Lãnh sự quán Nga tại Seattle đã được đóng cửa theo yêu cầu của nhà chức trách Mỹ, tuy nhiên, các nhân viên ngoại giao Nga cương quyết không tự hạ quốc kỳ, để mặc cho giới chức Mỹ định đoạt.
Tòa Tổng lãnh sự Nga tại Seattle, bang Washington trong ảnh chụp ngày 26/3. Ảnh: Reuters
Sau khi đóng gói đồ đạc trong ngày làm việc cuối cùng của tuần vừa qua, các nhân viên lãnh sự quán Nga ở Seattle đã tập trung bên ngoài văn phòng, vốn được thuê nằm trong một cao ốc 25 tầng. Họ chụp ảnh lưu niệm cùng nhau, sau đó dỡ bảng hiệu lãnh sự quán trên tường. Theo lệnh trục xuất, các nhân viên ngoại giao Nga được giao thời hạn đến ngày 2/4 phải dọn dẹp xong toàn bộ giấy tờ và các vật dụng khác, để đóng cửa hoàn toàn văn phòng của họ.
Hãng tin RIA cho biết, toàn bộ các giấy tờ, tài liệu sẽ được chuyển tới Tòa Tổng lãnh sự, tức nhà riêng của Tổng lãnh sự Valery Timashov, vốn là tài sản của Nga chứ không phải đi thuê. Từ đây, các tài liệu sẽ được chuyển tới cái phái bộ ngoại giao Nga khác trên khắp nước Mỹ. Nhà riêng của Tổng lãnh sự Timashov cũng sẽ phải dọn sạch, nhưng thời hạn được kéo dài tới ngày 24/4.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định với báo giới rằng, ngay cả khi các nhân viên ngoại giao đã dọn sạch tòa nhà thì quốc kỳ Nga vẫn được treo. "Đó là một quyết định trên nguyên tắc - chúng tôi không hạ cờ. Chúng tôi để lại vấn đề an toàn của lá quốc kỳ cho việc bảo đảm lễ nghi của của các đồng nghiệp Mỹ", ông Antonov nói.
Đại sứ Antonov cũng tiết lộ rằng, các cơ quan tình báo Mỹ đã đổ xô tới chiêu mộ những nhân viên ngoại giao Nga đang đóng đồ chuẩn bị về nước. "Chúng tôi biết họ đã tiếp cận với các nhà ngoại giao của chúng tôi, với các đồng nghiệp của chúng tôi. Những nỗ lực này là nhằm thuyết phục họ hợp tác với các cơ quan đặc biệt của Mỹ", ông Antonov nói. "Tất cả được che giấu bằng những lời hứa tưởng như ngon ngọt, nhưng thực chất vấn đề thì vẫn vậy: họ đang được mời hợp tác vì lợi ích của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ".
Hôm 26/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Seattle để đáp trả cái mà họ cáo buộc là Nga đứng sau âm mưu đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal tại Anh. Trên 20 quốc gia phương Tây khác cũng đã ra lệnh trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga để "hưởng ứng" lời kêu gọi của Anh liên quan cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên Skripal.
Cựu điệp viên Skripal cùng con gái sống tị nạn tại Anh trước khi bị đầu độc.
Đáp lại, ngày 29/3 Nga đã tuyên bố trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây, trong đó có 60 nhân viên ngoại giao Mỹ, và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố St. Petersburg.
Tiếp đó, ngày 30/3, Chính phủ Anh cảnh báo sẽ đóng cửa trụ sở phái đoàn thương mại Nga ở phía Bắc thủ đô London, sau khi phía Nga tuyên bố Anh có một tháng để cắt giảm quy mô nhân viên ngoại giao tại Nga xuống còn bằng số lượng nhân viên ngoại giao Nga tại Anh. Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian tới sẽ có hàng chục nhân viên ngoại giao Anh tại Đại sứ quán ở Moskva và các Lãnh sự quán ở St Petersburg và Ekaterinburg sẽ phải rời khỏi Nga.
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, 66 tuổi và con gái được tìm thấy bất tỉnh trên ghế gần một trung tâm mua sắm ở Salisbury, cách thủ đô London của Anh 120km về phía tây nam. Sau đó, giới chức Anh xác định hai cha con ông Skripal bị đầu độc bằng chất độc thần kinh lớp Novichok, đồng thời cáo buộc Nga chủ mưu vụ hạ độc này. Trong khi đó, Moskva cương quyết bác bỏ mọi sự liên quan, đồng thời yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của Anh hỗ trợ pháp lý để điều tra thấu đáo vụ việc.
Sergei Skripal bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu. 6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan Tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.
Thu Hằng/Báo Tin tức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét