Theo chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, chi phí đầu tư 1.000 tỷ đồng/km đường tại đô thị Thủ Thiêm là con số cao khủng khiếp, chưa có dự án giao thông nào cao đến vậy.
***
Với chi phí xây dựng 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) tổng chiều dài gần 11,9 km mà Đại Quang Minh công bố đầu tư tới 12.000 tỷ đồng, nhiều người ví von đó là đường dát kim cương. Tính ra suất đầu tư lên tới khoảng 1.000 tỷ cho mỗi km.
Đắt hơn đường đắt nhất hành tinh ở Hà Nội
Đại Quang Minh được giao xây dựng 4 tuyến đường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm đại lộ vòng cung (dài 3,4 km, mặt cắt ngang 55 m); đường ven hồ trung tâm (dài 3km, mặt cắt ngang 29,2 m); đường ven sông Sài Gòn (dài 3km, mặt cắt ngang 28,1 m); đường vùng châu thổ (dài 2,5 km, mặt cắt ngang 11,6 m).
Quy mô những tuyến đường mà Đại Quang Minh xây ở Thủ Thiêm.
Như vậy, chỉ có tuyến đường đại lộ vòng cung là lớn nhất, mặt cắt ngang 55 m, còn lại các đường kia nhỏ hơn, nhưng vẫn tính trung bình có chi phí khoảng 1.000 tỷ đồng/km (tổng mức đầu tư của dự án là hơn 8.265 tỷ đồng, tính thêm cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay 3.917 tỷ đồng).
Điều đáng nói, các dự án đường mà Đại Quang Minh xây gần như không phải giải phóng mặt bằng.
Tại Hà Nội, đoạn đường Hoàng Cầu - Voi Phục với chiều dài 2,274 km sắp được xây dựng đang được mệnh danh là “con đường đắt nhất hành tinh”. Tổng vốn đầu tư dự án này vào khoảng 7.780 tỷ đồng, tương đương 3.420 tỷ đồng/km.
Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội cho biết tổng số vốn này có tới 77% là phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng.
Nếu tính cả chi phí xây dựng bãi đỗ xe, khu cây xanh, chi phí xây dựng đường cho dự án chỉ vào khoảng 1.790 tỷ đồng, tương đương 780 tỷ đồng/km.
Đường ở Thủ Thiêm còn đắt hơn đường "đắt nhất hành tinh" ở Hà Nội. Ảnh: Lê Quân.
Trước đó, ngôi vị “đường đắt nhất hành tinh” thuộc về đoạn Xã Đàn - Hoàng Cầu (Hà Nội) với chiều dài 547 m, chi phí 700 tỷ đồng (1.300 tỷ đồng/km). Tuy nhiên trong 700 tỷ đồng này, chỉ có 53 tỷ đồng cho việc xây dựng đường, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng.
Như vậy, chi phí xây dựng chỉ là 97 tỷ đồng/km.
Suất đầu tư gấp vài lần làm đường cao tốc
Mới đây, Quốc hội thông qua tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam dài 654 km là trên 118.000 tỷ đồng (tính cả chi phí giải phóng mặt bằng). Như vậy, suất đầu tư cao tốc Bắc Nam (6 làn xe), nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng chỉ là 180 tỷ đồng/km.
Suất đầu tư xây dựng cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay là Hà Nội - Hải Phòng (thiết kế tốc độ đạt 120 km/h) cũng chỉ bằng 1/4 giá trị 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm mà Đại Quang Minh đầu tư.
Cụ thể, tổng mức đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là 45.500 tỷ đồng cho 105 km, trong đó chi phí xây dựng và lãi vay là 27.000 tỷ đồng. Tính ra suất đầu tư là khoảng 250 tỷ đồng cho mỗi km.
Nếu lấy lý do việc xây dựng trên nền đất yếu tại Thủ Thiêm có thể đẩy chi phí lên cao, thì có thể so sánh với cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Cao tốc này suất đầu tư vào khoảng 9,9 triệu USD/km (220 tỷ đồng/km), và nổi tiếng là đi qua các vùng đất yếu, đất ngập nước của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Suất đầu tư 4 tuyến đường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Đại Quang Minh đầu tư cao gấp 4 lần cao tốc hiện đại nhất Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Lê Hiếu.
Nói về việc làm đường trên nền đất yếu, lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng xin được giấu tên nói suất đầu tư đường cấp I đồng bằng tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ khoảng 200 tỷ đồng/km.
Doanh nghiệp này cũng mới xử lý một đoạn đường nền đất yếu nhất dài 2 km trên dự án cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn với suất đầu tư trên 200 tỷ đồng/km.
“Chúng tôi xử lý đoạn yếu đi qua vùng đầm lầy với công nghệ mới nhất, như làm sân bay, cũng là đắt nhất cũng chỉ trên 200 tỷ cho mỗi km. 1.000 tỷ đồng là đắt khủng khiếp, đắt nhất hành tinh đây rồi”, doanh nghiệp này nói với Zing.vn.
Chưa bao giờ nghe thấy chi phí làm đường cao đến vậy
Trong Quyết định 706/QĐ/BXD/2017 của Bộ Xây dựng công bố suất vốn đầu tư xây dựng các công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2016, suất đầu tư được chia làm nhiều loại.
Theo đó, suất vốn đầu tư đắt nhất cho đường cấp I khu vực đồng bằng (nền đường rộng 32,5 m, mặt đường rộng 22,5 m, dải phân cách giữa rộng 3 m, lề rộng 2 x 3,5 m, trong đó lề gia cố rộng 2x3 m đồng nhất kết cấu áo đường, mặt đường gồm 2 lớp bê tông nhựa dày 12 cm trên lớp móng cấp phối đá dăm) có giá là 59,4 tỷ đồng cho mỗi km.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng từng có chi phí cao khi xây dựng trên nền đất yếu. Ảnh: Lê Quân.
Theo PGS.TS. Bùi Xuân Cậy, nguyên giảng viên Đại học Giao thông vận tải, ông chưa bao giờ biết đến một tuyến đường nào có chi phí xây dựng lên đến 1.000 tỷ đồng/km tại Việt Nam.
“Chi phí làm đường cao hay thấp phụ thuộc vào quy mô, mặt cắt, hệ thống công trình kỹ thuật, xử lý nền đất yếu, vật liệu... Họ muốn làm phải có bản vẽ thiết kế, phải được cơ quan chức năng thẩm định, duyệt. Nhưng về đường mặt cắt 55 m mà chi phí 1.000 tỷ đồng/km thì tôi chưa nghe thấy bao giờ”, PGS. TS. Bùi Xuân Cậy cho biết.
Đề nghị thanh tra, kiểm tra
Bình luận về suất đầu tư đường của Đại Quang Minh, TS. Phạm Sanh cho rằng “quá đắt”, “có gì đó không bình thường”. Theo TS. Phạm Sanh, hàng năm Bộ Xây dựng đều công bố suất đầu tư, trong đó có một số loại đường. Đường quốc lộ làm mới 4-6 làn xe cũng chỉ 80-120 tỷ đồng/km.
“Chúng ta có thể không lường hết các yếu tố đặc biệt như xử lý đất yếu, có những công nghệ mới gì mà mình không biết nhưng với số tiền trên 1.000 tỷ đồng là quá cao. Nếu nhìn lại những đường cao tốc hiện nay trong miền Nam, cùng điều kiện địa chất giống nhau, thậm chí họ phải đào đắp, làm thêm cầu vượt, như cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng chỉ trên 200 tỷ đồng/km”, TS. Phạm Sanh nói.
Ngoài ra, những đường sau này có làm thêm cầu lớn, cầu dài, đi qua nhiều vùng đất rất yếu như Bến Lức - Long Thành, cũng không đắt đến 1.000 tỷ đồng/km. Mới nhất, nhà đầu tư đã nói suất đầu tư đã giảm xuống khoảng 8.000 tỷ đồng, nhưng mà vẫn còn rất cao. TS. Phạm Sanh cho rằng cần xem xét lại cơ chế thẩm định dự án của Bộ Xây dựng. Doanh nghiệp đã nói là đã được Bộ Xây dựng duyệt chi phí đầu tư. Ông nói cơ chế như vậy giống thời bao cấp khi cơ quan Nhà nước duyệt định mức, đơn giá. Còn những công trình này trên thế giới đã dùng những tư vấn giỏi, đấu thầu, đấu giá công khai, không thông qua chuyện cơ quan Nhà nước duyệt.
“Cả nước chỉ có một định mức, đơn giá, cứng nhắc, có duy nhất Bộ Xây dựng được duyệt, như vậy là bao cấp. Giờ qua cơ chế thị trường rồi, lợi dụng một cơ chế như vậy, phù phép. Nhiều công trình BT hay BOT đã từng trong tình trạng tương tự rồi”, TS. Phạm Sanh nói.
Ông Sanh cũng băn khoăn suất đầu tư lớn nhưng doanh nghiệp lại không công khai được số lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, những yêu cầu trong hợp đồng. Từ đó khiến suất đầu tư không minh bạch, khó tính toán. TS. Phạm Sanh nhấn mạnh từ dự án này cần xem lại cơ chế đầu tư của dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
“Doanh nghiệp có thể đưa tổng mức đồng tư lên cao, đất đổi lại cũng được định giá thấp, ăn cả 2 đầu xây dựng - chuyển giao. Tôi đề xuất phải có Thanh tra Chính phủ vào kiểm tra, sau đó là cơ quan kiểm tra của Đảng nữa để sự việc minh bạch”, ông nói.
Đại Quang Minh được giao 105 ha đất Thủ Thiêm
Với hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) sau khi xây dựng 4 tuyến đường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM đồng ý giao cho Đại Quang Minh 79 ha đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông) để phát triển các dự án bất động sản.
Tiếp đó, ngày 19/6/2015, Đại Quang Minh và UBND TP.HCM tiếp tục ký kết Hợp đồng BT thực hiện dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Tổng mức đầu tư là 3.082 tỷ đồng, xây dựng dự án có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465 m, trong đó phần cầu dài 885,7 m.
Đổi lại, Đại Quang Minh được giao quỹ đất với tổng diện tích 26 ha tại khu chức năng số 6 (khu đô thị mới Thủ Thiêm) để thực hiện các dự án bất động sản.
Tổng cộng, Đại Quang Minh đã được giao 105 ha đất tại Thủ Thiêm, nơi được coi là đất vàng tại TP.HCM.
Hiếu Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét