Chia sẻ

Tre Làng

CÓ NÊN ĐỔ NGUỒN LỰC VÀ NGÂN SÁCH VÀO SẢN XUẤT MÁY TRỢ THỞ TRONG MÙA DỊCH?


Những khái niệm nhập nhằng về máy thở và máy trợ thở cùng hiệu quả sử dụng trong đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người thêm băn khoản về điều này.

Vào ngày 27 tháng 3 năm 2020, trong cuộc điện thoại trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson chưa kịp chào “Hello” đã hỏi xin máy thở. 

Cũng thời điểm đó, truyền hình và báo mạng, sau đó là Facebook rầm rộ đăng tin Giáo sư Trần Văn Thọ và Giáo sư Trần Ngọc Phúc sẽ tặng Hà Nội và Sài Gòn 2000 máy trợ thở, nhiều báo viết hẳn là MÁY THỞ.

Rất tiếc đây là sự cố truyền thông gây ra 2 sự hiểu nhầm!

- Một là: nhầm lẫn giữa máy thở và máy trợ thở, cả 2 vị giáo sư chỉ nói về MÁY TRỢ THỞ, không phải MÁY THỞ.

- Hai là: các giáo sư không tặng 2000 máy, mà chỉ chuyển giao kĩ thuật, giúp đỡ Việt Nam ngay lập tức tự sản xuất 2000 máy trợ thở, sau 3 tháng sản xuất 10.000 máy, tiến tới sản xuất hàng loạt để bán ra thế giới.

Truyền hình hôm qua Giáo sư Phúc đã nói rõ ràng như vậy!
Máy thở là phương tiện chính trong phác đồ điều trị COVID-19 phiên bản 4

Điều trị COVID-19, đảm bảo Oxy cho bệnh nhân là một trong những yếu tố quyết định sự sống và cái chết, với nhiều biện pháp bao gồm liệu pháp Oxy thông thường, liệu pháp Oxy áp lực cao, thông khí không xâm lấn, thông khí xâm lấn, ECMO và các biện pháp liên quan khác.

Phiên bản 4 “Phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới” đã hướng dẫn điều trị các trường hợp nặng và nguy kịch bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp sớm. Cụ thể theo phác đồ: thông khí không xâm lấn trong 2 giờ, nếu tình trạng của bệnh nhân không thay đổi, hoặc xuất hiện các triệu chứng như không dung nạp với thông khí không xâm lấn, thì cần được chuyển kịp thời sang chế độ thông khí xâm lấn. Về mặt hỗ trợ hô hấp, thông khí xâm lấn đã trở thành phương tiện chính để duy trì nhịp thở cho những bệnh nhân này.

Hiểu theo cách đơn giản là: khi bệnh nhân khó thở, ngay lập tức sử dụng MÁY TRỢ THỞ 2 tiếng, nếu không cải thiện chuyển sang MÁY THỞ, phác đồ nhấn mạnh MÁY THỞ là phương tiện chính!


Nhưng,

Theo tôi được biết, máy trợ thở sẽ đưa đến mũi của bệnh nhân một luồng không khí đủ Oxy với áp lực cao, người bệnh cũng phải thở ra với một áp lực cao tương ứng theo máy, trong khi mặt nạ chùm lên mũi không chắc chắn đảm bảo kín (do sự gồ ghề của khuôn mặt, do bệnh nhân móm, do rách mặt nạ), làm cho virus dễ phát tán ra môi trường bên ngoài, có thể gây tình trạng lây nhiễm chéo, đặc biệt là nguy cơ nhiễm bệnh cho nhân viên y tế.

Rõ ràng SARS-CoV-2 rất dễ lây lan.

Để hạn chế lây nhiễm chéo, bệnh nhân COVID-19 khi dùng máy trợ thở, cần thiết phải nằm trong buồng điều trị áp lực âm đồng thời tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc chống nhiễm khuẩn.

Đó cũng là lí do để Phiên bản 4 nhấn mạnh: MÁY THỞ là phương tiện chính!

Nước Mỹ ở thời điểm hiện tại có 185.270 bệnh nhân, trong đó có 3.981 ca nặng, tử vong 3.780 trường hợp. Cả nước Mỹ chỉ có 160.000 máy thở, trong khi các chuyên gia ước tính nước Mỹ ở đỉnh điểm dịch có thể cần tới 740.000 máy.

New York được coi là Vũ Hán của nước Mỹ.

Tổng thống Trump hôm thứ Nam tuần trước cho biết ông vừa điều 4.000 máy thở đang trên đường tới New York. Nhưng thống đốc Cuomo nói: Chúng tôi sẽ cần nhiều máy thở hơn nữa ở đây!

Trump quá bối rối, Tổng thống Mỹ như ngồi trên đống lửa, ông quay ra hối thúc hãng xe hơi General Motors chuyển ngay sang lĩnh vực sản xuất máy thở, để cung cấp cho nước Mỹ và bán ra khắp thế giới.

Các chuyên gia Mỹ đặt vấn đề: liệu máy trợ thở có thể thay thế cho máy thở?

Vào ngày 28 tháng 2 năm 2020, một phụ nữ mắc bệnh coronavirus (COVID-19) đã được xác định tại một trại dưỡng lão tại Quận King ở Washington. Điều tra dịch tễ học sau đó, đã xác định 129 trường hợp COVID-19, bao gồm 81 người cao tuổi, 34 nhân viên và 14 khách; 23 người chết. Thời gian đầu, bệnh nhân suy hô hấp được sử dụng máy trợ thở, còn gọi là CPAP, để điều trị cho những trường hợp suy hô hấp nhẹ.

"Đó là cách tốt nhất chúng tôi có thể sử dụng đối với những người mắc bệnh hô hấp", Jim Whitney, quản trị viên dịch vụ y tế của Sở cứu hỏa Redmond tham gia chữa trị tại viện dưỡng lão cho biết - "Chúng tôi không biết rằng bản thân mình có thể nhiễm bệnh nhân COVID từ đó."

Các quan chức y tế công cộng Quận King đã khuyên Sở cứu hỏa Redmond không sử dụng máy trợ thở cho những bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19. Whitney cho biết Sở cứu hỏa Redmond sử dụng máy trợ thở có bộ lọc chuyên dụng, có thể làm giảm lượng virus giải phóng ra môi trường, nhưng cơ quan y tế công cộng của quận vẫn khuyến nghị tránh sử dụng máy trợ thở.

Sở cứu hỏa Redmond Fire đã ngừng sử dụng theo khuyến cáo.

Hiệp hội Bác sĩ gây mê Hoa Kỳ trong hướng dẫn ban hành vào ngày 23 tháng 2 đã không khuyến khích sử dụng CPAP ở bệnh nhân COVID-19. Lời khuyên dựa trên kinh nghiệm về dịch SARS năm 2003. Các nghiên cứu từ năm 2003 cho thấy máy trợ thở có thể bơm virus vào không khí, làm tăng nguy cơ lây lan của một bệnh truyền nhiễm.

Trong vụ dịch SARS ở Toronto, một nửa bệnh nhân SARS là nhân viên y tế, trong đó có 3 ca tử vong. Rủi ro lớn nhất với các bác sĩ và y tá, là khi họ hít phải virus có trong các hạt siêu mịn, thông qua việc sử dụng máy trợ thở áp lực dương hoặc các thiết bị trị liệu hô hấp khác.

"Nói chung, chúng tôi chỉ bảo họ đừng sử dụng máy trợ thở" - Tiến sĩ Comilla Sasson , một giáo sư lâm sàng về hồi sức tích cực tại Đại học Y khoa Colorado cho biết. 

"Bởi vì chúng tôi lo ngại về sự lây lan ra cộng đồng và chúng tôi phải mặc định rằng bất kì ai bị suy hô hấp ở thời điểm này đều coi là bệnh nhân COVID."

Câu hỏi với nhà sản xuất: Máy trợ thở có thể thay cho máy thở với bệnh nhân COVID-19?

“Không, không, không thể! Máy trợ thở, hay CPAP, chỉ đơn giản cung cấp không khí với áp lực đường thở dương liên tục, nó không thay thế được cho thở máy. Máy trợ thở thường được sử dụng cho chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một lần nữa tôi khẳng định, máy trợ thở chỉ cung cấp một áp lực dương và hỗ trợ cho việc thở" - Andrea Hoffman, đại diện cho nhà sản xuất Rochester Oxygen & CPAP đã đưa ra câu trả lời.

Tại sao máy trợ thở lại lây lan virus corona?

MÁY THỞ là máy đẩy không khí vào phổi, sau đó người bệnh thở ra, không khí luôn nằm trong một ống kín, luồng khí vào và khí ra luôn được lọc các tác nhân gây bệnh trong đó có virus.

MÁY TRỢ THỞ đơn giản hơn nhiều.

Cả hai phiên bản máy trợ thở, là phiên bản máy ở bệnh viện và phiên bản máy sử dụng tại nhà, đều sử dụng nguy lí tạo áp suất cao để đẩy không khí vào đường thở, thường là thông qua mặt nạ trùm lên mũi. Máy áp lực đường thở dương liên tục, được gọi là CPAP, cung cấp luồng không khí liên tục ở áp suất không đổi. Còn thêm các loại máy khác tiên tiến hơn, ví dụ như BiPAP, máy này tăng áp suất để đẩy không khí vào, nhưng sau đó giảm áp suất để cho phép không khí được thở ra.

Máy trợ thở cũng lọc không khí vào và ra, lọc hết tác nhân gây bệnh, trong đó có virus. Tuy nhiên, máy trợ thở kết nối với bệnh nhân bằng mặt nạ úp lên mũi, nó không đảm bảo đủ kín, virus có thể bơm vào môi trường xung quanh, làm cho bệnh nhân khác bị nhiễm virus, nhân viên y tế cũng có thể bị nhiễm.

Trong tình hình đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ, nhiều bệnh viện đang thiếu máy thở trầm trọng, một số bác sĩ nảy sinh sáng kiến, dùng máy trợ thở nhưng bỏ mặt nạ, kết nối ống của máy trợ thở với ống nội khí quản. Tôi cho rằng đây là một sáng kiến rất có giá trị, bởi về nguyên tắc thì máy trợ thở vẫn cung cấp đủ Oxy, nếu bỏ mặt nạ đi sẽ tạo hệ thống kín khắc phục tình trạng virus bị bơm vào không khí.

Trở lại với câu chuyện Giáo sư Trần Văn Thọ và Giáo sư Trần Ngọc Phúc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ 2000 máy trợ thở, sau 3 tháng sẽ sản xuất 10.000 máy.

Là một bác sĩ: tôi rất cảm kích trước tấm lòng của 2 giáo sư!

Nhưng bản thân tôi không phải là bác sĩ điều trị, không có kiến thức gì về máy thở và thở máy, nên tôi có chút băn khoăn về máy trợ thở JFLO của Giáo sư Trần Ngọc Phúc về hiệu quả sử dụng trong đại dịch COVID-19. Việt Nam sản xuất được máy trợ thở là điều rất tốt, nhưng máy đó phải được sử dụng hiệu quả thay vì các cơ sở sau này bị ép mua về, máy cất vào kho rồi thời gian sau báo hỏng.

Thực tế, ở các bệnh viện, máy trợ thở CPAP hay BiPAP chỉ dùng với những bệnh nhân suy hô hấp nhẹ, bệnh nhân cai máy thở. Khi không có dịch bệnh, số lượng máy thở đủ dùng, trong trường hợp trợ thở không xâm lấn, các bác sĩ vẫn có thể dùng máy thở, vì thế mà nhiều bệnh viện đã không mua máy trợ thở để tránh lãng phí.

COVID-19 luôn tạo ra bất ngờ và làm mọi thứ đảo nghịch!

Theo BS. Trần Văn Phúc (BV Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội)

Nguồn bài viết: https://ltus.me/wF

3 nhận xét:

  1. Nguyễn Văn21:15 2/4/20

    Một bài viết rất giá trị, cung cấp thông tin đầy đủ và đánh giá khách quan về tác dụng của máy trợ thở trong điều trị covid-19. Lãnh đạo nước ta nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có quyết định nhận chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất.
    Tất nhiên nhân dân Việt Nam nói chung đều rất biết ơn tấm chân tình của GS Phúc, GS Thọ về việc họ sẵn sàng chuyển giao công nghệ và giúp đỡ ngành y tế nước nhà sản xuất máy trợ thở, dĩ nhiên là nếu hai vị giáo sư này thành tâm muốn giúp đỡ nhà nước và nhân dân Việt Nam. Khoảng năm 2012 gì đấy tôi đã từng đọc một bài báo về ý định liên doanh liên kết giữa Matran của GS Phúc và ngành y tế Việt Nam sản xuất máy trợ thở (hình như đặt nhà máy tại Binh Định) nhưng sau đó lại thôi (Vì sao chưa rõ????)...
    Thực ra nếu không vì con covid-19 thì ngay cả ngành y tế đứng đầu thế giới cũng chẳng cần mua sử dụng nhiều máy thở (chứ chưa nói đến máy trợ thở) đến như vậy. Thử hỏi sau này khi dịch covid-19 đã qua, thì sản phẩm 10 ngàn máy sản xuất ra trong 1 tháng sẽ bán cho ai, trong khi có rất nhiều nước cũng sản xuất được (tất nhiên không cùng công nghệ với máy trợ thở của GS Phúc )nhưng tác dụng thì chắc là giống nhau?

    Trả lờiXóa
  2. Các thông tin đưa lên các trang MXH phải chính xác, nếu không sẽ bị xử lý

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog