Phương Thúy
"Tôi không đồng tình việc thầy cô đánh học trò, nhưng phải nhìn một cách toàn diện"
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng "việc thầy cô đánh trò, dĩ nhiên tôi không đồng tình, nhưng chúng ta cũng cần bình tĩnh phân tích xem vì sao một số thầy cô mất kiểm soát bản thân như vậy.".
Trước nhiều sự việc xảy ra trong ngành giáo dục như cô giáo bắt học sinh quỳ trong lớp, cô giáo đánh học sinh vì viết bài chậm và những câu chuyện xung quanh học đường, tình thầy trò, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
- Thời gian qua, dư luận vô cùng bức xúc trước những hành động của giáo viên với học sinh như cô giáo bắt học sinh quỳ, tát học sinh chỉ vì viết bài chậm,… Xin giáo sư cho biết quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết tôi xin nói rằng, ở thời nào và nước nào cũng có hành vi không phù hợp với chuẩn mực của nhà giáo, chứ không phải điều đó chỉ có ở Việt Nam và bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân có ấn tượng là vì các hành vi này xuất hiện dày đặc hơn một phần do internet phát triển.
Khi có bất kỳ việc gì xảy ra, người ta nhanh chóng đưa lên mạng xã hội và dư luận chỉ cần như thế đã vô cùng bức xúc, ném đá vào những người bị cho là có hành vi không phù hợp.
Cá nhân tôi không đồng tình với việc đánh học trò. Giáo dục học sinh, thầy cô phải làm gương, phải kiên trì và phải có tình thương, có tính nhân văn. Bạo lực không thể làm các em tốt lên.
Các thầy cô có hành vi bạo lực hình như không đọc báo, không thường xuyên sinh hoạt nghiệp vụ để có kỹ năng ứng xử trước những tình huống như trên.
- Có nhiều giáo viên họ cho rằng mình nóng tính, quen tay đánh học sinh. Vậy phải làm thế nào để môi trường sư phạm không còn roi vọt, thưa giáo sư?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, những người có khuynh hướng bạo lực không nên làm trong ngành sư phạm. Tuyển sinh ngành này nếu chỉ bằng bài thi trên giấy thì rất khó chọn người chính xác. Tôi cho rằng tuyển sinh sư phạm cần bổ sung hình thức phỏng vấn bên cạnh thi viết để đánh giá được lòng yêu trẻ, yêu nghề, tính mô phạm của thí sinh bởi vì dạy học không đơn thuần chỉ là một nghề kiếm sống như nhiều nghề khác.
Hình ảnh nữ giáo viên tát và đánh tới tấp vào đầu học sinh ở Trường Tiểu học Quán Toan (Hồng Bàng, Hải Phòng) xảy ra vừa qua đã gây phẫn nộ trong dư luận.
Phương thức đào tạo sư phạm cũng cần thay đổi. Giáo sinh chỉ nên học 50% thời gian ở trường đại học, còn lại phải học và thực hành trong môi trường phổ thông để hiểu biết nghề nghiệp, làm quen với tình huống sư phạm và học cách giải quyết những tình huống có thể gặp trong nghề giáo.
Ngoài ra, các trường phổ thông nên tăng cường thông tin, bồi dưỡng hiểu biết pháp luật cho thầy cô, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm xử lý tình huống sư phạm để thầy cô có cách xử sự đúng đắn.
- Trẻ em bây giờ không chỉ là "búp trên cành" mà còn là vàng, là ngọc trong các gia đình. Để bảo vệ con cái mình, nhiều bậc cha mẹ không biết đúng sai nên hễ thầy cô dạy gì “quá” là đến trường lớp làm ầm ĩ, thậm chí tấn công lại thầy, cô giáo của con mình. Theo ông, đây có thực sự là một cách giám sát giáo dục hay chỉ là cách làm cho học sinh không còn sợ thầy, cô nữa?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Thời nay, phương tiện thông tin đại chúng nhạy bén, đặc biệt mạng xã hội phát triển, tin tức đưa lên nhanh, không hề bị kiểm duyệt. Nhiều thông tin không được kiểm chứng hoặc được tuyên truyền theo ý chủ quan, thậm chí có động cơ không trong sáng.
Tôi cho rằng báo chí và bất kể ai đưa thông tin gì lên mạng cũng cần có trách nhiệm với tin, bài của mình, cần kiểm tra tính xác thực của thông tin và đưa tin với động cơ đúng đắn. Bởi vì những hình ảnh méo mó về giáo dục, về thầy cô và về người lớn nói chung đưa trên mạng xã hội hay trên báo chí sẽ có thể làm cho thế hệ trẻ nhìn thầy, cô, nhìn người lớn với cái nhìn rất tiêu cực, từ đó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của các em. Điều này cũng giống như trong nhà, mẹ nói xấu bố, bố đánh mẹ thì cha mẹ không thể dạy được con cái nên người.
Thay vì đưa lên mạng xã hội để câu kéo sự chú ý của dư luận và báo chí thì người có thông tin nên gửi đến các cơ quan chức năng để xử lý. Các cơ quan nhà nước cần quan tâm xử lý kịp thời chuyện xảy ra để người dân thấy sự công bằng xã hội, từ đó tin tưởng vào công lý và có cách xử lý đúng đắn hơn, không cần nhờ đến sự can thiệp của mạng xã hội.
Việc giáo viên đánh học sinh, dĩ nhiên tôi không đồng tình, nhưng chúng ta cũng cần bình tĩnh phân tích xem vì sao một số thầy, cô mất kiểm soát bản thân như vậy. Ở nhà, mình dạy con, cháu chỉ 2, 3 đứa, có lúc mình còn muốn “khùng” lên. Huống chi nhiều thầy cô giáo chịu áp lực của công việc, hằng ngày phải cai quản, dạy dỗ tới 50 – 60 học trò hiếu động, có lúc họ không giữ được bình tĩnh.
Vì vậy, khi giáo viên sai, phụ huynh nên gặp gỡ thầy, cô, bình tĩnh trao đổi. Xử sự như vậy, chắc chắn người có hành vi sai trái sẽ nhận ra lỗi của mình.
Còn việc cô bắt học sinh quỳ là cô sai. Học sinh không quỳ mà bỏ đi, học sinh cũng sai. Phụ huynh lại lấy lý do con mình bỏ ra ngoài không học được bài để tố cô trên mạng thì phụ huynh càng sai. Cách xử sự đúng đắn là gặp cô giáo, hỏi cho rõ ngọn ngành. Nếu cô sai thì bình tĩnh chỉ ra cái sai của cô. Cô không chịu tiếp thu thì đã có ban giám hiệu nhà trường giải quyết. Trên ban giám hiệu còn có phòng giáo dục, sở giáo dục, ủy ban nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Việc phụ huynh xông vào trường làm nhục thầy cô hay bôi xấu thầy cô trên mạng, phụ huynh có thể thỏa mãn được cái tức nhất thời nhưng sẽ làm con mình hư. Hậu quả có thể nhìn thấy ngay. Chắc chắn đó không phải là sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong giáo dục và cách làm đó khó đào tạo được những người công dân tương lai chững chạc, nghiêm túc, nhân văn. Khi các con không nghe lời thầy cô, hay không trọng thầy cô nữa thì coi như hết cách dạy.
- Thực tế như giáo sư nói ở trên, thời nào cũng có chuyện thầy véo tai, gõ thước kẻ vào tay học sinh nhưng tình thầy trò vẫn được nể trọng. Nhưng bây giờ thì ngược lại, theo giáo sư, vì sao lại như thế?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Thầy cô trước đây có 2 loại “vũ khí” là điểm số và kỷ luật, nhưng giờ đây cả 2 loại vũ khí đều bị "tước" hết rồi.
Trước đây, học trò hư, học kém, nhà trường sẵn sàng cho lưu ban, thậm chí có lớp lưu ban cả chục học sinh, nhưng nay thì không. Một phần là do bệnh thành tích, còn một phần nữa là do bây giờ người đi học ở cấp học nào cũng rất đông. Ở Hà Nội, mỗi lớp học trung bình có 60 học sinh, nếu cho lưu ban thì không có chỗ cho các em lớp sau học nữa nên khó có thể để học sinh lưu ban.
Ngày xưa, nhà trường đuổi học 2, 3 ngày, học sinh rất sợ nhưng giờ thì không. Nếu bị đuổi học, họ đã có công cụ là internet và dư luận gây áp lực cho nhà trường. Và nhiều trường bây giờ loay hoay không biết xử lý thế nào.
Trước đây, chuyện học sinh bị đánh cũng là bình thường, phụ huynh không có ý kiến gì. Nhưng đó là một phương pháp dạy học sai lầm và là hành vi vi phạm pháp luật, cần được chấm dứt.
Tôi hết sức bất bình với hành vi bạo lực của một số thầy cô nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng nên nhìn vấn đề một cách toàn diện, tìm hiểu kỹ trước khi kết tội bất kỳ ai, nhất là đối với những người đang thay chúng ta dạy dỗ con em chúng ta.
Vâng, xin cảm ơn giáo sư!
Phương Thúy
Ở một số nước, chẳng hạn rất nhiều bang ở Mỹ quy định học sinh hư sẽ bị đánh đòn. Nhưng ở Việt Nam không có/chưa có bất cứ văn bản nào quy định cụ thể hình thức cho phép thầy/cô dạy bộ môn kỷ luật học sinh ở mức cao hơn (dù là tinh thần hay thể xác). Thầy/cô không thể làm gì với những trường hợp học sinh cá biệt. Dù giáo viên thương yêu học sinh, có phạt nó cũng chỉ là biện pháp, và cũng chỉ là giữ kỷ luật cho nghiêm, chứ không phải là ghét bỏ hay thù hằn học sinh, nhưng dứt khoát không được làm. Nhắc nhở không được thì báo cho lãnh đạo nhà trường biết hoặc im lặng. Chớ dại dột, phạt học sinh để bị trả oán, thậm chí lâm vòng lao lý, bởi nhiều bậc phụ huynh và học sinh đang đề cao cái "tôi" trong xã hội hiện đại.
Trả lờiXóaCần lưu ý thầy, cô rằng, phần đông học sinh Việt Nam chăm ngoan, chúng ta chỉ cần chú trọng dạy những học sinh này, còn với những trường hợp cá biệt chúng ta buộc phải nhẫn nhục, chỉ được phép "nhắc nhở nhẹ nhàng" học sinh khi có lỗi. Hãy kiên trì chịu đựng, bởi "một điều nhịn, chín điều lành". Không may đụng vào con em một số gia đình coi con hơn bố mẹ, thì thầy/cô chắc chắn sa vào cạm bẫy.
Trả lờiXóaThực tế, tôi không ủng hộ bạo lực trong học đường, nhưng tôi nghĩ, giáo dục cần phải nghiêm khắc. Thế hệ chúng tôi được thụ hưởng một nền giáo dục nghiêm khắc, nên ít khi nghe những câu chuyện trái luân thường đạo lý như con giết cha, chồng giết vợ cả. Còn ngày nay, dường như vì quá yêu con, cha mẹ đã tước đoạt hết những quyền lực của thầy cô đối với trò. Trò làm sao tôn trọng thầy cô, khi mà hễ cô phạt, về đến nhà, chúng chỉ cần về "mách" cha mẹ chúng và sự việc sau như thế nào nữa, ai cũng hiểu. Cô giáo đến lớp không dám nặng lời với trò, suốt ngày chỉ mong sao cho trò được điểm 9, điểm 10 để vừa lòng với cha mẹ chúng. Thử hỏi, như thế thì làm sao tạo ra được những đứa trẻ biết kính trên nhường dưới, biết trọng danh dự và phẩm giá của mình.
Trả lờiXóaRất thông cảm với các thầy cô giáo. Trong nhà trường, trước hết phải rèn tính kỷ luật, có vậy công dân tương lai mới tuân thủ luật pháp nhà nước, nội quy công sở và những quy định nơi công cộng. Sự lộn xộn, thậm chí hỗn loạn ngày nay là hậu quả của việc hiểu sai và làm sai cái gọi là " dân chủ trong nhà trường".Nhưng có lẽ bạo lực học đường thì không nên sử dụng, cần có các biện pháp khắt khe mà hiệu quả giáo dục lại cao hơn thay vì bạo lực.
Trả lờiXóaMột thực tế không thể phủ nhận, với rất nhiều học sinh, không phạt không thể dạy được. Nhưng chưa có văn bản nào quy định hình phạt cụ thể cho mỗi lỗi của học sinh. Có ý kiến đề xuất cả biện pháp "bắt dọn nhà vệ sinh 1 tuần". Liệu có ổn không? Đối với một đứa trẻ con thì như thế còn nặng nề và "nhục" hơn quỳ rất nhiều. Về phía thầy, cô giáo, nên nhớ rằng, không được làm gì trái quy định của ngành, chỉ nên nhắc nhở nhẹ nhàng, học sinh không chấp hành thì thôi, chớ ép buộc chúng. Chỉ cần báo cho lãnh đạo nhà trường biết là đủ.
Trả lờiXóaTrước các hành động bạo lực của thầy, cô với học sinh; dư luận hết sức bất bình; nhưng khi xem xét một vấn đề thì phải xem xét cụ thể tất cả các vấn đề có liên quan mới có thể đưa ra két luận; nếu cư nghe thông tin một chiều hoặc chỉ nghe dư luận (trên mạng xã hội) đã vội quy kết cho giáo viên thì chắc một ngày nào đó sẽ không có ai muốn học ngành sư phạm nữa.
Trả lờiXóa