Trải nghiệm của tôi trong lần cuối cùng ở Hà Nội là cảm giác sợ hãi. Khi tôi trở về khách sạn lúc đêm khuya và chuẩn bị băng qua con phố Lý Thái Tổ xinh đẹp, hàng chục chiếc xe máy bất ngờ xuất hiện, gầm rú trong một cuộc đua điên cuồng và rất dễ chết người. Đó là “trò chơi” mà một chiếc xe bị tất cả những xe còn lại đuổi theo khắp thành phố với tốc độ rất cao.
Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc đua vô lý như vậy khi sống ở Hà Nội trước năm 2010, nhưng lần này "trò chơi" có vẻ hoang dã hơn. Tôi vô cùng kinh ngạc, những tay đua bây giờ bao gồm cả những cô gái trẻ, hai người trên một xe máy, hành xử nguy hiểm như những gã trai và không ai đội mũ bảo hiểm. Với tốc độ điên cuồng và những màn nhào lộn để đeo bám đội bị truy đuổi, nguy cơ chết ngay tại chỗ là rất cao.
Đám đông trong nháy mắt biến vào bóng tối của màn đêm, nhanh như khi nó xuất hiện. Khi con phố yên tĩnh trở lại, tôi bắt đầu tư lự. Những người trẻ tuổi này được tận hưởng những cơ hội mà cha mẹ họ không có thậm chí cả trong mơ. Các thế hệ trước đã đi qua bao khó khăn của hai cuộc chiến và thời kỳ bao cấp, thế hệ mới có thể học tập, thành công, giao lưu, du lịch... tại sao họ lại mạo hiểm cuộc sống của mình một cách vô cớ như vậy?
Tôi không thể không nghĩ về một người bạn Việt Nam thân thiết, gần với tuổi của tôi. Khi bà còn là một đứa trẻ, các vụ đánh bom của Mỹ leo thang, trường học của bà đã bị sơ tán khỏi Hà Nội. Đó cũng là một chuyến đi đêm nguy hiểm trên xe hai bánh, nhưng ở dạng khác. Bà và các bạn cùng lớp đã sống một thời gian dài với nông dân, vài tuần một lần đạp xe trở về thành phố cùng giáo viên của họ, chỉ để được ở cùng cha mẹ trong vài giờ. Họ đã đạp xe trong đêm tối để có thể trở lại nơi sơ tán vào lúc bình minh.
Nhớ đến câu chuyện này, tôi cảm thấy hoang mang: làm thế nào mà một cuộc sống dễ dàng hơn nhiều lại dẫn đến những giá trị rối bời như vậy? Tôi cũng nghĩ về nhiều dấu hiệu của đổ vỡ xã hội khác mà tôi thường nghe: sự bùng nổ về số vụ ly hôn, sự gia tăng theo cấp số nhân của những vấn đề phù phiếm, chủ nghĩa tiêu dùng nhằm gây ấn tượng với người khác, sự phụ thuộc vào nợ nần hơn là lao động. Chắc chắn những vấn đề này đã tồn tại trong mọi thời đại, nhưng chúng dường như trở nên trầm trọng hơn trong giới trẻ ở thời kỳ kinh tế tăng trưởng nóng.
Đây không chỉ là vấn đề của riêng người Việt. Vào những năm 1950, bộ phim Nổi loạn vô cớ (Rebel without a cause) cho thấy những thanh niên giàu có đã mạo hiểm cuộc sống của họ như thế nào với trò "chicken game". Trong một "chicken game", hai tay đua lao thẳng về phía nhau trên một cung đường khốc liệt cho đến khi một hoặc cả hai có thể chết. Những chiếc xe đắt tiền mà những thanh niên giàu có này dùng để mạo hiểm cuộc sống nằm ngoài tầm với của một người lao động Mỹ trung bình bấy giờ.
Bộ phim rất thành công này đã mô tả sự suy đồi đạo đức của một nhóm rất giàu có trong xã hội. Nhưng người ta nói rằng James Dean, diễn viên ngôi sao thủ vai nam chính đã chết trong một tai nạn trên đường ở tuổi 24, trước khi phim được phát hành. Anh cũng đã bị mê hoặc bởi những chiếc xe hơi đặc sắc và tăng tốc vô thức.
Vào những năm 1980, đến lượt Tây Ban Nha trải qua một thời kỳ hỗn loạn xã hội. Trong nhiều thập kỷ, dưới thời nhà độc tài phát xít Francisco Franco, đất nước này đã nằm dưới vỏ bọc đạo đức của tư tưởng Công giáo bảo thủ và gia trưởng. Nhưng sau cái chết của Franco vào năm 1975, với sự chuyển đổi sang chế độ dân chủ, đã xuất hiện một sự "khám phá". Những người trẻ tuổi đã đột nhiên tham gia vào một cuộc đua vô nghĩa để tăng lên số lượng và sự phức tạp của các cuộc quan hệ tình dục.
Đối với Việt Nam, câu chuyện về những người trẻ bối rối được Nguyễn Huy Thiệp kể lại một cách mạnh mẽ trong cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của ông, Tuổi 20 yêu dấu. Nó kể về những chàng trai trẻ tuổi đang vật lộn với ma túy, say mê đua xe và hoàn toàn không quan tâm đến học tập, làm việc hay chăm sóc gia đình. Giống như các tác phẩm khác của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết này truyền tải một cảm thức về sự hỗn loạn đạo đức sâu sắc.
Mỹ vào những năm 1950, Tây Ban Nha vào những năm 1980 và Việt Nam vào những năm 2000 có điểm chung. Ở cả ba quốc gia, đó là thời kỳ thịnh vượng kinh tế chưa từng có và sự chuyển đổi xã hội mạnh mẽ, đứt gãy. Và trong mọi trường hợp, sự rộng rãi đột ngột của những nguồn lợi tức và cơ hội khiến tâm lý kỷ luật và hi sinh của thế hệ cũ dường như vô lý với nhiều người trẻ.
Những chuyển đổi kiểu này không kéo dài mãi mãi. Sớm hay muộn, một trạng thái cân bằng mới sẽ được hình thành. Mỹ và Tây Ban Nha ngày nay là những nền kinh tế tiên tiến với xã hội tốt đẹp. Mối quan tâm về những kẻ nổi loạn vô cớ hoặc quan hệ tình dục bừa bãi đã biến mất.
Tôi không nghi ngờ rằng một ngày nào đó Việt Nam cũng sẽ trở thành nền kinh tế tiên tiến, và tôi không thực sự lo lắng về sự suy đồi đạo đức kéo dài. Trên thực tế, tôi ấn tượng bởi đạo đức làm việc vững chắc và ý thức trách nhiệm mạnh mẽ của người Việt Nam.
Nhưng sự chuyển mình này có thể phải trả giá đắt. Trên đường đi đến xã hội tiến bộ mới, nhiều gia đình bị tổn thương bởi những cái chết trẻ, nghiện ma túy, nợ nần chồng chất và bất hòa. Đối với những gia đình đổ vỡ này, việc biết rằng những vấn đề như của họ sẽ biến mất trong xã hội cũng không giúp an ủi họ.
Là một người yêu Hà Nội, tôi thấy một hậu quả tai hại khác từ thời kỳ lẫn lộn giá trị này. Đặc tính độc đáo của một thành phố có thể dễ dàng bị mất đi trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Trên hành trình tìm kiếm lợi nhuận tức thì của mình, nhiều người sẵn sàng phá hủy bất cứ thứ gì, và đẩy bất cứ ai đi. Khi làm như vậy, họ được hậu thuẫn bởi những người mua căn hộ mới và những tín đồ mua sắm trong trung tâm thương mại mới - những người khao khát thể hiện chủ nghĩa tiêu dùng ngay cả khi phải mắc không ít nợ nần.
Hà Nội cần sự cam kết từ nhiều bên để duy trì sự quyến rũ và đáng sống của nó. "Nàng" cần được thấu hiểu và bảo vệ, vì sự hạnh phúc và thịnh vượng của cư dân nơi đây khi tất cả cơn bấn loạn này sẽ kết thúc. Nhưng những nam nữ thanh niên đang được hưởng sự thịnh vượng này đã không quan tâm đến những điều tuyệt vời của thành phố nơi họ lớn lên.
Và suy nghĩ này là điều khiến tôi sợ hãi nhất khi đám xe máy gầm rú biến về phía khu phố cổ, trong bóng tối của màn đêm.
Martin Rama
Bây giờ nhờ sự quản lý chặt chẽ cũng bớt đua xe rồi, không hiểu ý đồ của tre làng lắm khi đăng bài này vì thời điểm viết nó là năm 2010 cách đây đã gần một thập kỷ rồi, nó dường như không còn phù hợp với ngày nay nữa, bây giờ giới trẻ chúi mũi vào công nghệ là nhiều chứ các tay đua công thức một phố cổ gần như đã biến mất rồi mà, tác giả ơi xem lại bài viết đi ạ
Trả lờiXóaKhông chỉ riêng những thú vui của giới trẻ ngày nay đang tìm đến những cảm giác mạnh như đua xe, mà còn hơn thế nữa những tệ nạn xã hội ngày này như nghiệp ngập hút chích giới trẻ cũng chiếm đa số, những giá trị tốt đẹp của ngày xưa đang bị biến mất một cách nhanh chóng. Hà Nội còn nhiều điều tuyệt vời mà chỉ cần lắng đọng một chút là chúng ta có thể cảm nhận được một cách tuyệt vời.
Trả lờiXóaHiện nay cuộc sống đang ngày một phát triển đời sống được nâng cao hơn thế những trong một bộ phận không nhỏ của giới trẻ hiện nay ngày càng đánh mất đi giá trị của tốt đẹp xung quanh chúng ta. Hà nội trong thật đẹp thật thơ mộng, và có quá nhiều để nói được hết nét đẹp của HÀ Nội mà những giá trị tốt đẹp luôn tồn tại bên cạnh chúng ta.
Trả lờiXóaBài viết hay. Lâu lắm mới đọc một bài có văn phong tốt đến vậy.
Trả lờiXóaThực tế là tác giả muốn truyền tải sự "cảnh tỉnh" đến người đọc về giá trị cuộc sống ,những được mất sẽ diễn ra trong tương lai không xa và người đọc có thể hình dung "sự nuối tiếc" tất yếu sẽ đến với không ít người...
@Bùi Bài Bình: Tác giả chỉ lấy hiện tượng đua xe làm "cảm hứng" để mở đầu và kết thúc bài viết thôi, đừng lầm tưởng ông ta muốn nói đến tệ nạn ấy, cũng không phải mục đích bài viết là khen Hà Nội đẹp. "Cảnh tỉnh + cảnh báo" mới là tư tưởng xuyên suốt bài viết này.