Chia sẻ

Tre Làng

TS. Nguyễn Hồng Vũ: VỤ CẮT ĐÔI QUE THỬ VÀ TRỘN MÁU Ở BỆNH VIỆN XANH PÔN

TS. Nguyễn Hồng Vũ

Xì-căng-đan lừa đảo của bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội trong quá trình làm kiểm nghiệm HIV và viêm gan B (HBV) đang làm bà con từ tức giận chuyển sang lo lắng… tức giận vì hành động sai trái ăn xén, ăn bớt vật liệu kiểm nghiệm và lo lắng vì các kết quả âm tính kia có tin tưởng được hay không và sẽ ảnh hưởng như thế nào…

Bài viết hôm nay của mình sẽ giải thích rõ cơ chế của các kiểm nghiệm đó và đánh giá các việc làm sai trái trên ảnh hưởng như thế nào đến kết quả thực tế.

Có 2 điểm sai được nhấn mạnh trong xì-căng-đan này là

👉 Xét nghiệm sử dụng phương pháp “que thử” và que bị cắt làm đôi.

👉 Xét nghiệm sử dụng phương pháp “Elisa” và trộn 4 mẫu máu của 4 người để thử 1 lần.

Trước hết chúng ta nên hiểu tổng quát cơ chế của cả 2 phương pháp trên là phát hiện “kháng nguyên” của virus HIV hoặc virus HBV có trong máu người bệnh bằng các “kháng thể” tương ứng được gắn sẵn trên “que thử” hoặc “đĩa xét nghiệm Elisa”. Kết quả phát hiện các virus trong máu người bệnh dựa trên sự bám của “kháng nguyên” vào “kháng thể” trong các xét nghiệm.

1️⃣ Trước hết mình nói về phương pháp “que thử” (cơ chế cũng giống như que thử thai) như sau:

- Mẫu thử sẽ được nhỏ lên vị trí màu vàng bên tay trái (hình trên cùng, bên trái), mẫu thử này sẽ thấm dần qua bên phải theo lực mao dẫn (có thể có sự hỗ trợ của một số loại dung dịch đệm để mẫu chạy tốt hơn).

- Khi mẫu qua khu vực có chứa kháng thể thứ 1 (màu đỏ) nếu trong dịch của bệnh nhân có chứa kháng nguyên virus thì kháng nguyên này sẽ bám vào kháng thể thứ 1 và phức hợp kháng nguyên-kháng thể này sẽ bám tiếp vào kháng thể thứ 2 tại vạch thử nghiệm “test line”.

- Ngoài ra, vì lượng kháng thể 1 ở vùng màu đỏ đã được nhà sản xuất tính toán và cho nhiều hơn số lượng kháng nguyên có thể có trong dung dịch thử nên sẽ có một số lượng kháng thể thứ 1 trôi một mình (không có kháng nguyên) và bám vào kháng thể khác ở vạch đối chứng “control line”.

- Trên kháng thể 1 thường đã được gắn sẵn với một enzyme có khả năng làm chuyển màu hóa chất được để sẵn ở vạch thử “test line” và vạch đối chứng “control line” khi kháng thể này được cố định tại vị trí vạch đó trong một khoảng thời gian (thường là 10-15 phút).

- Theo nguyên tắc thì vạch đối chứng "control line" phải nhìn thấy được” thì chứng tỏ điều kiện thử nghiệm ok, kết quả ở vạch thử "test line" mới tin tưởng.

Quay lại xì-căng-đan ở Xanh Pôn thì tất nhiên là việc đọc 1 que thử nguyên vẹn vẫn dễ dàng và rõ ràng hơn việc đọc 1 que thử bị cắt làm đôi vì kích thước của các vạch sẽ to hơn và rõ ràng hơn. Khi cắt que thử làm đôi, kỹ thuật viên chỉ đọc sai kết quả khi họ không thấy “vạch đối chứng” (control line) mà vẫn đọc kết quả (điều này khó xảy ra) hoặc “mắt kém” không nhìn được vạch nhỏ có kích thước phân nữa vạch bình thường (xác xuất này cũng nhỏ). Tuy giải thích này có thể làm các bạn bớt lo về xác xuất kết quả sai trong xét nghiệm que thử bị cắt đôi nhưng cũng không thể là lời bào chữa cho xì-căng-đan này vì bệnh nhân đã trả đủ tiền để làm một xét nghiệm “đúng tiêu chuẩn” nhưng các kỹ thuật viên lại tự ý hạ tiêu chuẩn này xuống! Việc này giống như 1 người trả tiền để ở khách sạn 5 sao nhưng lại được cho vào nhà trọ lụp xụp! Chuyện này vẫn phải nên được xem là lừa đảo và cần được trừng trị bởi pháp luật.

2️⃣ Nói tiếp sang chuyện xét nghiệm thứ 2 sử dụng phương pháp “Elisa”. Trong trường hợp này kháng thể được phủ đều trên bề mặt của từng giếng thí nghiệm trong đĩa (mỗi đĩa có 96 giếng).

- Khi bỏ mẫu thử nghiệm của bệnh nhân vào nếu có càng nhiều kháng nguyên virus bám lên kháng thể trên đĩa thì khi đến giai đoạn cuối của quá trình giếng thí nghiệm đó sẽ chuyển màu vàng càng đậm.

- Độ vàng đậm của giếng thí nghiệm sẽ được đọc bằng máy để ra những con số cụ thể và sẽ dựa trên các “con số chuẩn” để biết được mẫu đó là dương tính (có virus) hay âm tính (không có virus).

Do vậy, việc trộn 4 mẫu máu của 4 bệnh nhân để làm 1 xét nghiệm là một sai lầm nghiêm trọng vì sẽ làm mẫu máu của mỗi bệnh nhân bị pha loãng đi 4 lần. Nếu cả 4 người đều dương tính thì lượng kháng nguyên virus trong mẫu hỗn hợp còn dễ thấy được nhưng nếu chỉ 1 người dương tính trong 4 người thì tín hiệu sẽ rất thấp và dễ xảy ra hiện tượng “âm tính giả” (nhiễm bệnh nhưng xét nghiệm không ra!). Với sai lầm nghiêm trọng này mình nghĩ cách tốt nhất là bệnh viện nên sắp xếp kiểm tra lại cho tất cả những người đã nhận kết quả âm tính từ các xét nghiệm Elisa có tính chất "lừa đảo" này!

Nói chung, mỗi loại xét nghiệm lâm sàng hiện nay thường được thực hiện bằng những bộ kít mua từ các công ty nổi tiếng và có uy tín trên thế giới. Các công ty này để ra được các sản phẩm thương mại hóa và có độ tin cậy trên toàn thế giới họ đã phải chuẩn tất cả các thông số và các bước trong quá trình làm rất cẩn thận. Họ luôn đề nghị người sử dụng không được thay đổi quy trình (nhất là trên người) để ra được kết quả chính xác. Do vậy, việc tự ý thay đổi những bước trong xét nghiệm của phòng xét nghiệm bệnh viện Xanh Pôn khi người bệnh nhân đã đóng đủ tiền để được xét nghiệm "đúng tiêu chuẩn" là hành động không thể chấp nhận được, có khả năng đem lại những nguy cơ khôn lường với những trường hợp “âm tính giả”!

Các bạn đã từng nghe câu nói “Ðã SIDA còn xông pha đi hiến máu” thì các bạn có thể hình dung được hậu quả của những việc lừa đảo y tế như thế này rồi đó!

TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

Tài liệu tham khảo:





BOSTERBIO.COM
ELISA Fundamental Principle, How ELISA Works - Immunoassays | Boster

2 nhận xét:

  1. Sao lại làm cái việc lừa dối bệnh nhân như này nhỉ. người ta đi tiến hành xét nghiệm, trả 1 khoản tiền xét nghiệm không nhỏ để kiểm tra xem mình có bệnh không mà lại trộn 4 mẫu máu của 4 bệnh nhân lại để làm 1 xét nghiệm như vậy thì làm sao ra được kết quả chính xác được chứ. bệnh viện nên sắp xếp kiểm tra lại cho tất cả những người đã nhận kết quả âm tính từ các xét nghiệm Elisa có tính chất "lừa đảo" này

    Trả lờiXóa
  2. Việc cắt đôi que thử và trộn máu ở Bệnh viện Xanh Pôn là sai trái, là gian dối, lừa đảo bệnh nhân; nguy hiểm hơn đối với những người kết luận sai về kết quả xét nghiệm, thì sẽ không thể điều trị khỏi bệnh được. Các trường hợp sai phạm trong vụ này phải bị xử phạt nghiêm khắc.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog