Chia sẻ

Tre Làng

VỀ QUY ĐỊNH 12 CỦA UBND TP.HÀ NỘI: PHẢI TÔN TRỌNG CÁN BỘ TIẾP DÂN

Khoai@

Bài 6 câu hỏi về Quy định "Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân" mời anh chị đọc ở đây hoặc bấm vào đường link dưới đây:


Tại sao chỉ đòi hỏi cán bộ tiếp dân phải lịch sự còn người đến làm việc thì không?

Lâu nay, khi chủ nghĩa dân túy có xu hướng lên ngôi, một số báo chí có xu hướng vuốt ve dư luận bằng cách chỉ nhấn mạnh đến quyền lợi của người dân, chỉ tìm cách đòi hỏi ở cơ quan công quyền, nhưng ở chiều ngược lại, họ không coi cán bộ công quyền là "công dân", không được hưởng các quyền tối thiểu như bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm như một công dân. Đúng ra, cán bộ vì công dân, tôn trọng công dân thì ngược lại, công dân cũng phải tôn trọng cán bộ mới phải.

Ai cũng sẽ thấy, vệc công dân đến trụ sở tiếp dân để biểu đạt ý kiến của mình, như: khiếu nại, tố cáo hay đòi hỏi chính quyền giải thích điều gì đó... là bình thường. Nhưng thực tế, nhiều công dân đến Trụ sở tiếp dân không phải là để phản ánh kiến nghị của mình. Thay vì làm điều đó, họ có thái độ thù địch, hằn học, và sẵn sàng gây gổ với cán bộ tiếp dân. Thậm chí nhiều trường hợp đến chỉ với mục đích gây sự với chính quyền (gây rối) rồi ghi âm, ghi hình, sau đó cắt xén, chèn lời bình, xuyên tạc sự thật với mục đích bôi nhọ chính quyền.

Đến Trụ sở tiếp dân với thái độ của kẻ lưu manh, côn đồ, mà tay lại lăm lăm máy ghi âm ghi hình, quay kiểu khiêu khích cán bộ tiếp dân cho thấy động cơ không trong sáng của "công dân" và chắc chắn phiên làm việc đó không có kết quả tốt.

Ở đây cần thấy cán bộ tiếp dân có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của công dân, nhưng cũng đồng thời phải tự bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của chính mình. Đặc biệt hơn nữa, cán bộ tiếp dân cũng cần có trách nhiệm bảo vệ uy tín của cơ quan tiếp dân và của chính quyền - đây là điều tôi muốn nhấn mạnh hơn cả.

Nếu nói đến nghĩa vụ của cán bộ tiếp dân trong việc bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của họ và của chính quyền thì họ sẽ phải thực hiện công tâm, đúng mực trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của công dân, đồng thời cũng phải ngăn ngừa những hành vi của công dân có khả năng, hay có nguy cơ đe dọa tới úy tín của chính quyền, đe dọa tới an ninh trật tự. Ở góc độ này, quy đinh của Hà Nội là cần thiết.

Xét một cách công bằng, quy định này hướng đến xây dựng môi trường làm việc nghiêm túc lành mạnh. Không cấm người dân quay phim, chụp ảnh mà đòi hỏi phải có sự đồng ý của cán bộ tiếp dân. Điều này có nghĩa, một buổi làm việc, cán bộ tiếp dân phải tôn trọng người dân và ngược lại, người dân cũng phải tôn trọng cán bộ tiếp dân, tôn trọng chính quyền.

Sẽ cực kỳ phản cảm và cán bộ tiếp dân sẽ bị ức chế khi công dân tùy tiện giơ thiết bị điện tử lên để quay phim, chụp hình cán bộ. 

Nhà nước bảo đảm quyền công dân nhưng quyền đó không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc; không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người khác. Quyết định số 12/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội cũng như nội quy, quy chế tiếp dân của Chính phủ và các cơ quan trung ương đều khẳng định, việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của người được ghi âm, ghi hình.

Một cách tổng quát, đây là quy định có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn chặn các hành vi gây bất ổn xã hội. Nó sẽ giúp phòng ngừa những thành phần quá khích, thiếu ý thức, lợi dụng quyền tự do để gây rối, phục vụ cho mục đích không tốt. Mặt khác nó cũng đòi hỏi công dân đến làm việc phải tôn trọng cán bộ tiếp dân. Với ý nghĩa đó, quy định này góp phần tạo nên môi trường làm việc lành mạnh, nghiêm túc, chất lượng, đảm bảo quyền lợi của công dân.

1 nhận xét:

  1. việc tiếp dân đòi hỏi cả 2 bên cả cán bộ tiếp dân và người dân phải hợp tác, trao đổi với nhau để có thể giải quyết vấn đề còn vướng mắc, vậy nếu người dân cứ lăm lăm cái điện thoải trên tay thì làm sao có thể tập trung để giải quyết vấn đề có vướng mắc

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog