Cơ quan nhập cư Hàn Quốc đang điều tra vụ 164 sinh viên Việt Nam học ngoại ngữ tại Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Incheon, bất ngờ biến mất.
Theo SBS, 164 trong tổng số 1.900 sinh viên Việt Nam theo học tại Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc của trường Đại học Quốc gia Incheon đang mất tích.
Sau khi đến Hàn Quốc cho khóa học ngoại ngữ ngắn hạn vào đầu năm 2019, các sinh viên biến mất chỉ sau 3-4 tháng theo học.
Trường thông báo với cơ quan chức năng Hàn Quốc về vụ việc vào ngày 10/12. Họ cho biết 164 du học sinh Việt Nam mất tích đã 15 ngày qua, theo Korea Times.
Các du học sinh Việt Nam đăng ký khóa đào tạo ngôn ngữ Hàn Quốc bắt đầu từ tháng 8. Cảnh sát nghi ngờ những du học sinh trên đã bỏ trốn, với hy vọng tìm được việc làm chỉ sau một thời gian ngắn học tiếng Hàn.
Nhiều sinh viên Việt Nam "mất tích" bí ẩn khi theo học tiếng Hàn tại Đại học Quốc gia Incheon. Ảnh: Yonhap.
Một đoàn công tác liên ngành, với sự tham gia của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục Hàn Quốc, ngày 10/12 tiến hành đánh giá lại hệ thống đào tạo của trường và quản lý sinh viên nước ngoài, theo SBS. Chủ tịch trường đại học, Cho Dong Sung, cũng có cuộc làm việc với nhân viên quản lý trung tâm đào tạo ngôn ngữ.
Số du học sinh Việt Nam đăng ký khóa học ngôn ngữ ngắn hạn tại Đại học Quốc gia Incheon năm 2017 chỉ có 43 người, sang năm 2018 nhảy vọt lên 951 người còn năm nay là gần 1.900 người, theo trang Hankyung.
Mỗi lần tuyển sinh của Viện Ngôn ngữ Hàn Quốc thuộc Đại học Quốc gia Incheon cách nhau chỉ 3 tháng, mỗi năm tổ chức 4 học kỳ. Du học sinh nước ngoài chịu mức học phí 1,2 triệu won/học kỳ và 4,8 triệu won cho một năm học.
Số lượng du học sinh tăng đột biến nhưng trường Incheon không đầu tư thêm cho nhân sự quản lý khiến việc giám sát lưu trú học sinh nước ngoài trở nên lỏng lẻo.
Theo Hankyung, chỉ có 2 nhân sự cấp cao của trường đại học chịu trách nhiệm chăm sóc và đảm bảo gần 2.000 du học sinh theo học đầy đủ mỗi học kỳ. Đơn vị đối tác tập hợp du học sinh tại Việt Nam và gửi họ đến các trường ở Hàn Quốc sẽ chịu trách nhiệm sắp xếp cho du học sinh ở gần trường.
Hiện nay, phần lớn du học sinh ngoại ngữ người Việt Nam đang sống ở các địa điểm bên ngoài trường, khiến họ dễ bị dụ dỗ bỏ học hoặc ở lại làm việc trái phép. Tháng 11, một du học sinh trao đổi ngoại ngữ người Việt đã bị phát hiện làm việc trong quán rượu sau giờ học. Người này buộc phải chấm dứt khóa học và về nước.
Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, số lượng du học sinh nước ngoài cố tình bỏ trốn, ở lại quá thời hạn dành cho thị thực trao đổi ngôn ngữ D-4 đã tăng gấp 3 lần trong 3 năm qua, từ 4.294 trường hợp được ghi lại vào năm 2015 tới 12.526 trường hợp trong năm 2018. Có tới 70% số lượng người nhập cư trái phép vào Hàn Quốc qua chương trình thị thực D-4 (đào tạo ngôn ngữ) là đến từ Việt Nam.
Trước tình trạng đó, kể từ tháng 3, du học sinh Việt Nam đến nước này học tập theo các chương trình trao đổi ngôn ngữ ở bậc đại học sẽ phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe hơn về tài chính. Hồi tháng 4, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã gửi thư cho các trường đại học trên toàn quốc, yêu cầu siết chặt việc quản lý du học sinh. Nhóm được lưu ý là du học sinh Việt Nam.
https://news.zing.vn/164-du-hoc-sinh-viet-nam-bat-ngo-bien-mat-o-han-quoc-post1023645.html
https://news.zing.vn/164-du-hoc-sinh-viet-nam-bat-ngo-bien-mat-o-han-quoc-post1023645.html
Hiện nay rất nhiều du học sinh Việt Nam sang nước ngoài học tập; tuy nhiên trong số đó có nhiều em có tư tưởng học ngoại ngữ để biết giao tiếp sau đó kiếm việc làm tai nước sở tại; việc này phải được điều tra, làm rõ và có biện pháp xử lý.
Trả lờiXóa