"Người ta chạy trốn virus, quân này lại lao vào làm từ ngày này đến đêm nọ. Có bạn nữ kỹ thuật viên làm ở phòng xét nghiệm khi trở về nhà, dân khu chung cư họ kháo nhau cô ấy làm ở CDC. Thế là thôi, mọi người đi cùng cầu thang chạy ra hết" - tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó giám đốc CDC Hà Nội, mô tả công việc bà và hàng trăm cộng sự đang làm hàng ngày.
"Hồi đầu tháng 2, giám đốc bên cơ quan vợ em còn yêu cầu cô ấy cách ly vì biết chồng làm ở đội cơ động" - một bác sĩ trong Đội phản ứng nhanh góp chuyện.
9h30 ngày 25/3, bác sĩ Hùng, Trưởng Khoa Xét nghiệm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, vừa gọi thành viên của các đội phản ứng nhanh lên lấy mẫu xét nghiệm, vừa thúc đội kĩ thuật khẩn trương giải quyết sự cố mất điện tại khoa.
"Đội cơ động lên tầng 11 đi. Có mã hết rồi đấy, gọi cả anh em lái xe nữa. Chỉ làm một lần thôi, đừng rải rác mất thời gian lắm", anh Hùng hối anh Thân, điều phối viên các đội cơ động của CDC Hà Nội.
Đây là hoạt động lấy mẫu kiểm soát nội bộ định kỳ dành cho nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với các ca nghi nhiễm, ca dương tính, các ổ dịch và mẫu bệnh phẩm… trong đợt dịch Covid-19 ở Hà Nội. Hơn ai hết, họ là đối tượng rất dễ lây nhiễm virus nCoV trong quá trình tác nghiệp.
"Bọn chị mà nhiễm là cộng đồng nguy hết. Đội phản ứng nhanh đi tiếp xúc với người dương tính liên tục. Ở phòng thí nghiệm, bệnh phẩm về mỗi ngày hàng nghìn mẫu, phải kiểm soát nhau thường xuyên", chị Kiều Anh giải thích ý nghĩa của hoạt động này, khi bà chờ đến lượt lấy mẫu.
"Há mồm to, thở đều", một kỹ thuật viên hướng dẫn đồng nghiệp của mình, những người vốn thường xuyên phải nói đi nói lại khẩu lệnh trên.
Như một phản xạ tự nhiên, tôi buột miệng hỏi thành viên của đội phản ứng nhanh, "anh chị có sợ không?"
Một bác sĩ đeo kính, mặc chiếc áo polo màu cam bắt mắt nhìn thẳng vào tôi, chắc anh đang cười lớn sau lớp khẩu trang giấu mặt: "Sợ thì đã chả dám làm". Những bác sĩ khác đứng cạnh cũng cười, như khẳng định lời đồng nghiệp của mình, cả muốn động viên tinh thần chết nhát của tôi.
Anh Hùng nói với tông giọng nhẹ nhàng: "Sợ cũng rất sợ nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng nên làm thôi. Nếu bọn anh sợ còn ai làm! Mình sợ thì sẽ có một người nào đó làm thay mình. Xã hội cũng vậy thôi, nếu bọn em viết bài mà sợ không làm, thì phải có một đội nào đó đi tác nghiệp chứ nhỉ. Chẳng nhẽ lại không ai đưa tin về vụ dịch này? Em có sợ không? Gặp bọn anh đồng nghĩa với việc em trở thành F2 đấy".
Tôi và đồng nghiệp của mình đã trở thành F2 trong chuỗi nguy cơ lây nhiễm virus nCoV như vậy. Bạn phóng viên ảnh cùng tòa soạn tôi đã thuê chỗ ở riêng, cách ly mình để bảo vệ gia đình và cộng đồng sau những lần dấn thân vào vùng dịch.
Tính đến ngày 3/4, toàn thành phố có trên 48.000 người phải kiểm tra sức khỏe liên quan đến Covid-19. Trong đó gần 3.000 người cách ly tại nhà, nơi cư trú và 8.000 người tại khu cách ly tập trung cần phải kiểm tra nhiệt độ và theo dõi sức khỏe 2 lần mỗi ngày.
Để đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ ấy, từ trước Tết nguyên đán, CDC Hà Nội đã lên phương án đáp ứng cho từng diễn biến của dịch. Các phương án có sự phối hợp giữa rất nhiều ban ngành chức năng.
Trong đó, Y tế được xem là nòng cốt, tham mưu cho chính quyền từ thành phố đến phường xã. Rồi công an, quân đội, các đoàn thể và người dân. Đó là 5 lực lượng đang phối hợp chặt chẽ với nhau trên mặt trận phòng, chống dịch ở Hà Nội.
Bước vào một cuộc chiến chưa từng có, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội huy động tổng lực, tung 65 đội phản ứng nhanh "ra trận". Trong đó, 60 đội tại các quận huyện và 5 đội tinh nhuệ đóng ở tuyến thành phố. Mỗi đội có từ 6 - 8 thành viên thường trực 24/24, bất kể thời gian ngày hay đêm, có lệnh là lên đường.
Nhiệm vụ chính của hơn 500 "thợ săn virus" là giám sát, lấy mẫu, điều tra dịch tễ ở tất cả các khu cách ly tập trung, bệnh viện, cho đến từng ca nghi nhiễm cụ thể ở ngoài cộng đồng…
Trung bình mỗi ngày các đội phản ứng nhanh của CDC phải lấy hàng nghìn mẫu bệnh phẩm. Theo tính toán, mất khoảng 5 phút để kỹ thuật viên lấy được 1 mẫu hoàn chỉnh, chưa tính thời gian di chuyển, chuẩn bị dụng cụ, khử khuẩn nội bộ... Như vậy, giữa tâm dịch, một nhân viên y tế phải làm việc từ 13-15 tiếng mỗi ngày mới hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Khi mẫu về, toàn bộ các phòng thí nghiệm của CDC Hà Nội làm việc 24/24 giờ, chia 4 ca liên tục. Tất cả vì mục tiêu mẫu bệnh phẩm phải được xét nghiệm ngay, trả kết quả sớm nhất, chính xác.
"Người ta chạy trốn virus, quân này lại lao vào làm từ ngày này đến đêm nọ. Có bạn nữ kỹ thuật viên làm ở phòng xét nghiệm khi trở về nhà, dân khu chung cư họ kháo nhau cô ấy làm ở CDC. Thế là thôi, mọi người đi cùng cầu thang chạy ra hết"- tiến sĩ Kiều Anh chia sẻ trong lúc hướng dẫn chúng tôi trang bị bảo hộ để vào khu vực phòng xét nghiệm.
Một bác sĩ trong đội phản ứng nhanh đi cùng lên tiếng:
- Hồi đầu tháng 2, giám đốc bên cơ quan vợ em còn yêu cầu cô ấy cách ly vì biết chồng trong đội cơ động.
- Những lo lắng như thế có ảnh hưởng gì đến các anh chị không? - Tôi băn khoăn.
Một bác sĩ nam có vợ, được yêu cầu cách ly trầm ngâm: "Ảnh hưởng nhiều chứ".
Song, cái cách mà chị Kiều Anh chia sẻ chuyện nhà mình trong dịch bỗng làm tôi vừa nể phục, vừa có chút ấm lòng: "Chồng con lại còn ngoan hơn! Ngày xưa chẳng biết nấu cơm, nhưng từ dạo dịch ập đến bây giờ biết nấu hết rồi. Vì vợ toàn 12 giờ đêm mới bắt đầu từ cơ quan về, chả tự nấu cơm cho bố con ăn thì còn ai?"
Có một chuyện đã thành quen tại CDC Hà Nội từ Tết Canh Tý đến nay và chẳng biết còn kéo dài bao lâu nữa, đó "hiện tượng ở lại cơ quan". Thực chất, "ở lại cơ quan có nghĩa là thức trắng xuyên đêm mà làm ấy", anh Hùng vừa kiểm tra các tủ điện vừa tiếp chuyện chúng tôi.
Đến thời điểm này, tất cả các ca dương tính đều được phát hiện nhanh, trong thời gian ngắn để cách ly điều trị.
CDC Hà Nội đang kiểm soát, kịp thời cách ly các đối tượng tiếp xúc gần, ấn định là F1. Tuy nhiên, mạch đi của nguồn lây đang có diễn biến vô cùng phức tạp và bất ngờ. "Điều chúng tôi lo sợ nhất hiện nay là bắt đầu có sự lây truyền trong cộng đồng, những người đã mang chủng mà không có biểu hiện bệnh", ông Tuấn chia sẻ.
"Ca ngày 24/3, bệnh nhân nhập cảnh từ 13/3, đến khi phát hiện là hơn 14 ngày. Bước sang ngày thứ 15, họ không phải đối tượng nghi nhiễm, nhưng vì quan tâm sức khỏe của bản thân mà họ đến bệnh viện xét nghiệm. Tình cờ mình túm được thôi. Rồi ổ dịch ở bệnh viện Bạch Mai đã liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố. Riêng Hà Nội cũng lan ra 20 quận huyện. Lúc này nguồn lây truyền là không lường nổi. Và điều sợ nhất, có thể virus đã ở đâu đó trong cộng đồng" - Phó giám đốc CDC Hà Nội quan ngại.
Vấn đề sống còn hiện nay là Hà Nội khoanh dịch bệnh thế nào thôi.
Vị phó giám đốc phụ trách công tác phòng chống dịch nhấn mạnh: "Thời điểm này tất cả các trường hợp có triệu chứng mà không tìm ra nguyên nhân nào khác (như do viêm họng, cúm, hay viêm phổi…) thì phải nghĩ ngay đến Covid-19 và cho xét nghiệm. Lúc đó chúng ta mới có thể khống chế được sự lây lan trong cộng đồng". Mở rộng xét nghiệm nhanh Covid-19 ngoài cộng đồng, có kết quả trong 10 phút cũng là một giải pháp mà Hà Nội đang thực hiện để đạt được mục tiêu phát hiện, lần ra nguồn lây sớm.
"Mình vẫn còn đủ thời gian. Thành phố xác định đến ngày 15/4 mà chúng ta khống chế tốt thì sẽ có cơ hội kiểm soát".
Thời gian vàng này, được các chuyên gia phân tích dựa trên nhiều phương diện về tính chất của dịch bệnh, về xã hội học hay đặc tính sinh hoạt của người dân, sự xuất hiện của các đối tượng nghi nhiễm...
Diễn biến của dịch trên thế giới khiến WHO liên tục khuyến nghị các quốc gia cần tăng cường xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm. Ở Việt Nam hoạt động xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 được đẩy mạnh từ đầu dịch.
Đại bản doanh của CDC Hà Nội là toà nhà 11 tầng. 3 giờ sáng 6/3, toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố họp khẩn, khởi động giai đoạn mới của chiến dịch. Từ đó đến nay, "đèn từ khu xét nghiệm sáng triền miên", tiến sĩ Kiều Anh nhớ lại.
"Phải nói là chị biết ơn các bạn ấy. Vì tất cả đã làm việc với một tinh thần tuyệt vời".
"Mỗi lần vào labor ngồi box cấy, nghĩa là phải sau 4-5 tiếng xong hết việc mọi người mới được ra. Bây giờ gần 12 giờ trưa, các bạn chưa ăn gì đâu, nhanh nhất khoảng 3 - 4 chiều mới có thể ra.
Lúc ấy, nói thật với em thương đến chảy nước mắt, sưng hết cả hai vùng má không khác gì Vũ Hán. Khó thở, mệt lả nên chỉ ngồi uống nước và uống sữa, thở một lúc, xong lại vào chiến đấu tiếp. Một ngày 24 tiếng, 4 ca liền chạy như thế, mà toàn phụ nữ".
Anh Hùng, lúc nào cũng luôn chân luôn tay để điều phối mọi hoạt động của khoa diễn ra trơn tru. Điều phối quy trình đã đành rồi, còn phải điều phối nhân lực làm sao cho các kíp kỹ thuật viên quay vòng hợp lý. Nhìn thấy tôi và chị Kiều Anh đứng ngay hành lang phòng thí nghiệm trò chuyện, anh rất ái ngại, nhưng biết sao được nhỉ. "Cái này cũng vì cộng đồng thôi, nếu mình muốn có kết quả nhanh nhất", anh cười và lại chạy đi.
Sự cố mất điện đột xuất vừa rồi đã khiến labor phải dừng hoạt động trong 3 tiếng. Tất cả kỹ thuật viên chấp nhận đeo khẩu trang N95 trong suốt thời gian chờ có điện trở lại. Họ không tháo ra khỏi mặt mình. Họ tiếc chiếc khẩu trang ấy. Bởi vì tất cả các trang thiết bị bảo hộ, sinh phẩm xét nghiệm… ở đây đều đang khan hiếm. "Nếu mình không tiết kiệm thì chính mình sau này sẽ không có cái dùng", một kỹ thuật viên giải thích lý do.
Tôi hỏi chị Kiều Anh: "Chị mong muốn điều gì nhất vào mỗi buổi sáng thức dậy?"
"Bây giờ cứ đủ đồ cho mình làm là được rồi. Em bảo cả thế giới bị dịch thế này cái gì chả thiếu. Đồ lấy mẫu, sinh phẩm xét nghiệm, dụng cụ tiêu hao, vật tư tiêu hao,… gi gỉ gì gi cái gì cũng cần".
Yêu cầu kỹ thuật trong labor là các bác sĩ, kỹ thuật viên không được làm việc liên tục suốt 8 tiếng đồng hồ. Vì vào đó, họ phải mặc trang phục phòng hộ chuyên dụng trông giống như phi hành gia. Bộ đồ đó rất kín, mặc vào phải làm việc liên tục như một cỗ máy.
Trong khi cơ thể chỉ chịu đựng được 4 tiếng. Thực hiện công việc nhẹ hơn một chút may ra được 6 tiếng. Trong 4-6 tiếng đó, ngứa không được gãi, khát không được uống, vệ sinh không được đi. Nếu cởi ra coi như đã hủy bộ quần áo đó.
Trong tình hình bây giờ, một bộ đồ bảo hộ đúng quy chuẩn như vậy rất quý hiếm, có tiền cũng không mua được. Kỹ thuật viên một phần vì tiết kiệm, phần quan trọng hơn, trong ca làm nếu hở ra một chút xíu thôi coi như mang luôn nguy cơ lây nhiễm vào người.
"Kể cả uống nước bằng ống hút cũng không được, ống hút vẫn cần phải kéo khẩu trang ra. Kéo khẩu trang ra là lây nhiễm. Anh em cứ nói đùa có khi phải mặc bỉm. Nhưng thực ra cần gì bỉm đâu, vì mặc bộ đấy vào, mồ hôi vã ra hết nước rồi" - ông Khổng Minh Tuấn chia sẻ.
"Mẫu bệnh về mọi thời điểm trong ngày. 3 giờ sáng các bạn ấy còn lên đây giao mẫu. 30 quận huyện chạy rầm rập". Chị Kiều Anh vừa nói dứt lời thì 2 thành viên của Đội phản ứng nhanh huyện Phú Xuyên mang mẫu tới.
- Bệnh nhân nghi ngờ hả em?
- Tử vong.
- OK. Đẩy luôn mẫu này vào nhé. Chuyển ngay mẫu này vào chạy luôn.
- Khoảng mấy tiếng có kết quả?
- Đẩy luôn bây giờ thì tầm chiều sẽ có.
- Vì người nhà đang đợi để làm thủ tục mai táng.
Tôi chứng kiến đoạn hội thoại đó và rất băn khoăn:
- Anh lấy mẫu lúc mấy giờ?
- Công an vừa báo xong thì mình sang lấy luôn. Lúc hơn 11 giờ.
- Anh chạy gấp hay sao mà mệt nhỉ?
- Cái khẩu trang này rất kín, nó làm khó thở.
Đến lúc này tôi mới hiểu vì sao anh ấy luôn kiệm lời khi trao đổi với mình. Mọi sức lực anh đã dành cho việc mang mẫu đi xét nghiệm thật nhanh để có kết quả sớm nhất cho một tang gia nào đó đang bối rối.
"Đây là các bạn đội phản ứng nhanh ở huyện. Nhiệt tình lắm", chị Kiều Anh tự hào giới thiệu về hệ thống CDC các quận huyện với tôi.
CDC Hà Nội có chân rết ở tất cả 30 quận, huyện và 584 xã phường. Địa bàn nào thì CDC đó sẽ có trách nhiệm thu thập thông tin, điều tra, lấy mẫu… xử lý tất cả mọi việc trên địa bàn đấy. "Họ có đầy đủ kỹ năng để xử lý toàn bộ các yếu tố bệnh tật. Nếu nhận định ca khó, họ sẽ gọi ngay cho đội phản ứng nhanh của thành phố."
Hai cán bộ tuyến huyện đi vào khu vực rửa tay, khử trùng trong lúc chờ lập xong mã code mẫu của mình vừa chuyển. Tổng thời gian chờ đợi khoảng 2 phút. Họ chào tạm biệt chúng tôi trở về địa bàn sau một cú điện thoại.
"Y tế dự phòng thầm lặng khủng khiếp em ạ. Không ai biết đâu. Bọn chị mà không làm thế này thì thủ đô sao yên bình được đến giờ" - nữ thủ lĩnh của CDC Hà Nội chia sẻ.
Bác sĩ Hà Tấn Dũng, Đội trưởng Đội phản ứng nhanh số 3 của CDC Hà Nội, trong thời gian chờ lấy mẫu xét nghiệm kiểm soát Covid-19 nội bộ ở cơ quan, tranh thủ gọi điện về hỏi thăm gia đình. Từ Tết đến nay, anh chưa một lần về quê thăm mẹ già. Mặc dù nhà rất gần cơ quan, nhưng số lần ngủ ở nhà chưa tới 5 đầu ngón tay.
"Mình ở cơ quan suốt, chỉ những lúc cần thay quần áo mới về nhà rồi đi luôn. Lúc về chỉ ngủ một mình ở phòng khách, phải phòng tránh cho người thân chứ. Bản thân gia đình thấy mình về cũng tự phòng vệ. Con mình thấy bố về là nó cứ chạy xa, cách bố ít nhất 2m".
Những lần về nhà của anh Dũng thường là sau khi anh có được kết quả xét nghiệm âm tính với virus nCoV. Từ hôm Hà Nội có bệnh nhân dương tính đầu tiên, anh và các thành viên trong đội được làm xét nghiệm 4 lần.
"Ngày nào mình cũng phải nhắc anh em tuân thủ bài tập phòng chống lây nhiễm cẩn thận. Mình phải tin tưởng là mình phòng hộ tốt thì sẽ bảo vệ tốt cho nhân viên y tế. Điều quan trọng là để còn có người làm việc", anh Dũng chia sẻ.
"Bọn mình luôn là lịch đột xuất. Từ lúc nhận lệnh cho đến khi đứng chân trên địa bàn có hôm chỉ cách nhau đúng 15 phút. Anh em đều hiểu nhanh hơn một phút có thể đã ngăn được người nhiễm tiếp xúc với một người lành. Cả thành phố có 5 đội đặc biệt tinh nhuệ nên trong những ngày cao điểm, một đội có thể phải làm 3 - 4 lịch đột xuất là chuyện thường."
Tôi hỏi anh ấn tượng về sức làm việc của thành viên nào trong đội, bác sĩ Dũng nhắm mắt suy nghĩ rồi trả lời: "Ai cũng đang vượt quá 200% sức lực. Có những hôm làm mệt lả từ sáng, trưa sang chiều, chưa kịp ăn uống, có lịch tối lại đi ngay lập tức. Mình thấy các đội hiện nay gọi là HY SINH chứ không phải ẤN TƯỢNG nữa.
Điều tra dịch tễ đặc biệt là điều tra các ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 là khâu hết sức quan trọng, chính xác và rất tỉ mỉ. Ngoài việc xác định bệnh nhân, các yếu tố liên quan, còn phải vẽ ra được bức tranh toàn cảnh suốt hành trình của bệnh nhân đã đi những đâu? Tiếp xúc với những ai? Phương tiện đi lại là gì? Phòng hộ ra sao?… Tất cả đều phải có kết quả nhanh chóng để đưa ra quyết định can thiệp ngay lập tức.
Người làm công tác này chỉ mong hết dịch chứ chả muốn gì cả. Có chăng mình chỉ mong những người thuộc diện phải điều tra dịch tễ, hãy thật trung thực và có trách nhiệm với thông tin của họ. Chứ dấu thông tin hay cung cấp thông tin sai sự thật, là các bạn đang vi phạm pháp luật, đánh mất cơ hội ngăn chặn dịch, gây rất nhiều tốn kém về nhân lực, vật lực cho phòng chống dịch."
Trong mạch câu chuyện về sự ấn tượng, ca bệnh số 17, là một dấu mốc khiến bác sĩ Dũng đặc biệt nhớ.
Ông bảo, vì đây là ca đầu tiên của Hà Nội, cũng là lần đầu tiên tiếp xúc với một ca bệnh dương tính. Tập huấn nghe nói nhiều rồi, nhưng lần đầu tiên trực tiếp phỏng vấn người bệnh dương tính nó khác hoàn toàn. Và cũng là lần đầu tiên Hà Nội thực hiện phong tỏa một dãy phố, một bệnh viện vì dịch bệnh. Và lần đầu tiên mình chứng kiến dân tình có chút hoảng loạn, rồi cũng hơi thái quá, kể cả người trong nghề cho đến người ngoài nghề. Đêm hôm đấy, cả Hà Nội xôn xao! Còn chúng tôi, ba đội phản ứng nhanh, mỗi đội bận rộn ở một vị trí.
Tôi tự dặn mình rằng lần này thâm nhập vào CDC, sẽ phải trả lời bằng được câu hỏi, chúng ta đã Việt hóa mô hình kiểm soát bệnh tật học tập từ Mỹ như thế nào để CDC Việt Nam đang hoạt động hiệu quả đến vậy?
Cuộc trò chuyện của tôi với Phó Giám đốc CDC Hà Nội phải ngắt quãng mấy lần, vì ông liên tục có các cuộc gọi quan trọng liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch. Nhưng ông Tuấn vẫn nhất định muốn nói cho rõ quan điểm của mình.
Ông bày tỏ niềm tự hào về hệ thống CDC Việt Nam. Dường như ông có mối quan hệ rất khăng khít với CDC các địa phương bạn.
"Ở mỗi CDC địa phương là cả một thế giới phong phú vô cùng các sáng kiến, kinh nghiệm và độ nhạy bén trong kiểm soát bệnh tật. Việt Nam không hẳn theo mô hình của Mỹ đâu.
CDC của mình học tập kinh nghiệm và mô hình tương đối đa dạng. Chúng ta học cả CDC Mỹ, cả CDC Trung Quốc, cả CDC Thái Lan… mỗi một hệ thống kiểm soát bệnh tật lại có một đặc điểm riêng. Tuy nhiên, CDC các nước đang duy trì một mô hình không đồng đều, rất mạnh ở tuyến trung ương rồi đến tuyến tỉnh hay các bang; nhưng tuyến huyện, tuyến xã phường và đặc biệt là thôn bản thì lại không bằng Việt Nam. Thậm chí có nước còn không có.
Trên thực tế khi anh tập trung nguồn lực cho trung ương mạnh thường sẽ giúp nghiên cứu sâu. Nhưng ở dưới cộng đồng anh không có chân rết thì làm sao kiểm soát chặt được. Đấy chính là thành công của mình. CDC của ta giống như cái móng nhà đủ rộng đủ chắc, còn của họ giống như chùa Một Cột ấy mà.
Dừng câu chuyện với ông Phó Giám đốc, tôi bất chợt nhớ đến nụ cười thật tươi của nữ nhân viên CDC Hà Nội sau ca lấy mẫu kéo dài từ 1h30 chiều đến 4h20. Tính cả ca sáng nữa, ngày hôm ấy cô đã phải đeo khẩu trang N95 gần 10 tiếng đồng hồ.
Những vết lằn trên má, những hy sinh không nói thành lời của cô và đồng nghiệp đã và đang góp phần cùng Hà Nội đứng vững qua những ngày tháng thử thách này. Và biết đâu đấy, tôi tự hỏi giữa những quãng nghỉ hiếm hoi của lịch trình làm việc dày đặc, cô có đang nghe một bài hát thật chill:
Em có từng mơ, mơ những giấc, giấc xanh tươi
Khi kim đồng hồ ngưng, ở bốn giờ hai mươi
Soi qua làn khói em soi rõ tim người
Không biết nói câu gì chỉ biết ngồi hát xong cười…
Nội dung: Thanh An
Photo: Tuấn Mark
Design: Đỗ Linh
Đây có thể nói là một trong những đơn vị tuyến đầu trong công cuộc chống dịch bệnh. Chúng ta nên hiểu những khó khăn của họ, không kì thị hay xa lánh họ mà còn phải tiếp tục động viên, chia sẻ với những khó khăn đó, khích lệ họ tiếp tục làm việc để bảo vệ cộng đồng.
Trả lờiXóabạn nói rất đúng, tôi cũng nghĩ như vậy
Xóacông tác phòng chống dịch bệnh là hết sức khó khăn đè nặng lên đôi vai những người chiến sỹ tuyến đầu, từ những người bác sỹ cứu người đến bác sỹ dịch tễ , những người chiến sỹ công an quân đôi và một phần công lao của người dân Việt Nam. Mong rằng mọi người hãy cùng nhau chung tay góp sức, nêu cao ý thức trách nhiệm của mình để qua đợt dịch này
Trả lờiXóa