Vì đã được cảnh báo trước, nên mình bắt đầu nghề giáo một cách vô cùng thận trọng. Thế nhưng, những năm đầu tiên, mình vẫn không khỏi bị sốc''.
Những ngày này, Giáo dục đang trở thành điểm nóng của toàn xã hội khi hàng loạt những vụ việc ”Giáo viên bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau”, ”Giáo viên lên lớp không nói chuyên với học sinh”, ”Phụ huynh đánh giáo viên đang mang bầu”… diễn ra hàng ngày, hàng giờ và để lại nhiều tranh cãi không dứt. Người ta tự hỏi, từ bao giờ, giáo dục - lĩnh vực những tưởng là bác ái, nhân đạo và trí thức nhất - lại tiềm ẩn nhiều vấn đề đạo đức đến thế? Người ta đổ lỗi cho trình độ của giáo viên, cho sự háo thắng của phụ huynh, cho những luật ngầm trong nghề giáo…Và trong vòng xoáy đó, chính giáo viên đang là đối tượng được đem ra mổ xẻ, phân tích nhiều nhất.
Giáo viên bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau - vụ việc đang khiến hình ảnh giáo viên xấu đi rất nhiều những ngày gần đây.
Gác lại những đúng - sai (vì đúng sai đã có câu trả lời rõ ràng trên mặt báo những ngày qua), hãy cùng đến với một tâm sự rất dài của một giáo viên trẻ giấu tên đăng trên NEU Confession mới đây. Với kinh nghiệm 5 năm đi dạy của mình, cô đã cho người xem thấy được những góc khuất của nghề giáo, cả những lý do sâu xa khiến cô giáo này phải dùng bạo lực với học sinh khi cần thiết.
Cô cho biết trước khi đi dạy, giáo viên của cô đã dặn cô rằng ”phải giữ khoảng cách với học sinh, không được thân thiện với các em, phải tạo khoảng cách và phải có cái uy để học sinh còn sợ. Cô bảo đời giáo viên, dạy rất nhiều học sinh, nhưng giỏi lắm cũng chỉ có được 1 đến 2 học sinh thực sự thân thiết. Còn lại, chỉ mong bọn chúng không lôi bố mẹ, tổ tiên mình ra mà chửi là may lắm rồi. Đừng ảo tưởng về tình cảm thầy trò. Nó không đẹp như trong thơ trong nhạc đâu”.
Không tin vào điều đó, nữ giáo viên trẻ đã bước vào nghề với thái độ vô cùng thận trọng. Thế nhưng, những năm đầu tiên, cô vẫn không khỏi bị sốc.
Và dưới đây là 6 vấn đề lớn nhất cô rút ra được sau 5 năm đi dạy.
Nghề giáo đang trở thành tâm điểm quan tâm của xã hội - (Ảnh minh họa).
Vấn đề thứ nhất: Điểm
Mình dạy môn ít giờ. Nhưng mình dạy nghiêm túc và mình cũng kiểm tra nghiêm túc. Lần thứ nhất, khoảng 80% học sinh nộp bài cho mình, trong đó số học sinh nộp giấy trắng chiếm khoảng 20%, 30% nữa là điểm dưới trung bình. Theo quy định, nếu tỉ lệ điểm như vậy, mình sẽ phải kiểm tra lại. Thế là mình xin giờ thể dục để kiểm tra lại. Nhưng kết quả còn thảm hơn. Khoảng một nửa học sinh không nộp bài, còn lại hầu hết là điểm thấp. Lí do là vì hôm đó không có tiết của mình, mặc dù mình đã dặn rồi nhưng nhiều học sinh vẫn quên, không mang sách đi nên không có tài liệu để quay cóp.
Mình tâm sự với cô giáo, cô bảo quan tâm làm gì, kiểm tra thì cứ kiểm tra, còn điểm thì cho không biếu không. Chứ kiểm tra mà lấy điểm thì bao giờ mới lấy được điểm. Mình không nghe, thay vì bịa điểm, mình lấy điểm kiểm tra, cộng đồng loạt 2 điểm mỗi học sinh. Kết quả là cuối học kì I, có kha khá học sinh vì môn của mình mà không được giấy khen. Bản thân mình thì nhận được ”combo” nhắc khéo từ giáo viên chủ nhiệm và sự hằn học của học sinh.
Vấn đề thứ 2: Mình bị quấy rối tình dục
Mình thuộc loại có da có thịt, ba vòng không đến nỗi như cây chuối hột. Hồi học đại học, cũng rất chăm chỉ diện váy vóc, quần áo body các kiểu. Khi bắt đầu đi dạy, cô giáo bắt mình đi may một loạt quần vải, áo sơ mi rộng kiểu oversize để mặc. Cô bảo học sinh đang tuổi mới lớn, nhiều thứ tò mò. Giáo viên phải ăn mặc kín đáo, tránh làm các em phân tâm. Mình cũng đã làm theo lời cô dạy, cũng ăn mặc kín đáo lịch sự, thế nhưng vẫn bị quấy rối.
Một lần là khi đang giảng bài, mình đứng xuống giữa lớp để tiện quan sát và bị hai học sinh nam giở trò. Một đứa vén đuôi áo của mình lên và một đứa sờ vào vòng 3 của mình. Một lần nữa, mình mặc áo sơ mi trắng và quần âu, may kiểu công sở ấy, nhìn rất lịch sự. Nhưng vừa bước vào lớp thì một học sinh nam nói rất to: “Bưởi to phết anh em ạ”. Cả lớp cười ầm lên, cả con trai, cả con gái. Trong giờ dạy, mình thừa biết vẫn có những học sinh nhìn ngực nhìn mông mình rồi bình phẩm với nhau. Thậm chí, mình đã từng đọc được mẩu giấy bọn nó viết cho nhau, bàn tán về những chuyện bậy bạ, có tên của các giáo viên nữ trong trường.
Vấn đề thứ ba: Bị học sinh chửi
Mình bị học sinh nhắn tin chửi, bằng cái thứ ngôn ngữ mà từ lúc cha sinh mẹ đẻ ra đến khi đi làm mình mới được tiếp xúc. Không phải một mình mình bị chửi, mà nhiều giáo viên khác cũng bị chửi, chỉ có điều là không ai nói ra. Lần đầu tiên mình bị chửi, mình sốc quá, mang nguyên tin nhắn lên gặp cô hiệu phó, cô hỏi lại mình “Cháu làm gì chúng nó mà bị chúng nó chửi?”. Từ đó, mình hiểu rằng: bị học sinh chửi là lỗi tại mình, mình phải làm sai gì với học sinh thì học sinh mới chửi mình, mọi chuyện đều là lỗi tại mình. Thế nên, khi bị học sinh chửi, tốt nhất là lên im lặng.
Có nên dùng bạo lực với học sinh? Vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi - (Ảnh minh họa).
Vấn đề thứ tư: Quản lí học sinh trong lớp
Khi mới ra trường, mình cực kì dị ứng với kiểu giáo viên đánh học sinh, mình tự hứa với bản thân là sẽ không bao giờ được đánh học sinh. Thế nhưng, từ một đứa ghét bạo lực, chưa từng đánh ai bao giờ thì bây giờ, mình bạo lực lại là biện pháp mình hay sử dụng nhất. Nhắc nhở - không nghe, ghi vào sổ đầu bài - không sợ, mắng chửi - cười cợt, nhại, trêu ngược lại giáo viên. Mà quản lớp là việc của mình, mình không thể lúc nào cũng gọi giáo viên chủ nhiệm hoặc ban giám hiệu đến quản lớp giúp mình được. Họ còn việc của họ, đâu ai rỗi mà đi lo cho mình. Mình đọc một vài bài báo phỏng vấn các chuyên gia tâm lý học, các vị ấy nói thay vì sử dụng đòn roi với trẻ, các cô nên tâm sự, trò chuyện, làm bạn với trẻ. Mình cũng đã thử, nhưng không thành công. Mình cảm giác, sự chân thành của mình bị học sinh lấy ra làm trò đùa.
Mình làm theo lời khuyên của các chuyên gia nhưng mình quên mất rằng, các vị ấy là người nghiên cứu chứ không phải người thực hành. Các vị cứ dạy khoảng chục lớp, mỗi lớp 5,6 học sinh chưa ngoan, lại còn lo chuyên môn, lo thanh tra, thi cử, gia đình… rồi sẽ biết. Những lúc đấy, phải có kỉ luật thép.
Hồi mới ra trường, thấy mình hay bị học sinh bắt nạt, suốt ngày bị nêu tên trước hội đồng vì không thể quản lớp. Một cô giáo trong trường đã bảo mình, bước vào lớp mà nhốn nháo quá, cứ lôi mấy đứa ăn theo lên tát cho vài cái, phải tát thật đau để dằn mặt bọn chúng. Phải vậy thì lớp mới im. Mình đã làm theo và hiệu quả là có thật.
Vấn đề thứ năm: Đối phó với phụ huynh
Theo lí thuyết, giáo dục là quá trình kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Thiếu một trong ba nhân tố trên, quá trình giáo dục khó có thể đi tới thành công. Nhưng mình có cảm giác, phụ huynh và giáo viên gần như ở hai phía đối lập nhau. Nguyên nhân thì có nhiều, lỗi cũng một phần là do nhà trường không thể làm phụ huynh tin tưởng. Nhưng sự thật là nhiều phụ huynh cũng chiều con thái quá.
Có một lần, mình đuổi một học sinh ra khỏi lớp vì tội không chịu học, nói chuyện và lôi kéo người khác nói chuyện theo. Nếu cứ để học sinh đó trong lớp thì mình không thể tiếp tục dạy được. Thế nhưng, ngay chiều hôm đó, mình bị triệu tập đến trường để làm việc với phụ huynh và ban giám hiệu. Phụ huynh nói trong giờ học, mình phải quản lí học sinh, đuổi học sinh ra khỏi lớp thì mình sẽ không quản lí được, lỡ học sinh đi linh tinh, xảy ra chuyện, liệu mình có chịu trách nhiệm được không? Rồi còn bảo, bị đuổi ra khỏi lớp như vậy, sẽ làm mất kiến thức của bài hôm đó, yêu cầu mình phải dạy bù để bổ sung kiến thức cho học sinh.
Mình phải giải thích là mặc dù đuổi học sinh ra khỏi lớp, nhưng mình vẫn yêu cầu học sinh đứng trước cửa để mình có thể nhìn thấy. Mình cũng giải thích rằng, nếu không đuổi em ra khỏi lớp, mình sẽ không thể tiếp tục dạy được. Nhưng phụ huynh vẫn bảo mình phải có biện pháp khác để quản lý học sinh, không thể vì không quản lí được mà đuổi ra khỏi lớp. Yêu cầu mình nhận sai và có kế hoạch bổ sung kiến thức cho học sinh. Nhưng hiệu trưởng không cho phép mình nhận sai. Vì học sinh đó không học và làm việc riêng trong giờ là học sinh sai. Theo quy định của ngành giáo dục, mình có quyền mời học sinh ra khỏi lớp nếu học sinh đó gây ảnh hưởng đến việc dạy và học.
Cuối cùng, mình không phải xin lỗi, nhưng phải dạy bù cho học sinh. Sau lần đó, học sinh trong trường có vẻ đắc ý, nói mình bị phụ huynh “cho một trận”, sợ xanh mặt lại.
Vấn đề thứ sáu: Khi nỗi đau của mình là niềm vui của kẻ khác
Cái này chắc ai đi học cũng từng trải qua. Cứ mỗi khi thầy cô ốm, không thể đi dạy, chắc chắn học sinh sẽ vỗ tay ăn mừng. Mình thì chưa bị ốm đến mức phải nghỉ bao giờ, nhưng có một lần, mình đang dạy, học sinh nói chuyện, mình quát lên. Do chuyển tông đột ngột và cũng đang bị cảm sẵn, mình tắt tiếng hẳn. Và thế là mình thành trò cười cho cả lớp. Mình tủi thân đến mức phát khóc, nói không lên tiếng và khóc không lên tiếng theo đúng nghĩa đen. Cả một tuần sau, mình không nói được, và sự tích mình tại sao mình không nói được đã trở thành trò cười của học sinh toàn trường.
Kết bài, cô khẳng định: ‘‘Mình tâm sự không phải đế than thở hay mong các bạn cảm thông gì cả. Vì nghề nào nghiệp đấy, làm gì cũng có cái khổ của nó. Mình viết ra đây để các bạn hiểu hơn về môi trường học đường. Không biết với những giáo viên khác thì thế nào, chứ với mình nó là một chiến trường thực sự.
Hồi mới ra trường, mình cũng sợ sệt, cũng vỡ mộng, cũng chán, cũng muốn bỏ nghề. Nhưng bây giờ thì mình chấp nhận. Bí quyết của mình là học tập kinh nghiệm của giáo viên đi trước và sử dụng bạo lực khi cần thiết. Chẳng biết làm thế nào. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Dù ngoài kia có chuyện gì xảy ra, mình vẫn phải làm những việc cần làm, để tiếp tục sống!
” Dù ngoài kia có chuyện gì xảy ra, mình vẫn phải làm những việc cần làm, để tiếp tục sống!” (Ảnh minh họa)
Bên dưới bài viết, cư dân mạng đã để lại nhiều tranh luận. Một số ý kiến đến từ một vài giáo viên trẻ khác cho rằng, họ đồng tình với những câu chuyện này, và phải làm nghề giáo mới hiểu được những áp lực vô hình như thế.
Nickname An Trúc chia sẻ: ”Em là giáo viên mầm non. Cái nghề cái nghiệp đôi lúc cũng áp lực lớn lắm ạ, áp lực từ phía phụ huynh, từ trẻ, từ nhà trường, từ giáo án cho đến thanh tra,… Chắc mọi người cũng thắc mắc trẻ nhỏ thì có gì đâu mà phải áp lực. Nói thật là có nhiều chuyện không thể bày tỏ được. Trong suốt 3-4 năm làm việc, em đã được chứng kiến rất nhiều chuyện. Có một đứa bé ngay khi tan trường, bé ra bé bảo với mẹ là “Mẹ ơi hôm nay cô giáo phạt con”. Mẹ bé cũng không hỏi cho ra đầu đuôi, mà vào tát thẳng vào mặt GV. GV bị tát rất bất ngờ và kèm theo 1 tràng chửi của phụ huynh. Thực ra thì đứa bé đó đã rất nhiều lần nói dối mà phụ huynh không hiểu. Sau sự việc đó phụ huynh cũng không hề có 1 lời xin lỗi”.
Nickname Best Bét cũng đứng về phía giáo viên: ”Nhớ hồi xưa không làm được bài còn bị cô chủ nhiệm vặn tai đau ơi là đau. Mà chẳng dám về khoe với bố mẹ vì sợ bị ăn đòn thêm. Còn thời nay. một hành động nhỏ thôi cũng đủ để thầy, cô thân bại danh liệt. Có vẻ như xu hướng vô giáo dục, mất văn hóa ngày càng tăng lên. Hình tượng người thầy đã chẳng còn cái uy như xưa nữa rồi…”.
Nhưng mặt khác, rất nhiều người không đồng tình với lý luận ”sử dụng bạo lực khi cần thiết” của cô giáo trên. Họ cho rằng, không phải tự nhiên mà thầy cô được học sinh yêu mến, mà họ phải có những cách thể hiện thuyết phục
Duyên Ngô bình luận: ”Thầy giáo em, cũng rất trẻ, được gần như tất cả giáo viên và học sinh trong trường yêu mến. Em học thầy cả 3 năm cấp 3, không có bất kì vấn đề nào ở trên xảy ra cả, ở các lớp khác có lẽ cũng không. Có lẽ vì học sinh trường em được rèn luyện đạo đức từ trên xuống dưới, nên không đứa nào coi thường và xấc láo với thầy. Em nghĩ là chị nên thay đổi cách suy nghĩ, và thái độ của mình. Chị cũng từng là học sinh cơ mà, hiện tại vẫn còn trẻ, chúng nó nghĩ gì chị cũng phải biết chứ nhỉ. Quản lí bằng cách thắt chặt điểm, nạt nộ, bạo lực không làm chúng nó tôn trọng chị đâu. Học sinh cá biệt thì có cách trị của học sinh cá biệt, phụ huynh nuông chiều có cách thuyết phục họ thay đổi. Chị nên làm mọi người tôn trọng mình trước thì người ta mới nghe chị được. Đường còn dài, em mong chị có thể kiên trì và trở thành một cô giáo thành công nhé”
Riêng bạn Linh Dương thì khẳng đinh: ”Nguyên tắc đầu tiên khi đi dạy của mình là không- bao-giờ-được-phép-đánh-học-sinh! Dù là trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa!!! Trường học không phải là chiến trường bạn ạ! Hãy làm sao để mỗi ngày tới trường cả cô và trò đều vui!!!”.
Họa Mi
Những lời tâm sự mà khiến những người làm cha làm mẹ , những người đọc cái bài viết này chắc sốc đến mức không thể tin được. thật không thể hiểu được thế hệ học sinh đang nghĩ gì nữa, không lo học hành mà lại đi nghĩ vơ vẩn , làm ra những chuyện không có đạo đức gì cả. Một nghề giáo viên cao quý đến bao nhiêu,thế mà nay lại trở thành một vấn đề nóng của xã hội khi có biết bao nhiêu vụ bạo hành với giáo viên,ép giáo viên xin lỗi , quỳ xuống... Nói cho cùng thì cái gì cũng có cái lý của nó, và tất cả những ai không hiểu hết được sự việc mà cứ đi làm theo quán tính,theo lời nói của người khác mà chưa suy nghĩ gì thì thật sự không thể chấp nhận được. Mong sao cho ngành giáo dục có nhiều cơ chế hơn để các giáo viên có thể yên tâm trong công việc và cũng như không còn tình trạng bạo hành xảy ra !
Trả lờiXóaNhững lời chia sẻ khiến người ta không thể không suy ngẫm về những góc khuất của nghề nhà giáo. Chúng ta đừng chỉ nhìn vào một số sự việc không hay trong thời gian qua mà có những suy nghĩ không đúng về tư cách của những người nhà giáo. Họ cũng chịu nhiều áp lực về công việc, gặp nhiều trở ngại trong công tác. Mấy ai hiểu được những khó khăn đấy. Xin đừng vì những vì những sự việc đó mà ác cảm với các thầy cô giáo. Chúng ta hãy cảm thông mà tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ có thể tự tin cầm phấn truyền tri thức cho các mầm non của đất nước.
Trả lờiXóaĐọc những dòng này quả thật khiến người ta suy ngẫm, tuy vậy thì việc chia sẻ thông tin qua confession cũng có thể nói là không đáng tin lắm!. Người viết chưa chắc đã là một giáo viên mà có thể là một "nhà văn" hay một "anh hùng bàn phím" thì sao?
Trả lờiXóaHọc sinh bước vào đô tuổi mới lớn cần cách giáo dục nghiêm khắc và có khoảng cách đến từ thầy cô. Lớp chuyên chọn còn đỡ, chứ có những lớp, học sinh rất láo, réo giáo viên ra chửi không phải không có, chính vì vậy là người giáo viên vừa phải quan tâm đúng mực đến học sinh, vừa phải có khoảng cách để các em đừng "nhơn nhơn chó con liếm mặt"!
Trả lờiXóaRõ ràng nghề giáo viên đang phải chịu những áp lực rất lớn từ xã hội, Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến nghề giáo như vậy để thấy rằng góc nhìn của xã hội đã có sự thay đổi đối với nghề được cho là cao quý nhất trong các nghề. Theo tôi, trong những áp lực trên thì áp lực từ chính phụ huynh học sinh có một phần rất quan trọng. Cách nhìn nhận và thái độ của phụ huynh học sinh đối với cách dạy của người thầy quyết định đến cách hành xử của họ. Tôn trọng, coi trọng hay chỉ coi đây là nghĩa vụ của nghề giáo, thậm chí là dịch vụ … tất cả những suy nghĩ này sẽ xác định văn hóa ứng xử đối với giáo viên.
Trả lờiXóa