(VNF) - Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại dự án đầu tư cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc.
Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra đối với Công ty Cổ phần phân đạm và hóa chất Hà Bắc.
Chiều 25/5, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra đối với Công ty Cổ phần phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc). Trong đó nêu rõ một loạt các vi phạm, khuyết điểm tại "đại dự án" thua lỗ này.
Cụ thể, đối với việc thực hiện dự án đầu tư cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc, Thanh tra Chính phủ cho biết trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, mặc dù đã mở thầu nhưng Công ty đạm Hà Bắc vẫn chấp nhận cho liên danh nhà thầu WEC-CECO bổ sung Giấy ủy quyền tham dự thầu và bổ sung Giấy đăng ký kinh doanh (có công chứng). Việc này đã vi phạm quy định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu năm 2005.
Bên cạnh đó, khi nghiệm thu hồ sơ, tài liệu dự án do nhà thầu WEC-CECO lập, nhà thầu cấp thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ cơ sở để xác định tổng mức đầu tư của dự án. Dù vi phạm hợp đồng nhưng Công ty đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký.
Do vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, tổng mức đầu tư của dự án được xác định không có căn cứ, cơ sở, không sát thực tế là nguyên nhân chính dẫn đến sau này Công ty đạm Hà Bắc không chọn dược nhà thầu EPC, phát sinh chi phí 3.571 tỷ đồng; phải điều chỉnh dự án, đấu thầu lại làm tăng chi phí đầu tư, mất cơ hội khi giá đạm tăng cao; bổ sung thuế giá trị gia tăng thiết bị nhập khẩu, chịu ảnh hưởng giá than tăng cao, chênh lệch tỷ giá tăng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án thua lỗ.
Thanh tra Chính phủ khẳng định những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự trong đấu thầu (theo quy dinh tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong thẩm định, phê duyệt dự án năm 2008 (lần 1) đã xuất hiện các vi phạm như Tổng công ty Hoá chất Việt Nam chỉ thẩm định tổng mức đầu tư dự án, không thẩm định các nội dung khác của dự án là vi phạm quy định của Chính phủ. Mặc dù, tổng mức đầu tư của dự án thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng để xác định nhưng vẫn được Tổng công ty Hoá chất thẩm dịnh phê duyệt là thiếu căn cứ, cơ sở.
Bên cạnh đó, dự án đầu tư bằng ngoại tệ, nhưng thẩm định, phê duyệt dự án không phân tích ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá. Quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng quy định của pháp luật về môi trường.
Trong quá trình lập dự án điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnnh năm 2009, Công ty đạm Hà Bắc không đủ điều kiện, không đủ năng lực nhưng vẫn tự lập dự án điều chỉnh và được Tổng công ty Hóa chất thẩm định, phê duyệt là không đúng quy định về quăn lý xây dựng.
Mặc dù, dự án không thay đổi về quy mô, công suất, khi thẩm định điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư dự án, trong đó có một số nội dung về chi phí thiết bị chưa được làm rõ nhưng vẫn được Tổng công ty Hoá chất thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án là gần 569 triệu USD, tăng hơn 176 triệu USD (tăng 44,9%) là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Đáng chú ý, năm 2008, khi thẩm định tổng mức đầu tư dự án (392,375 triệu USD), tổ thẩm định đã nêu rõ dự án sẽ gặp khó khăn khi vốn đầu tư tăng 20% hoặc giá Urê giảm 8%. Tuy dự án không thay đổi mục tiêu, quy mô, công suất nhưng khi điều chỉnh năm 2009 thì tổng mức đầu tư của dự án tăng 44,9% so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt năm 2008. Điều này ảnh hưởng lớn đến tính hiệu quả dự án nhưng chưa được phân tích đánh giá, làm rõ trong quá trình điều chỉnh dự án.
Theo Thanh tra Chính phủ, tổng mức đầu tư dự án tăng làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí lãi vay, tăng chi phí sản xuất - kinh doanh... là những nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ.
"Những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015)", Thanh tra Chính phủ nhận định.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết dự án khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng; trong quá trình thi công, một số tiêu chuẩn thi công, một số hạng mục phụ về môi trường chưa hoàn thành; các nhà thầu trong liên danh không thực hiện đúng tỷ lệ công việc đã thỏa thuận trong liên danh nhà thầu.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Bộ Xây dựng lúc đó đã có ý kiến về điều kiện thực tế vị trí xây dựng dự án, nhưng Đạm Hà Bắc đã không tổ chức khảo sát kỹ… Đến thời điểm thanh tra, các nội dung tranh chấp của Hợp đồng EPC chưa được các bên giải quyết; chi phí đầu tư của dự án chưa được quyết toán.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 568,646 triệu USD, nhưng tỷ lệ vốn tự có của công ty tham gia dự án chỉ chiếm 17,9%; còn lại chủ yếu là vốn vay chiếm 82,1% dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài.
Trước những vi phạm này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại dự án đầu tư cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc. Những vi phạm bao gồm vi phạm trong tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án; thiếu trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án.
Quý độc giả có thể xem toàn văn kết luận thanh tra Công ty Cổ phần phân đạm và hóa chất Hà Bắc TẠI ĐÂY!
Trần Lưu
Mỗi một dự án kinh tế được phê duyệt và đi vào xây dựng, hoạt động đều phải được thanh tra chặt chẽ, thường xuyên, tuyệt đối phải hạn chế, đi đến triệt để loại bỏ sai phạm trong mỗi công trình. Có thế thì mới đảm bảo hoạt động hiệu quả, chất lượng được
Trả lờiXóaĐến khi Thanh tra CP chính thức vào cuộc thì dự án này bắt đầu bộc lộ những sai phạm nghiêm trọng, chứng tỏ hành vi phạm tội của chúng đang ngày càng một tinh vi, khó phát hiện, vì thế hoạt động thanh tra phải được thực hiện thường xuyên hơn nữa
Trả lờiXóaNhững cán bộ có sai phạm trọng vụ việc này phải bị xử lý nghiêm khắc
Trả lờiXóa