Phương Mai
Bản chất vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) rạng sáng 9-1-2020 đã quá rõ ràng. Đó là một nhóm nhỏ đối tượng từ lâu đã âm mưu lên kế hoạch chống người thi hành công vụ, giết người với bom xăng, lưu đạn và hung khí tự chế. Hình ảnh thực tế, nhiều tang vật thu giữ được cũng như hành vi, thủ đoạn tàn độc ở hiện trường và lời khai của các đối tượng là minh chứng không thể chối cãi cho điều đó.
Người dùng mạng xã hội cần có kỹ năng kiểm chứng, chọn lọc thông tin (Ảnh minh họa)
Đề cập đến vụ việc ở Đồng Tâm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương sự hy sinh của 3 chiến sĩ Công an, là tấm gương về xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia và nêu rõ, cần xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, vi phạm pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự giết người, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức (Hà Nội) theo Điều 123, Điều 304, Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Rồi đây, những kẻ vi phạm pháp luật sẽ phải trả giá cho hành vi của mình.
Sự việc đã rõ ràng như vậy nhưng kể từ sáng 9-1 tới nay, trên mạng xã hội, nhất là Facebook, nhiều đối tượng đã liên tục lợi dụng mạng Internet để tung tin đồn nhảm, tin giả; bịa đặt những con số, tình huống, “kịch bản” giả tưởng để nhằm hướng lái dư luận theo hướng bào chữa cho hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của nhóm đối tượng ở Đồng Tâm và đổ lỗi cho lực lượng thực thi công vụ.
Không ít đối tượng chưa từng tới Đồng Tâm vẫn tung status (dòng trạng thái) xuyên tạc ra cảnh lực lượng thực thi công vụ “tấn công vào làng như trận càn quét”. Hết tung tin giả chuyện “cháu bé 3 tháng tuổi bị sát hại”, chúng đặt nghi vấn không có chuyện 3 chiến sĩ Công an hy sinh, rồi sau đó lại nói có nhiều người dân và 7-8 chiến sỹ thiệt mạng… Nhiều nick ảo được các đối tượng xấu lập ra sau đó hùa theo, chia sẻ các status này hòng lan truyền các thông tin xuyên tạc này ra khắp mạng xã hội. Với ý đồ bất lương, đây đều là hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân… và cần phải được điều tra làm rõ, xử lý trách nhiệm hình sự.
Vụ việc tại Đồng Tâm huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã kéo dài từ nhiều năm qua. Trong quá trình xử lý vụ việc, chính quyền các cấp và cơ quan hữu quan của Chính phủ đã thụ lý, giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật. Cùng với đó, các thông tin liên quan đều được công bố công khai, minh bạch tới toàn dân, từ các buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với người dân; các bản kết luận thanh tra; kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp Kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội của Thanh tra Chính phủ… Dù vậy, một số đối tượng vẫn cố tình lờ đi tất cả những chứng lý đó, đòi lật lại hồ sơ vụ việc để gây rối loạn thông tin, lập lờ “đánh lận con đen”…
Đây không phải “đợt” đầu tiên các phần tử cơ hội chính trị, thù địch ồ ạt lợi dụng những vấn đề ở trong nước để xuyên tạc, bóp méo; tạo tin giả nhằm kích động bạo lực, làm người dân Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung hiểu sai về tình hình Việt Nam. Núp dưới chiêu bài “đứng về phía người dân”, mục đích của chúng là làm sao tình hình càng rối loạn càng tốt để chúng có cơ hội “đục nước béo cò”. Phần đông người dân bình tĩnh, có đầu óc phán xét không tin theo những thông tin bịa đặt, xấu độc đó; sẵn sàng phản bác, đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch… Dù vậy, vẫn có một số người thiếu thông tin đã bị cuốn theo, trở nên mơ hồ, rơi vào trạng thái bị “nhiễm độc”…
Lâu nay, chúng ta vẫn coi tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội là một thứ “rác thải”. Song, đã tới lúc, cần phải xem chúng như một thứ chất độc cần nhanh chóng loại bỏ trước khi chúng kịp lan rộng và tác động tới nhiều người đọc. Các cơ quan chức năng của Việt Nam gần đây đã tích cực vào cuộc, phối hợp với các nền tảng xuyên biên giới để xử lý thông tin xấu độc. Dù vậy, hiệu quả của việc xử lý, ngăn chặn, nhất là trên mạng xã hội Facebook, vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân của tình trạng này đến từ sự tắc trách, phối hợp thiếu chặt chẽ của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.
Do đó, bên cạnh việc kêu gọi Facebook “có trách nhiệm bảo vệ người dùng Việt Nam”, chúng ta cần có chế tài mạnh mẽ buộc Facebook phải tuân thủ pháp luật Việt Nam khi hoạt động trên không gian mạng nước ta. Không thể chấp nhận mãi việc mạng xã hội này hoạt động, kinh doanh thu lợi từ người Việt nhưng lại dung dưỡng cho các phần tử xấu hàng ngày, hàng giờ lợi dụng Facebook như công cụ để đầu độc cộng đồng mạng Việt Nam; điên cuồng chống phá, gây phương hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và Nhà nước Việt Nam!
Những phần tử xấu chuyên chống đối chính quyền, chống phá Đảng, nhà nước phải bị xã hội lên án, bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; không thể để chúng nhởn nhơ ở ngoài xã hội.
Trả lờiXóa