Chép về từ FB Nguyễn Văn Minh
Cuốn sách Bên Thắng Cuộc của Huy Đức với tư duy xét lại lịch sử bằng tầm nhìn cơ hội chính trị và thiển cận đã bị không chỉ những người cách mạng trung kiên phê phán mà ngay cả một số người được nhắc đến trong sách, thậm chí cả đồng nghiệp của Đức gay gắt chỉ trích...
Nửa đêm, nhà báo trẻ Kiều Mai Sơn gửi cho tôi bài viết có đoạn bóc mẽ nội dung bậy bạ mà Huy Đức viết có thể gây ra những suy diễn nguy hại, ảnh hưởng xấu tới quan hệ đối ngoại.
Xin được trích lại đoạn trong bài viết:
VĨ TUYẾN 17 – DÒNG SÔNG BÊN HẢI & ÔNG PHẠM VĂN ĐỒNG
Chiều 21/08/2015, ngồi bia ở Cửa Hội (Nghệ An) để hôm sau vào Vinh mừng Tạp chí Văn hóa Nghệ An cắt bánh sinh nhật tuổi lên 10. Ông Chánh tổng Phan Văn Thắng đề tít chính cuộc đó là "Ký ức và Khát vọng" thì phải. Tôi nhớ láng máng thế. Có vị gì bên PA83 Công an tỉnh Nghệ An lặng lẽ đến dự cũng được ông Phan Chánh tổng giới thiệu rất trọng thị để cả hội trường đều rõ mặt rõ tên.
Trở lại với cuộc bia Cửa Hội bữa ấy, có PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn và TS Nguyễn Đức Mậu cùng từ Viện Văn học; Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, TS báo chí Hồ Bất Khuất, TS Đinh Hoàng Thắng – Nhà nghiên cứu Bộ Ngoại giao (ông Đinh nguyên là Đại sứ ở đâu đấy và cũng nguyên là Chánh tổng tờ tạp chí gì đấy của Bộ Ngoại giao nhưng tôi không nhớ). Đương nhiên, thằng bé con trong cuộc bia ấy là tôi.
Cà kê chuyện phiếm, TS Đinh Hoàng Thắng mới tương cho 1 câu: - Ông Phạm Văn Đồng là Trưởng đoàn đi Hội nghị Genève mà còn không biết sông Bến Hải ở đâu.
Nghe vậy, tôi hơi chíu khọ, liền phản ứng: - Em xin lỗi ngắt lời anh Đinh Hoàng Thắng chỗ này. Ai nói thì em cũng mặc kệ, chứ anh là người Bộ Ngoại giao mà anh nói vậy thì em thấy rất vô trách nhiệm với phát ngôn của mình. Em phải nói ngay với anh như thế này. Cái câu “ông Phạm Văn Đồng không biết sông Bến Hải ở đâu” là anh nói theo đuôi Huy Đức trong Bên thắng cuộc thôi.
[“Về sau Phạm Văn Đồng thừa nhận, khi Chu Ân Lai nói sông Bến Hải sẽ được lấy làm giới tuyến, ông Phạm Văn Đồng không biết là Việt Nam có con sông ấy” – dẫn theo Huy Đức – Bên thắng cuộc, Osin book, New York, 2012, quyển I – Giải phóng; chương 4 – nạn kiều, tr. 103].
Đang đà hăng tiết vịt, tôi nói dồn luôn rằng đừng nói ông Phạm Văn Đồng không biết sông Bến Hải ở đâu vì đời ông ấy đã nhiều lần từ Nam ra Bắc đều phải qua sông Bến Hải. Khi từ quê ra Hà Nội học trường Bưởi năm 1924-1925, sau khi được tha khỏi nhà tù Côn Đảo năm 1936 ra Hà Nội hoạt động; sau Cách mạng tháng Tám 1945 làm Đặc phái viên Chính phủ tại Trung Bộ từ năm 1946, rồi từ Trung Bộ ra Việt Bắc năm 1949… Nhiều lần ông Phạm Văn Đồng phải đi qua con sông này.
Thêm một điều quan trọng nữa mà tôi thấy cần nhắc, đó là tôi trực tiếp hỏi lại ông Trần Việt Phương, thư ký của ông Phạm Văn Đồng và là người được Huy Đức trích câu nói này thì ông Trần Việt Phương nói với tôi vào năm 2014 như sau:
“Không phải Phạm Văn Đồng không biết sông Bến Hải mà là Phạm Văn Đồng không ngờ vĩ tuyến 17 lại TRÙNG với sông Bến Hải”.
TS Đinh Hoàng Thắng nói: - Ông Việt Phương nói như thế à? Để tôi hỏi lại. Nhà tôi ở gần nhà ông ấy.
Tôi đáp: - Vâng, anh cứ đến nhà ông Việt Phương hỏi lại cho chính xác câu này. Chính em đã làm việc gần 1 tiếng đồng hồ với ông xung quanh Hội nghị Geneve.
Tất nhiên tôi còn nói chuyện với ông Trần Việt Phương về một vài điều trong cuốn Hồi ký “Tam giác Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia” của Wilfred Burchett, do Nxb Thông tin Lý luận phát hành. Bởi vì, tôi cho rằng nhân vật được nhắc đến nhưng giấu danh tính là “một phụ tá cao cấp của ông Phạm Văn Đồng” đó chính là ông Trần Việt Phương. Khi nói chuyện, ông Việt Phương cũng xác nhận với tôi đó chính là ông. Đồng thời, có một số điều trong cuốn hồi ký “Tam giác Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia” đã được ông trao đổi lại với tôi cho chính xác với ý kiến của ông...
Nguồn: FB Kiều Mai Sơn
Cuốn sách Bên Thắng Cuộc của Huy Đức với tư duy xét lại lịch sử bằng tầm nhìn cơ hội chính trị và thiển cận đã bị không chỉ những người cách mạng trung kiên phê phán mà ngay cả một số người được nhắc đến trong sách, thậm chí cả đồng nghiệp của Đức gay gắt chỉ trích...
Trả lờiXóa