Chia sẻ

Tre Làng

Đụng độ biên giới Ấn – Trung: Thương vong tăng vọt

Theo hãng tin Ấn Độ ANI, thương vong có thể sẽ chưa dừng lại ở đây.

Báo chí Ấn Độ đêm qua (16/6) đồng loạt khẳng định thương vong của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc cao hơn nhiều so với con số được công bố trước đó. Ít nhất 20 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi đó 43 lính Trung Quốc bị thương nặng hoặc đã tử nạn sau vụ ẩu đả với gạch đá và gậy gộc kéo dài nhiều giờ trong đêm thứ Hai (15/6) trên đường Kiểm soát Thực tế (LAC).

Đoàn xe của quân đội Ấn Độ tiến về phía thị trấn Leh thuộc vùng lãnh thổ liên bang Ladakh nằm gần biên giới Trung Quốc (ANI)

Theo hãng tin Ấn Độ ANI, thương vong có thể sẽ chưa dừng lại ở đây. Vụ việc xảy ra tại thung lũng Galwan sau khi binh lính Trung Quốc cố gắng ‘đơn phương thay đổi’ hiện trạng trong bối cảnh hai bên đang nỗ lực giảm căng thẳng tại Đông Ladakh. Quân đội Ấn Độ cũng khẳng định hai bên có thể đã tránh được xung đột nếu phía Trung Quốc ‘tuyệt đối tuân thủ thỏa thuận ở cấp cao hơn’.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava ngày 16/6 cho rằng Trung Quốc đã phá bỏ đồng thuận trước đó về tôn trọng đường LAC tại thung lũng Gan-oan. Tờ Times of India dẫn các nguồn tin quốc phòng cho biết, nhiều binh lính Ấn Độ đã bị thương nặng trong khi thi hành nhiệm vụ, đồng thời còn phải chịu đựng cái lạnh dưới 0 độ C trên địa hình núi cao nên đã không qua khỏi. Chính vì vậy, con số tử vong đã tăng vọt. Còn theo hãng tin ANI, Trung Quốc đã phải điều động máy bay lên thẳng tới để chuyển những binh lính bị thương vong đi cấp cứu.

Trong khi đó, bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối phía Ấn Độ về vụ việc xảy ra đêm 15/6 tại biên giới. Tuyên bố này được thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Triệu Huy đưa ra trong cuộc gặp đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vikram Misri tại Bắc Kinh hôm qua.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng binh lính Ấn Độ đã vượt qua biên giới để thực hiện ‘những hành động bất hợp pháp, khiêu khích và tấn công binh lính Trung Quốc’, dẫn tới vụ xung đột nghiêm trọng này. Tuy nhiên, phía Ấn Độ cho biết, cuộc gặp giữa thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc chỉ là một sự kiện ngoại giao thông thường, không phải là một buổi triệu tập để trao công hàm phản đối. Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ xác nhận nào về số binh lính thương vong.

Tình trạng đối đầu giữa binh lính Ấn Độ - Trung Quốc kéo dài từ ngày 5/5 tại 4 điểm ở phía Đông vùng lãnh thổ liên bang Ladakh của Ấn Độ là hồ Pangong, thung lũng Galwan, Demchok và Daulat Beg Oldie. Hai bên đều cáo buộc nhau đưa binh lính xâm phạm biên giới trên thực tế của phía bên kia. Căng thẳng vẫn tiếp diễn cho dù quân đội hai nước đang có các cuộc gặp ở nhiều cấp tại biên giới và đã nhất trí lui quân để giảm nguy cơ đối đầu.

Vụ việc ngay lập tức khiến thế giới lo ngại tranh chấp biên giới giữa hai cường quốc châu Á này có thể leo thang nghiêm trọng hơn. Trong một tuyên bố hôm qua (16/6), phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, bà Eri Kaneko bày tỏ quan ngại sau các báo cáo về bạo lực và thương vong tại đường LAC giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Phó phát ngôn viên của TTK Liên hợp quốc đồng thời hối thúc hai bên cùng kiềm chế tối đa./.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

3 nhận xét:

  1. Chưa biết là bên nào đúng bên nào sai nhưng chắc chắn một điều là tình hình căng thẳng đã leo thăng tệ nhất từ năm 1975 đến nay. Năm 1975 là thời điểm gần nhất xảy ra đụng độ quân đội 2 bên tuy nhiên căng thẳng lại tiếp tục leo thang sau hơn 30 năm. Các nước cần kiềm chế, nỗ lực giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình. Đúng là một năm 2020 đầy bất ổn và nhều thay đổi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bạn nghĩ, các bên nên kìm chế không để leo thang căng thẳng tiếp tục xảy ra

      Xóa
  2. Tình hình căng thẳng có thể sẽ còn leo thang trong thời gian sắp tới và chưa biết sẽ diễn ra theo chiều hướng thế nào. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, cả hai bên nên tìm ra tiếng nói chung để giải quyết tình hình này

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog