Chia sẻ

Tre Làng

Về đối tượng Phạm Văn Điệp bị công an Thanh Hóa bắt giam

LâmTrực@

Hôm 29/6/2019, Cơ quan ANĐT công an tỉnh Thanh Hoá đã thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng và khám xét khẩn cấp nơi ở của Phạm Văn Điệp, sinh năm 1965, ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn về hành vi "Làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Vậy Phạm Văn Điệp là ai? 

Phạm Văn Điệp sinh năm 1965, sinh ra và lớn lên ở thôn Thọ Xuân, xã Quảng Tiên, Sầm Sơn, Thanh Hoá, là con ông Phạm Văn Chí, người được Điệp giới thiệu là cựu thương binh chống Pháp, năm nay đã 94 tuổi, được dân làng Cá Lập tôn là “tiên chỉ” làng. Cũng theo cái gọi là đơn của ông Chí thì Điệp còn có anh trai là Phạm Văn Hưng, Đại tá quân đội , chị gái là Phạm thị Vượng, công an nhân dân.

Quyết định của Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho Điệp thôi học "trả về địa phương" tháng 3/1987

Đơn của cụ Phạm Văn Chí bố Điệp nói về gia cảnh

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Phạm Văn Điệp thi đỗ vào khóa 29, khoa Hóa Thực Phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng đến ngày 4/3/1987, ông Nguyễn Đình Trí, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa đã phải ký quyết định số 180/QLSV trả Điệp về địa phương.

Ngay sau đó, Điệp được bố đẻ là cụ Phạm văn Chí cho đi xuất khẩu lao động tại Liên bang Nga. Tại Nga. Thời gian này, Điệp bắt đầu theo đám lưu vong, tham gia các hoạt động chống phá đất nước. Mở màn bằng những bài viết "góp ý" về các chủ trương, chính sách của nhà nước, Phạm Văn Điệp đã công khai chỉ trích "Chính phủ Việt Nam là chính phủ vi hiến" và thú nhận rằng, đó là các bài viết phục vụ cho "trò chơi dân chủ". Từ đây, Điệp bắt đầu kết bạn giao du, đi lại với giới chống phá Việt Nam dưới mác "dân chủ", "nhân quyền", "phản biện" và cũng từ đây Điệp lún sâu hơn vào con đường tội lỗi qua việc viết bài và chia sẻ bài viết có nội dung chống phá chế độ, đi ngược lại lợi ích dân tộc. 

Năm 2006, Hoàng Minh Chính "phục hoạt" lại "Đảng Dân Chủ" và lấy tên là "Đảng Dân chủ 21", Điệp đã tự nguyện tham gia. Điệp viết: "Tôi nhận thấy Đảng dân chủ 21 do ông Hoàng Minh Chính lãnh đạo, là một Đảng có cương lĩnh “yêu nước”, được phục hoạt từ ngày 30/5/2006….Tôi đã tình nguyện xin gia nhập Đảng Dân Chủ 21 với động cơ góp một bàn tay xây dựng một nền dân chủ pháp trị…. Tôi là người có chính kiến bảo vệ đa nguyên, đa đảng…". Điệp cũng tâm sự: "Tôi luôn xem ông Hoàng Minh Chính là bậc thầy của tôi về kiến thức, hiểu biết về chủ nghĩa Mác-Lênin. Tôi đã đến với Đảng của ông Hoàng Minh Chính bằng cả 2 lý do: Đồng chí và đồng cảm!".

Ngày 24/2/2007, Điệp đã về Hà Nội "hội kiến" Hoàng Minh Chính. Tại cuộc gặp gỡ này, Điệp và Chính đã bàn bạc, chia sẻ nhiều âm mưu chống phá chế độ và Điệp cũng được Chính giao một số "nhiệm vụ quan trọng" mà sau này Điệp đã tự khoe mình là "Uỷ viên Trung ương" của cái gọi là "đảng Dân chủ. 

Ngay sau cuộc gặp, Điệp đã được mời về trụ sở công an làm việc. Lúc này, dù đã từng phê phán bố, anh trai, chị gái đi theo con đường cộng sản nhưng Điệp đã phải nhờ cậy đến người anh trai là đại tá quân đội bảo lãnh để được về nhà và sau đó bảo lãnh cho gã sang Nga vào ngày 6/3/2007 theo vé khứ hồi. Sau này Điệp viết: "Khi anh trai tôi đến, họ lập biên bản dùng anh trai tôi là người làm chứng, hỏi tôi có tiếp tục tham gia Đảng Dân chủ 21 không. Tôi trả lời là sẽ tiếp tục tham gia". Điệp còn khoe khi làm việc với cơ quan công an, tất cả các bài viết của tôi đã được đăng trên các diễn đàn "Tiếng nói dân chủ", "Đàn chim Việt"….

Khi tới Nga, Phạm Văn Điệp tiếp tục khoác lác là "Ủy viên Trung ương đảng Dân Chủ", tham gia soạn thảo và phát tán cái gọi là "Điều lệ Đảng Dân Chủ Việt Nam", đồng thời kêu gọi 3 triệu kiều bào đóng góp kinh phí hoạt động chống chế độ. Lúc này, Điệp bày tỏ ý định sẽ về Việt Nam để ứng cử đại biểu Quốc hội. 

Trong một bài viết có tựa đề "Dự kiến khả năng thực hiện trách nhiệm của Phạm văn Điệp nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội", Điệp đưa vào những mỹ từ như “Tự do, Công bằng, Bình đẳng, Bác ái” và hứa "Sẵn sàng làm việc để thỏa mãn lòng dân mà không sợ lòng quan chức, kiên quyết đấu tranh, chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật". 

Sau khi ý tưởng ứng cử đại biểu Quốc hội thất bại Điệp lên kế hoạch "thiết kế và truyền bá kịch bản lật đổ chế độ XHCN"

Tháng 8/2013, trước sự rã đám của cái gọi là "đảng Dân Chủ Việt Nam", Phạm Văn Điệp lân la tiếp xúc với đám Lê Hiếu Đằng. Lúc này Điệp soạn thảo cái gọi là "Lộ trình xây dựng xã hội dân chủ cho Việt Nam" với nội dung xuyên tạc cuộc sống thực tế, trong đó có đoạn: "xã hội ở Việt Nam là xã hội của chế độ chính trị phản dân chủ, độc tài, toàn trị do bởi Cộng sản Việt Nam" và kích động quần chúng rằng, chế độ “có thể đổ sụp bất cứ lúc nào khi một tình huống giao động bất ngờ nào đó xảy ra”. Từ đó, Điệp vạch ra lộ trình lật đổ chế độ cộng sản ở Việt Nam trong vòng 3 năm. Để chuẩn bị cho lộ trình đó, Điệp lại kêu gào thực hiện đa đảng, báo chí tư nhân, xây Luật về đảng và các tổ chức chính trị xã hội... 

Khi kết nối với Lê Hiếu Đằng, Phạm văn Điệp đã tuyên bố từ bỏ "đảng Dân Chủ" và gia nhập một tổ chức phản động mới có tên "đảng Dân chủ xã hội Việt Nam" do Lê Hiếu Đằng kêu gọi. Trong bài viết "Thư ngỏ kính gửi Ông Hồ Ngọc Nhuận và ông Lê Hiếu Đằng" Điệp viết: "tôi được biết và nghe về chủ trương kêu gọi thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội, làm Đảng đối lập với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, tôi hoàn toàn ủng hộ và nếu được sự đồng ý của các Ông, tôi sẽ là cảm tình viên với tư cách làm người rót trà, rửa chén, hầu bàn cho các Ông bàn chuyện của Đảng" và "Trước kia tôi tham gia Đảng Dân Chủ Việt Nam, trong hoàn cảnh Phong trào dân chủ tẩy chay bầu cử ĐBQH khóa 12 thì chỉ có một mình tôi không đồng tình và muốn những ai có khả năng đóng góp sức lực làm đại biểu cho tiếng nói của dân chúng hãy mạnh dạn đăng ký tham gia ứng cử tự do. Khi tham gia ứng cử sẽ phát sinh những vấn đề mâu thuẫn…Mặc dù Tổng Thư ký Đảng Dân Chủ Việt Nam lúc đó là Cố Hoàng Minh Chính là người không phải là Đảng viên Đảng CS, nhưng Cố TTK vẫn cân nhắc và đồng ý cho tôi tự do làm theo ý của mình chứ không phải theo chủ trương của Đảng Dân Chủ không muốn khác ý với Linh mục Nguyễn Văn Lý. Tôi phải rời Đảng Dân Chủ trong hoàn cảnh đó để đăng ký ứng cử Đại Biểu Quốc hội ở Thanh Hóa, mặc dù rất muốn phục vụ cho Đảng Dân Chủ. Song bây giờ Đảng Dân Chủ không còn sinh hoạt như trước ở Việt Nam với tình cảnh một Đảng đôi đường... Tôi rất vui khi nhận được tín hiệu có ý tưởng thành lập đảng Dân Chủ Xã Hội". 

Cũng trong thư này, Điệp còn vạch ra 4 vấn đề cần làm để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam để "làm quà" với Lê Hiếu Đằng.

Để chứng tỏ "lòng thành", Phạm Văn Điệp liên tục viết bà xúc phạm các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và xúc phạm cả Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 3/2013, Phạm Văn Điệp viết một bức thư ngỏ gửi TBT Nguyễn Phú Trọng. Trong bức thư này, Điệp đã láo xược viết: “Ông xem lại tư cách Đảng viên của mình và chuẩn bị tự nguyện rời khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam” đồng thời yêu cầu TBT có ý kiến để điều 4 của hiến pháp…(Xem ảnh bên).

Tính từ năm 2010 đến nay, Phạm Văn Điệp thường xuyên sử dụng Facebook cá nhân để tuyên truyền chống phá nhà nước, xúc phạm mạ lị anh hùng dân tộc, bôi nhọ danh dự uy tín các lãnh đạo đảng, nhà nước. Phạm văn Điệp đã nhiều lần về nước trực tiếp tham gia kích động người dân biểu tình chống chính quyền dưới các danh nghĩa bảo vệ môi trường, phản đối Quốc hội thông qua Luật Đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng.

Tháng 6/2016, Phạm Văn Điệp đã bị chính quyền nhà nước CHDCND Lào bắt giữ về hành vi làm và rải truyền đơn chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam tại tượng đài chiến thắng ở Thủ đô Viên Chăn (Lào) và bị kết án 21 tháng tù giam về tội "Sử dụng lãnh thổ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chống lại nước láng giềng".

Sau khi ra tù, Điệp được trao trả về Việt Nam và tiếp tục sử dụng Facebook "Phạm Văn Điệp" để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video clip có nội dung xấu, chống phá Đảng, Nhà nước và bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt từ tháng 3/2019 đến khi bị bắt, Phạm Văn Điệp đã liên tục đăng tải các bài viết và live stream các clip kích động nhân dân biểu tình phản đối dự án xây dựng Quảng trường biển Sầm Sơn, gây phức tạp về ANTT trên địa bàn.

Vì những hoạt động vi phạm pháp luật nêu trên, Phạm văn Điệp bị công an Thanh Hóa thi hành lệnh bắt, khám xét trước sự chứng kiến của đại diện VKSND tỉnh, UBND phường Quảng Tiến và đại diện khu phố. Quá trình khám xét, Cơ quan ANĐT đã thu giữ 1 máy vi tính và nhiều tài liệu khác để phục vụ công tác điều tra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog