Chia sẻ

Tre Làng

KẾT LUẬN PHIÊN THẢO LUẬN VỀ CÔNG TÁC TƯ PHÁP, PHÒNG NGỪA, CHỐNG TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT, THI HÀNH ÁN

Nguồn ở đây

Ngày 13/11, ngày làm việc thứ mười tám của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Quốc hội dành 1 ngày làm việc để thảo luận về công tác tư pháp, phòng ngừa và chống tội phạm, vi phạm pháp luật, thi hành án và phòng chống tham nhũng

Hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và phòng chống tham nhũng là nội dung quan trọng được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước rất quan tâm. Tại phiên họp, sau khi nghe trình bày các báo cáo, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận phát biểu ý kiến và tranh luận sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn, dân chủ và trách nhiệm cao về các báo cáo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tham gia tiếp thu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, về cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung các báo cáo và cho rằng các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có nhiều đổi mới hơn các năm trước. Đại biểu Quốc hội đánh giá năm 2018 tình hình kinh tế - xã hội trong nước có những chuyển biến tích cực. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, nỗ lực, cố gắng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, theo tinh thần cải cách tư pháp và các luật, bộ luật mới được ban hành. Qua đó đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và hội nhập quốc tế của nước ta. Việc thực hiện nhiệm vụ đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp.

Về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số ý kiến cho rằng năm 2018 Chính phủ đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm, phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, kịp thời ban hành, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, qua đó tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật đã được kiềm chế, một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật giảm mạnh, đạt yêu cầu của nghị quyết Quốc hội, chất lượng công tác điều tra được nâng lên, hạn chế nhiều vi phạm so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cũng cho rằng tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng tăng như tội phạm giết người, tội phạm mạng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội xâm phạm tình dục trẻ em, tội xâm phạm tài sản v.v... gây lo lắng bất bình trong nhân dân. Kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế, tổ chức đánh bài đánh bạc, bảo kê tội phạm và vi phạm pháp luật tín dụng đen, tham nhũng vặt vẫn còn phổ biến nhưng số vụ được phát hiện xử lý chưa nhiều. Dư luận xã hội rất quan ngại trước nguy cơ cháy nổ cao, tình trạng bạo lực xảy ra ở một số bệnh viện trường học. Tình hình buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa trên các tuyến biên giới, đặc biệt vùng biển vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng vi phạm pháp luật về rừng, khai thác cát sỏi rất nghiêm trọng ở một số địa phương nhưng chưa được ngăn chặn xử lý kịp thời nghiêm minh. Tội phạm về chức vụ tham nhũng được phát hiện xử lý tăng so với năm trước nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận 

Số lượng vi phạm pháp luật hành chính rất lớn trong đó có nhiều vi phạm hành chính nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự nhưng không bị xử lý hình sự. Mức xử phạt hành chính nhiều trường hợp quá nhẹ dẫn đến tình trạng chấp hành pháp luật không nghiêm. Hiện tượng phạt cho tồn tại còn khá phổ biến. Dư luận và cử tri cho rằng một số trường hợp có biểu hiện hành chính hóa quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm.

Củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng

Về công tác phòng chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, với quyết tâm chính trị cao, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 có chuyển biến rõ, tích cực hơn với tinh thần chủ động, quyết liệt không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn đã được đưa ra xét xử, được nhân dân và dư luận đồng tình, đánh giá cao, củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng báo cáo chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng, chưa nêu các chuyển biến nổi bật công tác này so với năm 2017.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu Quốc hội đồng tình với đánh giá và dự báo tình hình tham nhũng trong những năm tới, có ý kiến băn khoăn về dự báo tình hình tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều đại biểu đồng ý với kiến nghị giải pháp được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội, sửa đổi Luật Giám định tư pháp, Luật Cán bộ, công chức, ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, giải thích pháp luật v.v...Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, thực hiện công khai minh bạch kê khai tài sản công tác cán bộ. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Có biện pháp hữu hiệu để kê biên, tịch thu tài sản tham nhũng.

Công tác điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đạt kết quả đáng ghi nhận

Về báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đa số ý kiến cho rằng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác điều tra của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đạt kết quả đáng ghi nhận. Đã khởi tố, điều tra nhiều vụ phạm tội của các chức danh tư pháp. Số lượng tố giác tin báo về tội phạm được kiểm soát tăng. Công tác xét, phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cơ bản đúng pháp luật. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn và đúng tội danh vượt chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính tiếp tục có một số chuyển biến tốt. Tỷ lệ đơn đề nghị, kháng nghị, giám đốc thẩm, tái thẩm được giải quyết tăng. Chất lượng kháng nghị, phúc thẩm, giám đốc thẩm, án hành chính được nâng lên.

Các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ, một số Viện kiểm sát nhân dân chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo về tội phạm. Số trường hợp bị bắt, tạm giữ về hình sự tuy giảm nhưng số trường hợp phải trả tự do hoặc chuyển xử lý hành chính tăng. Tiến độ chất lượng giải quyết một số vụ án, chất lượng tranh tụng trong một số trường hợp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xét, phê chuẩn các biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp chưa đúng pháp luật. Đáng lưu ý, còn 24 người bị oan, có phần trách nhiệm của Viện kiểm sát. Tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với các vụ án kinh tế chức vụ tham nhũng còn nhiều.

Nguyên tắc công khai trong xét xử và tranh tụng được thực hiện tốt hơn

Về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đa số ý kiến cho rằng năm 2018 công tác xét xử của Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nguyên tắc công khai trong xét xử và tranh tụng được thực hiện tốt hơn. Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý và giải quyết tăng nhiều so với năm 2017 nhưng tỷ lệ giải quyết án bảo đảm trong thời hạn luật định. Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử của các tòa án.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết áp dụng thống nhất pháp luật, áp dụng án lệ, áp dụng công nghệ thông tin trong công khai bản án, tiếp nhận giải quyết đơn thư, v.v... Năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt tòa án nhân dân các cấp áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan tiếp tục giảm và đạt chỉ tiêu yêu cầu theo Nghị quyết 111 của Quốc hội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc thực hiện chủ trương tăng cường áp dụng các hình phạt ngoài tù như cải tạo không giam giữ, phạt tiền chưa được quán triệt, thực hiện đầy đủ theo tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Một số trường hợp tòa án tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Còn một số trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định, phải sửa án, việc tuyên bản án không rõ đã giảm mạnh so với năm 2017 xong vẫn còn 81 bản án tuyên không rõ, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù đã được quan tâm giải quyết xong số tồn đọng chưa được xem xét giải quyết còn nhiều, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục quan tâm, khắc phục tình trạng này.

Số vụ việc phải thi hành án tăng cao nhất từ trước đến nay

Về báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng công tác thi hành án dân sự năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù số vụ việc phải thi hành án tăng cao nhất từ trước đến nay, số tiền phải thi hành trên 196.000 tỷ đồng nhưng đã thi hành xong 80,3% về việc và 38,4% về tiền trong số án có điều kiện thi hành. Trong đó, tổ chức thi hành án đối với nhiều vụ án trọng điểm, công tác thi hành án phạt tù có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ sở giam giữ không để xảy ra vụ việc phạm nhân gây rối, chế độ giam giữ được bảo đảm. Tuy nhiên, số án dân sự có điều kiện nhưng chưa thi hành xong phải chuyển qua năm sau vẫn còn lớn. Việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án lớn, trọng điểm, kết quả thấp, chưa có giải pháp để giải quyết triệt để công tác chuyên môn, nghiệp vụ còn để xảy ra nhiều vi phạm, thậm chí một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý về hình sự, số vụ thi hành án hành chính xong đạt tỷ lệ thấp, đạt 38,3%. Hiện có 151 bản án hành chính đã có hiệu lức pháp luật mà người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân nhưng chưa được thi hành xong.

Việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, cần có biện pháp quyết liệt để bảo đảm bản án đã có hiệu lực của pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh. Vẫn còn số lượng lớn người bị kết án phạt tù đã có quyết định thi hành án nhưng chưa được thực hiện áp giải đi thi hành, còn ở ngoài xã hội. Vấn đề xảy ra các vụ phạm nhân trốn khỏi cơ sở giam giữ, các vụ phạm nhân chết do tự sát và do tai nạn lao động. Đáng lưu ý có 2 trường hợp phạm nhân chết do cán bộ trại giam dùng nhục hình.

Quan tâm đầu tư cho các cơ quan tư pháp

Về công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề cập đến tình hình cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp và đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở trang thiết bị, điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp theo đúng Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp của Bộ Chính trị, nhất là các cơ quan tòa án, viện kiểm sát các huyện, các cơ sở giam giữ chưa bảo đảm yêu cầu. Về việc này, Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về giải quyết vốn đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng, Quốc hội đã đưa vấn đề này vào trong nghị quyết. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các chức danh tư pháp, cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp.

Về các kiến nghị, các đại biểu Quốc hội tán thành với các kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, Viện Kiểm sát tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp trong đó lưu ý các kiến nghị sau tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế, phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ chế độ trách nhiệm, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có giải pháp chủ động triển khai thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết về tư pháp và ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Quốc hội, Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho biết, các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đã được ghi chép, ghi âm đầy đủ và Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp, tập hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉ đạo các cơ quan quán triệt thực hiện./.

Bảo Yến - Nhóm ảnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog