Chia sẻ

Tre Làng

NẠN CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN CÒN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Nạn chạy chức, chạy quyền còn diễn biến phức tạp

"Quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Sử dụng không đúng quyền lực, thẩm quyền, lợi dụng quyền lực dẫn đến chạy chức, chạy quyền. Do đó phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh như thế tại hội nghị góp ý cho dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức ngày 10-10.

Có cán bộ được giao quyền đã lạm quyền, lộng quyền

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Minh Chính chỉ rõ đây là nội dung rất khó, chưa làm một cách bài bản, chuyên nghiệp, chưa có quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, đây là vấn đề mới, gây bức xúc trong xã hội.

Qua công tác giám sát, kiểm tra, qua các vấn đề liên quan đến sai phạm trong công tác cán bộ cho thấy việc sử dụng quyền lực chưa bài bản, chưa đúng quy định; có những cán bộ được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền mà pháp luật chưa có cơ chế kiểm soát.

Trình bày đề dẫn, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy nhấn mạnh cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ cũng vô cùng hệ trọng.

Qua 30 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ, nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, trong công tác này cũng còn không ít hạn chế, khó khăn, nhất là tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ. Cùng đó là nạn sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Nạn chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn diễn biến phức tạp, xảy ra tinh vi ở nhiều nơi, nhiều cấp.

Quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ

Theo ông Trần Văn Túy, trước những vấn đề trên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”.

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đặt ra nhiệm vụ “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần chỉ rõ: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn; ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

“Việc đánh giá đúng, chính xác thực trạng kiểm soát quyền lực, thực trạng chạy chức, chạy quyền, chống chạy chức, chạy quyền, chỉ ra những ưu, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, thiết thực, cụ thể để tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ bằng việc ban hành quy định của Bộ Chính trị về nội dung này có ý nghĩa quan trọng và là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay” - ông Trần Văn Túy, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. 

Từ những vấn đề trên, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy cho hay Ban Tổ chức Trung ương đã thành lập tổ biên tập khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo đề án, quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý tập trung vào một số nội dung tình hình, nguyên nhân hạn chế của kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Đồng thời làm rõ, phân tích kỹ về tám cơ chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; nhận diện 19 hành vi chạy chức, chạy quyền (năm hành vi của “người chạy” và 14 hành vi của “người được chạy”, cả hành vi của tập thể và cá nhân); sáu cách thức phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền và việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền; về trách nhiệm thực hiện quy định...

Các ý kiến góp ý tại hội nghị đều đánh giá cao tính công phu, kỹ lưỡng trong dự thảo do Ban Tổ chức Trung ương soạn thảo, cũng như nhấn mạnh tính cần thiết của quy định này. Một số ý kiến đưa ra đề xuất, kiến nghị để các quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chặt chẽ và khả thi hơn khi triển khai trong thực tế.

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị tổ biên tập, lãnh đạo, chuyên viên các vụ, cục, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu tối đa và tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu để tham mưu giúp lãnh đạo ban chuẩn bị tốt dự thảo đề án, tờ trình, quy định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét theo quy định.

Theo TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog