Ngày 29 tháng 4 năm 2018, ở nhà thờ Thái Hà, Hà Nội, linh mục Trịnh Ngọc Hiên, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, đã có một bài giảng để kỷ niệm 43 năm ngày thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2018) [2]. Trong bài giảng của mình, ông Hiên đã phủ nhận ý nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đã bài xích chủ nghĩa xã hội. Đây rõ ràng là một bài giảng có mục đích chống nhà nước Việt Nam. Vậy mà ông Hiên đã dùng khẩu hiệu “hòa giải và hòa hợp dân tộc” để che đi mục đích xấu xa đó.
Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ phân tích thủ đoạn của linh mục Trịnh Ngọc Hiên và Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Việt Nam, để làm rõ mục đích xấu của họ.
Bài 4: Dòng Chúa Cứu Thế muốn “hòa giải dân tộc” hay gây thêm chia rẽ?
Sau khi đọc bài giảng dài của linh mục Trịnh Ngọc Hiên [2], tôi thấy có thể chia bài thành ba ý chính:
- Phần đầu bài trình bày thực trạng. Ông Hiên nhận định rằng dù cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được 43 năm, dân tộc Việt Nam “chưa bao giờ thống nhất về mặt nhân tâm”. Theo ông, người Việt Nam vẫn đang bị chia rẽ vì các khác biệt về nhóm lợi ích, đảng phái, tôn giáo, vùng miền. Chính vì người Việt Nam không đoàn kết, chung sức xây dựng nước Việt Nam, đất nước mới gặp nhiều vấn nạn, và thua kém so với các nước khác.
- Phần giữa bài phân tích lý do để chấm dứt sự chia rẽ. Ông Hiên lập luận rằng vì “trong Chúa, tất cả đã nên một”, và “trong ý Chúa, chúng ta là người Việt Nam”, suy ra “nếu chúng ta chia rẽ vì ý thức hệ, quyền lợi đảng phái, phe nhóm, tôn giáo, thì chúng ta đã không là người Việt Nam nữa”.
- Phần cuối bài kêu gọi người Việt Nam thay đổi. Theo ông Hiên, thì để thay đổi, người Việt Nam cần làm hai việc.
Một, là “can đảm nhìn thẳng vào sự thật, để thấy rằng: chúng ta đã sai lầm; chúng ta đã quá huyễn hoặc với chủ nghĩa xã hội”.
Hai, là “phải biết hổ thẹn”, khi thấy trách nhiệm của mình trước các vấn nạn của đất nước.
Ba, là phải “cùng nhìn về một hướng”, “cùng nhìn về một tương lai chung của cả dân tộc”.
Sau khi phân tích ba ý chính kể trên và nội dung chi tiết của bài, tôi thấy bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên có bốn lỗi:
1. Thiếu bằng chứng
Trong toàn bộ bài giảng, linh mục Trịnh Ngọc Hiên đã đưa ra rất nhiều nhận định có thể gây tranh cãi, như:
- Tổng chi phí để thống nhất hai miền Triều Tiên thấp hơn tổng chi phí để thống nhất Việt Nam
- Việt Nam đang tụt hậu hơn hẳn các nước trong khu vực, bao gồm Lào và Campuchia
- Dân tộc Việt Nam đang chia rẽ hơn mức trung bình của các dân tộc khác
- Việt Nam tụt hậu vì chia rẽ, chứ không phải vì những lý do khác
- Việt Nam sẽ hết tụt hậu nếu từ bỏ chủ nghĩa xã hội
- Việt Nam sẽ hết tụt hậu nếu người Việt Nam “nhìn về cùng một hướng”, “thống nhất về mặt nhân tâm”
Trong thực tế, để chứng minh mỗi nhận định gây tranh cãi nêu trên, người ta phải đưa ra ít nhất một nghiên cứu khoa học, sử dụng nhiều số liệu thống kê và bằng chứng lịch sử. Tuy nhiên, linh mục Trịnh Ngọc Hiên đã không hề đưa ra những bằng chứng đó. Thay vào đó, ông dùng một lượng lớn các từ ngữ biểu cảm để tăng tính thuyết phục cho bài giảng của mình. Vì vậy, có thể nói rằng bài giảng của ông dựa trên một loạt các nhận định không có cơ sở vững chắc.
Trong thực tế, có rất nhiều số liệu, bằng chứng chống lại các nhận định trong bài giảng của ông Hiên. Chẳng hạn, ông Hiên đã bỏ qua một thực tế rằng hai miền Việt Nam đã thống nhất cách đây 43 năm, còn hai miền Triều Tiên hiện vẫn chưa thống nhất. Thêm nữa, hai miền Triều Tiên cũng đã cố thống nhất bằng vũ lực, không khác hai miền Việt Nam. Dù tổng số người chết trong chiến tranh Triều Tiên thấp hơn chiến tranh Việt Nam, nó cũng đã đạt đến hàng triệu.
Tương tự, không khó để tìm ra những số liệu cho thấy Việt Nam không tụt hậu hơn Lào và Campuchia. Qua lịch sử nước Đức trong Thế chiến II, có thể thấy việc “nhìn về cùng một hướng”, “thống nhất về mặt nhân tâm” chưa chắc đã gắn liền với phát triển và tiến bộ. Và gần đây, một số cuộc điều tra ý kiến cho thấy nước Mỹ đang ở trong tình trạng chia rẽ chưa từng có kể từ thời Nội chiến đến nay [20]. Như vậy, cho đến khi những cuộc điều tra tương tự được tiến hành ở Việt Nam, ta không nên vội kết luận rằng dân tộc Việt Nam đang chia rẽ hơn các dân tộc khác.
Vì những nhận định quan trọng trong bài giảng của linh mục Hiên không đáng tin cậy, toàn bộ bài giảng cũng không đáng tin cậy.
2. Áp ý thức hệ của tập thể này lên công việc nội bộ của tập thể khác
“Hòa giải, hòa hợp dân tộc” là công việc chính trị nội bộ của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, khi phân tích lý do để hòa giải, linh mục Trịnh Ngọc Hiên chỉ được phép dùng hai dạng phương pháp luận. Một, là một hệ thống khoa học chính trị bất kỳ. Hai, là truyền thống văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, khi phân tích lý do cần “hòa giải, hòa hợp dân tộc”, linh mục Hiên đã dùng một phương pháp luận không liên quan, là thần học Công giáo. Như vậy, ông Hiên đã áp ý thức hệ của tập thể này lên công việc nội bộ của tập thể khác, vốn không liên quan. Vì 90% dân số Việt Nam không theo Công giáo, họ chắc chắn không cảm thấy bài giảng của ông Hiên có tính thuyết phục.
3. Phát ngôn vượt quá thẩm quyền
Trong bài giảng, linh mục Trịnh Ngọc Hiên nhiều lần khẳng định rằng ai không chịu “cùng nhìn về một hướng”, không “biết hổ thẹn như Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt từng hổ thẹn khi xuất ngoại”, thì người đó không còn là người Việt Nam.
Có thể nói ông Hiên đã phát ngôn vượt quá thẩm quyền của mình. Trên thực tế, ông không có quyền tước quốc tịch của những người Việt Nam khác, và cũng không có quyền phát biểu thay cho đất nước.
4. Tự mâu thuẫn
Năm Thánh 2010 có tiêu đề “Sám hối và Hòa giải”. Tiêu đề này phù hợp với quan điểm của thần học Công giáo, rằng chỉ sau khi ta tự sám hối, ta mới có thể hòa giải với Thượng đế và với những người xung quanh. Vì bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên dùng phương pháp luận của thần học Công giáo, và trích dẫn diễn văn khai mạc Năm Thánh 2010, nó đương nhiên phải tuân thủ quan điểm này. Tuy nhiên, trong bài giảng, dường như ông Hiên chỉ bắt người khác sám hối, chứ không hề tự sám hối. Cụ thể:
- Ông Hiên không kể những tội lỗi mà ông gây ra cho những người Việt Nam khác, dù theo quan điểm của thần học Công giáo, ông không có quyền nói rằng ông sạch tội.
- Ông Hiên không kể những tội lỗi mà DCCT nói riêng, và người Công giáo nói chung đã gây ra cho những thành phần khác trong dân tộc Việt Nam – như việc họ từng cộng tác chặt chẽ với thực dân Pháp trong một số giai đoạn [21], hay việc họ cướp khu đất của chùa Báo Thiên để xây Nhà thờ Chính tòa Hà Nội.
- Trong khi đó, ông Hiên lại tập trung kể tội chủ nghĩa xã hội, và tuyên bố rằng xét lại chủ nghĩa xã hội là việc đầu tiên cần làm để thay đổi Việt Nam.
Vì DCCT Việt Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động chính trị chống chế độ hiện hành, có thể nói ông Hiên không hề có thiện chí “hòa giải” với bất cứ ai, mà chỉ mượn chuyện “hòa giải” để lên án đối thủ chính trị. Thay vì tự sám hối, ông kêu gọi hòa giải để bắt người khác sám hối. Như vậy, ông Hiên đã tự mâu thuẫn với lời dạy trong đạo Công giáo của ông, và bài giảng của ông đã tự mâu thuẫn với phương pháp luận của nó.
Mâu thuẫn tổng thể này tạo ra các mâu thuẫn chi tiết. Chẳng hạn, trong khi ông Hiên kêu gọi người Việt Nam ngừng chia rẽ, ông lại tuyên bố rằng những ai không chịu “nhìn về cùng mối hướng”, không chịu “hổ thẹn” theo cách mà ông muốn thì đều không phải là người Việt Nam. Ông Hiên chia người Việt Nam làm hai bộ phận, là những người có cùng quan điểm chính trị với ông và những người không, rồi phủ nhận bộ phận thứ hai. Vì vậy, bài giảng của ông chỉ gây thêm chia rẽ.
(còn tiếp)
Chú thích:
[1] “Thông báo: Thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình tại Thái Hà cuối tháng 4.2018”
[2] “Thay đổi – đó là mệnh lệnh từ trái tim” – Bài giảng của linh mục Trịnh Ngọc Hiên, chánh xứ Thái Hà
[3] Lịch sử Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam – Blog Lịch sử Xã hội Dân sự
[4] “Các hoạt động kỷ niệm Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam” – Bích Đượm, chuyên viên Vụ Công giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ
[5] “Lá thư gây tranh cãi của đức Hồng y” – BBC tiếng Việt
[6] "Vietnam Why Did We Go? The shocking Story of the Catholic "Church's" Role in Starting the Vietnam War" - Avro Manhattan
[7] "Lòng yêu Nước và sự quyết tâm bảo vệ Giáo hội của Linh mục Nguyễn Văn Khải được biểu hiện rõ ràng qua buổi nói chuyện tại Seattle" -
[8] "Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình tròn hai năm" - DCCT Sài Gòn
[9] "Cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm và nạn nhân dịch sởi tại Việt Nam" - JB. Nguyễn Hữu Vinh
[10] "Bải Giảng Thánh lễ Cầu nguyện cho Công lý - Hòa bình Tháng 4/2015" - Linh mục Nguyễn Thế Hiện
[11] "Thông báo về Thánh lễ Cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình tháng 4 năm 2016" - Ban Công lý và Hòa bình Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
[12] "Bài Giảng lễ Công lý – Hòa bình: Quê hương mình rồi sẽ ra sao?" - Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong
[13] Bài giảng lễ Công lý và Hòa bình tháng 4 năm 2017 - Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong
[14] "Lược sử giáo xứ Thái Hà" - Linh mục Nguyễn Văn Khải
[15] "Công bố Tông Sắc Năm Thánh về lòng thương xót" - Đài Vatican
[16] "Hỗ trợ Thương Binh Miền Nam Việt Nam 42 năm qua" - RFA tiếng Việt
[17] "Mất chùa Liên Trì, Dòng Chúa Cứu Thế bị chính quyền làm khó trong cứu trợ thương phế binh VNCH" - Đài SBTN
[18] "Họp mặt thương phế binh tại Dòng Chúa Cứu Thế" - Mặc Lâm, RFA tiếng Việt
[19] "Bà Hạnh Nhơn người cứu trợ thương phế binh VNCH vừa qua đời" - BBC tiếng Việt
[20] "America may be more divided now than at any time since the Civil War" - Conor Lynch, Salon.com
[21] "Khái quát về chính sách tôn giáo của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam (1858-1954)" - TS. Lê Tâm Đắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét