Những phụ huynh phản đối kỷ luật học đường, muốn con được học trong môi trường tự do, sáng tạo..., suy nghĩ chưa thật sự thấu đáo. Anh Nguyễn Bá Trường Giang (tốt nghiệp Khoa Kinh tế, ĐH Cornell và Khoa Luật, ĐH Boston, Mỹ. Anh Giang từng giảng dạy tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) đưa ra góc nhìn tham chiếu từ các nước.
“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy” - đó là câu răn dạy của người Á Đông. Đi đến bất kỳ đâu, làm gì, thì một cá nhân đều phải tuân theo nguyên tắc, kỷ luật, luật lệ của nơi đó.
Học sinh cũng vậy, ở nhà thì phải tuân theo sự chỉ dạy của cha mẹ, hay nói đúng hơn là nề nếp của gia đình, còn đến trường thì phải tuân thủ nội quy của nhà trường. Nếu học sinh ấy vi phạm nội quy nhà trường thì phải chịu kỷ luật.
Kỷ luật học đường xét cho cùng là những bộ quy tắc ứng xử do nhà trường đặt ra mà một học sinh phải tuân thủ.
Không chỉ ở Việt Nam, mà trường học ở nơi nào cũng vậy thôi: Phải có kỷ luật.
Hoa Kỳ: Nhiều bang còn cho phép áp dụng hình phạt “roi vọt”
Nếu ai đó còn nghĩ rằng kỷ luật theo kiểu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” chỉ đúng với văn hóa Á Đông thì có lẽ nên tìm hiểu thêm để thấy rằng sự khác biệt giữa văn hóa Á Đông và Tây Âu lại không hẳn rõ rệt khi nói đến kỷ luật học đường.
Nếu như việc thầy cô giáo ở nơi nào đó trên đất nước Việt Nam còn đánh học sinh và bị lên án gay gắt, thì ở Mỹ nhiều tiểu bang còn có luật cho phép giáo viên sử dụng biện pháp “Trừng phạt thân thể”.
Khái niệm này được dịch nguyên văn từ cụm từ tiếng Anh “Corporal Punishment”.
Vậy từ Corporal Punishment hiểu như thế nào cho đúng? Nếu chúng ta dịch nghĩa man rợ thì gọi là Nhục hình, dịch nghĩa đen thì gọi là Trừng phạt thân thể, còn dịch theo hướng mang tính giáo dục thì gọi là Roi vọt.
Hình phạt này đã từ lâu bị lên án và bị bãi bỏ ở hầu khắp các nước, nhưng riêng ở Mỹ thì lạ thay, có nhiều tiểu bang vẫn cho phép sử dụng hình phạt này.
Xin được liệt kê các tiểu bang đó: Alabama, Arizona, Arkansas, Colorado, Florida, Georgia, Idaho, Indiana, Kansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, North Carolina, Oklahoma, South Carolina, Tennessee, Texas và Wyoming.
Tại nhiều nơi, luật quy định trước khi sử dụng hình phạt này cần phải có sự đồng ý của cha mẹ, và thường cha mẹ đồng ý.
Tại Texas, hình phạt này rất phổ biến, còn tại Wyoming thì ít phổ biến hơn.
Nhiều người sẽ bất ngờ trước thông tin này và có thể đặt câu hỏi là tại sao tại một đất nước có nền giáo dục hiện đại như Mỹ mà hình phạt roi vọt này vẫn còn tồn tại? Thật đơn giản là bởi vì nhiều chuyên gia giáo dục ở Mỹ vẫn tin rằng hình phạt này sẽ có tác dụng trực tiếp nhất đối với sự thay đổi hành vi của trẻ.
Trẻ ở Mỹ cũng nghịch lắm và lười nữa, nếu sau khi các biện pháp khác không răn đe được thì thầy cô sẽ có quyền cầm chiếc roi làm bằng gỗ dẹt tét vào mông trẻ, mà tiếng Mỹ gọi là “Paddling”.
Nhiều tiểu bang còn có luật quy định về hình phạt roi vọt này. Cụ thể, Luật tiểu bang Florida quy định chung như sau:
"Hình phạt roi vọt" nghĩa là việc sử dụng vũ lực hay tiếp xúc cơ thể ở mức độ vừa phải bởi giáo viên hay hiệu trường trong trường hợp được coi là cần thiết nhằm duy trì kỷ luật hoặc thực thi quy định định của nhà trường. Tuy nhiên, thuật ngữ "Hình phạt roi vọt" không bao gồm việc sử dụng vũ lực vừa phải đó bởi một giáo viên hay hiệu trưởng trong trường hợp được coi là cần thiết để tự vệ hay bảo vệ các học sinh khác khỏi các học sinh phá quấy.
Nếu chúng ta đọc kỹ những quy định này thì mới thấy luật của Florida khá lỏng lẻo, và tạo một khoảng trống lớn cho giáo viên thực hiện biện pháp kỷ luật roi vọt này.
Những ngôn từ như “dùng vũ lực hay tiếp xúc cơ thể ở mức độ vừa phải” thật khó lượng hóa: Thế nào là vừa phải? Có phải là không gây chấn thương cơ thể thì là vừa phải?
Về vấn đề này, quy định của các vùng và tiểu bang có khác nhau. Một số trường như trường Elizabeton City Schools tại tiểu bang Tennessee có quy định là hình phạt roi vọt không được gây chấn thương cơ thể, nhưng nhiều trường khác lại không quy định cụ thể như vậy.
Trên thực tế, có nhiều trẻ em ở nhiều vùng trên nước Mỹ bị đánh đến thâm tím mông đít, nhưng cha mẹ không kiện được đơn giản vì luật cho phép thế.
Theo thống kê số liệu liên bang bởi Quỹ Bảo vệ trẻ em, thì vào năm 2014, cứ mỗi ngày có khoảng 838 trẻ em bị đánh đòn, và mỗi niên khóa có khoảng 150.840 vụ áp dụng hình phạt roi vọt.
Cái roi giáo viên Mỹ dùng cụ thể là như thế nào? Đó là một cái roi dạng mái chèo dài 16 inch, rộng 5 inch và dày nửa inch (1 inch = 2,54 cm).
Singapore: Nhà trường được phép toàn quyền ban hành các hình thức kỷ luật hợp pháp với học sinh
Nhìn ngay sang hàng xóm Đông Nam Á của chúng ta là Singapore, một đất nước nhỏ bé nhưng nổi tiếng với nền giáo dục tiên tiến vào loại nhất, xem kỷ luật học đường ở đây có hà khắc không nhé.
Theo tôi, ngoài những yếu tố giúp nền giáo dục Singapore phát triển như sự kết hợp nhuần nhuyễn giáo dục Phương Đông và Phương Tây, xây dựng một chế độ giảng dạy, mô hình sư phạm thiên về truyền đạt kiến thức nọ kia, thì kỷ luật học đường chính là một yếu tố quan trọng giúp Singapore rèn luyện nhân cách con người mang bản sắc Singapore.
Tôi xin chia sẻ những gì tôi biết về kỷ luật học đường tại Singapore.
Tại Singapore, nhà trường được pháp luật cho phép toàn quyền ban hành các hình thức kỷ luật hợp pháp với học sinh.
Một đứa trẻ học lớp 3 ở Singapore có thể phải đứng đọc bài ngoài cửa lớp 15 phút mỗi ngày trong vòng 3 tháng chỉ vì quá mất trật tự trong lớp. Một đứa trẻ khác bị thu điện thoại 3 tháng vì suốt ngày chát chít và chơi game trong lớp.
Thậm chí gần đây, Bộ Giáo dục Singapore còn kêu gọi các trường học từ tiểu học tới trung học phải tăng cường các biện pháp kỷ luật vì tình trạng học sinh hư đốn ngày càng gia tăng.
Mục đích của kỷ luật được Bộ Giáo dục Singapore ghi chú trên website của cơ quan này
Trên website chính thức của Bộ Giáo dục Singapore có viết như sau:
Kỷ luật hiệu quả dựa trên triết lý nhất quán như sau:
Khuôn khổ kỷ luật bao gồm triết lý cơ bản và hướng tiếp cận như sau nhằm phát triển ý thức kỷ luật đúng đắn trong học sinh.
1. Mục đích của kỷ luật là nhằm dạy học sinh phát triển ý thức tự kỷ luật.
2. Kỷ luật là một quá trình học tập để phát triển tư duy và phẩm chất đạo đức của học sinh.
3. Khả năng lãnh đạo là một yếu tố thành công chủ đạo đối với kỷ luật học đường hiệu quả.
4. Cần có một hướng tiếp cận đa chiều, toàn diện trong nhà trường.
Một chiến lược then chốt nhằm xây dựng ý thức kỷ luật tốt là phải xây dựng các năng lực về xã hội và cảm xúc của học sinh thông qua việc:
- Tạo ra một môi trường hỗ trợ.
- Dạy các giá trị và kỹ năng xã hội - cảm xúc.
- Tạo cơ hội để học sinh thực hiện hành vi tốt.
- Hướng dẫn và tái định hướng những học sinh đã mắc lỗi trong hành vi của mình.
Kỷ luật hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp giữa các bên liên quan. Đây là lý do tại sao các trường học của chúng ta cần phối hợp với gia đình và các tổ chức bên ngoài để giúp học sinh có vấn đề về kỷ luật. Những nỗ lực mang tính nhất quán và hợp tác từ các bên có liên quan sẽ giúp học sinh của chúng ta trở thành những cá nhân có phẩm hạnh tốt, có ý thức tự giác kỷ luật.
Vương quốc Anh: Nhà trường có thể nhốt giữ học sinh
Nước Anh có truyền thống giáo dục lâu đời, trải cả ngàn năm với các trường đại học danh giá Oxford hay Cambridge. Nhiều người có lẽ nhầm tưởng học ở những nước văn minh như thế con cái mình sẽ được quyền tự do muốn làm gì thì làm, phát huy tính sáng tạo tột bậc.
Xin thưa, phát huy thì vẫn phát huy, nhưng kỷ luật là kỷ luật. Tôi xin kể một câu chuyện đã được đăng trên tạp chí The Guardian như thế này:
Đó là câu chuyện của trường Michaela tại bắc London. Trường này nổi tiếng vì kỷ luật hà khắc. Câu nói nổi tiếng của cô giáo chủ nhiệm Katharine Birbalsing là “Không cần phải giải thích” (no excuses).
Tất cả học sinh của cô đều phải hoàn thành bài tập và tuân thủ quy định nhà trường một cách nghiêm ngặt. Học sinh đến muộn một phút, phạt giam giữ, không làm bài tập, phạt giam giữ, không mang thước kẻ hay bút chì cũng bị phạt luôn.
Năm 2016, cả nước Anh sôi sục vì vụ cô Katharine đã phạt một đứa trẻ không cho ăn trưa trong căng-tin nhà trường chỉ vì bố mẹ của học sinh này chưa đóng tiền ăn trưa.
Phong cách Katharine đã trở thành một hình mẫu giáo dục tại nước Anh, gây sự tranh cãi rất gay gắt trong dư luận.
Hàng ngày, trên các chương trình giáo dục, người ta tranh biện về kiểu giáo dục hà khắc này. Rất nhiều phụ huynh phản đối nhưng ngược lại rất nhiều phụ huynh khác lại tán thành và mong muốn gửi con đến học ngôi trường này.
Chính sách kỷ luật cũng nên quy định nhà trường sẽ làm gì để ngăn chặn thói côn đồ học đường (bullying)
Kỷ luật học đường là một vấn đề được Chính phủ Anh quan tâm sâu sắc. Trên website chính thức của Chính phủ có nêu rõ như sau:
Chính sách kỷ luật của nhà trường:
Từng trường học có chính sách kỷ luật riêng nêu rõ các quy tắc ứng xử đối với học sinh trước, sau và trong thời gian tại trường.
Chính sách kỷ luật cũng nên quy định nhà trường sẽ làm gì để ngăn chặn thói côn đồ học đường (bullying).
Các hình thức trừng phạt:
Nhà trường có thể trừng phạt học sinh nếu học sinh đó có hành vi ứng xử tồi tệ.
Các hình phạt đó như sau:
1. Phê bình gay gắt.
2. Gửi thư về gia đình.
3. Đuổi ra khỏi lớp học.
4. Tịch thu những gì không phù hợp với học tập như điện thoại di động hoặc máy MP3.
5. Nhốt giữ.
Nhà trường không phải thông báo với phụ huynh học sinh về việc nhốt giữ học sinh sau giờ học hoặc giải thích với phụ huynh vì sao lại thực hiện việc nhốt giữ.
6. Tiếp xúc cơ thể
Cán bộ nhà trường có thể sử dụng vũ lực hợp lý để kiểm soát và khống chế học sinh. Điều này có thể bao gồm việc cầm tay lôi học sinh vào lớp.
Nếu phụ huynh không đồng ý với hình thức trừng phạt áp dụng với con mình, trước hết phải nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm.
Nếu phụ huynh không thỏa mãn, yêu cầu bản sao thủ tục khiếu nại.
...
Như vậy, chúng ta thấy kỷ luật là một biện pháp giáo dục được đề cao tại ngay cả những nước văn minh nhất.
Có nhiều phụ huynh ở Việt Nam hiện nay phản đối kỷ luật học đường, muốn con được học trong môi trường tự do, sáng tạo. Theo những phụ huynh này thì kỷ luật giết chết tuổi thơ của đứa trẻ.
Theo tôi, suy nghĩ ấy có lẽ chưa thấu đáo. Kỷ luật là để rèn nhân cách. Sống có kỷ luật là lối sống nề nếp. Học tập theo kỷ luật và vui chơi có kỷ luật.
Kỷ luật được rèn qua nhiều năm sẽ thành thói quen tự giác của con người. Không phải ngẫu nhiên mà các nền giáo dục lớn như Anh, Mỹ, Singapore lại đề cao kỷ luật đến thế, là vì họ tin vào kỷ luật, và họ nhìn thấy trước hậu quả của việc không rèn kỷ luật từ khi trẻ còn nhỏ.
Nguyễn Bá Trường Giang
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Nếu như việc thầy cô giáo ở nơi nào đó trên đất nước Việt Nam còn đánh học sinh và bị lên án gay gắt, thì ở Mỹ nhiều tiểu bang còn có luật cho phép giáo viên sử dụng biện pháp “Trừng phạt thân thể”. thật ra ở các nước tư bản họ còn có những hình phạt mà nó ở việt nam sẽ bị lên án một cách gay gắt thì bên đấy lại là một biện pháp để giáo dục, đấy thế mới thấy được chúng ta đã nhẹ tay lắm r.
Trả lờiXóaMỗi người chúng ta ở đây đều không phải là thành quả của một nền giáo dục trong quá khứ đào tạo thành hay sao? Chúng ta có khạc nhổ bừa bãi hay trở thành bè lũ du côn chăng?
Trả lờiXóaHoàn toàn không! Hơn nữa, chúng ta còn trưởng thành rất tốt.Tôi cho rằng, giáo dục không thể càng ngày càng thêm nhân nhượng. Bởi chúng ta đều phải có trách nhiệm đối với những đứa trẻ.Không nên hùa theo một số cách nói “nghe thì có vẻ tốt” trong xã hội, giống như những khái niệm mơ hồ về thứ gọi là “giáo dục tố chất”, “giáo dục vui vẻ”…
Tương tự như Hoa Kì, Singapore hay Anh,ở Hàn Quốc, Nhật Bản, thấy giáo viên dạy học sinh rất nghiêm, và không thiếu những hình phạt thể xác khi các em mắc sai phạm. Và dĩ nhiên, chẳng cha mẹ nào là phản đối thầy cô làm như thế cả. Không phải vô tình mà người Nhật và người Hàn lại tự trọng, làm việc có kỷ luật như vậy.Có lẽ, các bậc cha mẹ hiện nay nên để con cái xa rời dần vòng tay bao bọc của mình, để chúng tự đứng trên đôi chân và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho việc làm của mình
Trả lờiXóaNghị viện Anh đã thông qua một điều luật có nội dung khái quát là: “Trong trường hợp đã cảnh cáo nhiều lần, cho phép các giáo viên được áp dụng những biện pháp cần thiết, bao gồm cả “tiếp xúc thân thể” trong phạm vi nhất định để khiến những học sinh không tuân thủ kỷ luật buộc phải chấp hành kỷ luật”.Nói trắng ra, là các giáo viên tại Anh có quyền kỷ luật những học sinh vi phạm kỷ luật bằng hình thức đánh.Tôi cũng thường nghe người ta ca ngợi về nền giáo dục của Singapore. Nhưng dường như họ quên rằng, đất nước ấy không phải vẫn thường treo một cây thước ở tường sau đấy ư? Việt Nam phải chăng vẫn là 1 quốc gia "hiền" trong giáo dục?
Trả lờiXóaChị phụ huynh Nguyễn Thị Loan đã gửi đơn tố cáo đến UBND và Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín về việc cô giáo Lê Thị Quy (giáo viên dạy Toán, chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu) bắt học sinh phải quỳ trong giờ học không có tư cách nói về đạo đức sư phạm và nghiệp vụ sư phạm. Hôm nay thằng bé quỳ trước lớp, nhưng nếu sống với gia đình như vậy thì tương lai sẽ quỳ ở ngoài xã hội, thậm chí sẽ quỳ trước vành móng ngựa! Con mình sai, gia đình mình sai nhưng lại đổ trách nhiệm lên đầu giáo viên, vậy thì hãy cho con nghỉ học, để nó ở nhà mà dạy!
Trả lờiXóaToàn kiểu phụ huynh vứt con mình cho giáo viên bắt phải dạy con mình này nọ nhưng khi giáo viên làm gì thì lại oang oang lên ăn vạ rồi xót con. thế thì để ở nhà mà dạy chứ Việt Nam thấy quá là nhẹ nhàng rồi, chứ ở cái xứ được gọi là thiên đường của bọn 3 que người ta có những chính sách như vậy thì mới có thể giáo dục được
Trả lờiXóaĐứa trẻ trưởng thành trở nên như thế nào là có cả sự rèn luyện của cả cha mẹ lẫn giáo viên vậy nên ai cũng cần có trách nhiệm và nhà trường có trách nhiệm bao nhiêu với học sinh thì cũng sẽ có quyền như vậy trong việc dạy dỗ học sinh của mình vậy nên tôi nghĩ kỷ luật học đường Việt Nam cần được siết chặt hơn nữa để răn đe hơn đối với học sinh
Trả lờiXóaCon người phải được rèn luyện kỉ luật từ nhỏ thì mới trở nên tốt đẹp được, chẳng phải tự dưng mà một số nước phát triển bên trên họ thắt chặt kỉ luật học đường như vậy. Thương có roi cho vọt ông bà ta đã dạy rồi. Nói thật chứ nhiều lúc nói chủng nó chẳng nghe thì bắt buộc phải đánh thôi vì chẳng phải đứa nào cũng nói phát mà chúng nó nghe đâu
Trả lờiXóaKỷ luật học đường là để cho mọi học sinh phải chấp hành kỷ luật của nhà trường; kỷ luật do nhà trường quy định; nhưng nó không được trái các quy phạm của pháp luật; mục đích chính của kỷ luật là để học sinh tự giác chấp hành các quy định; cũng như rèn thói quen sinh hoạt có nền nếp.
Trả lờiXóa