Báo Dân Trí
Công trình siêu “khủng” không phép trong di sản Tràng An
Dân trí Quần thể danh thắng Tràng An là vùng cấm, phải giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm hành vi xây dựng trong phạm vi, tuy nhiên một công trình “khủng” đã mọc không phép ngay trong vùng lõi di sản; doanh nghiệp đưa vào khai thác rầm rộ còn chính quyền địa phương thì chỉ biết… đứng nhìn.
Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2016.
Theo quy hoạch chung Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư là vùng cấm và hạn chế xây dựng (kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt), phải giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm mọi hành vi xây dựng công trình trong phạm vi. Trường hợp đặc biệt cần thiết phải trùng tu, tôn tạo hoặc xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích; việc xây dựng phải được sự chấp thuận bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định và điều ước quốc tế có liên quan thuộc quần thể danh thắng.
Công trình đường lên đỉnh núi Huyền Vũ (núi Cái Hạ) Công ty CP du lịch Tràng An xây dựng trái phép tại vùng lõi di sản Tràng An và đưa vào sử dụng từ nhiều ngày qua.
Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, ngay trong vùng lõi di sản này, một công trình “khủng” với quy mô lớn đã ngang nhiên mọc lên không phép. Theo đó, tại khu du lịch Tràng An cổ (xã Trường Yên), Công ty CP du lịch Tràng An đã tự ý khoan núi Cái Hạ dựng cột bê tông, xây bậc thang lên xuống đỉnh núi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, công trình “khủng” được Công ty CP du lịch Tràng An xây dựng (đơn vị khai thác khu du lịch Tràng An cổ) từ tháng 8/2017. Trong vòng khoảng 6 tháng xây dựng, dự án được công ty gọi là đường lên đỉnh Huyền Vũ – nơi vua lập đàn kính thiên, hoàn thành và đưa vào khai thác từ Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay.
Công trình đường lên đàn kính thiên trên đỉnh núi Huyền Vũ (núi Cái Hạ) được doanh nghiệp xây dựng với quy mô lớn, hàng trăm cột bê tông được khoan, dựng trên đá tai mèo, hơn 2.000 bậc thang, hệ thống lan can, được lắp đặt với chiều dài toàn bộ con đường lên xuống là hơn 1km.
Công ty CP du lịch Tràng An đã tự ý khoan đá chôn cột bê tông, lắp đặt bậc thang, hành lang lan can tạo đường lên xuống núi Cái Hạ. Toàn bộ công trình "khủng" này chưa được cấp phép, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
Không chỉ hàng chục tấn bê tông, cốt thép vận chuyển đến xây dựng bậc thang lên xuống làm phá vỡ cảnh quan của khu vực núi Cái Hạ (vũng lõi di sản), Công ty CP du lịch Tràng An còn tự ý xây dựng nhiều hạng mục liên quan đến “đường lên đàn kính thiên” này như: nhà vệ sinh, đền thờ, cầu… Việc làm này đã xâm hại nghiêm trọng đến Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới duy nhất ở Việt Nam.
Ghi nhận của PV Dân trí, dù công trình “khủng” này chưa hoàn thành 100% theo dự tính của công ty, tuy nhiên từ Tết Nguyên đán đến nay lượng du khách đổ về đây tham quan lên đến hàng chục nghìn người. Do công trình không được cấp có thẩm quyền cấp phép cũng như kiểm tra độ an toàn nên nhiều du khách vẫn vô tư phó mặc tính mạng của mình đi theo đường lên núi cao gần 100m để thỏa mãn tính hiếu kỳ.
Được biết, từ tháng 8/2017 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đã rất nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu Công ty CP du lịch Tràng An dừng mọi hoạt động xây dựng công trình vi phạm, đồng thời yêu cầu tháo dỡ nhưng không hiểu sao, đến nay công trình xây dựng trái phép ngay trong vùng lõi di sản vẫn hoàn thành và đưa vào khai thác, bất chấp các quy định của pháp luật và điều ước quốc tế về Quần thể danh thắng Tràng An.
Cảnh quan trong vùng lõi di sản bị phá vỡ, xâm hại nghiêm trọng.
Sở Du lịch Ninh Bình sau khi kiểm tra hiện trạng công trình vi phạm của Công ty CP du lịch Tràng An đã có rất nhiều văn bản báo cáo lên UBND tỉnh Ninh Bình và đề nghị UBND huyện Hoa Lư vào cuộc xử lý những vi phạm của công ty này, tuy nhiên chính quyền địa phương lại chần chừ trong việc dẹp bỏ công trình “khủng” xây dựng không phép.
Trong buổi làm việc với PV Dân trí, một lãnh đạo huyện Hoa Lư bày tỏ quan điểm là huyện rất cương quyết trong việc xử lý công trình vi phạm của công ty CP du lịch Tràng An tại xã Trường Yên và không có chuyện buông lỏng quản lý. Tuy nhiên, tất cả công việc mà UBND huyện Hoa Lư làm được mới chỉ dừng ở mức kiểm tra, nhắc nhở, theo dõi, chưa xử phạt hành chính.
Ngoài ra, chính quyền huyện cũng chưa có bất cứ một động thái nào mạnh tay ngăn cấm việc xây dựng. Vì thế, trong thời gian dài (khoảng 6 tháng) doanh nghiệp đã khoan hàng trăm cột bê tông, lắp đặt hàng nghìn bậc thang lên xuống đỉnh núi, ung dung xây dựng công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng trước sự ngỡ ngàng của người dân, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình.
Nhà vệ sinh được doanh nghiệp xây dựng ngay trên lưng chừng núi làm nhếch nhác Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới "có một không hai" của Việt Nam.
Sở Du lịch Ninh Bình nêu rõ: Việc xây dựng bậc thang lên xuống của Công ty CP du lịch Tràng An là trái phép, vi phạm nghiêm trọng Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) và các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quẩn thể danh thắng Tràng An, vi phạm Luật Bảo vệ rừng.
Được biết, Sở Du lịch Ninh Bình đã nhiều lần có văn bản yêu cầu huyện Hoa Lư xử lý những vi phạm mà Công ty CP du lịch Tràng An đang thực hiện. Bên cạnh đó, Sở này cũng yêu cầu các ban ngành liên quan của tỉnh vào cuộc xử lý dẹp bỏ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng cho vùng lõi di sản nhưng đến nay mọi việc vẫn “án binh bất động”.
Doanh nghiệp không chỉ xâm phạm di sản mà còn phá rừng để thay vào đó là những khối bê tông khô cứng, rác thải nhếch nhác khắp nơi tại khu vực núi Cái Hạ.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Thái Bá
Công trình khủng không có giấy phép này đã làm cho cảnh quan của khu di tích bị xâm hại, mất mỹ quan nghiêm trọng. Không hiểu là Công ty CP du lịch Tràng An tự ý làm vậy là có mục đích gì. Điều đáng nói là UBND huyện Hoa Lư chưa có động thái xử lí vi phạm của công ty trên. Mong rằng các cơ quan ban ngành sẽ sớm vào cuộc, không thể để một di tích văn hóa mang tầm quốc gia bị phá hủy như thế được.
Trả lờiXóaĐể ngang nhiên xây dựng được những công trình khủng như thế này ở ngay một khu di tích nổi tiếng như Tràng An mà lại có dấu hiệu mập mờ không giấy phép như thế này thì nhất quyết doanh nghiệp chủ thâù phải có sự tiếp tay của những quan chức cấp cao đứng đằng sau thao túng, bao che mà cần phải tìm ra cho bằng được nhằm xử lí theo quy định của pháp luật, kỉ luật của Đảng.
Trả lờiXóa