Chia sẻ

Tre Làng

PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào: "TÔI TỪ CHỨC VÌ BỊ ĐẨY ĐẾN ĐƯỜNG CÙNG"

PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào:
“Tôi từ chức vì bị đẩy đến bước đường cùng”


Cách đây 5 năm, một sự kiện gây sự chú ý đặc biệt của dư luận là việc người đứng đầu ngành Tiểu học cả nước, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, đột ngột xin từ chức với một câu nói nổi tiếng: “Tôi từ chức vì không muốn làm điều thất đức!?”...

Điều mà ông Vụ trưởng Vụ tiểu học khi đó cho là “thất đức” chính là Chương trình Tiểu học 2000, thực chất là sự lừa dối trẻ thơ của một số người nhằm trục lợi cá nhân. Ông có lẽ là quan chức đầu tiên của ta dũng cảm từ chức vì phản đối quyết định của cấp trên mà ông cho là sai lầm.

Năm năm không phải là quãng thời gian quá dài nhưng cũng đủ để chiêm nghiệm, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách khách quan, thẳng thắn hơn. Nhất là giờ đây, ông đã có thể công khai những điều mà vào thời điểm đó ông không muốn và có thể là cả không dám nói. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông về sự kiện khá hy hữu trong lịch sử công chức Việt Nam này.

Tôi không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi

Năm 2001, ông đã làm đơn xin từ chức. Nguyên nhân công khai thì đã nói nhiều. Nhưng đằng sau đó là gì? Liệu có lý do nào khác?

Tháng 2/2001, Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành một quyết định điều động hầu hết thành viên Vụ Tiểu học tham gia với tư cách tác giả sách giáo khoa Chương trình Tiểu học 2000. Đây là một quyết định có tính pháp lý, đặt tôi vào thế đường cùng, chỉ có hai cách lựa chọn. Một là chấp hành sự phân công của Bộ, tham gia Chương trình Tiểu học 2000. Hai là không chấp hành phân công của lãnh đạo và khi đó, đương nhiên là phải từ chức. Và như bạn đã biết, vì lương tâm và lòng tự trọng, tôi đã chọn con đường thứ hai.

Vì sao khi đó, Bộ GD&ĐT lại có quyết định mà theo ông tức là “đẩy vào bước đường cùng” nhưng thực tế, nếu tham gia, ông sẽ rất có lợi?

Thứ nhất, ngay từ những ngày đầu, tôi đã phản đối quyết liệt vì dự án chương trình bộc lộ rất nhiều sai lầm về cả tư duy khoa học cũng như tính thực tiễn. Nó thực chất chỉ là phương tiện để một số người moi tiền của Nhà nước hơn là một công trình khoa học. Vì vậy, tôi là lực cản cuối cùng của dự án đó nhất là khi ấy tôi đang là Vụ trưởng Vụ Tiểu học nên với chương trình Tiểu học, tôi có tiếng nói nhất định.

Nếu tôi đồng ý tham gia, tức là tôi đồng ý với chương trình và chắc chắn sẽ có ai phản đối hay nói khác được. Và khi đó, với trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý toàn bộ ngành Tiểu học cả nước, tôi tham gia nghĩa là tôi “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Thứ hai, tôi biết nếu tham gia chương trình, tôi sẽ có danh vì được ghi tên là tác giả biên soạn sách và đương nhiên cùng với đó sẽ có nhiều lợi ích kinh tế khác.

Họ định “bịt miệng” tôi

PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào sinh năm 1942 tại Vĩnh Phúc.
Năm 1961, là giáo viên cấp II.
Năm 1967, theo học tại Trường đại học Lômônôxốp (Nga).
Năm 1979, đi nghiên cứu sinh tại Viện hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô.
Do bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ (bây giờ gọi là tiến sĩ), năm 1984 được trở lại Nga làm luận án tiến sĩ khoa học với tiêu đề:“Hình thành hoạt động học cho học sinh tiểu học”.
Năm 1994, được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) và năm 2001, làm đơn xin từ chức.
Ông cùng với một số nhà giáo dục cách tân như PGS.TS Hà Vĩ, PGS.TS Đặng Ngọc Diệp dưới sự chủ soái của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại khởi xướng ra “trường phái” giáo dục thực nghiệm ở nước ta.

Nhưng nếu nhận làm, ông sẽ có điều kiện để sửa chữa những điều mà ông cho là sai lầm của chương trình.

Không đơn giản như thế. Họ “nhả” cho tôi cái chức ấy với ý đồ dùng cả danh lẫn lợi để “bịt miệng” tôi, khiến tôi “há miệng mắc quai” mà phải im lặng. Còn tất cả, họ đã làm xong hết từ lâu rồi. Tôi chỉ có “nhiệm vụ” đều đều ký, đều đều nhận... tiền thôi.

Ngoài những lý do trên, liệu có còn nguyên nhân nào khác? Ví như sự ghen ghét ở ông chẳng hạn?

Không có sự ghen ghét đơn giản vì khi đó, tôi đã 59 tuổi, chỉ còn chưa đầy một năm nữa là nghỉ hưu. Ghen ghét mà làm gì? Tôi vốn là một thày giáo ở một vùng quê nghèo khó nên thấu hiểu những nỗi khốn khổ của các cháu học sinh. Mặt khác, khi đất nước có chiến tranh, nhiều bạn bè tôi ra trận rồi không trở về, trong đó có cả đứa em trai thân yêu của tôi. Còn tôi, là một trong số ít người được Đảng, Nhà nước cho đi du học ở Liên Xô 11 năm trời công phu và tốn kém. Tôi vô cùng biết ơn điều đó. Vì vậy, với trách nhiệm của một công dân với đất nước, người thầy với học trò, tôi không đang tâm làm điều thất đức đó.

Điều thất đức! Liệu ông có nặng lời?

Tôi không nghĩ chuyện nặng hay nhẹ. Vì sao không được dùng từ đó khi một số người vì những đồng tiền bất lương mà đang tâm lừa dối cả trẻ thơ? Đó là một tội ác. Cho nên chữ “thất đức” theo tôi là đích đáng và nói theo ngôn ngữ báo chí bây giờ thì “đúng người, đúng tội”.

Nếu tư lợi, dù chỉ vài ngày cũng cố tận hưởng

Dù lý giải bằng bất cứ lý do gì thì việc ông từ chức thực chất là đầu hàng, là sự trốn chạy?

Đó là do anh ở ngoài nhưng nếu vào địa vị tôi khi đó, có thể anh đã nghĩ khác. Ngay từ ngày đầu triển khai dự án, tôi đã tiên liệu sự thất bại. Bốn năm trời, khi thì phản đối nhẹ nhàng, khi thì quyết liệt trong nội bộ nhưng vẫn không hiệu quả vì tôi luôn là “thiểu số đúng”. Tôi từ chức không phải vì trốn chạy mà để bảo toàn danh dự, trong sạch lương tâm và hơn cả là có điều kiện công khai nói ra sự thật những điều mà khi còn có chức vụ, tôi không thể nói được và cũng không được phép nói.

Nhưng khi đó, có ý kiến cho rằng ông từ chức chẳng qua vì đã sát đến... tuổi nghỉ hưu?

Có chuyện đó à? Thế thì vui nhỉ! Nhưng nói để nhà báo hiểu, nếu tôi nhận quyết định đó thì có lẽ đến giờ tôi vẫn... yên vị. Vì nếu không làm Vụ trưởng, tôi sẽ được mời tham gia rất nhiều dự án. Với lại, nếu đã có tính tư lợi thì dù chỉ vài ngày cũng cố mà tận hưởng chứ đợi gì đến mấy tháng, một năm.

Tôi đã tiên liệu đúng

Nghĩa là bây giờ, nếu được quyết định lại, ông vẫn không thay đổi?

Không. Để đi đến quyết định này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Đây cũng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Và đến bây giờ, tôi vẫn thấy khi đó, tôi đã hành động đúng.

Ngày đó ông nói chỉ sau 3 năm, Chương trình Tiểu học 2000 sẽ thất bại...?

Và tiên liệu của tôi đã đúng. Năm 2005, Đảng đã phải ban hành Nghị quyết 9 trong đó khẳng định: “Kiên quyết giảm hợp lý nội dung chương trình học cho phù hợp tâm sinh lý học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở”. Sau đó, Bộ GD&ĐT, đã phải giảm tải 15%.

Sau “sự kiện” đó, ông hiện nay đang làm gì?

Là cán bộ khoa học nên sau khi thôi quản lý, tôi về tham gia giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời hướng dẫn luận văn cho các học viên sau đại học.

Một cơ hội để chấn hưng giáo dục

Bộ GD&ĐT đã có Bộ trưởng mới. Điều này có tạo cho ông sự hy vọng về những chuyển biến trong một ngành mà những năm qua luôn được coi là có nhiều bất ổn?

Tôi nghĩ điều rất may là thời gian qua, mọi sự yếu kém, bất hợp lý... của ngành GD&ĐT đã được bộc lộ hết. Nghĩa là nó đã phơi bày tất cả thực trạng nên không cần phải mất thời gian để rà soát, tìm hiểu nữa. Do đó, đây là cơ hội cho nhà lãnh đạo mới của ngành nhìn nhận được triệt để rồi từ đó, đề ra những giải pháp nhằm chấn hưng giáo dục.

Như vậy nghĩa là cần có một cuộc “cách mạng” trong giáo dục?

Tôi không nghĩ như vậy. Bản chất của giáo dục là kế thừa + ổn định + đổi mới = phát triển. Mọi sự “gây sốc” chỉ làm tổn hại đến sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Nếu không vì lợi riêng, sự việc rất đơn giản

Nhiều năm qua, ngành Giáo dục tỏ ra khá lúng túng. Nó giống như một con đê yếu, cứ bịt chỗ này thì lại bục chỗ khác? Phải chăng làm giáo dục là quá khó?

Tôi không nghĩ làm giáo dục là khó hay dễ. Cái gì cũng vậy, khó thì rất khó nhưng dễ lại rất dễ. Giai đoạn khó nhất của giáo dục nước nhà là sau khi giành độc lập năm 1945. Ngày đó, cả nước chỉ có khoảng 5% dân số biết chữ. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, chúng ta đã tiêu diệt thành công giặc dốt, nghĩa là về cơ bản, đã xóa mù cho toàn dân. Việc lớn như thế mà chúng ta đã từng làm được thì việc bây giờ có thấm tháp vào đâu?

Vậy chả lẽ bây giờ chúng ta kém cỏi? Và công việc giáo dục đã trở nên quá sức?

Tôi không nói kém cỏi nhưng trong số những người lãnh đạo ngành giáo dục, có một số ít người “hơi bị” kém tâm. Thật ra, mọi chuyện có vẻ to tát thế nhưng nếu như có thật tâm, không làm những điều thất đức vì những lợi ích cá nhân thì mọi việc rất sáng sủa và đơn giản.

Xin cám ơn ông!

Bùi Hoàng Tám

3 nhận xét:

  1. Họ là ai hử ông, sao đến giờ ông vẫn chưa dám nói,

    Trả lờiXóa
  2. Trung Ương vừa mới có cum từ nhận diện "lợi ích nhóm" nhưng thực tế nó đã tồn tai lâu lắm rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Rất nhiều con chuột cống nằm trong ngành gđ nghĩ ra đủ thứ để mọi tiền ngân sách. Cần cho hết vào lò cụ Tổng để hóa kiếp cho nó

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog