Chia sẻ

Tre Làng

Điều nguy hiểm hơn cả cuộc lùng diệt ca Covid-19 thứ 17 của dân mạng?

Cơn cuồng nộ của đám đông là có cơ sở. Thế nhưng, chính cơn cuồng nộ mất kiểm soát đó lại có thể tạo ra nhiều tránh né và gian dối hơn trong khai báo tình hình sức khỏe cá nhân.

Phan Tường Yên/Chuyên gia tâm lý

Phan Tường Yên là chuyên gia tâm lý đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Cô là chuyên gia của Workplace Options (Mỹ) - tổ chức tư vấn hỗ trợ đời sống, công việc chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp và người lao động toàn cầu. Cô đang quản lý Phòng tâm lý Saigon Psychub và là Phó chủ tịch Mạng lưới lãnh đạo trẻ toàn cầu Sunwah - khu vực TP.HCM. Đây là bài viết riêng của cô cho Zing.vn.

Gõ tìm kiếm cụm từ bệnh nhân thứ 17 - không dấu sao, không ngoặc kép - Google cho ra 136.000.000 kết quả trong 0,34 giây. Các thông tin mới về dịch bệnh cùng với các phát hiện về gia phả, đời sống của N.H.N - ca nhiễm virus corona thứ 17 tại Việt Nam - được cập nhật theo từng giờ, dồn dập và sốt sắng.

Tên tuổi, địa chỉ, danh tín người thân của N.H.N là những điều kiện cần. Thông tin về gia cảnh cùng hình ảnh đời sống cá nhân của cô là những điều kiện đủ để cộng đồng mạng bùng lên “lửa giận” mà kết án, trừng phạt và thậm chí “truy sát” cô cùng những ai có liên quan.

Tin nhắn và các bình luận ác ý, chửi rủa, chà đạp ngập tràn trang cá nhân N.H.N. Nhiều bài viết mang tính thoá mạ nữ giới, xúc phạm gia đình và toàn bộ “tầng lớp xã hội” của cô này. Điều đáng nói hơn là nạn nhân của cuộc bôi nhọ, miệt thị trên mạng quy mô lớn này còn có cả những người trùng họ tên với N.H.N.

Lần đầu tiên chúng ta được chứng kiến một cuộc tổng tiến công quy mô lớn đến vậy, để “lùng diệt” một ca nhiễm. N.H.N đã phạm sai lầm có nguy cơ phương hại và ảnh hưởng đến an nguy của một cộng đồng lớn, có thể gây xáo trộn đời sống hàng trăm nghìn gia đình và ảnh hưởng tới các quyết định mang tính kinh tế của nhiều thành phố…

Cơn cuồng nộ của đám đông là có cơ sở. Trong chuyện này, khó mà ngăn cản được sự tức giận và động thái lên án những quyết định vị kỷ, ích kỷ có thể để lại hậu quả khôn lường cho người thân, cộng đồng, cho những người vô tội xung quanh... từ những người trốn tránh khai báo.
Trường hợp "làn sóng lăng mạ" này dường như hội đủ các yếu tố trên. Thế nhưng, nó cũng không đáng để bất kỳ ai trong chúng ta trở thành một kiểu "kẻ thủ ác" khác.
Bản chất của sự tức giận là cảm giác khó chịu mạnh mẽ có tính phản kháng, thôi thúc người ta phải thực hiện những hành động đáp trả có chủ đích. Các nghiên cứu tâm lý cho thấy cơn giận thường có liên quan tới nỗi sợ hãi, cảm giác về sự bất công và tính kiểm soát. Sợ hãi, chúng ta đang tiến quá gần tới ngưỡng khủng hoảng lo hãi xã hội (moral panic) với những cơn hoảng loạn cộng đồng liên quan tới nhu yếu phẩm, khách du lịch nước ngoài, và các trường hợp nghi bệnh, cách ly...

Trường hợp “làn sóng lăng mạ” này dường như hội đủ các yếu tố trên. Nó trở thành một cái bể quá tốt đắm lấy tâm trí con người và cấp số nhân cảm giác bất bình trước thông tin N.H.N có ý tránh né khai báo để mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát.

Thế nhưng, nó cũng không đáng để bất kỳ ai trong chúng ta trở thành một kiểu “kẻ thủ ác” khác.

TRỪNG PHẠT MỘT CÁI SAI BẰNG NHIỀU CÁI SAI KHÁC?

Bạn có chắc rằng việc vào tận “nhà” (trang cá nhân) của cô gái, truy lùng cả tôn ti họ hàng cô, dè bỉu đời sống riêng của cô và đồng loạt ném đá tập thể cô bằng những lời lăng mạ… sẽ không biến bạn trở thành một đối tượng đáng lên án khác?

Bạn có chắc mình đang hành xử theo cách khác với chính người mà mình đang lên án khi những hành động đó cũng đang dựa trên sự thoả mãn vị kỷ cơn giận nhất thời?

Nó không màng tới hậu quả khôn lường cho cho những người vô tội xung quanh: gia đình, người thân, bạn bè người bệnh; công việc của hàng trăm nhân viên có liên quan tới công ty gia đình cô; những người cùng tên đang bị liên luỵ bởi những xúc phạm vô căn cứ và thậm chí giới tính nữ bị đem ra làm mục tiêu dè bỉu.

Ở nhiều nước trong khu vực, khi tìm kiếm online số trường hợp của bệnh nhân mắc Covid-19, các truy vấn có liên quan hiển thị sẽ có "thông tin cá nhân chi tiết", "khuôn mặt", "hình ảnh", "gia đình" hoặc thậm chí là cả “hôn nhân” và "ngoại tình". Một sự xâm phạm khủng khiếp vào đời sống riêng và là mảnh đất màu mỡ cho những cuộc săn lùng nhân danh đạo đức.

Chưa bàn tới việc chúng ta không có quyền xông vào chốn riêng tư của ai đó và ra sức tấn công vì họ bị coi là kẻ có tội, thì bản chất hành động đó đã là sự xâm phạm và bắt nạt tập thể (cyber-bullying) rồi.
Làm sao lên án một hành vi khó chấp nhận bằng một hành vi không thể chấp nhận khác?
Làm sao vẫn đúng khi mà ta tuyên phạt một hành động sai bằng nhiều hành động sai? Làm sao lên án một hành vi khó chấp nhận bằng một hành vi không thể chấp nhận khác? Và chúng ta đâu còn ở cái thời mà mọi thành viên trong bộ tộc sẽ tự do đưa ra phán quyết cũng như trừng phạt kẻ tội theo bất cứ cách nào mình muốn?

Việc Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng - theo một khảo sát mới được công bố của Microsoft - thậm chí còn không gây nhiều tranh cãi với người dùng trong nước.

"Không chửi thì sẽ còn ra nhiều đứa chơi ngu…rồi lại tiếp tục có bệnh nhân vô ý thức tương tự" là dòng bình luận của một người đang bảo vệ cho niềm tin “chửi là đúng” trong vụ lên án ca nhiễm Covid-19 thứ 17 vừa qua.

Thật nguy hại khi đám đông nhân danh nỗi bất bình hay một mối lo chung để xâm phạm, để nhục mạ người khác mà vẫn dõng dạc tin rằng mình đang làm “nghĩa cử giáo dục” cho cuộc đời này. Họ say sưa “lùng diệt” theo kiểu “cho nó một bài học” với niềm tin rằng mình đang góp phần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh “những kẻ đang nhăm nhe tránh cách ly khác”, và nhờ họ, sẽ không còn những hành vi gian dối.

Thế nhưng, mọi sự có thể hoàn toàn ngược lại. Thậm chí theo chiều hướng nguy hiểm hơn.

Những nhân danh kia có thể chỉ là ngụy biện cho hành vi bị cảm xúc chi phối. Và đã có ai lắng lại để nhìn từ một góc độ khác: Chính cơn cuồng nộ mất kiểm soát đó lại có thể tạo ra nhiều tránh né và gian dối hơn trong khai báo tình hình sức khoẻ cá nhân.

Tại New Zealand, ông William Rainger - giám đốc dịch vụ y tế công cộng vùng Auckland - đã phải cầu xin công chúng kiềm chế và bình tĩnh khi họ cô lập, xâm phạm bằng lời và bắt nạt qua mạng xã hội một cách nặng nề gia đình của một ca nhiễm Covid-19.

Ông Rainger cảnh báo các cuộc tấn công vào người bệnh như vậy chỉ lợi bất cập hại: Nó sẽ khiến mọi người che giấu các triệu chứng có thể là Covid-19 và né tránh chăm sóc y tế. “Chúng tôi sẽ không thể ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này, nếu phản ứng của công chúng quá thù địch với các trường hợp và gia đình của họ”, ông đúc kết.
Khó có ai chịu chủ động hợp tác khai báo nếu nguy cơ bị chửi rủa và ném đá luôn chực chờ.
Tương tự, tại Indonesia, chính quyền cũng lên tiếng yêu cầu người dân kiềm chế các công kích cá nhân đối với các ca nhiễm Covid-19, bởi họ biết rằng sẽ khó có ai chịu chủ động hợp tác khai báo nếu nguy cơ bị chửi rủa và ném đá luôn chực chờ.

Nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả Yun, J., Shim, G. & Jeong, B. (2019) cũng chỉ ra những mối liên hệ không nhỏ giữa việc xâm phạm/lạm dụng bằng lời nói (verbal abuse) với sức khoẻ tâm thần và các tương tác xã hội ở người trẻ.

Hãy thử mường tượng về một xã hội đầy nguy cơ nếu điều này không mau chóng dừng lại: Cả cộng đồng mạng đang phải tiếp nhận thụ động hàng trăm bài đăng với những từ ngữ không thể cay nghiệt và mang tính miệt thị hơn trong suốt mấy ngày qua.

ĐỪNG TỔN HAO NĂNG LƯỢNG SỐNG CHO NHỮNG ĐAY NGHIẾN

Hãy nhớ rằng, chửi rủa có thể xoa dịu nỗi khó chịu của riêng bạn trong giây lát chứ không làm tình hình khả quan hơn. Điều này cũng giống như “nỗi sợ” là báo động đỏ của tâm trí, để bạn cẩn trọng hơn và tìm đến vùng an toàn.

Nó không phải để ra hiệu cho bạn cầm vũ khí lên và kết liễu kẻ mang tội nào ngoài kia. Càng gay gắt, bạn càng làm gia tăng nỗi sợ hãi và căng thẳng bị tấn công (hơn cả nỗi sợ bản thân căn bệnh) trong cộng đồng.

Và nếu không có sự hợp tác tự giác của những người liên quan vì hệ luỵ của nỗi sợ tấn công - dù là trên mạng - thì sự phòng bị, ý chí chống dịch của hàng trăm nhân viên y tế ngoài kia, thành quả điều trị những ca vừa khỏi nhiễm cùng những nỗ lực minh bạch thông tin liệu có còn ý nghĩa?

Mỗi người có trách nhiệm với cách mình phản ứng khi có chuyện không mong muốn xảy ra. Khả năng kiểm soát và vượt qua sự tức giận là một kỳ công mà nhiều người ở mọi lứa tuổi vẫn phải vật lộn.
Nếu không có sự hợp tác tự giác của những người liên quan vì hệ luỵ của nỗi sợ bị tấn công - dù là trên mạng - sự phòng bị và ý chí chống dịch liệu có còn ý nghĩa?
Mặc dù sợ hãi và tức giận là những cảm xúc tự nhiên, trải nghiệm chúng như một thói quen có thể là dấu hiệu của những vấn đề sâu sắc bên trong chúng ta cần được giải quyết. Đừng tổn hao quá nhiều năng lượng sống cho những đay nghiến tiêu cực bào mòn niềm tin và niềm vui của mỗi chúng ta mỗi ngày.

Điều xảy ra có thể đáng giận, và không việc gì phải chối bỏ sự bất bình mình đang có. Ai cũng có quyền lên tiếng, lên án, phê phán. Thế nhưng đừng đánh đồng nó với quyền tuyên án hay trừng phạt - dù là qua mạng - ai đó bằng việc trút xả sự hằn học đen tối nhất lên họ.

Ngày còn nhỏ tôi luôn bất bình tự hỏi tại sao Người Dơi không giết quách Joker cho rồi đi, mà hết lần này đến lần khác chỉ bắt hắn bỏ tù, để cho hắn năm lần bảy lượt trốn thoát ra và hại người khác. Nhưng càng lớn, tôi càng hiểu được, đức tin và phẩm giá là đôi khi cần rất nhiều dũng khí để giữ gìn. Người Dơi xác định mình không phải là kẻ sát nhân, và anh phải đánh đổi rất nhiều để giữ mình khỏi lằn ranh mỏng manh đó.

Làm người tử tế chưa bao giờ là dễ dàng.

15 nhận xét:

  1. Qua bài viết chúng ta hiểu rõ thêm tác hại của truyền thông lớn tới mức nào trong thời đại bùng nổ mạng xã hội. Những trang như VTC có nhiều bài viết tai hại trong vụ này cần phải lên án và xử phạt, người làm báo với mưu đồ tạo dư luận sấu chính là người phá hoại và những kẻ đó phải bị lên án mạnh mẽ thì xã hội mới yên bình được

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phê phán cái sai này bằng cái sai khác là không thể chấp nhận

      Xóa
  2. thực sự một cơn cuồng phong chửi rủa xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội, kể cả các fanpage hàng triệu lượt theo dõi cũng dùng những ngôn từ chợ búa. Thật nguy hại khi đám đông nhân danh nỗi bất bình hay một mối lo chung để xâm phạm, để nhục mạ người khác mà vẫn dõng dạc tin rằng mình đang làm “nghĩa cử giáo dục” cho cuộc đời này.

    Trả lờiXóa
  3. Dù hành động của BN17 là đáng trách, đáng lên án tuy nhiên việc gì cũng cần có điểm dừng và chỉ nên mang tính chất răn đe xã hội chứ không nên đẩy sự việc đi quá xa. Có ai từng nghĩ rằng BN17 nếu có thể khỏe mạnh trở lại thì sẽ hòa nhập cộng đồng ra sao hay không hay lại phải sống trong ánh mắt ghẻ lạnh của xã hội

    Trả lờiXóa
  4. Thực sự mà nói, trong trường hợp ca nhiễm COVID-19 thứ 17 này có thể gọi gần như là siêu lây nhiễm vì đã có rất nhiều người bị lây bệnh, và hành vi trốn khai báo này thật sự là đáng lên án vì nó là quá nguy hiểm cho cộng đồng. Nhưng sự việc cũng đã xảy ra rồi, đâu thể thay đổi được quá khứ, việc lên án là để răn đe những người khác không lặp lại hành vi này thôi chứ không phải là lên án làm cho người ta khổ sở đến " chết"

    Trả lờiXóa
  5. Dịch bệnh lây lan là dấu hiệu xấu đáng lo sợ chó người dân, nhưng mà ngồi ở nhà mà lo sợ, run rẩy lên thì đâu thể tránh mắc bệnh được, rồi thì nhắn tin chửi rủa bệnh nhân số 17, "truy sát" người ta như thế thì đâu có thay đổi được tình hình. Thay vì lo sợ đến mức tích trữ lương thực thì hay bình tĩnh lại, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh của bộ y tế, có thế mới không làm cho tình trạng căng thẳng hơn

    Trả lờiXóa
  6. Nghĩ cũng bực tức cháu gái bệnh nhân số 17 đấy, thích làm màu đến những nơi không cần thiết, khi mắc bệnh lại giấu nhẹm đi để rồi liên lụy đến bao người, đến cả Chính phủ nữa ; nhưng chúng ta cần phải là người có văn hóa, không nên thả sức chửi rủa cháu và càng không nên vì cái lỗi này của cháu mà số đông lại phạm một lỗi lớn hơn (tất nhiên là với những người có bản lĩnh kém thôi - còn người có bản lĩnh thì, xin lỗi- các vị cứ chửi và rồi các vị lại nghe, người cần nghe họ bịt tai lại rồi) là gây ra sức ép rất lớn đến cuộc sống người khác mà không quan tâm đến công tác phòng chống dịch hiện nay theo khuyến cáo từ Chính phủ và WTO .

    Trả lờiXóa
  7. cô gái đang còn ít tuổi suy nghi cho người khác còn đang bị hạn chế bởi những người trẻ thường ít quan tâm đến những gì của người khác nên việc cô ấy không đi khai báo là điều rất bình thường. Nếu chúng ta đặt vào hoàn cảnh của cô gái thứ 17 thì chúng ta sẽ xử lý thế nào rồi cái kết cũng bị cộng đòng chửi thôi. Mong rằng mọi người đừng hao tổn năng lượng vào việc chửi cô ấy mà hãy chung tay đẩy lùi dihcj bệnh

    Trả lờiXóa
  8. mọi người đừng đi theo hiệu ứng do một số người sắp đặt nữa được không. Nếu như chúng ta cứ mãi chạy theo cái gọi là xu hướng là hiệu ứng của xã hội thì chúng ta mãi chỉ mất thời gian công sức với nó mà không tự phát triển được bản thân phát triển xã hội. Những người đi trước người khác là những người có suy nghĩ khác xu thế tich cực và hiện đại hơn xã hội nhiều lần

    Trả lờiXóa
  9. Đúng là bệnh nhân covid 19 thứ 17 đã sai; dẫn đến lây nhiễm cho người khác; ai cũng có thể phê phán; nhưng đừng phê phán thái quá; phê phán thái quá chỉ phản tác dụng mà thôi.

    Trả lờiXóa
  10. chúng ta tức giận vì nỗ lực của bao con người bị đạp đổ không có nghĩa chúng ta có quyền thóa mạ, chửi rủa người khác và gia đình của họ. Mỗi người có trách nhiệm với cách mình phản ứng khi có chuyện không mong muốn xảy ra. Khả năng kiểm soát và vượt qua sự tức giận là một kỳ công mà nhiều người ở mọi lứa tuổi vẫn phải vật lộn.

    Trả lờiXóa
  11. tức giận thì tức giận thật nhưng mà sợ hãi và tức giận là những cảm xúc tự nhiên, trải nghiệm chúng như một thói quen có thể là dấu hiệu của những vấn đề sâu sắc bên trong chúng ta cần được giải quyết, đừng tổn hao quá nhiều năng lượng sống cho những đay nghiến tiêu cực bào mòn niềm tin và niềm vui của mỗi chúng ta mỗi ngày. hãy luôn tích cực và cùng nhau đẩy lùi dịch covid

    Trả lờiXóa
  12. hiện nay có rất nhiều người chuyên a dua trên MXH; điều đó rất nguy hiểm

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog