Chia sẻ

Tre Làng

BÁO CHÍ RỒI SẼ ĐI, CÒN CÔ GIÁO Ở LẠI

Chép về từ Fb Daibang Tran

BÁO CHÍ RỒI SẼ ĐI, CÒN CÔ GIÁO Ở LẠI
(Nguồn: copy về vụ hs đứng ngoài cổng trường)

1 - Nếu luận về pháp lý, thì trách nhiệm của các cô là dạy và trông các cháu trong giờ (lương viên chức do ngân sách nhà nước chi trả). Cô nào trực bán trú buổi trưa thì có thêm phụ cấp (phụ cấp đó do các phụ huynh có con học bán trú đóng góp).

Thế nên, nếu mẹ đưa cháu đến sớm, thì nghĩa là mẹ cháu giao cho các cô nhiệm vụ nằm ngoài luật, nằm ngoài thỏa thuận. Nếu cứ lập luận về "trách nhiệm" của các cô giáo theo hướng vô hạn định, thì giả sử hôm nào đó mẹ cháu quên đón, để cháu đứng cổng trưởng đến 19 giờ, thì cô giáo cũng phải ở lại trông cháu?

Trong luật thương mại có khái niệm "chuyển rủi ro" với hàng hóa. Áp dụng cho con người thì không đúng luật, nhưng nói thế để các bạn có thể hình dung là mẹ cháu đã chuyển cho các cô giáo, cho nhà trường một rủi ro nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của các cô. Nếu giả sử hôm đó cháu đến sớm không có ai trông coi, bị tai nạn thương tích, thì chắc chắn là mẹ cháu sẽ giãy đành đạch bắt đền nhà trường.

Lại nữa, nếu cháu đến sớm nô nghịch với các bạn (trẻ con nó gào khỏe như thế nào thì các bạn tự trải nghiệm), thì các phụ huynh có con học bán trú sẽ chửi cha cô giáo lên vì không giữ gìn giấc ngủ cho con họ. Các cô giáo vì thế chết kẹt ở giữa hai làn đạn súng máy của phụ huynh.

Giữa trưa hè tháng 5, thời tiết 40 độ C, học sinh nằm ngủ xếp lớp như cá mòi trong lớp học, chỉ cần mươi đứa trẻ con nô nghịch, thì lại chẳng như cái chợ vỡ.

2 - Trên đây là về pháp lý. Còn về đạo lý: Mẹ cháu chọn cách tung hê vụ việc lên mạng xã hội. Mẹ cháu đưa cháu đến sớm mà không báo cho cô giáo một lời (VD: cô ơi hôm nay có việc cá nhân nên tôi cho cháu đến sớm, cô giúp tôi trông cháu chừng 15 phút, tôi đã dặn cháu phải giữ trật tự, không nô nghịch phá giấc ngủ của các bạn khác). Đến khi cháu không vào trường mà đứng ngoài cổng thì mẹ cháu tung hê lên Facebook cho dân mạng rỉa rói các cô.

Mẹ cháu đòi hỏi trách nhiệm ở các cô giáo, nhưng lại thể hiện thái độ thiếu thiện chí khi tung hê sự việc lên mạng xã hội, thì liệu nhà trường có thể có thiện cảm với cháu và mẹ cháu không?

Nói thẳng ra, thì các cơ quan nhà nước ở Việt Nam rất yếu kĩ năng xử lý khủng hoảng truyền thông, nên họ có xu hướng “trảm” cấp dưới để yên lòng dư luận. Mà xưa nay, giáo viên tiểu học là loại viên chức bét tĩ nhất của các loại viên chức. Nếu tháng nào chậm lương, thì sẽ chậm lương của giáo viên đầu tiên, sau đó mới đến các viên chức khác. Cũng không hiếm những vụ việc ép cô giáo đi tiếp rượu cho quan khách ... Nó cho thấy vị thế của các cô giáo thấp như thế nào.

Với đồng lương chết đói của viên chức, dạy thêm thì bị cấm đoán, các cô loay hoay kiếm thêm bằng việc trông bán trú buổi trưa cho các cháu. Mẹ cháu không đóng tiền cho cháu ở lại bán trú, nhưng lại trả lời cô giáo một cách chỏng lỏn "Mẹ đi làm chả nhẽ để con đứng ngoài cổng hả cô", "Từ mai em cho cháu đứng ở cổng trường"? Mẹ cháu ăn nói như thế, thì cô giáo nào bao dung cho nổi?

Thế nhưng, Giám đốc Sở hay hiệu trưởng không dạy các cháu, mà chính là các cô giáo mới là người trực tiếp dạy dỗ cháu. Các cô giáo cũng là con người, cũng có cảm xúc cá nhân. Các cô sẽ buôn dưa với nhau, để kiềng mặt cái con bé này ra, đụng đến nó là mẹ nó cho sáng nhất mạng xã hội đấy. Các cụ đã dạy: Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Từ nay em cứ việc làm vương làm tướng ở trường, mẹ em là nhất, các cô không dám nói năng gì hết.

3 - Về chuyện đi học sớm: Báo chí chọn cách diễn đạt “đi học sớm cũng bị phê bình” là cách xuyên tạc rất khốn nạn mất dạy! Cháu không bị phê bình vì đến sớm, mà cháu bị phê bình vì đến sớm và nô đùa làm phá giấc ngủ trưa của các bạn, cũng như của chính các cô giáo (các cô mỗi ngày “bán cháo phổi” 8 tiết ở trường, nuôi dạy mấy chục đứa học sinh trường công đang tuổi ăn tuổi chơi, không ngủ trưa đủ chỉ có quị).

Mình thừa nhận hai việc: (i) chính sách của nhà trường (buộc học sinh phải đến đúng 13h30) là thiếu tế nhị; (ii) việc cô giáo đưa hình ảnh của học sinh lên group Zalo của phụ huynh để phê bình cũng là thiếu thận trọng, không phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, so với việc thông báo trong group phụ huynh, và việc tung hê sự việc lên mạng xã hội, thì mình thấy cô giáo hành xử còn tinh tế chán.

4 - Vĩ thanh: Trong tình huống này, nhà trường và cô giáo có những sai sót nhất định, không thể phủ nhận. Nhưng cách hành xử của phụ huynh với sai sót đó, thì sẽ khổ cho cháu trong tương lai.

Nhắc lại rằng: Cô giáo cũng là con người, cô giáo cũng có thể sai. Nhưng nếu mẹ cháu lựa chọn tung hê cái sai đó lên, để giải quyết với cô giáo theo thế đối đầu, thì mẹ cháu nên nhớ một điều này: Ngay ngày mai, báo chí sẽ có một điểm nóng khác. Ông Giám đốc Sở cũng sẽ vuốt mồ hôi trán để đi giải quyết công việc khác. Ông hiệu trưởng sau khi bị “xạc” một trận cũng sẽ trở về với đời thường.

Chỉ còn lại cô giáo, cô giáo hàng ngày lên lớp nhìn con bé học sinh, mà mẹ cháu tung hê khuyết điểm của cô giáo lên mạng! Và các cô giáo khác ở trong trường, các cô giáo ở các trường khác trong toàn hệ thống công lập (mẹ cháu chắc không có tiền cho con học trường tư), cũng sẽ có bài học cảnh tỉnh về việc mẹ cháu sẽ hành xử thế nào nếu đụng chạm đến con vàng con bạc của họ.
Có lẽ, đó là con đường vào đời tốt cho cháu chăng? Cũng có thể, cô giáo không dám dạy thì đời sẽ dạy!

P/s 1: Vì có nhiều bạn nói đến tình người, tính nhân văn của giáo viên, nên mình xin phép trình bày thêm thế này: Đúng là người giáo viên phải có kĩ năng sư phạm, có sự nhân văn, có tình yêu trẻ. Nhưng cuộc đời cũng như mạng xã hội: Nếu ai mà cũng nhân văn bằng 50% những gì họ thể hiện trên mạng, thì chắc có lẽ cuộc đời này đã đẹp lắm.

Quan điểm của mình không phải là trách cứ bên nào. Ở đây, mình xác định mục tiêu của bà mẹ là con mình được bảo vệ và nuôi dạy tốt ở trường.

Là một luật sư, mình cân nhắc các hiện trạng và khả năng để bà mẹ ấy đạt được mục tiêu đó. Trong những thực trạng mà mình cân nhắc, có thực trạng là các cô giáo cũng chỉ là con người mà thôi. Họ khó có thể có được cái nhân văn ấy, trong thời buổi kinh tế thị trường, còn họ thì nhận đồng lương nhà nước. Họ không phải là thánh nhân, nên cũng có đủ hỉ nộ ái ố. Mẹ cháu cư xử như thế thì thiệt cho cháu.

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng và xác định mục tiêu, mình đưa ra giải pháp mà mình thấy khả thi nhất, giống như một luật sư tư vấn cho khách hàng.

Có bạn chê mình hèn hạ, bảo mình "thỏa hiệp với cái xấu". Mình trả lời: Là luật sư, mình tư vấn trên cơ sở mục tiêu và lợi ích của khách hàng. Mục tiêu đó là con cái họ được nuôi dạy tốt, trong khi mẹ cháu hạn chế về tài chính, không thể cho học trường quốc tế ngàn đô.

Còn nếu như mẹ cháu định hy sinh con mình để làm cách mạng cải tổ ngành giáo dục, thì câu chuyện sẽ khác nhiều 😀

P/s 2: Mà cũng không thể trách mẹ cháu. Hoàn cảnh sống nó quyết định thái độ. Đòi hỏi ở một single mom như mẹ cháu một thái độ sống ôn hòa, một hiểu biết pháp lý cơ bản, và lường trước được những hậu quả khi đưa sự việc lên mạng xã hội, thì có lẽ hơi xa xỉ? (Âu cũng là lời cảnh tỉnh cho các bạn theo trend làm single mom, không phải chỉ kiếm tiền nuôi con là đủ, mà còn phải thực sự biết cách phối hợp với nhà trường, với cô giáo để dạy dỗ con cái).

Có điều, đời mình đã nghèo, thì cố gắng cho con cái được thành người, biết lễ nghĩa, thì mới có cơ mở mày mở mặt. "Muốn sang phải bắc cầu kiều ...", chứ đối xử với cô giáo như thế, chỉ có nước đi làm học trò thầy Huấn (Hoa Hồng, not Huấn Cao).

6 nhận xét:

  1. Nặc danh00:46 24/5/20

    Dân chủ quá mức, xử ép viên chức có phải là nhu nhược? Vụ mụ bán rau Bãi Chái cầm dao tung tác ... đến vụ mẹ đem con bỏ chợ rồi... vu vạ ?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói đúng; làm gì cũng phải theo quy định của pháp luật; không thể đổ hết lỗi cho các cô giáo được

      Xóa
  2. cách hành xử của người mẹ khiến mình nghĩ đến người con nhiều hơn, họ đang lo cho con hay dạy con cách ăn vạ quá đáng, dạy con cách phó mặc nhiệm vụ cho người khác trong khi đó không phải nhiệm vụ của họ. Và có lẽ chỉ có mạng xã hội mới khiến cho người mẹ được bảo vệ, được mặc sức lên tiếng và được ủng hộ nhiều đến thế.

    Trả lờiXóa
  3. "trăm năm bia đá vẫn mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". lời của bà mẹ, sự phản ánh một chiều của báo chí có thể bị lãng quên đi nhưng danh tiếng của người giáo viên, bộ mặt của một ngôi trường và môi trường giáo dục cho những đứa trẻ bị vấy bẩn bởi lời của một người phụ nữ trên mạng xã hội mà chưa có sự xác mình, làm rõ.

    Trả lờiXóa
  4. Hết công chức nhà nước, công an,... rồi bây giờ bọn chúng lại hướng mũi rìu về phía giáo viên. Tại sao họ không chịu thông cảm cho những khó khăn, vất vả của giáo viên mà lại cứ soi mói, đâm chọt và cố tình làm quá một vấn đề rất đỗi bình thường

    Trả lờiXóa
  5. Các bà mẹ nên hiểu và tôn trọng các cô giáo; nếu các bà mẹ là cô giáo thì sẽ suy nghĩ như thế nào

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog