Nhiều đại biểu nêu quan điểm không nên thành lập Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao vì sẽ phát sinh bộ máy, kinh phí, xung đột với chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát.
Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận về Luật Giám định tư pháp (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 12.
Cụ thể, ngoài 3 tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự theo Luật Giám định tư pháp hiện là Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng thì dự án Luật lần này đưa thêm một tổ chức giám định là Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (KSND).
Xung đột với chức năng, nhiệm vụ của Luật Tổ chức Viện KSND
Góp ý về dự án Luật Giám định tư pháp sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đắc Lắc bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định bổ sung tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc Viện KSND Tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử vì cho rằng đây là lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt, đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao và kinh nghiệm thực tế. Đặc biệt, quá trình đào tạo một giám định viên kỹ thuật hình sự công lập đòi hỏi rất chuyên sâu.
Đại biểu Giàng Thị Bình
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho biết, tại báo cáo về tổng kết Luật Giám định Tư pháp năm 2012, không thấy nêu về khó khăn, vướng mắc của Viện KSND trong việc trưng cầu các chuyên ngành giám định về âm thanh, giám định hình ảnh. “Theo đó, tôi thấy rằng trong quá trình soạn thảo, thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật, Chính phủ cũng không trình về nội dung đề xuất thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự trực thuộc Viện KSND Tối cao. Sau này, mới báo cáo bổ sung trình Quốc hội đề nghị thành lập phòng này. Tôi hiểu rằng việc bổ sung này chưa phải là yêu cầu cấp thiết” – đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân
Đại biểu dẫn quy định của Luật Tổ chức Viện KSND thì Viện KSND là cơ quan chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và khẳng định trong Luật Tổ chức Viện KSND cũng không quy định về chức năng, nhiệm vụ giám định tư pháp. “Thế thì câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta quy định về chức năng, nhiệm vụ của Phòng Giám định tư pháp thì có xung đột với quy định của Luật Tổ chức Viện KSND hay không? Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp lại vừa trực tiếp thực hiện giám định, liệu có đảm bảo sự khách quan, công minh trong giám định hay không?” đại biểu Nguyễn Thị Xuân đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đại biểu Giàng Thị Bình, Lào Cai đề nghị giữ nguyên điều 12 của Luật Giám định tư pháp hiện nay, không bổ sung quy định Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao.
“Trên thực tế, theo tôi nghiên cứu thì các tổ chức giám định công lập hiện nay đáp ứng tốt các yêu cầu giám định tư pháp” – đại biểu nêu quan điểm và viện dẫn Luật Tổ chức Viện KSND quy định Viện KSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động của nền tư pháp không có chức năng, nhiệm vụ giám định tư pháp. “Nếu quy định chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát thì Cơ quan nào sẽ giám sát hoạt động giám định tư pháp của Viện KSND Tối cao? Ngoài ra, nếu thành lập phòng Giám định Kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao thì không chỉ phát sinh tổ chức, bộ máy, kinh phí đầu tư trang thiết bị mà còn phát sinh kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nếu không sẽ không thực hiện được chức năng này. Vì vậy, nếu quy định thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao thì chúng ta phải sửa cả Luật Tổ chức Viện KSND mới phù hợp” – đại biểu Giàng Thị Bình nhấn mạnh.
Đại biểu Giàng Thị Bình cũng cho rằng, việc bổ sung quy định thành lập phòng Giám định Kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao chưa phù hợp với Nghị quyết 39, Nghị quyết 18 của Trung ương. “Để giải quyết khó khăn về công tác giám định hình sự, tôi đề nghị chính phủ đầu tư về nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức giám định hiện có của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và không thành lập tổ chức giám định công lập mới tại Viện KSND Tối cao” – đại biểu Giàng Thị Bình nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng
Đại biểu Mai Khanh, Ninh Bình nêu 4 ký kiến góp ý dự thảo, trong đó tán thành một số đại biểu và phương án 2 trong báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đó là không nên thành lập phòng Giám định tư pháp nằm trong Viện KSND Tối cao. “Chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND Tối cao khác với chức năng nhiệm vụ của CQĐT của Bộ Công an và CQĐT của Bộ Quốc phòng vì Viện KSND phải thực hiện quyền công tố. Hoạt động giám định tư pháp không phải là hoạt động điều tra mà chỉ bổ trợ cho hoạt động điều tra.
Đại biểu Mai Khanh cũng cho biết, theo quy định của pháp luật thì Viện Kiểm sát là cơ quan công tố, trong các kết luận giám định thì có rất nhiều cái là tài liệu rất quan trọng quyết định truy tố hay không truy tố. Rõ ràng, nếu sử dụng kết luận giám định do chính “anh” sản xuất ra để truy tố hay không truy tố thì sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án.
Không quá tải giám định âm thanh, hình ảnh
Không đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Mai Bộ, An Giang cho rằng, cần thành lập phòng Giám định tư pháp thuộc Viện KSND Tối cao tránh bị quá tải, oan sai
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Bình Dương cho rằng nếu cho rằng nếu vì lý do quá tải mà thành lập thêm phòng giám định thuộc Viện KSND Tối cao thì không phù hợp. “Tại sao không thành lập thêm tổ chức giám định tại Công an các địa phương?” – đại biểu đặt vấn đề.
Về ý kiến cho rằng thời gian giám định âm thanh, hình ảnh có thể 2 tháng, 3 tháng, 5 tháng mới có kết luận trong khi thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm ngắn, chặt chẽ nên ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tin báo tố giác tội phạm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng khẳng định “Tôi cho rằng nói thế là không thoả đáng vì thời gian, lý do kéo dài thời gian do nhiều nguyên nhân. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, giải quyết tin báo tố giác tội phạm không chỉ phụ thuộc duy nhất vào kết quả giám định này”.
Phản biện ý kiến của đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An cho rằng, nếu để chống oan sai thì nên thành lập Cơ quan giám định thuộc TAND Tối cao, vì Toà án mới là trung tâm của nền tư pháp, quyết định của Toà mới buộc được người đó có tội hay không có tội.
“Nếu chúng ta nói rằng do chống oan sai để thành lập cơ quan giám định thuộc Viện KSND Tối cao độc lập với cơ quan Công an, Quân đội là không phù hợp” – đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tranh luận.
Vấn đề thứ 2, theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu là từ trước đến VKS chưa có phòng Kỹ thuật hình sự, vậy Viện Kiểm sát đã có bao nhiêu yêu cầu về giám định mà cơ quan giám định không đáp ứng yêu cầu?. Trên thực tế rõ ràng là không có, không thuyết phục.
Đại biểu Mai Khanh
Đại biểu cũng dẫn chứng báo cáo của Báo cáo của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì trong 8 năm từ năm 2012 đến nay, chỉ có 60 vụ việc giám định về âm thanh, tiếng nói. Trung bình mỗi năm chỉ có 8 vụ giám định thôi, nên không có việc để làm.
“Cho nên, tôi phát biểu với quan điểm thống nhất thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Đảng tại các Nghị quyết về tinh gọn bộ máy, tổ chức, không thành lập các cơ quan mới nếu không thực sự xuất phát từ yêu cầu xuất phát thực tiễn” – đại biểu Nguyễn Hữu Cầu kiến nghị.
Về vấn đề ghi âm ghi hình có nhiều lên nên Viện KSND Tối cao phải giám định, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, nói như vậy không có cơ sở thực tiễn vì hiện nay, nền tư pháp ngày càng phát triển thì vấn đề oan sai ngày càng giảm đi chứ không phải chúng ta ghi âm, ghi hình là phát hiện ra nhiều oan sai.
“Nếu cho thành lập, liệu Viện KSND các tỉnh có đòi thành lập các phòng giám định không? Nếu cứ đặt vấn đề thế này thì Viện Kiểm sát có thành lập các Trại tạm giam phục vụ cho hoạt động điều tra của Viện Kiểm sát hay không?” – đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đắc Lắc cũng khẳng định “Tôi thấy từ Luật Giám định tư pháp có hiệu lực từ năm 2012 đến nay, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã tiếp nhận 42 vụ trưng cầu giám định âm thanh, 18 vụ trưng cầu giám định số điện tử. Chúng tôi thấy đã đáp ứng được yêu cầu giám định, đặc biệt là sự kịp thời”.
Phát sinh bộ máy, kinh phí
Đại biểu dẫn quan điểm trong các Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cho rằng việc bổ sung quy định Phòng Giám định tư pháp công lập thuộc Viện KSND Tối cao không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng. “Chắc chắn, khi thành lập phòng Giám định tư pháp này, sẽ phát sinh biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo đội nghũ giám định viên. Tôi cũng băn khoăn về dự thảo Luật quy định Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc viện KSND tối cao, thì sau này, liệu tổ chức này có phình ra ở cấp phòng giám định tư pháp thuộc cấp huyện, cấp tỉnh hay không. Vì nếu như vậy thì tổ chức sẽ phình ra” – đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu quan điểm.
Cũng cho rằng, nếu thành lập Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao sẽ phát sinh bộ máy, đại biểu Giàng Thị Bình cho biết, nếu thành lập phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao thì không chỉ phát sinh tổ chức, bộ máy, kinh phí đầu tư trang thiết bị mà còn phát sinh kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nếu không sẽ không thực hiện được chức năng này. Vì vậy, nếu quy định thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao thì chúng ta phải sửa cả Luật Tổ chức Viện KSND mới phù hợp.
Đại biểu Bình cũng cho rằng, việc bổ sung quy định thành lập phòng Giám định Kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao chưa phù hợp với Nghị quyết 39, Nghị quyết 18. Để giải quyết khó khăn về công tác giám định hình sự, tôi đề nghị chính phủ đầu tư về nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức giám định hiện có của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và không thành lập tổ chức giám định công lập mới tại Viện KSND Tối cao.
Đại biểu Mai Khanh cũng cho rằng, hoạt động giám định tư pháp là hoạt động thuần tuý về chuyên môn, nếu vì quá tải thì nên đầu tư cơ sở vật chất, con người cho cơ quan giám định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chứ không nên bổ sung cơ quan giám định cho Viện KSND Tối cao chứ không nên thành lập phòng Kỹ thuật hình sự vì sẽ phát sinh bộ máy.
Phương Thuỷ/Báo CAND
Kỹ thuật hình sự bấy lâu nay là một nghiệp vụ quan trọng của lực lượng công an, quân đội và vẫn đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Thiết nghĩ việc cần làm bây giờ là nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ chuyên trách, hiện đại hóa máy móc chứ việc lập phòng KTHS thuộc VKS không thực sự mang lại hiệu quả cao hơn mà còn có thể gây ra lãng phí, chồng chéo nhiệm vụ
Trả lờiXóaTrước khi quyết định thành lập Phòng KTHS thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét thật kỹ lưỡng; vì đây là vấn đề rất hệ trọng
Trả lờiXóa