Đây là bài viết khách quan đáng đọc. Các cơ quan chức năng cần lắng nghe để phân loại và xử lý cho đúng. Có như vậy mới yên lòng dân. Tre Làng cũng đã có nhiều bài viết đồng hướng về vấn đề này. Và dưới đây là bài của VNTTX.
Xử lý sai phạm vụ 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn, Hà Nội - Bài 1: Những điều 'nằm ngoài' bản Kết luận của Thanh tra
Liên quan đến việc xử lý sai phạm vụ "xẻ thịt" đất rừng Minh Tân, Sóc Sơn (Hà Nội), lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt xử lý những vi phạm tại khu vực này.
Tuy nhiên, kết quả công tác xử lý sai phạm bước đầu chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, do có độ "vênh" giữa chính quyền địa phương cấp huyện, xã với những chỉ đạo xử lý vi phạm của thành phố, đặc biệt là chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân.
Mời đọc thêm: Xử theo dư luận
Bài 1: Những điều "nằm ngoài" bản Kết luận của Thanh tra
Một góc hồ Đồng Đò thôn Minh Tân, Minh Trí, Sóc Sơn Hà Nội. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN
Kết luận Thanh tra số 1183/TBKL-TTNL-P3 của Thanh tra thành phố Hà Nội đã nêu rõ những sai phạm trong quản lý đất rừng, vi phạm trật tự xây dựng tại nhiều xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn, trong đó có thôn Minh Tân, xã Minh Trí. Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân tại thôn Minh Tân cho rằng, kết luận thanh tra chưa thực sự thỏa đáng và có đến hàng chục đơn thư, tài liệu của người dân gửi đến các cơ quan chức năng, nhằm chứng minh không "xẻ thịt" đất rừng phòng hộ Sóc Sơn.
Dấu tích "khai sơn, phá thạch"
Những ngày này, cuộc sống của hàng trăm hộ dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) đang bị đảo lộn. Bầu không khí ảm đạm, lo lắng hằn rõ trên từng khuôn mặt người dân nơi đây, trước nguy cơ bị cưỡng chế nhà và các công trình nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Sóc Sơn. Bên ấm trà pha vội, ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) lật giở từng trang tài liệu, rưng rưng chia sẻ: “Đời cha ông rồi tới đời chúng tôi đã bỏ ra bao nhiêu công sức để trồng lên những cánh rừng, vườn cây tươi tốt như hiện nay, sao lại nói chúng tôi lấn chiếm, xâm phạm đất rừng phòng hộ".
"Rừng ở Minh Tân chỉ hình thành khi người dân bỏ công, bỏ sức ra khai hoang, chăm bẵm. 10 năm qua chúng tôi không hề biết về quy hoạch cả vùng này thành rừng phòng hộ. Họ đi đo đạc, cắm mốc thực địa cũng không báo cho dân, cũng không họp bàn với dân. Vì thế dẫn tới việc quy hoạch chồng lấn lên các vùng dân cư đã sinh sống lâu đời và hợp pháp”, ông Nguyễn Đình Cường cho biết thêm.
Trao đổi với nhóm phóng viên, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch xã Minh Trí (Sóc Sơn) khẳng định: “Đúng là dân có trước, rừng có sau. Bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ trùm lên khu dân cư”. Quả thực vậy, trong suốt hơn 30 năm qua, hàng trăm người thôn Minh Tân đã đổ không biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả tính mạng để biến "sỏi đá thành cơm", đưa một vùng đồi núi khô cằn sỏi đá thành những cánh rừng, vườn cây xanh mướt, giàu tiềm năng phát triển kinh tế.
Báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn cũng nêu rõ, từ năm 1985 đến năm 1988, thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn đã điều động khoảng 130 hộ thuộc 5 xã gồm: Xuân Thu, Kim Lũ, Tân Hưng, Bắc Phú và Minh Trí đến xây dựng khu kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân). Trong thời gian này, hệ thống chính trị của thôn được thành lập: Hợp tác xã thành lập tháng 6/1987; Chi bộ Đảng thành lập ngày 16/3/1987 và các đoàn thể cũng được ra mắt trong thời gian này.
Tuy nhiên, ở thời điểm năm 1993, thôn Minh Tân lại không được dẫn đạc đo vẽ bản đồ, nên năm 1998 theo Quyết định số 2334/QĐ-UB của UBND thành phố phê duyệt quy hoạch đất rừng phòng hộ đặc dụng Sóc Sơn thì toàn bộ thôn Minh Tân đều nằm trong quy hoạch rừng, bộc lộ những bất cập trong công tác quản lý đất rừng theo quy hoạch năm 1998. Tiếp đó, năm 2008 theo quyết định phê duyệt quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Sóc Sơn số 2100/2008/QĐ-UBND của UBND thành phố, toàn bộ thôn Minh Tân vẫn nằm trong quy hoạch rừng mà chưa được tách ra.
Hơn 30 năm đi tìm “giấy khai sinh” cho đất
Cùng với hàng trăm hộ dân Minh Tân đi theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước lên vùng kinh tế mới Đồng Đò khai hoang phát triển kinh tế từ năm 1985, ông Nguyễn Quang Trì cùng gia đình chăm chỉ phát quang đồi rừng, trồng và bảo vệ rừng với mong muốn rừng sẽ cho quả ngọt. Nhưng thành quả sau hơn 30 năm lao động ấy lại "vô tình" bị vô thừa nhận, do bản Kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội cho rằng, đất người dân đang sinh sống ở thôn Minh Tân là đất rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Quang Trì chia sẻ: "Mấy chục năm qua người dân trong thôn chưa ai được nhìn thấy "sổ đỏ". Cũng chừng ấy năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, có ai biết đất mình khai hoang, xây nhà là đất rừng phòng hộ đâu. Nếu không điều chỉnh quy hoạch thì chúng tôi phải di dời. Mà nhà cửa, đường sá, công trình kiên cố từ bao năm nay, chúng tôi dời đi đâu?".
Trưởng thôn Minh Tân Nguyễn Văn Cường cho biết, mặc dù theo Kết luận thanh tra, đất người dân đang sinh sống ở thôn là đất rừng phòng hộ, nhưng khi lấy đất của người dân thực hiện dự án của thành phố đi qua thôn Minh Tân như: Dự án đường Thắng Trí, Lập Trí, Đồng Đò, đường Bắc Sơn, Minh Trí, đường điện cao thế... đều đền bù cho người dân theo giá đất ở và đất vườn liền kề, không phải đất rừng.
Theo lãnh đạo UBND xã Minh Trí, khi phát hiện ra những tồn tại này, xã đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan cấp trên để tách đất ở của dân ra khỏi đất rừng phòng hộ, nhưng đến nay vẫn không có kết quả. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng sửa sai, hơn 30 năm nay, người dân phải chịu nhiều thiệt thòi, không được đo đạc bản đồ địa chính, không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải lén lút xây nhà vì liên tục bị đình chỉ xây dựng. Nhiều gia đình muốn có sổ đỏ để thế chấp vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế, song cũng không thể thực hiện khiến giấc mơ làm giàu trên mảnh đất của mình cũng bị dang dở.
Bài 2: Đảm bảo thượng tôn pháp luật và quyền lợi của người dân
Văn Cảnh - Nguyễn Thắng (TTXVN)
Trong vụ việc này các cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm tra làm rõ và giải quyết thấu tình đạt lỹ cho người dan; đồng thời xử lý các sai phạm.
Trả lờiXóa