Chia sẻ

Tre Làng

Tổng cục Du lịch: VĂN BẢN BAN HÀNH ĐƯỢC 2 NGÀY ĐÃ PHẢI SỬA ĐỔI

Khoai@

Cách đây 2 ngày, hôm 29/4/2020, Tổng cục Du lịch ban hành văn bản "Hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch" và nhận được phản hồi thiếu tích cực từ các chuyên gia và người dân.

Tại điểm c, khoản 1, điều 4 trong hướng dẫn hôm 29/4, quy định khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch và khách đến liên hệ, làm việc với cơ sở kinh doanh du lịch không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Một bất cập khác là tại điểm k, khoản 1, điều 4 trong Hướng dẫn hôm 29/4 quy định: "Bố trí lãnh đạo phụ trách, theo dõi việc phòng chống dịch COVID-19. Cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch bệnh tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Lập và công bố đường dây nóng, trao đổi thông tin, hỗ trợ khách".

Chỉ sau 2 ngày ban hành, văn bản này đã buộc phải thu hồi để sửa chữa vì có nội dung được cho là xâm phạm quyền tự do biểu đạt, quyền thông tin của người dân.

Hôm nay, 1/5/2020, Tổng cục Du lịch vừa ban hành Quyết định 474/QĐ-TCDL về sửa đổi, bổ sung một số nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19. 

Theo Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 473/QĐ-TCDL, các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch; khách du lịch, khách lưu trú và khách sử dụng dịch vụ trong cơ sở kinh doanh du lịch; cán bộ, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch; người cung ứng vật tư, hàng hóa, dịch vụ cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch… đều phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đảm bảo an toàn, đồng thời tránh lây chéo, phát tán mầm bệnh cho khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch cũng như cho cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên, người đến liên hệ, làm việc và cho cộng đồng. Cung cấp, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ trong cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ kinh doanh du lịch, cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên được hướng dẫn và phổ biến các quy định về cách phòng, chống dịch COVID-19. Niêm yết bảng thông tin hướng dẫn an toàn, phòng chống dịch COVID-19 tại nơi đón tiếp, các khu vực công cộng, khu vực dịch vụ và trong phòng ngủ của khách đối với cơ sở lưu trú du lịch. Bố trí nơi đón tiếp, cửa ra vào và lối đi đảm bảo đúng giãn cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức đo thân nhiệt đối với tất cả khách đến sử dụng dịch vụ và người đến liên hệ, làm việc, người cung ứng vật tư, hàng hóa, dịch vụ; cung cấp khẩu trang cho khách khi có nhu cầu…

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chỉ tổ chức các dịch vụ du lịch khi đảm bảo đúng quy định về giãn cách, số lượng người. Đối với dịch vụ ăn uống tại cơ sở lưu trú du lịch, nếu không đảm bảo giãn cách theo quy định thì phục vụ ăn uống tại phòng ngủ của khách, không bố trí khách ngủ tập thể đông người trong một phòng. Lập sổ theo dõi y tế của từng cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên. Thực hiện đo thân nhiệt của toàn bộ cán bộ nhân viên khi đến nơi làm việc. Nhân viên có biểu hiện cúm, ho, sốt hoặc từ nơi, khu vực có dịch thì nghỉ không đi làm và theo dõi sức khỏe y tế tại nhà. Cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên phải đeo khẩu trang; giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rửa tay đúng cách thường xuyên. Đối với cơ sở lưu trú du lịch, nhân viên bộ phận buồng phải đeo găng tay khi làm, dọn phòng và phục vụ khách.

Đối với khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch và khách đến liên hệ, làm việc với cơ sở kinh doanh du lịch, Tổng cục Du lịch yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tuân thủ sự bố trí của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo giãn cách an toàn.

Khách phải đeo khẩu trang trừ khi ở tại phòng ngủ, khi ăn, uống tại bàn ăn trong nhà hàng và quầy bar. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn… thường xuyên rửa tay đúng cách. Giữ thái độ phối hợp đối với cơ quan chức năng và nhân viên cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Thông báo cho cơ quan chức năng nếu có biểu hiện mắc bệnh COVID-19 sau khi rời khỏi cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Một số nội dung tại bản Hướng dẫn được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 474/QĐ-TCDL. Điểm h, Khoản 1, Điều 4 của Hướng dẫn được sửa đổi, bổ sung thành: Lập sổ theo dõi y tế của từng cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên. Thực hiện đo thân nhiệt của toàn bộ cán bộ nhân viên khi đến nơi làm việc. Nhân viên có biểu hiện cúm, ho, sốt hoặc từ nơi, khu vực có dịch, nguy cơ cao theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì nghỉ không đi làm và theo dõi sức khỏe y tế tại nhà.

Điểm k, Khoản 1, Điều 4 được sửa đổi, bổ sung thành: Bố trí lãnh đạo phụ trách, theo dõi việc phòng, chống dịch COVID-19. Cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên không đưa thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng về tình hình dịch COVID-19 tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Lập và công bố đường dây nóng, trao đổi thông tin, hỗ trợ khách.

Quyết định 474 cũng hủy bỏ Điểm e, Khoản 2, Điều 4 của bản Hướng dẫn, quy định về việc khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch và khách đến liên hệ, làm việc với cơ sở kinh doanh du lịch "Không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch".

3 nhận xét:

  1. việc đeo khẩu trang là cần thiết và nhất là trong thời gian dịch bệnh đang lắng xuống như này, chính quyền không chủ quan như vậy là tốt tuy nhiên việc đeo khẩu trang chỉ cần thiết khi mà tiếp xúc với nhiều người chứ khong nhất thiết là phải đeo 24/24, cái cần ở đây là rửa tay sát khuẩn và hạn chế tiếp xúc

    Trả lờiXóa
  2. một quyết định đưa ra cần có sự liên hệ và gắn kết chặt chẽ với thực tiễn cũng như các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước. Trong khi đó tổng cục du lịch lại đưa ra quyết định này quá vội vàng, liệu đã có sự kiểm chứng chặt chẽ??? Tuy nhiên người dân khi tham gia các hoạt động dịch vụ thì cần đảm bảo các yêu cầu của công tác phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình.

    Trả lờiXóa
  3. Các văn bản trước khi ban hành cần phải xem xét tổng thể và các mối quan hệ khác; không nên để văn bản mới ban hành đã phải sửa rồi

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog