(Thanh tra)
Tiếp tục điều tra những nội dung liên quan đến vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp, kích động người dân vi phạm hợp đồng giao khoán với Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm... PV Báo Thanh tra đã phát hiện thêm các tình tiết mới đó là âm mưu và chân tướng của kẻ giật dây, xúi giục người dân vi phạm pháp luật.
Tụ tập, kích động, hành hung cán bộ lâm trường
Theo thông tin mà PV thu thập được, trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar đã xảy hàng loạt những vụ tụ tập đông người, hành hung, chống đối, cản trở người thực thi công vụ, gây nên tình trạng bất ổn về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, còn gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm.
Tài liệu từ các cơ quan chức năng Đắk Lắk cung cấp, ngày 15/12/2016, lấy cớ bị giải tỏa cây điều, cây gỗ tếch do ông Phan Xuân Lương trồng trái phép trên đất lâm nghiệp, hàng chục người dân, chủ yếu là phụ nữ đã vô cớ kéo đến trụ sở UBND xã Ea Kiết đòi yêu sách. Tại cuộc tụ tập này, đám đông đã quay video clip sau đó tung lên mạng xã hội nhằm mục đích gây sức ép với chính quyền cơ sở.
Tương tự hành vi này, trước đó, ngày 1/8/2013, hơn 50 người dân hầu hết trú xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, ồ ạt kéo đến Lâm trường Buôn Ja Wầm (thuộc Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm). Họ ngang nhiên đập phá đồ đạc, giở thói côn đồ hung hãn, tấn công các bộ, công nhân của lâm trường. Sự việc đã khiến 4 cán bộ tại Lâm trường Buôn Ja Wầm bị thương, trong đó có 2 người phải nhập viện. Điều đáng nói là, nguyên nhân xảy ra vụ việc nghiêm trọng trên, không ngoài việc trước đó lâm trường vừa tiến hành giải tỏa cây trồng của hai hộ dân lấn chiếm đất rừng, trồng trái phép tại tiểu khu 550.
Gần đây nhất, vào các ngày 11, 12/11/2017, khoảng 60 người được huy động vào thu hái trộm cà phê tại vườn cây mà ông Bùi Đức Ái (trú tại thôn 5, xã Ea Kiết). Diện tích này đã bị Chi cục Thi hành án huyện Cư M’gar niêm yết vào ngày 6/11 để tiến hành cưỡng chế thi hành án theo một bản án mà TAND huyện này đã tuyên trước đó. Bất chấp sự ngăn cản của Chi cục Thi hành án dân sự huyện, bảo vệ lâm trường.
Điểm chung của những vụ việc nêu trên luôn có sự tham gia đông người, đặc biệt là phụ nữ nhưng được tổ chức khá bài bản. Các cuộc tụ tập, cản trở cơ quan chức năng thực thi công vụ, đều được họ quay phim, chụp ảnh và tung lên mạng xã hội để gây sức ép lên chính quyền.
Ghi nhận từ cơ quan chức năng, hầu hết các vụ việc đó đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có sự tham gia nhiệt tình của Phan Xuân Lương.
Chân dung của đối tượng từng mang tiền án trộm cắp tài sản…
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được từ các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, Phan Xuân Lương (sinh năm 1967) nguyên quán xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; hiện cư trú tại thôn 1 xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.
Năm 1993, đối tượng Phan Xuân Lương bị TAND huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) xử phạt 6 tháng tù vì tội trộm cắp tài sản. Sau khi ra tù, Lương về định cư tại xã Ea Kiết cho đến nay.
Năm 2016, Phan Xuân Lương cùng với Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Hữu Tương và Lê Văn Bình là những người đầu đơn, xưng danh đại diện các hộ dân nhận khoán với Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm để khiếu kiện, không thực hiện đúng với những điều khoản từng cam kết trong các hợp đồng giao khoán.
Nguồn tin từ cơ quan công an xác định, những người này hoàn toàn không phải đại diện “miễn phí” cho các hộ dân. Nhóm này yêu cầu các hộ góp nộp tiền để làm kinh phí đi khiếu kiện. Cụ thể, ban đầu những người nhận khoán phải đóng 50 nghìn đồng/1 sào cà phê. Sau tăng lên 200 nghìn/sào và hiện nay (2017) là 500 nghìn đồng/sào.
“Với tư cách là Trưởng Công an huyện, tôi đã trực tiếp xuống gặp từng người dân để giải thích, tuyên truyền và vận động bà con chấp hành pháp luật. Sau đó, Nguyễn Văn Dinh và Lê Văn Bình đã từ bỏ việc tụ tập, khiếu kiện. Bà Lành, người được giao đi thu tiền cũng từ bỏ việc làm đó rồi”, Đại tá Hà Khắc Nghinh cung cấp.
Tại bài viết “Cần nghiêm trị đối tượng xúi giục người dân vi phạm pháp luật”, Báo Thanh tra đã chỉ rõ hành vi trục lợi bất chính của Phan Xuân Lương trong sự tráo trở bằng cách, dù không hề có đơn mượn đất (kể từ 2015 đến nay) của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm nhưng vẫn lừa các hộ dân cho thuê lại nhằm chiếm đoạt gần 100 triệu đồng.
Trong một video clip được Lương phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook vào tối 29/11, Phan Xuân Lương đã lớn tiếng xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm một số cá nhân, những PV tham gia viết bài điều tra. Ông Lương cho rằng bài báo đã vu khống mình và hùng hồn tuyên bố: "Tôi mượn đất của lâm trường rồi thì muốn cho ai thuê, lấy bao nhiêu vàng là việc của tôi".
Thế nhưng trước đó, trong lá đơn xin mượn đất trồng hoa màu đề ngày 19/5/2014 gửi Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, Phan Xuân Lương lại hứa rằng: “Nếu được chấp thuận của cơ quan tôi xin cam kết không chặt, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép; chỉ trồng các loại cây hoa màu (không trồng cây sắn) và trồng trỉa theo sự chỉ dẫn của cán bộ lâm trường”.
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong các bài viết tiếp theo!
Nhóm PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét