Chia sẻ

Tre Làng

Sinh viên ta lười biếng, không thích tự học, ham vui và giấu dốt

Hầu hết sinh viên Việt Nam chưa biết cách tự lập kế hoạch học tập cho bản thân.

Hiện nay, hầu hết các trường đại học ở Việt Nam đều chú trọng vấn đề tự học của sinh viên, khuyến khích sinh viên học tập một cách chủ động và sáng tạo.

Thế nhưng, phần lớn sinh viên hiện nay vẫn chưa biết tự học một cách hiệu quả.

Thực trạng sinh viên tự học là rất ít

Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

“Số sinh viên thực sự chăm học, tự rèn luyện tu dưỡng thì không nhiều, có trường chỉ dưới 10%. Đa số sinh viên mờ nhạt về lý tưởng, không có sự phấn đấu.” [1]

Thực trạng một bộ phận sinh viên nghiện mạng xã hội, lười đọc sách, lười học tập đã không còn xa lạ.

Trong 5 năm trở lại đây, các trường cao đẳng, đại học dần thay đổi phương thức dạy và học, từ niên chế sang tín chỉ.

Các triết lý làm nền tảng cho đào tạo theo tín chỉ là cá thể hóa việc học tập nhằm phát huy tối đa khả năng tự học và tư duy sáng tạo của sinh viên.

Sinh viên có thể học theo năng lực và điều kiện của riêng mình.

Đồng thời buộc sinh viên phải chủ động, không lệ thuộc vào thầy cô trên lớp cũng như khả năng tự thích nghi và có tinh thần tự học cao.

Tuy nhiên, thực tế sinh viên Việt Nam hiện nay không mấy mặn mà gì với việc “tự học” mà thay vào đó là “tự chơi” nhiều hơn.

Mỗi khi đến mùa thi cử, các quán photo gần những trường cao đẳng, đại học lại rất đắt hàng với việc cung cấp đề cương ôn tập cho sinh viên.

Chuyện sinh viên không chịu đọc sách, trước khi thi một hai tuần, thậm chí là một vài ngày đến các quán photo để “tìm kiến thức” đã không còn xa lạ.

Đáng lo hơn, nhiều người cho rằng việc học lại, thi lại là tất yếu đối với sinh viên.

Với tư tưởng như vậy, một số sinh viên trở nên lười tư duy, lười tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, thụ động trong học tập dẫn đến chây ì, hổng kiến thức.

Căn nguyên của sự lười biếng

Chưa quen với việc tự lập kế hoạch học tập

Phương thức đào tạo tín chỉ giao cho sinh viên quyền chủ động trong việc lên kế hoạch học tập. Sinh viên được lựa chọn môn học, thời gian học và tiến trình phù hợp với bản thân.

Phương thức này cùng đòi hỏi sinh viên phải có ý thức và biết xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu một cách khoa học, có hiệu quả và phù hợp cho mình.

Tuy nhiên, với 12 năm học tập theo hình thức “thầy đọc trò chép”, đa phần các bạn sinh viên gặp phải nhiều khó khăn khi phải tự lập kế hoạch học tập.

Bạn Phạm Thị Thu, sinh viên năm ba Học viện Ngân hàng chia sẻ:

“Khi còn là học sinh, mình không phải lo lắng đến việc học gì và học như thế nào bởi hàng ngày đến lớp đều được các thầy cô chỉ dẫn kỹ lưỡng.

Việc học những môn nào, học phần nào, phần nào sát với đề thi đều được các thầy cô hoạch định sẵn.

Chính vì thế khi mới lên đại học, mình rất hoang mang khi phải tự chọn môn học, tự sắp xếp thời gian và tự nghiên cứu.

Thời gian các thầy cô lên lớp rất ít mà kiến thức thì quá nhiều.

Kỳ học đầu tiên, vì chọn quá nhiều môn và sắp xếp thời gian không hợp lý nên mình đã không đạt được kết quả như mong muốn.”

Đã quen với việc học niên chế nên nhiều sinh viên vẫn có tâm lý ỷ lại, không có ý thức tự học, tự nghiên cứu.

Một số sinh viên chăm chỉ nhưng lại chưa biết cách tự học sao cho khoa học và hiệu quả, dần dần mất phương hướng và có tâm lý chán nản, thậm chí mặc kệ đến đâu thì đến.

Mải mê vui chơi

Một bộ phận sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất coi học đại học là để “xả hơi”, không có mục tiêu, kế hoạch cụ thể.

Chính môi trường mới với nhiều trò vui chơi giải trí đã khiến một số sinh viên vốn là con ngoan trò giỏi trở nên lười biếng, bỏ bê việc học hành.

Và thay vì lên thư viện đọc sách, nhiều sinh viên dành thời gian để lướt Facebook, Zalo hay các trang mạng xã hội khác.

Cơn sốt cuồng like, selfie mọi lúc, đăng status câu like là những gì đang diễn ra trong xã hội “sống ảo”, nơi mà các bạn sinh viên chiếm một phần không nhỏ.

Bên cạnh đó, việc quá hâm mộ thần tượng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của các bạn sinh viên.

Thiếu sự quản thúc

Điều này đặc biệt diễn ra với các sinh viên đi học xa nhà. Khi còn là học sinh, các bạn được gia đình, nhà trường và thầy cô phối hợp để quản lý chuyện học hành.

Nhưng khi bước chân vào đại học, các bạn phải tự lập cả về cuộc sống lẫn việc học hành, từ đó đòi hỏi một tinh thần tự giác rất cao.

Thế nên không phải ai cũng có thể tự đưa mình vào khuôn khổ học hành khi không có sự quản thúc từ gia đình, thầy cô.

Ngại nhờ vả sự giúp đỡ từ phía giáo viên

Ở các nước phương Tây, mối quan hệ giữa giáo viên – học sinh là bình đẳng và thân thiện. Học sinh giao tiếp với giáo viên của mình một cách tự do.

Giáo viên tiếp nhận và đánh giá ý kiến của học sinh mà không hề có bất kỳ thái độ mang tính cá nhân nào.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc giao tiếp giữa giáo viên và học sinh đòi hỏi sự nghiêm túc, tôn trọng lẫn nhau. Sự cởi mở là khá hạn chế.

Do đó, các bạn sinh viên dù gặp khó khăn trong việc học tập nhưng cũng rất ngại đến hỏi giáo viên.

Bên cạnh đó, việc học tín chỉ với nhiều tiết thực hành, tự học, tự nghiên cứu khiến sinh viên ít có cơ hội tiếp xúc với các thầy cô giáo nên càng có tâm lý dè chừng, thậm chí e sợ không dám tìm đến các thầy cô để nhờ chỉ dẫn.

Và việc tự học, nếu không có sự giúp đỡ từ phía các thầy cô thì rất khó để đạt được kết quả tốt nhất.

Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến việc tự học của sinh viên. Nhưng nguyên nhân cốt lõi không đâu khác chính là bản thân các bạn.

Để chống lại căn bệnh lười biếng, ngại học, mỗi sinh viên cần trang bị cho mình những kế hoạch mà mục tiêu rõ ràng rồi thực hiện chúng một cách nghiêm túc.

Một thái độ tích cực khi học tập là rất cần thiết. Khi bản thân sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc tự học và nghiên cứu thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

Tài liệu tham khảo: 

1. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/63--sinh-vien-that-nghiep-chat-luong-giao-duc-co-van-de-post88908.gd

25 nhận xét:

  1. Chính vì cách đào tạo cấp 3 và đại học quá khác nhau nên một bộ phận không nhỏ sinh viên không ý thức được sai lầm của mình. Cấp 3 dưới sự quản thúc của bố mẹ, giáo viên nên các em học hành rất chăm chỉ, mục tiêu vào được đại học, đến lúc lên đại học rồi, xa rời bố mẹ, ở trường mức yêu cầu chung khác thấp nên các em dễ gặp phải vấn đề trên.

    Trả lờiXóa
  2. Một bộ phận sinh viên giống như những con ếch ngồi trong cái nồi nước lạnh bị đun vậy, cứ yên tâm ngồi chờ nước nóng dần lên, đến lúc nhận ra nước nóng thì đã muộn rồi! Thế nên ra trường cứ than thất nghiệp, thất nghiệp có dễ vậy đâu! Thất nghiệp chỉ dành cho những đối tượng bỏ phí 4,5 năm sinh viên của mình thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Vì sinh viên không hiểu rằng, ra trường thì dễ nhưng khi ra trường rồi, với phong cách học hành hời hợt như thời sinh viên thì kiếm được việc làm tốt không dễ tí nào. Nhưng vấn đề này là ở bản thân các em là chính, cần nâng cao hiểu biết cho sinh viên, tạo môi trường học tập liên kết với nhiều tập đoàn, để các em sớm có sự va chạm với công việc để tạo thói quen, tác phong tốt trong công việc.

    Trả lờiXóa
  4. Từ việc chăm chỉ học các kiến thức chuyên ngành, các em nên sớm tiếp xúc với môi trường làm việc để hiểu rõ giá trị của đồng tiền. Việc được bố mẹ chu cấp quá nhiều khiến khả năng tự lập của các em giảm đi rất nhiều. Ra trường mới cuống cuồng tìm việc nên nguy cơ thất nghiệp mới cao và khả năng tìm kiếm việc làm tốt mới không còn nhiều.

    Trả lờiXóa
  5. Chính cái tâm lý "xả hơi" là tâm lý không tốt, khởi đầu nếp ăn chơi vô độ của sinh viên. Nói cách khác, cầnlàm cho các em hiểu rằng ôn thi đại học chỉ là bước đầu tiên bước vào đời, không nên coi đó là những việc "quá sức" hay khổ ải, đó là sự nỗ lực đầu tiên giúp học sinh đi tới được với những sự nỗ lực tiếp theo!

    Trả lờiXóa
  6. Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến việc tự học của sinh viên. Nhưng nguyên nhân cốt lõi không đâu khác chính là bản thân các bạn. Để chống lại căn bệnh lười biếng, ngại học, mỗi sinh viên cần trang bị cho mình những kế hoạch mà mục tiêu rõ ràng rồi thực hiện chúng một cách nghiêm túc. Một thái độ tích cực khi học tập là rất cần thiết. Khi bản thân sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc tự học và nghiên cứu thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

    Trả lờiXóa
  7. đây là thực trạng khá phổ biến hiện nay, cần có những giải pháp mạnh mẽ từ bộ giáo giục cũng như các trường cao đẳng đại học để rứt điểm được tình trạng này

    Trả lờiXóa
  8. người thành công được chủ yếu là do tự học mà nên mà cũng phải đồng ý rằng sinh viên nước ta khả năng tự học quá kém, ỷ lại nhiều mà lại cứ thích những cái viển vông. sinh viên không lo học suốt ngày thấy đi chơi, đi du lịch, đi phượt thì thời gian đâu mà tự học được cơ chứ, tất cả là ở mình hết, chứ chả phải đổ tội cho giáo viên này nọ.mình không chăm học, tự học thì chẳng ai nhồi nhét được cả. thụ động sẽ chẳng thu được lợi ích gì cả

    Trả lờiXóa
  9. Đây chính là thực trạng chung của sinh viên nước ta trong nhiều năm qua. Động lực học tập của SV sau khi vào đại học là không có. Thêm vào đó, nhiều thú vui ngoài lề khiến giới trẻ sa đà vào vui chơi mà quên đi nhiệm vụ học tập ảnh hưởng đến kết quả học tập. SV nên xem lại động cơ học tập của mình, đừng vì những thú vui trước mắt mà ảnh hưởng đến tương lai sau này.

    Trả lờiXóa
  10. Học nhều làm giề , học giỏi ra trường kiếm được tiền nhiều mà không phải cccc thì cũng bị cướp hết ....

    Trả lờiXóa
  11. Hầu hết sinh viên Việt Nam chưa biết cách tự lập kế hoạch học tập cho bản thân.

    Hiện nay, hầu hết các trường đại học ở Việt Nam đều chú trọng vấn đề tự học của sinh viên, khuyến khích sinh viên học tập một cách chủ động và sáng tạo.
    Tôi cũng đồng ý với ý kiến này. Sinh viên của chúng ta rất thụ động, được bao bọc quá!

    Trả lờiXóa
  12. Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến việc tự học của sinh viên. Nhưng nguyên nhân cốt lõi không đâu khác chính là bản thân các bạn.

    Để chống lại căn bệnh lười biếng, ngại học, mỗi sinh viên cần trang bị cho mình những kế hoạch mà mục tiêu rõ ràng rồi thực hiện chúng một cách nghiêm túc.

    Một thái độ tích cực khi học tập là rất cần thiết. Khi bản thân sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc tự học và nghiên cứu thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

    Trả lờiXóa
  13. Thực trạng sinh viên hiện nay lười học tập, ham chơi đã không còn quá xa lạ và gần như ai cũng biết nhưng không phải ai cũng quan tâm. Thực chất có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này từ phía nhà trường, môi trường giáo dục và chính bản thân mỗi sinh viên chưa biết cách học tập, rèn luyện sao cho hiệu quả. Những nguyên nhân trên đã được bài viết chỉ ra khá là đầy đủ và chính xác, tuy nhiên để tìm ra được giải pháp cho vấn đề này là một câu chuyện hoàn toàn khác.

    Trả lờiXóa
  14. Hiện nay có một bộ phận không nhỏ sinh viên đang bị mất phương hướng, kế hoạch học tập đúng đắn, khoa học cho bản thân, rất nhiều người cũng đang mịt mù không có lí tưởng, khát vọng cho tương lai sau này. Họ trở nên chán nản, tuyệt vọng vì chưa tìm ra con đường học tập vì mục đích gì cho bản thân. Để rồi lại sa vào những cám dỗ, tệ nạn ngoài xã hội mà không có sự quản thúc chặt chẽ từ gia đình, nhà trường.

    Trả lờiXóa
  15. Môi trường đại học đối với nhiều sinh viên là một cú sốc tâm lí khá lớn khi họ vừa mới chân ướt chân ráo rời xa vòng tay gia đình, lên thành phố bắt đầu một cuộc sống mới, với môi trường giáo dục hoàn toàn mới, với phương pháp học khác hẳn thời phổ thông. Điều đó có thể khiến các em không thể làm quen ngay được và có thể khiến các em bị mất phương hướng trong học tập, lối sống sinh hoạt hàng ngày. Thực sự sinh viên cần có được sự hướng dẫn, tận tình chỉ bảo của những người có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn các em.

    Trả lờiXóa
  16. Ngày xưa 10 người đi thi may ra đỗ được 1 người nên hầu hết những người vào đại học đều có khả năng tiếp thu để hoàn thành chương trình học. Còn ngày nay trường đại học còn nhiều hơn trường cấp 2 ngày xưa 10 em đi thi thì 8-9 em đậu thậm chí có năm được 5-6 điểm cũng đậu thử hỏi những em này không bị buộc thôi học mới là chuyện lạ

    Trả lờiXóa
  17. Học hành thế này bảo sao cầm cái bằng đại học loại giỏi ra trường vẫn thất nghiệp. Với cách học, tác phong của sinh viên thế này kết hợp với kiến thức quá basic và chưa sát với thực tế như thế này thì sinh viên còn thất nghiệp dài. Rồi lại tự hỏi vì sao mà nhà nước không có chính sách gì giúp đỡ cho sinh viên này nọ. Là do mình không đáp ứng đủ nhu cầu công việc mà thôi

    Trả lờiXóa
  18. Ở cái tuổi còn đến lớp đến trường, còn cái gì có thể quan trọng hơn việc học. Bởi vậy nguyên nhân chính của bệnh lười xuất phát từ lý do chủ quan ở chính sinh viên. Nhiều bạn coi đại học là bến đỗ xả hơi, điểm nghỉ ngơi sau 12 năm phổ thông miệt mài cố gắng để thi đỗ đại học. Nhiều học sinh đỗ vào trường đại học với điểm số khá cao, nhưng sau một thời gian học đại học lại tụt dốc bởi sự chủ quan và lơi là trong học tập.

    Trả lờiXóa
  19. Thực tế hiện nay, một bộ phận sinh viên chỉ học đối phó, sức học có thể rất tốt nhưng không nỗ lực, tập trung vào học tập, coi chuyện học lại, thi lại là điều bình thường, thậm chí là tất yếu của sinh viên. Với tư tưởng như vậy, sinh viên lười tư duy, lười tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, thụ động trong học tập, trong việc tiếp nhận những kiến thức mà thầy cô truyển tải, dẫn tới cạn kiệt dần sức sáng tạo. Trong xã hội phát triển hiện nay, sự cạnh tranh trong năng lực, sức sáng tạo là rất khốc liệt, nó quyết định tới vị trí của sinh viên trong mắt nhà tuyển dụng. Rồi lại than giời là tại sao lại thất nghiệp khi không nhìn lại chính bản thân mình.

    Trả lờiXóa
  20. Lười học, lười vận động, ngay cả suy nghĩ cũng không chịu, phụ thuộc google, mạng xã hội quá nhiều làm cho sinh viên dần trở nên chây ì, dậm chân tại chỗ. Nhưng sự phát triển của xã hội, của thế giới lại không ngừng vận động, thậm chí là với tốc độ chóng mặt. Nếu sinh viên Việt Nam cứ mãi chậm chạp, cứ mãi thụ động, cứ mãi đứng yên một chỗ thì sẽ bị thụt lùi, bị bỏ lại sau lưng, mãi mãi không theo kịp sự phát triển của thế giới.

    Trả lờiXóa
  21. “Trên đường thành công không có vết chân của người lười biếng”. Kinh thánh cũng có câu: “Không làm việc, không có niềm vui” hay “Thiên đàng mới là chốn nghỉ ngơi”. Quả thật, sự lười nhác đã khiến cho nhiều người Việt trở nên trì trệ, thiếu sáng tạo, hăng say trong làm việc. Thế cho nên tỷ lệ người Việt mà có thể ghi dấu trên thế giới bằng sự nỗ lực, chăm chỉ cá nhân như GS Ngô Bảo Châu là quá ít. Trong khi đó, theo cơ quan công an, tội phạm đang trẻ hóa phần nhiều do “nhàn cư vi bất thiện.

    Trả lờiXóa
  22. Thành thật mà nói nếu 100 sinh viên mới ra trường thì hiếm lắm đc một kỹ sư có thể tạm thời đáp ứng được. Đặc biệt sinh viên mới ra trường luôn ảo tưởng hoá về khả năng và công việc của mình. Họ hay than vãn thay vì cố gắng chăm chỉ hơn trong công việc của mình. Mặt khác họ ko có kỹ năng mềm cần thiết để vượt qua những áp lực họ gặp phải. Tôi thấy thì trường công việc rất sôi động chỉ thiếu những con người có thể đáp ứng được

    Trả lờiXóa
  23. Các bạn trẻ thời nay rất là nhác việc, không năng động, không sáng tạo, không tự chủ. lương thì chê ít, việc thì không làm mà đòi hỏi. Kkhông làm những cái nhỏ nhặt lấy gì người ta tin tưởng mà giao việc lớn cho làm rồi thì lấy gì có lương cao những ai là chủ doanh nghiệp chắc chắn sẽ hiểu rõ những điều này. Đừng hỏi sao mình mãi k tìm được việc, hãy tự nhìn nhận lại chính bản thân mình đi

    Trả lờiXóa
  24. Giới trẻ Việt Nam ngày nay có quá nhiều vấn đề, các em để thời gian trôi đi một cách lãng phí mà không hể thấy tiếc. Có thể thấy rằng các em rất năng động trong những sinh hoạt mang tính đoàn đội, vui chơi, ca hát nhưng không năng động sáng tạo, đam mê trong học hành, nghiên cứu khoa học. lười động chân, động tay vào làm việc. Thấy việc là tránh xa, thấy lợi ích là nhảy vào bất chấp tất cả. Nhiều em thì ỷ lại vào bố mẹ, không có ý chí phấn đấu, từ những việc đơn giản như quét nhà, nấu cơm, dọn vệ sinh các em còn chả làm thì nói gì đến việc các em làm công to việc lớn đây.

    Trả lờiXóa
  25. Nếu như sinh viên cũng chăm học như những học sinh cấp 3 đang ôn thi đại học thì mọi chuyện có thể sẽ khác. Học sinh cấp 3 lấy mục tiêu vào đại học để cố gắng nhưng dường như sinh viên chưa coi chuyện có kiến thức để xin việc làm là mục tiêu của mình. Chính vì vậy, họ chưa cố gắng phát huy, rèn luyện khả năng của bản thân. Học tập mà không rõ mục tiêu cũng giống như ta bắn một mũi tên mà chưa xác định được đích vậy. Đã đến lúc sinh viên cần nhìn lại chính mình để thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm, để chấn chỉnh lại quá trình học tập, chính sinh viên mới có thể tự điều trị “căn bệnh” lười của mình.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog