo hoặc bị trừng phạt nếu vi phạm (kỹ luật, sa thải hoặc tù tội).
Quy tắc không là thứ chỉ để tham khảo mà là thứ phải thuộc nằm lòng để tồn tại và phát triển cá nhân.
Quy tắc là sức mạnh của đơn vị.
Ông nguyên viện trưởng đã làm viện trưởng vì đi ngang đi tắt vô bài bản, bất chuyên nghiệp, kiểu đang áp dụng ở Ban Quản Lý Tây Nam Bộ nên ăn nói nghô nghê thất học về “phần cứng”.
C) Thế Nào Là Quy Định Trang Phục Dress Code
1- Khách Hàng:
Một trong những nội dung của bất kỳ Bộ Quy Tắc Ứng Xử nào là nâng lên cao nhất vị trí của “khách hàng” như một thứ đạo đức cao nhất của làm việc (business = làm việc, kinh doanh, v.v.).
Khách hàng bao gồm: khách hàng theo nghĩa đen và khách hàng theo nghĩa bóng.
Theo nghĩa đen, khách hàng là bất kỳ ai sử dụng dịch vụ của mình, cung cấp hàng hóa/dịch vụ cho mình, mua hàng hóa của mình.
Theo nghĩa bóng, khách hàng là bất kỳ ai tìm đến mình, và với ý nghĩa này thì lãnh đạo của mình, đồng nghiệp của mình cũng đều là khách hàng của mình.
Khách hàng là vua. Vì thế, khi tiếp khách hàng thì mình phải cúc cung tận tụy y như nhau dù đó là lãnh đạo của mình, đồng nghiệp của mình, nhân viên cấp dưới của mình, hay khách đến từ bên ngoài.
Do khách hàng là vua, sự cúc cung tận tụy của mình là chính, và trang phục của mình là quan trọng. Đó là lý do Bộ Quy Tắc Ứng Xử – nếu không có Bản Quy Định riêng và rời về trang phục gọi là Dress Code – sẽ kèm theo các nội dung liên quan đến trang phục.
2- Đừng Đùa Với Lửa Dress Code:
Vào Tháng 7 năm nay, tại Anh Quốc, biên tập viên Lauren Tuck của Yahoo! Stylecó đưa tin về việc một nhóm nữ sinh viên thực tập bị đuổi khỏi nơi thực tập vì vi phạm Dress Code. Họ bị triệu tập vào phòng nhân sự, được yêu cầu phải nộp lại ngay thẻ ra vào (ID badge), thu dọn hết đồ đạc cá nhân, rồi rời khỏi khuôn viên công ty ngay lập tức.
Khi các nữ sinh này biện minh rằng họ đâu có được phân công tiếp khách hàng nên sao lại bó buộc phải tuân theo Dress Code, và sở dĩ họ mang dép đi làm dù biết Dress Code cấm, là vì họ thấy có một bà nhân viên cũng đi dép. Câu trả lời của lãnh đạo dành cho họ là: (a) nếu hiểu “khách hàng” chỉ là người từ bên ngoài đến thì rõ ràng các nữ sinh này không chuyên nghiệp và việc đào tạo ở đại học có khiếm khuyết, và (b) bà nhân viên ấy là cựu chiến binh bị mất một chân khi phục vụ quân đội Anh ở nước ngoài nên được ưu tiên mang bất kỳ loại giày dép nào có thể giúp người nhân viên khuyết tật ấy dễ dàng công tác hiệu quả nhất.
Sau bài blog trên Yahoo, nhiều người đã “comment” rằng công ty ấy đã xử lý thật tuyệt hảo (“the company handled it perfectly”), rằng cuộc sống thực sẽ có nhiều tàn khốc hơn vậy mà không giữ được mình theo các quy định giản đơn đối với trang phục thì phải bị loại thôi, v.v.
Không khuyết tật, không theo tôn giáo đặc thù, dứt khoát đừng hòng giỡn mặt với Quy Định Trang Phục Dress Code của nơi làm việc (“You better not be slacking with the dress code”).
3- Nội Dung Dress Code ở Âu Mỹ: định nghĩa rõ các loại trang phục
Từ sau những năm 1990, nhân viên ở Mỹ không còn được yêu cầu mặc trang phục trang trọng (formal attire) khi đến cơ quan làm việc, một phần do biến đổi khí hậu làm những tháng hè thêm oi bức, một phần do phát sinh những ngành nghề như công nghệ thông tin (mà sự giao tiếp với khách hàng – nội bộ và từ bên ngoài – gần như bằng không, và yêu cầu công việc đòi hỏi nhân viên ngồi tại chổ với máy vi tính suốt thời gian) và thị trường chứng khoán vốn liên tục tranh giành sôi động trên thực địa, v.v. Song, như đã nói, đã là nơi làm việc chuyên nghiệp thì không thể thiếu Dress Code; do đó, các loại trang phục được định nghĩa rõ hơn để phân định giữa nội hàm cho phép và không cho phép, bất kể Dress Code có thoáng hay không, khiến một thứ “trang phục trang trọng formal attire” duy nhất của ngày trước thì nay được phân biệt thật chi tiết chẳng hạn đối với nam nhân viên thành:
a) Trang Phục Dạo Phố Dân Sự (Street Wear): như áo thun ba lổ bỏ ngoài, quần đến gối, dép hay sandal. Cấm mặc khi đi làm.
b) Trang Phục Thường Nhật Dân Sự (Casual): như áo thun tay ngắn bỏ trong, quần dài, giày thể thao. Cấm mặc khi đi làm.
c) Trang Phục Thường Nhật Nhân Viên (Mainstream Casual): áo sơ mi dài tay bỏ trong, quần tây dài vải thường, giày tây thoải mái.
d) Trang Phục Công Sở Bình Thường (Business Casual): áo sơ mi dài tay màu sáng hoặc sọc, bỏ trong, không cravat, quần tây dài, áo khoác jacket (không cùng màu với quần), giày tây. Đây là nội dung được ghi rõ nhất vì “bình thường” nghĩa là “bình thường để làm việc chuyên nghiệp” chứ hoàn toàn không có nghĩa là “bình thường bình dân vui chơi” thành áo có hình hoa văn màu sắc lòe loẹt theo kiểu thổ dân Hawaii hoặc đi dép lê khi đứng báo cáo, thuyết trình.
e) Trang Phục Công Sở Tươm Tất (Smart Business Casual hoặc Executive Casual): áo sơ mi dài tay bỏ trong, đeo cravat, quần tây dài sậm màu, giày tây đen có vớ đen. Trong các loại “thoải mái tại công sở” (tức “casual”) thì Smart Business Casual thường được giới lãnh đạo thích nam nhân viên mặc hơn là Business Casual ngay cả khi Business Casual được cho phép trong Dress Code.
f) Trang Phục Đối Ngoại (Business Formal hay Business Attire): sơ mi dài tay, bỏ trong, đeo cravat, nguyên bộ veston hai phần (áo “vét” jacket và quần cùng loại vải cùng màu) sậm màu, giày tây đen, nâu sậm hoặc xanh đen, vớ đen.
g) Trang Phục Họp Hội Đồng Lãnh Đạo (Boardroom Attire): sơ mi trắng dài tay, cravat thanh lịch, bộ veston ba phần (áo “vét” jacket, quần tây dài, và áo “ghi-lê” waitcoat), giày tây đen có vớ đen.
h) Trang Phục Dự Lễ Nghi (Black Tie): áo sơ mi tuxedo kết ren ở ngục, thắt nơ đen, nguyên bộ veston ba phần đen, giày tây đen có vớ đen.
Tất nhiên,
– Không nơi làm việc nào chấp nhận cho nhân viên mặc Street Wear hay Casual vào cơ quan làm việc;
– Dress Code tùy cơ quan sẽ ghi rõ cho nam nhân viên được mặc Business Casual (khá thoải mái hơn) hay phải là Smart Business Casual (vẫn thoải mái nhưng trang trọng hơn);
– Dress Code có thể không ghi gì về Business Formal vì đây là trang phục tự động mặc bởi cấp quản lý, tự động mặc bởi dân đối ngoại chuyên nghiệp, và tự động mặc bởi bất kỳ nhân viên nam nào nghiêm túc muốn được thăng tiến.
– Dress Code sẽ không ghi về Black Tie vì văn hóa Âu Mỹ được mặc định là tất cả người nam đều hiểu rằng khi thay mặt công ty dự một lễ nghi trọng đại họ phải mặc bộ Black Tie .
– Dress Code có thể quy định trang phục thế nào trong các ngày làm việc và trong các ngày cuối tuần (“dress down day”) nếu phải làm việc tại công ty. Trong những ngày “dress down day”, các trang phục jeans, giày các loại, đều được cho phép miễn phải lành lặn, nếu công việc không gồm tiếp khách, và phải luôn ghi nhớ rằng áo nữ kiểu “thun dây” (tank/halter tops) và trang phục thun bó chạy bộ jogging dù kiểu nam hay nữ đều không được phép mặc vào làm việc tại công ty trong ngày cuối tuần/ngày lễ nghĩ.
4- Nội Dung Dress Code ở Âu Mỹ: Những Vấn Đề Quan Tâm Chính
Dựa theo các chi tiết nổi bật nhất của Bản Quy Tắc Ứng Xử Hà Nội, những điểm sau như nêu trong các Dress Code ở Âu Mỹ được liệt kê dưới đây cho độc giả Việt Nam tham khảo với lưu ý rằng “khách hàng luôn là vua”:
a- Xâm Mình / Xiên Xỏ Mình (Tattoos & Piercings)
Xâm mình hay xiên mình là một thứ văn hóa mang tính sở thích và tự do cá nhân. Không bao giờ có Dress Code nào lại nghiêm cấm nhân viên xâm mình/xiên mình. Tuy nhiên, Dress Code có quyền quy định nhân viên có xâm mình/xiên mình phải che dấu các xâm mình/xiên mình ấy trong giờ làm việc. Lý do đơn giản: khách hàng là vua, và có thể có những khách hàng không thiện cảm với người xâm mình/xiên mình, có thể có khách hàng có chấn động tâm lý đối với những hình xâm/kiểu xiên đặc thù, và có thể con nhỏ tháp tùng của khách hàng khiếp sợ trước những hình xâm/kiểu xiên đặc thù ấy.
b- Nước Hoa (Perfume & Cologne)
Việc sử dụng nước hoa là một vấn đề quan trọng vì hương nước hoa đậm đặc có thể gây dị ứng khứu giác của khách hàng hoặc đồng nghiệp. Tốt nhất là sử dụng với lượng thật ít hoặc không sử dụng. Các nhà tư vấn Âu Mỹ còn cảnh báo rằng nhà tuyển dụng có toàn quyền từ chối tuyển dụng những ứng viên nào sử dụng nước hoa đậm đặc – thậm chí loại bỏ luôn ứng viên nào sử dụng đúng loại nước hoa mà bạn gái của nhà tuyển dụng đã dùng song người bạn gái ấy đã bội phản gây sốc nơi nhà tuyển dụng ấy – mà không vi phạm pháp luật về “kỳ thị”.
Tương tự, việc trang điểm đậm cũng được khuyến cáo nên tránh vì “khách hàng là vua” chứ không phải “ta đây là thượng đế”.
c- Hở Hang (Too Revealing Skin)
Trong khi có sự thông cảm cho nhân viên làm việc mùa Hè nóng nức không cần phải mặc veston mà chỉ cần mặc áo sơ mi ngắn tay cài đủ khuy, Dress Code lại nghiêm ngặt đối với việc nhân viên ăn mặc hở hang (vai, ngực, bụng, đùi), mỏng manh.
d- Trang Sức (Bling)
Đối với đa số công ty, việc đeo trang sức không là điều không nên, nếu như số lượng vừa phải.
e- Jeans
Dù được dùng trong một số nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp cao như trong các lao động chân tay và các ngành kỹ thuật cơ khí, jeans không bao giờ được chấp nhận đối với những nhân viên ở các chức danh lãnh đạo và đối với nhân viên nói chung tại nơi làm việc trong giờ làm việc. Nói chung, các Dress Code xem mặc trang phục jeans như một điều kiêng kỵ tại nơi làm việc.
f- Trang Phục
Nhăn nheo: Trang phục không được nhăn nheo do không được ủi thẳng thớm vì sẽ được các Dress Code xem như biểu hiện của sự kém chuyên nghiệp của nhân viên, gây ấn tượng nơi khách hàng rằng nhân viên đã không có khả năng giữ cân bằng giữa làm việc và cuộc sống riêng, không quản lý thời gian tốt, không quan tâm đến thẩm mỹ chung, không quan tâm đến cảm nhận của khách hàng, và không quan tâm đến cuộc sống bản thân.
Trang Trọng: Khi dự các buổi hội họp quan trọng, các hội nghị, những triển lãm thương mại, hay gặp gỡ khách hàng, hầu hết công ty nào cũng muốn nhân viên mặc trang phục Business Formal.
Mũ (Headwear): Dress Code có thể quy định nhân viên không được đội mũ tại văn phòng trong giờ làm việc như là fan hâm mộ một đội bóng nào đó. Tuy nhiên, nhân viên là tín đồ một tôn giáo nào đó như nam nhân viên theo Đạo Sikh của người Sikh Ấn Độ có quyền đội turban, hay nữ nhân viên Đạo Hồi có quyền đội hijab, al-amira, shayla, khimar, và chador. Tuy nhiên đối với nữ ứng viên theo Hồi Giáo mang mạng che mặt niqab hay trùm đầu burkas thì cần có giải thích rõ về quy định nhận dạng trên thẻ ra vào nên không thể được chấp nhận để tránh các khiếu kiện kỳ thị tôn giáo chốn pháp đình.
Giày: Dress Code cũng có thể quy định về loại giày, màu giày, cho nam và cho nữ nhân viên khi làm việc tại cơ quan.
D) Giới Trẻ Việt Nam Khôn Ngoan
Giới trẻ Việt Nam khôn ngoan là khi giới trẻ vừa đọc đến đoạn “Đó là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Dù là công chức Nhà nước thì họ cũng là công dân nên họ vẫn phải có những quyền cơ bản của công dân chứ” của một nhà văn nọ có tên trong “cẩm nang tìm người phỏng vấn” của các nhà báo truyền thông chính thống, thì có thể bật nói ngay rằng: “Thôi đi ông! Nhà văn là chuyên gia của thể loại tưởng tượng Fiction, biết quái gì về cuộc sống thực và pháp luật thiệt! Ai muốn thi thố quyền cơ bản của công dân thì hãy thi thố ở nhà, còn vào một công ty là thực hiện chuyên nghiệp nhất một ràng buộc hợp đồng lao động nghiêm ngặt nhất của những công dân trưởng thành trong một thế giới sinh nhai có thật mà các nội quy và quy định chính là quyền cơ bản đặc thù dành riêng cho nhân viên chứ người ngoài đường hoàn toàn không có cái đặc quyền tuân thủ đó.”
Giới trẻ Việt Nam khôn ngoan là khi giới trẻ vừa nghe tin về một quy định nào đó mới được chính phủ trung ương hay chính quyền địa phương ban hành thì hoặc (a) sử dụng kiến thức sẵn có để nghiệm ra tính đúng đắn của các quy định đó, hoặc (b) kiếm tìm ngay các thông tin để so sánh với những tương tự ở nước ngoài, hoặc (c) đề nghị tác giả bài viết này giải đáp thắc mắc.
Giới trẻ Việt Nam khôn ngoan là giới trẻ đã biết rằng không bao giờ có cái “tự ý thức” (qua câu nói của nhà văn lếu láo: “tôi nghĩ bản thân mỗi công chức, viên chức cũng tự ý thức được phải ăn mặc thế nào khi đi làm việc, khi tiếp xúc với công dân cho phù hợp”) tự nhiên có nơi công dân bất kỳ siêu cường quốc nào, mà cái “tự ý thức” đó chỉ có khi “tự ý” tuân theo những quy định cực kỳ nghiêm ngặt sẵn có của quốc gia. Không có các quy định, quy tắc đầy uy lực trừng phạt thì sẽ không tạo ra tâm lý lo sợ vi phạm, không có tâm lý lo sợ vi phạm thì không có tâm lý tuân thủ, không có tâm lý tuân thủ thì không đời nào có tinh thần tự giác. Ý thức không từ trên trời rơi xuống như món quà Trời ban cho người này nhưng keo kiệt không bố thí cho người khác. Ý thức luôn đến từ một vô thức kết tụ từ sự kinh qua trải nghiệm nhuộm màu kinh sợ.
Giới trẻ Việt Nam khôn ngoan là giới trẻ không những không đọc các thông tin “chùa” trên không gian mạng mang tính chống đối mà còn biết miệt thị báo chí truyền thông chính thống nào không thể giải đáp thắc mắc mà chuyên đặt câu hỏi trống không để cùng hòa nhập vào số lượng độc giả nào mà báo chí hy vọng sẽ cùng không hiểu hoặc sẽ cùng không đồng tình – tức cùng chống đối – với các quy định ấy.
E) Đảng Cộng Sản Việt Nam Khôn Ngoan
Chính quyền Hà Nội đã đi đầu trong đề ra một Bộ Quy Tắc Ứng Xử chung của các cơ quan công quyền tại Hà Nội, biến Hà Nội thành thành phố đầu tiên đẳng cấp thế giới về nhận thức đối với tầm quan trọng tự thân của một Bộ Quy Tắc Ứng Xử.
Bộ Quy Tắc Ứng Xử của Hà Nội sẽ thúc đẩy mỗi Sở, mỗi doanh nghiệp Nhà Nước, của Hà Nội tiến đến thành lập các Code of Conduct và Dress Code cho chính mình.
Nếu các Code of Conduct và Dress Code của các công ty lớn nhỏ của Âu Mỹ để gia tăng tính chuyên nghiệp và giá trị của công ty ấy cũng như tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, thì Code of Conduct của Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến trình cải tổ hành chính của Hà Nội, đưa nội hàm bình thường của “Quy Tắc Đạo Đức Trong Làm Việc” trở thành một nội hàm mang tính bình thường, tự nhiên, để rồi sau một thập niên sẽ là thứ vốn có, sẵn có của con người Hà Nội văn hiến văn minh thanh lịch và kỹ luật cao.
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã khôn ngoan khi khuyến khích và chuẩn thuận việc ban hành Bộ Quy Tắc Ứng Xử của Chính quyền Hà Nội, qua đó đã (a) giúp làm lộ diện lỗ hổng kiến thức của giới tinh hoa, (b) giúp làm lộ diện các phản ứng mang tính công thức chung rất vô dụng của báo giới chính thống, (c) giúp toàn quốc trong cả hai khối quốc doanh và tư doanh quan tâm đến thế mạnh tự thân từ Code of Conduct khiến sự đoan chính nhiều và tiêu cực ít trong hoạt động kinh doanh sẽ dần được dựng xây theo năm tháng, và (d) giúp giới trẻ quan tâm đến các giá trị đủ đầy của tính chuyên nghiệp từ các Code of Conduct và Dress Code để trở thành công dân chuyên nghiệp và đạo đức.
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Chuyên Gia Human Resources/Human Capital
Tham khảo:
Hoàng Hữu Phước nói về Công Tác Nhân Sự 27-8-2014
Bài viết rất tuyệt.
Trả lờiXóaĐây là ý kiến rất chuẩn mực.Chỉ nói về trang phục thôi,thì một điều hiển nhiên là một đơn mạnh,khi trang phục của họ cũng phải tuân thủ theo một quy định nghiêm ngặt.Lấy ví dụ quân đội khi có trang phục chính quy,thì ý thức của họ cũng chính quy.Nhìn vào một cơ quan mà nhân viên ăn mặc bát nháo,thì đơn vị ấy cũng sẽ bát nháo.Ông nhà văn nào đó muốn có sự tự do tuyệt đối,nghĩa là tùy vào nhận thức của mỗi người,thì có lẽ ông ấy chỉ sống với rận,chứ vợ con ông ấy cũng phát chán về kiểu cách chẳng giống ai của ông ta.
Trả lờiXóa