Chia sẻ

Tre Làng

Uống rượu lái xe: Mỹ, Canad phạt tù chung thân, Hà Lan và Nhật Bản cả người ngồi sau tài xế


Không chỉ phạt tiền hay tước bằng lái, nhiều nước còn cấm điều khiển phương tiện vĩnh viễn, thậm chí phạt tù chung thân đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Từ 1/1/2020, Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực. Điều đáng chú ý ở luật này là cấm triệt để việc điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

So với Việt Nam, nhiều nước trên thế giới không chỉ phạt tiền hay tước bằng lái, mà còn đưa ra hình phạt hà khắc hơn như cấm điều khiển phương tiện vĩnh viễn, thậm chí ngồi tù chung thân đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Mức phạt áp dụng dựa trên chỉ số nồng độ cồn (được tính theo tiêu chuẩn Blood Alcohol Concentration hay BAC, tức bằng tỷ lệ thể tích cồn trên 10.000 đơn vị thể tích máu) và cường độ vi phạm.

Từ 1/1/2020, Việt Nam gia nhập những nước xử phạt tài xế có nồng độ cồn lớn hơn 0. Ảnh: Việt Hùng.

Mỹ, Canada phạt tới tù chung thân

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2015, Nam Phi, Canada và Mỹ là 3 quốc gia có tỷ lệ tai nạn vì rượu bia cao nhất thế giới. Hình phạt đối với người bị quy vào tội lái xe trong tình trạng say xỉn ở các nước này rất nghiêm khắc.

Tại Nam Phi, ngay lần đầu tiên vi phạm, tài xế có thể đối diện mức án 10 năm tù, bị phạt 10.000 USD hoặc cả 2.

Bộ Luật Hình sự Canada quy định ở lần vi phạm đầu tiên với nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,04%, tài xế bị buộc nộp phạt 1.000 USD. Nếu tái phạm, người lái xe bị buộc ngồi tù 30 ngày. Ở lần thứ 3 vi phạm, hình phạt tăng lên 120 ngày tù. Mức án cao nhất dù phạm tội lần đầu tiên hay tái phạm đều là 10 năm tù.

Tài xế say xỉn gây thương tích cho người khác đối diện 2-14 năm tù. Còn với hành vi lái xe gây chết người do sử dụng bia rượu, mức án cao nhất là tù chung thân và buộc nộp phạt 1.000 USD-2.000 USD tùy nồng độ cồn trong máu.

Việc từ chối yêu cầu thử nồng độ từ cảnh sát cũng bị phạt với mức tối thiểu 50 USD.

Mỹ, Canada xử phạt tài xế say rượu mức cao nhất là tù chung thân tùy thuộc mức độ vi phạm. Ảnh: Driverlessrevolutions.


Ở tất cả bang của Mỹ, người bị quy vào tội lái xe trong tình trạng say xỉn đều bị xử lý hình sự. Người vi phạm lần đầu với nồng độ cồn từ 0,08-0,18% có thể bị phạt 500-1.000 USD, phạt tù tới 12 tháng và tước bằng lái xe 6 tháng.

Mức phạt cho người vi phạm lần đầu có nồng độ cồn trên 0,18% là nộp phạt tối thiểu 1.000 USD, phạt tù tối thiểu 12 tháng, thu hồi bằng một năm và bị buộc lắp đặt thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trước khi được phép khởi động xe.

Đối với những tài xế say xỉn tái phạm hơn 3 lần khiến người khác bị thương hay gây tai nạn chết người, bản án có thể từ 10 năm tù đến chung thân, tước bằng lái, tịch thu phương tiện, hủy đăng ký xe.

Nhật Bản, Hà Lan phạt người ngồi sau tài xế say xỉn

Ởkhu vực châu Á, Nhật Bản nằm top 10 nước có tỷ lệ tai nạn vì rượu bia thấp nhất thế giới nhờ các chế tài nghiêm khắc của chính phủ cùng ý thức chấp hành của người dân.

Theo Luật Giao thông đường bộ của nước này, người điều khiển xe bị quy vào lỗi “lái xe trong điều kiện không tỉnh táo” (nồng độ cồn từ 0,15 mg/l khí thở) có thể đối diện với án tù tới 3 năm và nộp phạt 500.000 yen.

Tài xế “lái xe trong tình trạng say xỉn” có thể bị phạt tới 5 năm tù và 1 triệu yen. Đặc biệt, người ngồi sau phương tiện của tài xế không tỉnh táo hoặc say rượu cũng bị xử phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, lái xe say rượu gây tai nạn bị phạt 20 năm tù đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người.

Người đi xe đạp ở xứ phù tang cũng chịu những chế tài về rượu bia như tài xế ôtô để đảm bảo an toàn tối đa cho người đi bộ. Người nước ngoài thậm chí có thể bị trục xuất.

Tương tự Nhật Bản, Hà Lan cũng xử phạt xử tiền hoặc án tù tới 3 năm với người ngồi phía sau tài xế say rượu.

Người điều khiển ôtô, môtô vi phạm nồng độ cồn có thể đối diện mức án 6 năm tù kèm tiền phạt, tước bằng trong một năm. Bên cạnh đó, người đi xe đạp nếu phát hiện có sử dụng rượu bia cũng bị xử phạt.

Người ngồi sau tài xế say xỉn cũng bị phạt nặng ở Nhật Bản và Hà Lan. Ảnh: Highway.98.

Theo blog Lifesafer, ngoài phạt tù, phạt tiền và tước bằng lái xe tới vĩnh viễn, một số hình thức xử lý khác cũng được áp dụng tùy quốc gia.

Ở Australia, tên của những tài xế say xỉn được đăng trên các tờ báo địa phương. Người bị kết án lái xe trong trình trạng say rượu ở Ba Lan được yêu cầu tham dự nhiều bài giảng chính trị.

Saudi Arabia và UAE đều trừng phạt người vi phạm về nồng độ cồn bằng đòn roi ở quảng trường công cộng.

Ở Anh, người lái ôtô thậm chí cũng bị phạt khi còn chưa kịp điều khiển phương tiện nếu phát hiện ra có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, tức chỉ cần ngồi trong xe mà vi phạm sẽ bị xử lý. Mức phạt có thể tới 3-6 tháng tù, phạt tiền từ 2.500 bảng và tước bằng lái một năm (hoặc 3 năm nếu tái phạm).

Thậm chí, công dân Anh bị kết tội liên quan đến các hành vi lái xe trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá mức cho phép rất khó được nhập cảnh vào các nước khác ở châu Âu hay đến Mỹ.

Ở Singapore, Trung Quốc và Đức, hình phạt cho người vi phạm còn bao gồm lao động công ích.

Đặc biệt ở Đức, người bị thu hồi bằng lái xe từ 1 tháng muốn xin cấp lại phải vượt qua được bài đánh giá tâm lý y tế (MPU) và phải chứng minh với tòa án rằng mình đã tỉnh táo trong 12 tháng qua (đối với người bị tước bằng 1 năm). Tiền phạt cũng được nhân đôi, nhân ba tương ứng với số lần tái phạm.

Chính sách "không khoan nhượng"

Theo thống kê của WHO, 0,05% là mức giới hạn nồng độ cồn cho phép với tài xế phổ biến ở nhiều quốc gia. Nhiều nước như Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển có giới hạn thấp hơn là 0,02%.

Nga cũng quy định nồng độ cồn cho phép là 0,02% và người bị kết án lái xe sau khi đã uống rượu, dù chỉ một lần, sẽ bị tước bằng lái vĩnh viễn.

Trong khi đó, tương tự Việt Nam, nhiều quốc gia có luật "không khoan nhượng" (zero tolerance), tức không cho phép lái xe có nồng độ cồn trong máu lớn hơn 0.

Luật pháp nhiều quốc gia không nhân nhượng với người lái xe khi có nồng độ cồn trong máu. Ảnh: AZ Central.

Lệnh cấm hoàn toàn sử dụng đồ uống có cồn trước khi lái xe được Chính phủ Cộng hòa Czech áp dụng từ năm 1953. Có 3 mức độ vi phạm tùy thuộc nồng độ cồn của lái xe. Ở mức 0-0,03%, lái xe bị phạt 500-700 euro và tước bằng 6 tháng.

Hungary cũng áp dụng quy định tương tự từ năm 2018. Với nồng độ cồn 0-0,08%, tài xế có thể bị cấm điều khiển phương tiện nhiều nhất 3 năm và số tiền phạt có thể lên tới 3.000 euro.

Luật pháp Slovakia quy định tài xế có nồng độ cồn từ 0-0,01% bị xử lý hình sự với mức phạt tiền 200-1.000 USD và phạt tù tới 12 tháng.

Ngoài ra, Cuba, Croatia, Romania, Bỉ, Pháp, Phần Lan cũng là các quốc gia áp dụng chính sách "không khoan nhượng" với tài xế sử dụng đồ uống có cồn trước khi tham gia giao thông.

7 nhận xét:

  1. phải nói số lượng vụ TNGT vì say rượu bia ngày một nhiều hơn. Mặc dù uống rượu bia đã trở thành văn hóa của nước ta trong các mối quan hệ giao tiếp, nhưng uống thế nào, đến chừng mực như thế nào và uống xong có điều khiển phương tiện giao thông hay không là quyết định của mỗi người. CÒn nhớ mọt video quảng cáo đã chỉ ra lái xe sau khi say rượu là chở luôn cả sự an toàn và bền vững của gia đình bạn và người khác.

    Trả lờiXóa
  2. Các nước khác người ta đã làm thế từ rất lâu rồi. Việt Nam áp dụng luật này là cần thiết và cần có sự cố gắng của toàn người dân. Họ phải hiểu luật này đưa ra không phải là để phạt mà là để giáo dục, cho thấy sự nguy hiểm của bia rượu khi tham gia giao thông

    Trả lờiXóa
  3. Ở Cộng hòa Czech, lệnh cấm hoàn toàn sử dụng đồ uống có cồn trước khi lái xe được áp dụng từ năm 1953. Theo đó, có 3 mức độ vi phạm tùy thuộc vào mức độ cồn của lái xe. Với nồng độ cồn từ 0 đến 0,03, lái xe đã bị phạt 500-700 EUR (13-18,5 triệu đồng), tước bằng 6 tháng

    Trả lờiXóa
  4. Ở một số nước, vi phạm nồng độ cồn cũng có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích. Trong điều kiện của Việt Nam, ta hoàn toàn đúng khi sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính để bổ sung các chế tài này

    Trả lờiXóa
  5. So với Việt Nam, nhiều nước trên thế giới không chỉ phạt tiền hay tước bằng lái, mà còn đưa ra hình phạt hà khắc hơn như cấm điều khiển phương tiện vĩnh viễn, thậm chí ngồi tù chung thân đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn. Hình phạt của Việt nam tính ra còn nhẹ nhàng chán so với chế tài xử phạt của các nước khác, tất cả đều là vì an toàn tính mạng của mọi người thôi.

    Trả lờiXóa
  6. Phải nói số lượng vụ TNGT vì say rượu bia ngày một nhiều hơn. Mặc dù uống rượu bia đã trở thành văn hóa của nước ta trong các mối quan hệ giao tiếp, nhưng uống thế nào, đến chừng mực như thế nào và uống xong có điều khiển phương tiện giao thông hay không là quyết định của mỗi người. CÒn nhớ mọt video quảng cáo đã chỉ ra lái xe sau khi say rượu là chở luôn cả sự an toàn và bền vững của gia đình bạn và người khác.

    Trả lờiXóa
  7. Hầu hết các nước trên thế giới hình phạt cho cánh tài xế uống rượu khi lái xe rất nặng; Việt Nam cũng nên tham khảo để có quy định phù hợp; vì tai nạn giao thông phần lớn đều do rượu bia gây ra.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog