LâmTrực@: Mới đây, Hà Tĩnh và nhiều nhà khoa học kiến nghị "Khẩn Thiết" dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Để rộng đường dư luận, Tre Làng Blog đăng lại bài của Tổng hội Địa chất Việt Nam. Trong đó có nêu những cảnh báo rủi ro khi khai thác mở này. Và cho đến nay, những cảnh báo trên đều đúng.
1. Tài nguyên quặng sắt Việt Nam
2. Mỏ sắt Thạch Khê
Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên dải cồn cát ven biển thuộc địa phận huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh, là mỏ sắt lớn nhất Việt Nam, thuộc nhóm mỏ skarn, hình thành tại nơi tiếp giáp của đá magma với các đá cacbonat. Theo tài liệu địa chất, quặng sắt nằm dưới mực nước biển, ở độ sâu từ âm 8m đến âm 550m, có chỗ còn sâu hơn. Trữ lượng quặng đã được thăm dò đánh giá là 544 triệu tấn. Thành phần quặng sắt gồm các khoáng vật: manhetit (Fe3O4) (Ảnh A.1), rất ít hematit (Fe2O3), hàm lượng sắt dao động khoảng 45-68%. Trong quặng có các sunfua: pyrit, sfalerit, chancopyrit. Quặng thuộc loại giàu, chất lượng tốt. Các nguyên tố đi kèm: Mn, Cu, Zn, S không đáng kể. Riêng Zn có hàm lượng tương đối cao [4 ], là một trở ngại cho luyện kim. Lớp đất phủ trên mỏ sắt là tầng trầm tích Đệ tứ, chủ yế là cát màu trắng và màu vàng, lẫn ít sét. Ở ở chân tầng cát chứa nhiều sét. Độ dày tầng phủ từ 10-40m, nếu khai thác lộ thiên thì phải đào, bốc xúc một khối lượng lớn đất cát, sét đem đổ thải nơi khác.
Mỏ sắt Thạch Khê được phát hiện bằng phương pháp đo từ tính bằng máy bay năm 1960, thăm dò, đánh giá trữ lượng vào những năm 1965 – 1985. Trên hình 1, nửa trên là mặt bằng mỏ Thạch Khê, nửa dưới là mặt cắt ngang theo đường A - B. Trên bình đồ, thân quặng kéo dài theo phương Bắc - Nam, giữa rộng 400 -550m, hai đầu hẹp. Đá vây quanh thân quặng gồm các loại chính: đá cát bột kết, sét kết; đá vôi; đá granit. Theo mặt cắt Tây - Đông và những mặt cắt khác, lớp phủ bở rời cát sét trung bình khoảng 40 -50m. Tiếp theo là tầng quặng deluvi- oxy hóa, tiếp theo đó và xuống sâu là quặng manhetit dạng khối và đá skarn. Phần trên thân quặng có dạng hình nấm. Phần dưới thân quặng xen những trụ đá các loại, quặng kết thúc ở độ sâu khoảng 550m..
3. Hoạt động khai thác mỏ sắt Thạch Khê
Vào năm 2007, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy thép trong nước, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập ngày 17-05/ 2007 gồm 9 cổ đông với vốn điều lệ là 2.400 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là cổ đông chủ lực để thực hiện dự án: "Đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh" trên diện tích đất sử dụng là 3.877ha [3].
Ngày 24-02/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép hoạt động khoáng sản số 222/GP-BTNMT cho Công ty cổ phần sắt Thạch Khê [2]. Cũng vào năm đó, Công ty TIC bắt đầu thử nghiệm khai thác lộ thiên bằng thiết bị cơ giới. Vị trí khai trường đầu tiên được chọn tại xã Thạch Đỉnh, đổ thải về phía Bắc trên địa phận xã Thạch Bàn. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, năm 2011 hoạt động khai thác mỏ Thạch Khê tạm dừng sau khi đã bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3, tạo ra một moong mỏ có kích thước rộng 0,6 x 1,0km, sâu hơn 30m và một bãi thải dạng đồi với độ cao 50m (Ảnh A.2) , chiếm diện tích 125ha. Năm 2017 moong mỏ trở thành một hồ nước lớn, theo cán bộ kỹ thuật của TIC, nếu bơm với công suất 2.500m3/h thì khoảng 2 tháng mới tát cạn hồ này. Hiện nay Công ty cổ phần sắt Thạch Khê chuẩn bị tái khởi động việc khai thác mỏ Thạch Khê.
4. Khó khăn và rủi ro khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê
a) Về quyết định đầu tư khai thác
Các tập đoàn khai thác mỏ lớn trên thế giới như: Mitsubishi (Nhật), Croup (Đức), Gensor (Nam Phi) v.v...đã tham gia đánh giá mỏ Thạch Khê vào những năm 1991 – 1997; Tập đoàn Nga năm 2004 -2007. Họ đã đầu tư khoan, lấy mẫu, đánh giá thân quặng, phân tích tài chính và lập báo cáo địa chất- mỏ. Kết quả đánh giá của những tập đoàn này cho thấy: (i) Số liệu địa chất thăm dò quặng Thạch Khê mà Việt Nam công bố trước đây là có độ tin cậy, nhưng hàm lượng Zn trong quặng cao, do đó chi phí tuyển luyện tốn kém hơn. (ii) Điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình phức tạp, vì vậy chi phí sản xuất cao. (iii) Ngoài ra, Việt Nam chưa tiếp cận kinh tế thị trường thế giới. Cấp trữ lượng Việt Nam đánh giá trước đây khác với tiêu chuẩn về trữ lượng và tài nguyên của quốc tế. (iv) Trữ lượng quặng sắt Thạch Khê 544 triệu tấn mà Việt Nam đã công bố thực chất là gồm trữ lượng có giá trị công nghiệp và tài nguyên dự tính. Cuối cùng, những Tập đoàn khai khoáng này đi đến kết luận rằng: Với công nghệ khai thác, giá thành quặng khai thác, tuyển, chế biến, giá sản phẩm gang thép lúc đó, thì khai thác sắt Thạch Khê chưa có lãi. Họ đã rút quân, không đầu tư tiếp.
Trong khi các Tập đoàn tư bản lớn, hoạt động theo cơ chế thị trường nhận thấy khai thác không có lãi, đã không tiếp tục đầu tư, thì Công ty sắt Thạch Khê (TIC), hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dù kỹ thuật và công nghệ thua kém họ, tại sao lại quyết tâm khai thác sắt Thạch Khê ? Câu hỏi này cần được Công ty TIC lý giải một cách minh bạch cho Đảng, Nhà nước, lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh thấu rõ để có những quyết sách hợp lý về số phận mỏ sắt Thạch Khê.
b) Rủi ro về hang karst khi khai thác quặng sắt Thạch Khê
Quặng sắt Thạch Khê thuộc loại hình quặng biến chất tiếp xúc trao đổi- skarn, hoàn toàn không giống kiểu quặng vỉa than trầm tích ở các mỏ than Quảng Ninh; thân quặng skarn nội sinh có hình thù phức tạp, gây nhiều khó khăn cho việc khai thác, nhất là quặng nằm ở độ sâu đến 500m, hơn nữa việc khai thác kiểu mỏ này chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nhiều rủi ro có thể xảy ra. Đá vây quanh quặng lại là đá cacbonat, có thể hình thành những hang karst chứa nước, khi bị tác động có thể gây tai nạn do bục nước như đã từng xảy ra tình trạng chết người trong hầm lò cũ ở vùng than Uông Bí, Quảng Ninh. Để phòng tránh rủi ro này, cần đầu tư bổ sung công trình khoan kiểm tra nhằm khẳng định rằng ở mỏ Thạch Khê không có hiện tượng karst. Nhưng nếu làm như vậy, thì giá thành sản phẩm càng tăng cao, khó lòng cạnh tranh với hàng hóa quặng sắt trên thị trường thế giới.
c) Khó khăn trong giữ ổn định bờ mỏ
Do tầng đất phủ dày, cấu thành từ cát bở rời lẫn ít sét, nên khi mở moong lộ thiên gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ ổn định bờ mỏ, nhất là đối với tầng gần mặt đất, trên mực nước ngầm nếu không đảm bảo góc dốc của bờ mỏ (khoảng 30 độ). Thực tế cho thấy trong những năm 2010- 2017, cứ sau một trận mưa thì những dòng chảy mặt lại cuốn trôi cát xuống moong mỏ, tạo nên những bãi bồi tích (nón phóng vật) ở chân bờ mỏ, có thể nhận thấy rõ trên ảnh vệ tinh khi mực nước trong moong hạ thấp, vì vậy, phải tốn thêm công sức, chi phí để bốc xúc ở đáy moong mỏ. Để hạn chế dòng cát đổ xuống mỏ Công ty TIC đã xây dựng bờ bao xung quanh mỏ bằng vật liệu đất cát, sét; gia cố bờ mỏ bằng vật liệu sét [1]. Công việc này càng làm tăng cao giá thành sản phẩm quặng khai thác và giảm hiệu quả kinh tế tương ứng.
d) Khó khăn chống ngập và tháo khô mỏ
Toàn bộ quặng sắt mỏ Thạch Khê nằm dưới mực nước biển đến độ sâu âm >500m và dưới mực nước ngầm của cồn cát ven biển. Khi mở moong lộ thiên thì nước ngầm và nước mưa đều đổ vào đây, nhất là vào thời kỳ mưa bão đổ vào miền Trung, thì moong mỏ sẽ bị ngập sâu. Theo các nhà địa chất thủy văn, lượng nước chảy vào mỏ trung bình đến 3.171.800m3/ngày đêm, gây nhiều khó khăn khi thoát nước và tháo khô mỏ. Để tháo khô mỏ cần: (i) Xây dựng hệ thống hố khoan sâu quanh bờ mỏ để bơm hút nước; (ii) Hoặc thoát nước cưỡng bức bằng trạm bơm công suất lớn (theo thuyết minh dự án: dùng bơm công suất 1.250 m3/h, bơm đẩy với chiều cao 125m). Khi khai thác xuống sâu hàng trăm mét ắt phải lập những trạm bơm trung gian để bơm hút nước theo cấp. Đối với điều kiện ở mỏ Thạch Khê, những giải pháp kỹ thuật này khả thi, nhưng đòi hỏi đầu tư lớn, do vậy giá thành sản phẩm quặng khai thác tăng và giảm hiệu quả kinh tế tương ứng.
Ngược lại, khi bơm hút nước tháo khô mỏ thì đồng thời cũng làm cạn khô dần nước ngầm trong cồn cát xung quanh khai trường của mỏ. Năm 2011, người dân xã Thạch Đỉnh cảm nhận được mực nước ngầm hạ thấp rất nhanh, do vậy, họ đã phải khoan giếng sâu hơn để lấy nước, nhưng nước bị nhiễm phèn hơn so với trước đó. Sụt giảm mực nước ngầm ắt dẫn đến hiện tượng sụt lún mặt đất. Nếu nghi ngờ nhận định này thì có thể quan trắc bằng máy móc chuyên dụng để kiểm định, nhưng đơn giản hơn là giải bài toán mô hình để mô phỏng quá trình sụt lún mặt đất do bơm hút nước nước ngầm. Mô hình MODFLOW gói MODFLOW-SUB là sự kết hợp giữa mô hình dòng chảy nước dưới đất và mô hình biến dạng nén ép, hay làm chặt do sự suy giảm nước ngầm gây nên, có thể làm rõ vấn đề này.
5. Vấn đề môi trường do đổ thải
a) Vấn đề môi trường do đổ thải trên đất liền
Theo thiết kế kỹ thuật của dự án mỏ sắt Thạch Khê, khối lượng chất thải từ "đại công trường" mỏ sắt Thạch Khê đổ ra môi trường xung quanh là rất lớn, gồm đất đá thải và nước thải mỏ, chưa kể rác thải và nước thải sinh hoạt của công nhân. Khối lượng đất đá thải rất lớn, gồm 194.970.000m3 đổ vào bãi thải Bắc, 262.560.000m3 đổ vào bãi thải Nam, đến cao trình 50m ở giai đoạn 1 và đạt đến 90m trong giai đoạn 2 [1]. Với tổng khối lượng đất thải rất lớn và cao trình 90m thì dải đồi đất đá bãi thải Bắc sẽ gây ra vấn nạn bụi cát vào mùa gió Lào khô nóng trên vùng đất Thạch Hà; cát trôi, cát chảy vào mùa mưa, nhất là mưa bão, sẽ đổ về khu dân cư Bắc Hải ở phía Đông và đồng ruộng ở phía Tây của xã Thạch Bàn, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa, ruộng vườn của cư dân địa phương
Chiều rộng 1-2km
Diện tích moong: 6km2
Chiều sâu: 500m
Bãi đổ thải Bắc : 194,97 tr.m3
Bãi đổ thải Nam: 262,56 tr.m3:
Bãi thải biển:171,89 tr.m3
Thực tế cho thấy, bãi thải đất đá mỏ than Nam Đèo Nai đã nhiều lần gây tai họa cho cư dân Cẩm Phả. Câu hỏi đặt ra là liệu đê chắn bao quanh các bãi thải Bắc, Nam ở mỏ Thạch Khê có đứng vững để bảo vệ dân lành không, hay là hàng năm Công ty TIC phải bỏ ra rất nhiều tiền để bồi trúc những đê bao này ? và khoản chi trả đó đã được tính toán trong phân tích tài chính của dự án mỏ Thạch Khê không, rất cần sự minh bạch trong vấn đề này.
b) Đổ đất đá thải ra biển
Sau khi đổ đầy các bãi thải trên đất liền, đất đá thải sẽ được đổ ra biển với tổng khối lượng 171.890.000m3, tạo nên một bãi thải dọc bờ, từ mép nước đến đường đẳng sâu âm -10m, bãi thải đạt đến cao trình bề mặt bãi +25m [1]. Đây sẽ là bãi đổ đất đá thải mỏ ra biển lớn nhất Việt Nam. Theo thiết kế mỏ, Công ty khai thác sẽ đắp đê bao để giữ ổn định bãi thải này. Giải pháp này là ý tưởng tốt, nhưng sẽ cần rất nhiều vốn đầu tư để khắc phục những hệ lụy môi trường phát sinh.
Nhận thấy, biển ven bờ Thạch Hải, tỉnh Hà Tĩnh là biển bãi ngang, độ dốc nhỏ, là nơi đánh bắt thủy sản nghề lộng ven bờ bằng thuyền thúng và các tàu thuyền cỡ nhỏ của cư dân Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, là sinh kế chủ yếu của ngư dân Hà Tĩnh. Nằm trong khu vực có nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào, lại có dòng hải lưu hướng Bắc - Nam thường xuyên qua đây,... Khi hình thành và tồi tại bãi đổ thải biển quy mô lớn, từ bờ ra đến độ sâu âm 10m, sẽ làm thay đổi cân bằng gủa quá trình tương tác giữa biển và đới bờ. Tác động tổng hợp của thiên tai và động lực biển, dễ dàng phá hủy bải thải này, gây ra nhiều hậu quả như: Thay đổi nền đáy biển, xói lở bờ biển phía Bắc và Phía Nam bãi thải, suy thoái môi trường nước biển, thay đổi hệ sinh thái biển ven bờ, biến dạng ngư trường,... ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế độc nhất của cư dân ven biển Thạch Hà, vì rằng nơi đây chủ yếu ngư dân nghèo, không có thuyền lớn để đánh bắt xa bờ, lại không có cảng cá và các dịch vụ cần thiết cho nghề đi biển... Những hậu quả này không phải là sự suy tưởng, mà thực tế cho thấy như tại bờ biển bãi ngang ở Hải Hậu, tỉnh Nam Định, năm 1967 đã xây dựng đê biển quốc gia khá kiên cố, nhưng sau khoảng 13 năm toàn bộ đoạn đê này bị biển phá hủy tan tành, vì vậy năm 1980 nhà nước phải đầu tư rất lớn để xây lại đê biển Hải Hậu mới, tại vị trí lùi vào phía nội đồng 200m. Vấn đề đổ thải đất đá mỏ ra biển không bao giờ là là chuyện đơn giản, ngay cả đối với những nước giàu, có biển trên thế giới.
Trong thời gian gần đây, các sự cố môi trường biển đã dẫn tới những hệ quả xấu với nhiều địa phương. Yêu cầu giám sát và cảnh báo biến động môi trường biển, bao gồm các đặc trưng môi trường, sinh thái, hình thái đường bờ,... là rất cấp bách. Trong trường hợp thiếu cơ sở dữ liệu môi trường biển, có thể áp dụng tích hợp các mô hình toán học và kỹ thuật quan trắc hiện đại để đưa ra các đặc trưng về chế độ của môi trường nước, trầm tích và hình thái đường bờ. Thiết lập hệ thống mô hình này được thực hiện trên cơ sở tích hợp hệ thống giám sát (quan trắc viễn thám, radar biển, ...), đồng hóa số liệu với mô hình các quá trình hoàn lưu, dòng chảy biển, sóng, mực nước, chất lượng môi trường và hệ quả của thiên tai (gió mùa, bão, nước dâng trong bão, ...) và hoạt động của con người (xây dựng công trình biển, lấn biển, công trình bảo vệ của sông,...). Vấn đế đặt ra là ngoài việc lựa chọn bộ các mô hình thương mại như MIKE, Delf3D,...có thể phát triển hệ thống các mô hình mã nguồn mở (ROMS, GHER, ..) cho vùng biển nghiên cứu, cụ thể là biển Hà Tĩnh. Kết quả triển khai hệ thống mô hình này cho phép đánh giá và cảnh báo trạng thái môi trường biển do tác động của các hoạt động kinh tế, do biến đổi khí hậu. Hệ thống mô hình này ứng dụng có kết quả tốt cho quá trình khai thác mỏ, đổ thải đất đá mỏ ra biển và bờ biển theo các kịch bản khác nhau. Bài toán mô hình mô phỏng này sẽ là cơ sở khoa học để giải đáp các câu hỏi liên quan đến bãi đổ thải ra biển Hà Tĩnh.
c) Đổ nước thải mỏ ra biển. Nước thải mỏ khối lượng lớn được bơm từ moong mỏ, đổ vào một bể chứa có diện tích 2ha để lắng tự nhiên, rồi theo kênh dẫn dài 550m đổ thẳng ra biển Thạch Hải. Hiện chưa có kết quả phân tích các kim loại nặng trong nước mỏ (Fe, Cu, Zn, Mn, Sn và các nguyên tố vi lượng khác) nên chưa thể đánh giá chất lượng nước thải từ mỏ Thạch Khê. Tuy nhiên, thông thường nước thải của một khu mỏ khai thác quặng kim loại bao giờ cũng chứa nhiều chất độc hại đối với môi trường. Trong quặng sắt Thạch Khê, ngoài kim loại chính được thu hồi, trong nước thải mỏ còn có lưu huỳnh, các kim loại nặng và các nguyên tố vi lượng khác, trong đó hàm lượng Zn trung bình là 0,071% [1]]. Theo giấy phép xả thải do Bộ TN&MT cấp, mỏ sắt Thạch Khê xả thải liên tục 24h/ngày đêm, liên tục trong năm, với lưu lượng lớn nhất 69.262m3/ngày đêm. Nước thải mỏ không qua xử lý được đổ trực tiếp ra biển với khối lượng rất lớn, liệu các kim loại nặng, độc hại đi kèm quặng sắt trong thời gian cả đời dự án 52 năm, thì tác động tích lũy của chúng có gây ra thảm họa môi trường trên vùng biển ven bờ Hà Tĩnh hay không ? Vì vậy, lắng lọc nước thải qua hồ 2ha có lẽ không cần thiết, vì tốn thêm tiền để nạo vét hồ. Nhưng xử lý nước thải mỏ là vấn đề không thể thiếu khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
6. Tổn thất tài nguyên, hiệu quả khai thác
Trữ lượng đưa vào thiết kế khai thác theo dự án điều chỉnh chỉ trên 340 triệu tấn [1]. So với trữ lượng đã được phê duyệt trước đây, thì trong lòng đất Thạch Khê còn lại khoảng 200 triệu tấn trữ lượng và tài nguyên. So với tổng trữ lượng quặng sắt đã được thăm dò trên lãnh thổ Việt Nam (trừ mỏ Thạch Khê), thì tổng trữ lượng và tài nguyên quặng sắt bị bỏ lại tại mỏ sắt Khạch Khê lớn hơn tổng trữ lượng và tài nguyên của các mỏ khác gộp lại. Như vậy, tổn thất tài nguyên khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê là quá lớn!. Có thể cho rằng khối lượng tài nguyên này là Công ty TIC cố ý để dành lại cho thế hệ tương lai, nếu đúng vậy thì quá tốt. Tuy nhiên, có cơ sở để suy luận rằng Công ty TIC theo phương thức khai thác chọn, chỉ tập trung khai thác phần quặng giàu, có điều kiện khai thác thuận lợi, còn phần quặng khó khai thác thì bỏ lại. Nếu vậy, thì đây là món nợ mà thế hệ hôm nay không thể trả cho con cháu các đời sau !.
Mặt khác, trong hồ sơ dự án Thạch Khê chủ đầu tư đã đã trình bày về phân tích tài chính của dự án, đã đưa một chỉ số rất hấp dẫn đó là hệ số hoàn vốn nội tại IRR và dự án đã dẫn ra những giá trị khác nhau của chỉ số này, nó thay đổi rất nhiều trong từng cách tính toán: 15%, 19,5%, thậm chi 32% [1]. Rõ ràng là chỉ số IRR phụ thuộc rất nhiều vào giá thị trường của sản phẩm quặng sắt. Năm 2017 giá quặng sắt dao động bất thường trong một khoảng lớn do Trung Quốc thao túng, vì vậy, không thể lấy giá của một năm 2017 để đưa vào phép tính. Theo báo cáo dự án, tuổi thọ của dự án mỏ sắt Thạch Khê là 52 năm, chắc chắn là trong thời gian đó giá thị trường sẽ thay đổi nhiều như nó đã từng biến động trong thời gian qua. Vì vậy, khi khi phân tích tài chính dự án Thạch Khê, điều đầu tiên ắt phải làm rõ là dự báo và dự báo dài hạn giá quặng sắt trên thị trường thế giới. Cũng cần công khai minh bạch trong phân tích tài chính dự án Thạch Khê theo đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2015) về sáng kiến minh bạch trong hoạt động ngành công nghiệp khai thác khoáng sản (EITI) để cải cách công nghiệp khai khoáng sản ở Việt Nam [5]. Nói cách khác, tổn thất tài nguyên và hiệu quả khai thác đối với dự án sắt Thạch Khê là vấn đề quan trọng bậc nhất cần được xem xét, cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.
7. Nguy cơ nhiễm mặn và hoang mạc hóa vùng ven biển Thạch Hà
Khu vực mỏ sắt Thạch Khê phía Đông giáp biển với đường bờ biển hơn 10km, phía Tây giới hạn bởi sông Hạ Vàng là sông nước lợ mặn. Đất đai chủ yếu là đất cát và cồn cát, trong đó chứa tầng nước ngầm ngọt (nước nhạt), trong mối quan hệ cân bằng động với nước mặn bao quanh. Thực tế cho thấy, từ khi Công ty sắt Thạch Khê mở moong, liên tục đào sâu và bơm hút nước mỏ đổ ra biển, thì mực nước ngầm tại đây hạ thấp. Dự báo rằng, nếu moong mỏ xuống sâu hàng trăm mét, mở rộng gấp 4-5 lần và tháo khô moong mỏ thì nước mặn từ biển Đông và từ phía sông Hạ Vàng sẽ xâm nhập vào và dần thay thế khối nước ngọt vốn có trong đất cồn cát. Đây là vấn đề rất quan trọng, được mọi người quan tâm và lo lắng, nhưng cũng là vấn đề rất phức tạp, và cuộc tranh luận theo nhận thức chủ quan mang tính chất định tính của mỗi chuyên gia sẽ không bao giờ kết thúc. Vì vậy, Công ty TIC cần tiến hành nghiên cứu dưới góc độ định lượng hơn, tốt nhất là sử dụng mô hình toán mô phỏng để làm rõ sự xâm nhập mặn.
Ranh giới mặn nhạt trong nước dưới đất ở khu vực ven biển do khai thác, bơm hút nước ngầm gây nên phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là tự nhiên (mực nước biển, nguồn bổ cập nước nhạt) và nhân tạo (mức độ bơm hút nước nhạt); Sự chênh lệch mực nước biển và nước dưới đất làm dịch chuyển ranh giới mặn nhạt vào sâu hơn trong lục địa, từ đó làm cho diện tích vùng nhiễm mặn tăng lên. Hiện nay trên thị trường có nhiều mô hình thương mại. Để mô phỏng quá trình dịch chuyển ranh giới mặn nhạt có thể sử dụng mô hình SEAWAT. Mô hình này được tích hợp từ 2 mô hình: Mô hình dòng chảy (MODFLOW) và mô hình lan truyền vật chất MT3DMS. Đây là tổ hợp mô hình có thể mô phỏng quá trình lan truyền của vật chất do chênh lệch khối lượng riêng của nước mặn và nước nhạt. Ngoài ảnh hưởng của mực nước, sự chênh lệch khối lượng riêng giữa các môi trường cũng ảnh hưởng lớn đến tốc độ dịch chuyển ranh giới mặn nhạt. Mô hình này có ưu việt là mô phỏng được điều đó.
Đối với khu vực mỏ sắt Thạch Khê, khi bơm hút tháo khô mỏ, mực nước ngầm trong cồn cát bị hạ thấp, nước biển xâm nhập vào và dần thay thế khối nước ngọt vốn có trong đất cồn cát, thì đất đai ở đây sẽ dần bị nhiễm mặn, do vậy thảm thực vật tự nhiên như sim, mua, đặc biệt là cây tràm gió sẽ tàn lụi dần; các cây trồng nông nghiệp cũng không phát triển được vì đất đai bị khô hạn và nhiễm mặn. Hệ sinh thái mong manh vốn có trên cồn cát, nhưng giữ vai trò rất quan trong trong việc chống lại hiện tượng cát bay, cát chảy sẽ mất đi và cồn cát ven biển Thạch Hà sẽ trở thành một vùng sa mạc hóa thực sự, đó là điều đáng sợ và cũng thật đáng lo đối với cán bộ và người dân Hà Tĩnh.
8. Cuộc sống gian truân của người dân vô tội
Mỏ sắt Thạch Khê chiếm dụng 3.887ha đất, gây tác động nhiều mặt đến môi trường và xã hội của 6 xã thuộc huyện Thạch Hà. Quyết định số 2820/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 07-10/2008 đã phê duyệt việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê [8]. Theo đó vốn tái định cư 3.478,7 tỷ đồng để bồi thường, hỗ trợ cho 4.437 hộ với 18.951 nhân khẩu, trong đó có 3.952 hộ dân với 16.861 nhân khẩu phải di dời đến nơi tái định cư. Việc giải phóng mặt bằng, đền bù di dời đợt đầu được thực hiện đối với cư dân xóm 1 và xóm 2 của xã Thạch Đỉnh. Mỗi hộ nông dân nhận được tiền đền bù khoảng 1,0- 1,4 tỷ đồng tùy thuộc vào tài sản của họ và được cấp 300m2 đất tại khu tái định cư để xây nhà. Những tưởng cuộc sống của 51 hộ dân với 357 nhân khẩu xã Thạch Đỉnh tại nơi ở mới sẽ tốt đẹp hơn, nhưng thực tế còn nhiều khó khăn vì mới chỉ tạm "an cư", nhưng chưa và không bao giờ "lạc nghiệp" được, bởi vì họ không được cấp đất nông nghiệp để canh tác thì lấy gì để sinh sống và chăn nuôi gia súc, gia cầm!.
Giờ đây trắng tay họ đành phải đi làm thuê khắp nơi, hoặc thuê mướn ruộng đất của dân xã khác để cày cấy và rơi vào tình trạng thiếu ăn kéo dài, họ đành phải trở lại nơi ở cũ để trồng lạc, cấy lúa trên những mảnh đất mà Công ty TIC chưa sử dụng. Cuộc sống "một chốn đôi nơi" của người dân xã Thạch Đỉnh ngày càng khó trăm bề và chưa biết tương lai của họ đi về đâu!. Di dời toàn bộ 3.952 hộ dân với 16.861 nhân khẩu của huyện Thạch Hà là chuyện không hề đơn giản, thực ra là rất khó giải quyết. Đành rằng người dân Hà Tĩnh vốn có truyền thồng cách mạng, nhưng khi đưa họ đến nơi ở mới không có một tấc đất để mưu sinh, trong khi tối thiểu cần thiết cho một nhân khẩu nông nghiệp để canh tác tại nơi tái định cư phải là 1,0 -1,5 sào đất nông nghiệp để sinh sống. Lo ngại rằng, tái định cư mà không thể định canh thì sẽ nảy sinh mâu thuẫn xã hội, đến một lúc nào đó, "Tức nước vỡ bờ", dẫn đến xung đột xã hội. Điều này cả Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và người dân đều không hề mong muốn. Đó là vấn đề bức xúc cần được nghiêm túc xem xét khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
9. So sánh lựa chọn và đánh đổi
Theo các tư liệu trong hồ sơ dự án [1], có thể nhận thấy rằng, hiệu quả kinh tế của khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa được rõ, nhưng hậu quả môi trường và xã hội thì rất lớn với nhiếu vấn đề bức xúc như:
• Tạo ra các bãi đổ đất đá thải mỏ lớn nhất Việt Nam ở vùng ven biể Hà Tĩnh;
• Những vấn đề môi trường phát sinh do đổ thải, nước thải mỏ, tháo khô mỏ;
• Nguy cơ nhiễm mặn và sa mạc hóa vùng đất ven biển thuộc huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh;
• Cuộc sống quá vất vả của hàng vạn người dân vô tội khi di dời tái định cư và các vấn đề khác.
Trong bối cảnh đó, cần có phương án đánh đổi kinh tế và môi trường. Việc lựa chọn phương án đánh đổi hoàn toàn phụ thuộc vào vị thế và góc nhìn của mỗi chủ thể, bao gồm Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân [7].
Ba phương án để lựa chọn cho mỏ sắt Thạch Khê:
(1) Nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro.
Theo phương án này cái được là: Tiếp nối những công việc đã làm như đã bóc đất tầng phủ 12,7 triệu m3 đến cốt -34m; đã giải ngân đến tháng 11/2016 là 1.589,59 tỷ đồng; đã đúc rút được kinh nghiệm của giai đoạn khai thác thử nghiệm. Cái mất là phải chấp nhận tất cả các rủi ro như phân tích ở trên, tổng hòa các các rủi ro đó là nguy cơ tác động mạnh đến môi trường đất, nước, biển và an sinh xã hội...mà việc khắc phục chúng sẽ đẩy giá thành sản xuất quặng lên cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường.
(2) Chấm dứt hoạt động, cam chịu mất phần vốn đầu tư đã bỏ ra.
Theo phương án này cái được là tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm. Cái mất là phải chấp nhận mất một khỏan vốn đầu tư lớn ban đầu (1.589,59 tỷ đồng), mà việc dựa vào kinh doanh khác để bù lại là không phải dễ dàng. Tuy nhiên, đây không phải là mất trắng, vì rằng khoản tiền đền bù di dân, tuy lớn, nhưng có thể xem như là quà của Nhà nước và doanh nghiệp biếu cho cộng đồng cư dân nghèo khó của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Phần tiền trả lương cho công nhân trong các năm 2009-2011 cũng tương đối nhiều, nhưng có thể xem như phần thưởng cho số công nhân từ Quảng Ninh chấp nhận xa nhà, nhiệt tình vào vùng đất cồn cát Hà Tĩnh lắm khó khăn theo tiếng gọi của dự án. Phần thiệt hại sau cùng được xem như quy luật nghiệt ngã của rủi ro trên thương trường " đi buôn nhất lỗ nhì lời".
(3) Tạm dừng hoạt động của dự án.
Theo phương án này là dừng dự án cho đến khi những vấn đề về môi trường (tự nhiên và xã hội) có được phương thức xử lý tốt; khi các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ được khắc phục. Cái mất của phương án này là phải chấp nhận tạm dừng các hoạt động khai thác quặng sắt Thạch Khê, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của Công ty TIC và kế hoạch phát triển sản xuất của chủ đầu tư. Cái được lớn nhất của phương án này là tránh được những rủi ro không mong muốn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cả xã hội trong thời gian tiếp theo của 52 năm dự án, đảm bảo dự án thực sự có lãi khi hội tụ đủ các điều kiện " thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Khi xảy ra sự cố môi trường Formosa ở khu công nghiệp Vũng Án, Hà Tĩnh, tại Hội nghị trực tuyến về môi trường ngày 24-08/2016, Thủ tướng Chính phủ căn dặn rằng: Không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế trước mắt. Đây là phương án được chọn đối với mỏ Thạch Khê.
Tài liệu tham khảo:
1. Công ty cổ phần sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh (2017). Hồ sơ dự án mỏ sắt Thạch Khê.
2. Giấy phép hoạt động khoáng sản số 222/GP-BTNMT(2009). Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Giấy chứng nhận đầu tư số 28121000037 (2008). UBND Hà Tĩnh.
4. Nguyễn Văn Nhân (2004). Các mỏ khoáng. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2015). Thực thi EITI để cải cách ngành công nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam.
6. Tổng quan thực trạng khai thác tài nguyên khoáng sản Việt Nam trong bối cảnh phát triển bền vững 2012). Viện Tư vấn phát triển.
7. Trung tâm con người và Thiên nhiên (2008). Phát triển và đánh đổi: Lựa chọn giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, Tuyển tập báo chí môi trường.
8. Quyết định số 2820/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 07-10/2008 phê duyệt bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Hà Nội tháng 6/ 2017
VP Tổng hội Địa chất Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét