“Bản thân tôi là bộ trưởng lương chỉ 11,690 triệu, với mức lương này, tôi hỏi thật, chúng ta có đang sống bằng lương không?”.
Đó là câu hỏi thẳng thắn của Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại một hội thảo bàn về công tác cán bộ mới đây. Đây cũng chính là vấn đề cần giải quyết trong đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN được thảo luận tại hội nghị TƯ 7.
Vậy cán bộ, công chức, viên chức sống bằng gì?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể: “Các chuyên gia nước ngoài nói tiền lương của Việt Nam quá thấp nhưng phụ cấp nhiều, thành ra công chức có sống nhờ vào lương đâu, phần phụ trở thành phần chính”.
54,55% thu nhập từ phụ cấp
Theo thống kê của Bộ Nội vụ về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, phụ cấp chiếm tới 54,55% trong tổng thu nhập.
Các đại biểu dự hội nghị Trung ương 7
Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương tính toán, chính sách tiền lương hiện hành quy định tới 20 nhóm phụ cấp với gần 100 loại.
Điển hình như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực...
Nhiều loại phụ cấp có tính chất tương tự nhau, như phụ cấp chức vụ, chức danh cũng tương tự phụ cấp lãnh đạo nhưng vẫn được duy trì và đều do ngân sách chi trả. Vì vậy mới có chuyện, một cán bộ, công viên chức có thể hưởng nhiều loại phụ cấp na ná nhau.
Cũng chính tình trạng phụ cấp tràn lan này dẫn đến trường hợp khó tin là lương của cấp dưới lại cao hơn cấp trên như lời Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng kể.
Cụ thể lương của vụ trưởng các ban Đảng được hưởng phụ cấp 30% nên cao hơn lương cấp trên là phó trưởng Ban (tương đương cấp thứ trưởng).
Lương phải là thu nhập chính
Chênh lệch quá lớn giữa lương và phụ cấp theo lương hiện nay dẫn đến trường hợp thu nhập của cán bộ, công chức chủ yếu nhờ phụ cấp chứ không phải nhờ lương. Đây là một trong những bất cập của chính sách tiền lương hiện tại và cần phải được thay đổi.
Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng việc các loại phụ cấp nhiều hơn lương chính làm cho cơ chế tiền lương của bị phá vỡ, không còn bản chất của tiền lương nữa.
“Theo nguyên lý chung, phần lương chính bao giờ cũng chiếm 70% trong tổng thu nhập, các khoản phụ cấp chỉ một phần nhỏ, tối đa không quá 30%. Nhưng ở nước ta điều này ngược lại, tiền lương là phần chính lại bé hơn phần phụ”, ông Lợi phân tích.
Hệ quả của việc này dẫn đến việc không minh bạch trong hệ thống tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức.
“Đã đến lúc phải cải cách toàn diện cả thang lương, bảng lương, mức lương cơ sở, hệ số lương, bội số lương và các khoản phụ cấp nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương cũng là đầu tư cho phát triển”, ông đề nghị.
Qua các đợt khảo sát về chính sách tiền lương chuẩn bị cho Đề án cải cách tiền lương trình hội nghị TƯ 7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương cũng nhìn nhận: “Phụ cấp đang làm chính sách tiền lương bị méo mó, chính thành phụ, phụ lại thành chính. Thu nhập ngoài không kiểm soát được”.
Phó Thủ tướng yêu cầu: “Phải làm rõ và phân biệt tiền lương với các khoản phụ cấp có tính chất lương; các khoản phụ cấp có tính chất trợ cấp ưu đãi để minh bạch tiền lương và thu nhập của cán bộ, công, viên chức”.
Để khắc phục những bất cập về phụ cấp hiện nay, Đề án Cải cách tiền lương trình ra hội nghị TƯ 7 diễn ra từ 7-12/5 khẳng định quan điểm: “Tiền lương phải là thu nhập chính”.
Đề án đã thiết kế thu gọn các nhóm phụ cấp, từ 20 nhóm hiện nay sẽ xuống còn 5 loại phụ cấp; rà soát, chuyển nhiều loại phụ cấp vào vị trí việc làm - tiền lương và tính giá trị tuyệt đối của tiền lương chứ không tính theo ngạch, bậc, thang bảng lương như hiện nay, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% trong tổng quỹ lương.
Đồng thời, thiết kế cơ cấu tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng mới. Trong đó, mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương; tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương.
Thu Hằng
Đề án Cải cách tiền lương trình ra hội nghị TƯ 7 diễn ra từ 7-12/5 khẳng định quan điểm: “Tiền lương phải là thu nhập chính”. Nếu như Đề án này được thông qua thì đời sống của công chức sẽ được nâng lên, mọi người không ai than vãn được rằng là lương không đủ sống, không đủ chi trả cho những sinh hoạt thường ngày. Lương cao cũng phản ánh sự phát triển của nền kinh tế trong nước.
Trả lờiXóaLương cần được nâng cao lên vì chênh lệch quá lớn giữa lương và phụ cấp theo lương hiện nay dẫn đến trường hợp thu nhập của cán bộ, công chức chủ yếu nhờ phụ cấp chứ không phải nhờ lương. Đây là một trong những bất cập của chính sách tiền lương hiện tại và cần phải được thay đổi. Nên thiết kế thu gọn các nhóm phụ cấp, từ 20 nhóm hiện nay sẽ xuống còn 5 loại phụ cấp; rà soát, chuyển nhiều loại phụ cấp vào vị trí việc làm - tiền lương và tính giá trị tuyệt đối của tiền lương chứ không tính theo ngạch, bậc, thang bảng lương như hiện nay, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% trong tổng quỹ lương
Trả lờiXóacâu hỏi thẳng thắn của Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại một hội thảo bàn về công tác cán bộ mới đây. Đây cũng chính là vấn đề cần giải quyết trong đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN được thảo luận tại hội nghị TƯ 7. Vì vậy điều chỉnh lương là điều hoàn toàn phù hợp đúng đắn cho tình hình hiện nay.
Trả lờiXóa