Khu an táng cố Chủ tịch nước được gấp rút hoàn thiện
Nơi an táng nằm giữa cánh đồng bằng phẳng ở xã Quang Thiện (Ninh Bình), cạnh quốc lộ 10.
Ba ngày nay, trên công trường - nơi được chọn an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn có hàng trăm công nhân làm việc hối hả. "Các tốp thợ làm không kể ngày đêm suốt từ chiều 21/9", một người dân địa phương nói. Ban đêm, khu vực này được thắp điện cao áp sáng trưng.
Khu vực dự kiến sẽ an táng thi hài Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại quê nhà ở xã Quang Thiện. Video: Lê Hoàng.
Hàng trăm máy xúc, máy ủi, máy lu và ôtô tải cũng được huy động chở vật liệu và san ủi nền đất. Giữa khu đất trống, một huyệt mộ cỡ lớn được máy xúc đào sâu. Những người thợ xây dùng gạch đỏ, đặc truyền thống lát đáy và các vỉa tường quanh huyệt mộ. "Chúng tôi được huy động đến đây ba ngày rồi, ai cũng làm việc chuẩn bị chu đáo", một thợ xây nói với VnExpress.
Hàng trăm ôtô tải, máy móc cơ giới được huy động đến công trường. Ảnh: Lê Hoàng.
Khu đất được chọn nằm trên cánh đồng ở xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), phía trước là ngôi làng gắn với tuổi thơ của Chủ tịch nước. Vị trí này cũng nằm sát quốc lộ 10, tuyến tránh thị trấn Phát Diệm, giao thông khá thuận tiện.
Theo một cán bộ xã Quang Thiện, khu vực dự kiến an táng thi hài cố Chủ tịch Trần Đại Quang trước đây là cánh đồng lúa của người dân nhưng đã được hợp thửa sau đó san ủi, đổ đất đá làm nền và trồng cây xanh từ mấy năm trước. Giáp với khu nghĩa trang này có một dòng sông nông giang nhỏ, nước trong xanh. Hai bờ sông (dài khoảng hơn 500 m) đã được kè đá hộc và làm ba cây cầu đá kiên cố bắc qua. Các tuyến đường gom bao quanh khu đất đều trải nhựa, lát vỉa hè bằng đá xanh.
Khu lăng mộ nằm giữa cánh đồng lúa ở xã Quang Thiện, bên cạnh là dòng sông nhỏ nơi gắn với tuổi thơ Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Lê Hoàng.
Để đảm bảo an toàn và tiến độ, nhà chức trách cử lực lượng công an, quân đội đến giữ trật tự quanh công trường, người dân không được đến gần mà chỉ có thể quan sát từ xa.
Nhiều người dân xã Quang Thiện mấy ngay nay đã nghỉ việc đồng áng, dành thời gian dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang đường làng. Ông Vũ Hồng Quyết, Phó chủ tịch HĐND xã Quang Thiện cho hay, địa phương huy động cán bộ công chức, các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... làm công tác vệ sinh môi trường.
Hai bờ sông ở vị trí khu lăng mộ đã được kè, lát đá và xây cầu từ nhiều năm trước. Ảnh: Lê Hoàng.
Theo ông Quyết, các khu phố, đường làng ngõ xóm đã được dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất để đón thi hài cố Chủ tịch nước.
Sau thời gian mắc bệnh hiểm nghèo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần ở tuổi 62 vào sáng 21/9 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ông quê ở Ninh Bình, là giáo sư, tiến sĩ Luật học; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, đại biểu Quốc hội khoá XIII, XIV. Ông làm Bộ trưởng Công an trước khi được bầu làm Chủ tịch nước tháng 4/2016.
Tang lễ Chủ tịch nước Trần Đại Quang được tổ chức với nghi thức Quốc tang trong hai ngày 26-27/9. Lễ viếng bắt đầu từ 7h ngày 26/9, tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu diễn ra lúc 7h30 ngày 27/9, lễ an táng từ 15h30 cùng ngày tại Nghĩa trang huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Lê Hoàng
Người dân Việt Nam và các thế hệ thiếu niên, nhi đồng của đất nước sẽ mãi không quên Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Người đã cống hiến tận tụy vì dân vì nước.
Trả lờiXóaThiết nghĩ, không nên đưa, lan truyền những thông tin kiểu thế này! Quá nhạy cảm và dễ bị lợi dụng...
Trả lờiXóaPhần mộ của nguyên chủ tịch Trần Đại Quang chắc cũng khiêm tốn như cuộc đời giản dị (vì dân vì nước )của ông vậy thôi, chẳng nên chiếm quá nhiều đất và cũng không phải gọi là khu lăng mộ... nghe cứ như chuyện thời phong kiến.
Admin nên cẩn trọng hơn. (Góp ý chân thành đấy)
Nhìn khu mộ khiếp quá,cảm giác to hơn cả lăng Bác và tướng Giáp
Trả lờiXóaNên giản dị thôi như một ngôi mộ Liệt sĩ là đuọc
Trả lờiXóa