Việt Nam lên án hành động kỳ thị người bệnh và đã chỉ đạo Bộ Công an xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự những người phao tin đồn nhảm trên mạng xã hội về dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, TS. Kidong Park ngày 14/3. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này trong cuộc tiếp Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS. Kidong Park vào sáng 14/3.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ cũng như đánh giá cao các nỗ lực và đóng góp của WHO đối với Việt Nam và cá nhân Trưởng đại diện Kidong Park trong việc tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong thời gian qua. Thủ tướng bày tỏ mong muốn được nghe ý kiến tư vấn của WHO về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam để làm tốt hơn việc bảo vệ sức khỏe người dân.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đã triển khai chủ động, quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch từ rất sớm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kể cả lực lượng quân đội, công an.
“Chúng tôi đã áp dụng một số biện pháp rất mạnh vì sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh “giai đoạn này, chúng tôi sẽ làm mạnh hơn nữa”.
Ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam, Trưởng đại diện WHO đánh giá cao cách ứng phó của Việt Nam ở 3 điểm, đó là sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đầu tư đều đặn cho phòng chống dịch; sự tham gia, tuân thủ nghiêm ngặt của toàn thể nhân dân.
Chính nhờ sự lãnh đạo xuyên suốt nên Việt Nam đã vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ của cả hệ thống cùng với sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội. Trong thời kỳ chưa có dịch, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư đáng kể nên khi dịch bùng phát, Việt Nam đã chủ động phòng chống.
“Chúng tôi ấn tượng trước sự hợp tác của toàn dân trước sự chỉ đạo của Chính phủ mà có được điều đó là do niềm tin của người dân đối với Chính phủ”, TS. Kidong Park bày tỏ và nêu ví dụ điển hình là việc Việt Nam tiến hành tổ chức cách ly, khoanh vùng, dập dịch ở Vĩnh Phúc và do toàn dân hợp tác với chính quyền nên không hề có sự xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt trong vùng cách ly.
Trưởng đại diện WHO cũng bày tỏ ấn tượng về 2 chiến lược mà Việt Nam áp dụng là 4 tại chỗ và nguyên tắc cách ly. Theo đó, thay vì vận chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên thì điều trị ngay tại cơ sở, hạn chế tối đa vận chuyển, tránh lây chéo và có đội phản ứng tại chỗ. Hay trong xét nghiệm, thì từ 4 cơ sở ban đầu, nay Việt Nam mở rộng với 30 cơ sở xét nghiệm, từ đó, giảm gánh nặng cho tuyến trên và năng lực cho tuyến dưới được nâng cao.
TS. Kidong Park cho biết cách đây mấy ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ, Tổng Giám đốc WHO đã mô tả COVID-19 như một đại dịch toàn cầu, bởi chỉ trong 2 tuần gần đây, số ca mắc tăng 13 lần. Tới hôm nay (14/3), đã có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc COVID-19.
Việc Tổng Giám đốc WHO mô tả dịch COVID-19 như đại dịch có mục đích gióng hồi chuông cảnh báo vì bên cạnh nhiều quốc gia tích cực như Việt Nam thì vẫn còn có quốc gia chưa chuẩn bị tương xứng với mức độ lây lan bệnh dịch. Đánh giá của WHO về tính nghiêm trọng của dịch COVID-19 là không thay đổi.
WHO muốn khuyến khích Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt chống dịch như hiện nay, thậm chí áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn.
WHO khuyến nghị những nhóm đối tượng cần bảo vệ là: Nhân viên y tế - những người tuyến đầu tiếp xúc trực tiếp người bệnh; người già, người có bệnh nền; nhóm những người lãnh đạo bởi để phòng chống dịch thì cần có người chỉ huy.
Về hỗ trợ, WHO tập trung vào 3 lĩnh vực: Sự điều phối của các tổ chức LHQ, tổ chức quốc tế; hỗ trợ ngành y tế phòng chống dịch như tăng cường năng lực y tế cho các nhóm phòng chống dịch, phương tiện bảo hộ cá nhân, các kit xét nghiệm...; theo dõi tình hình, đánh giá nguy cơ cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Dựa trên các thông tin đó, WHO sẽ tham vấn kịp thời cho Chính phủ Việt Nam để “thời điểm nào cần áp dụng phương pháp nào”, Tiến sĩ Kidong Park nói.
Ông Kidong Park cũng đề cập đến công tác truyền thông phải làm giảm được sự kỳ thị đối với những người mắc COVID-19. Quan sát chặt chẽ các thông tin, ông Kidong Park thấy có sự thay đổi nhận thức, nhưng vẫn có sự lan truyền thông tin cá nhân, thông tin nhạy cảm của người bệnh trên mạng xã hội, điều này làm cho họ và người thân e ngại, do đó, sẽ khiến người khác cảm thấy khi có bệnh thì sẽ không khai báo y tế.
Niềm tin là chìa khóa thành công
Ghi nhận ý kiến của Trưởng đại diện WHO, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng muốn thành công phải huy động sức mạnh toàn hệ thống, toàn dân. Thời gian qua và hiện nay, Việt Nam coi phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và toàn dân. Chính phủ cũng đưa ra một chương trình hỗ trợ trực tiếp, kể cả bảo đảm cung ứng các nhu yếu phẩm dồi dào cho người dân. Cũng trong thời gian qua, nhiều người dân sẵn lòng tham gia đóng góp, ủng hộ, hỗ trợ Chính phủ, Bộ Y tế để chống dịch.
Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong ngành y tế Việt Nam đã khơi dậy sự say mê nghiên cứu, sáng tạo, nhờ đó đã thúc đẩy nghiên cứu thành công bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2, xác lập trình tự gene virus…
Thủ tướng hoàn toàn nhất trí ý kiến của WHO cần coi trọng lực lượng y tế ở tuyến đầu chống dịch. Lực lượng y tế Việt Nam luôn nhiệt tình trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở nông thôn cũng như thành thị. Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, sinh viên ngành y luôn sẵn sàng thực hiện các kịch bản đã đề ra. Mỗi người dân, mỗi khu dân cư được xem là “pháo đài” phòng chống dịch.
Nhất trí rằng cần phải hạn chế sự kỳ thị với người bệnh, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam lên án hành động này; đã chỉ đạo Bộ Công an xử lý nghiêm những người phao tin đồn nhảm trên mạng xã hội, kể cả xử lý hình sự.
Thủ tướng cho rằng trong phòng chống dịch thì niềm tin là hết sức quan trọng, không bao giờ bi quan trong bất cứ tình huống. Việt Nam đã từng chữa khỏi 16 trường hợp, kể cả người cao tuổi có bệnh nền phức tạp. Do đó, Việt Nam có ý chí, quyết tâm cao để chiến thắng đại dịch. Việt Nam chủ trương công khai, minh bạch ngay từ đầu, không có gì giấu diếm nhân dân, giấu diếm thế giới, Thủ tướng nêu rõ. Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm chống dịch hiệu quả đi đôi với bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, xã hội ổn định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn WHO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch như cung cấp thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, hỗ trợ các phương tiện, trang thiết bị, phác đồ điều trị tốt nhất…
Tại cuộc tiếp, trao đổi về biện pháp của Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam cho biết bài học, kinh nghiệm của Việt Nam là sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là cách ly nhiều vòng để bảo đảm lây lan ở mức thấp nhất, điều trị theo hình thức phân tuyến, nhẹ thì ở tuyến dưới, nặng thì ở tuyến Trung ương, không tập trung nhiều vào một chỗ.
Hiện nay, Việt Nam tập trung vào phát hiện sớm ca bệnh bằng xét nghiệm, theo đó, sẽ tiến hành xét nghiệm ngay tại sân bay hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Sự lãnh đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, sự tham gia của toàn dân là chìa khóa thành công của Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhìn nhận.
Cảm ơn ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Kidong Park cam kết hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế, các cơ quan chức năng của Việt Nam, huy động Việt Nam trong phòng chống dịch.
Ông Kidong Park cho biết liên quan đến vaccine phòng Covid-19, WHO đã hợp tác với các đối tác, đến nay có 20 ứng cử viên vaccine trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm. Sau khi nghiên cứu chế tạo vaccine thành công thì sản xuất vaccine lại là một vấn đề. Trưởng đại diện WHO bày tỏ ông biết năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam rất mạnh, nếu cần thiết, có thể huy động năng lực sản xuất của Việt Nam.
Trưởng đại diện WHO nhấn mạnh hiện nay, các tổ chức quốc tế, các nước đều đánh giá cao sự vào cuộc rất sớm của Việt Nam và Việt Nam là một điển hình an toàn.
Đức Tuân
Đây là việc làm cần thiết, nên xử lý nghiêm những trường hợp phao tin đồn nhảm, nó sẽ gây tâm lý hoang mang trong một số bộ phận quần chúng, có thể chúng ta chưa gặp nguy hiểm bởi dịch bệnh mà đã bị nhấn chìm trong các fakenews, tạo ra sự lo lắng, stress tột độ.
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng, tôi cũng nghĩ vậy
XóaRất hoan nghênh việc là mạnh tay của nhà nước trong thời gian chống dịch này. Việc mà các cá nhân đăng tin tức sai sự thật, xuyên tạc về vụ việc sẽ làm cho tình hình trở nên căng thẳng, người dân hoang mang lo lắng, khó mà kiểm soát được dịch, làm mất lòng tin của nhân dân vào nhà nước. Quá buồn khi số người bị xử lí vì đăng tin giả còn nhiều hơn số người mắc bệnh
Trả lờiXóaTuy rằng vài ngày gần đây, tình hình dịch có diễn biến xấu, tuy nhiên vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới WHO khen ngợi những hành động chống dịch của Việt Nam là hiệu quả và yêu cầu chia sẻ kinh nghiệm. Kết quả này đạt được cũng là nhờ sự kiên quyết "cách li nhầm còn hơn bỏ xót", tinh thần vì sức khỏe của nhân dân mà chống dịch đến cùng của nhà nước
Trả lờiXóaCần phải xử lý nghiêm các trường hợp vô trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh covid19; đồng thời xử lý cả các trường hợp phao tin đồn nhảm trên mạng xã hội về dịch bệnh; gây hoang mang tư tưởng người dân.
Trả lờiXóatin đồn nhảm trên mạng hiện nay rất là tràn lan khiến cho người dân chưa mường tượng ra đưuọc bệnh dịch như thế nào thì đã hoang mang lo sợ và tự làm cho xã hội hỗn loạn khiến cho lực lượng chức năng khó khăn trong việc phòng chống. Thủ tướng ra chỉ thị như vậy là hết sức hợp lý lấy đó để răn đe nhwungx đối tượng có ý định đăng tin
Trả lờiXóaTất cả các trường hợp phao tin đồn nhảm về dịch bệnh phải bị xử lý thật nghiêm khắc
Trả lờiXóa