Chia sẻ

Tre Làng

Bắt buộc phải ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can từ 1/1/2020

Khoai@

Tại phiên họp thứ 37 vào ngày 11/9/2019 vừa qua, khi cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, UBTV Quốc hội chỉ rõ nhiều vấn đề đã có quy định cụ thể nhưng thực tế không được tổ chức, triển khai đầy đủ theo đúng tinh thần của Hiến pháp vì lý do khách quan. Tại phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong mảng hoạt động tư pháp, hệ thống luật đã khá đầy đủ nhưng lại có điểm khó trong tổ chức thi hành. 

Bà Nga nói: "Nội dung này đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình để tránh bức cung, nhục hình, vừa có tác dụng chứng minh cho tất cả mọi người biết cơ quan điều tra không dùng nhục hình nhưng đến nay lại báo cáo không có tiền để thực hiện dẫn đến một quy định rất lớn của Hiến pháp không thi hành được".

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Theo Quyết định 1172/QĐ-TTG, ngày 11/9/2019 về Phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật TTHS 2015. Theo đó, bắt đầu từ 1/1/2020 thống nhất thực hiện ghi âm ghi hình việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Quy định ghi âm, ghi hình khi hỏi cung được quy định trong Bộ luật TTHS 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018. Theo đó, để chống bức cung, nhục hình, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tố tụng hình sự, Bộ luật TTHS 2015 quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật TTHS 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có mục tiêu tổ chức thực hiện quy định của Thông tư liên tịch số 03/2018 của Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng đến các cán bộ có liên quan việc thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can (như cán bộ kỹ thuật của lực lượng hồ sơ, điều tra viên, cán bộ thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam...); chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn công tác hỏi cung bị can trong hoạt động tố tụng hình sự. Đồng thời xây dựng bộ máy, cán bộ; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ để thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can; xây dựng lộ trình và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với cán bộ, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Theo lộ trình, năm 2019 hoàn thành Đề án tổng thể và triển khai đầu tư đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.

Kể từ ngày 1/1/2020 thực hiện thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Cũng theo Quyết định 1172/QĐ-TTg, Bộ Công an chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo việc thực hiện đề án. Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Kinh phí thực hiện đề án sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo và được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xây dựng các dự án thành phần, đảm bảo tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có, xác định nhu cầu kinh phí thực hiện đề án.

Trên cơ sở xác định nhu cầu kinh phí, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xin ý kiến thẩm định của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đảm bảo kinh phí thực hiện đề án phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước hằng năm.

1 nhận xét:

  1. Việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung là rất cần thiết; bởi đó là cơ sở để kiểm tra, giám sát việc hỏi cung.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog