Chia sẻ

Tre Làng

Báo chí và đánh đấm


(Đây là một phần tham luận của một nhà quản lý báo chí, tưởng như hiểu từ chân tơ, kẽ tóc của báo chí. Cũng đúng thôi, Cục trưởng Báo chí Nguyễn Thanh Lâm hồi làm VTV, VTC đã được đồng nghiệp ngưỡng mộ và trân trọng ở góc độ nghề nghiệp)

***

Theo cách làm cũ là tập trung chủ yếu vào quản lý nội dung thông tin; Ít chú ý tới Kinh tế báo chí, nhiệm vụ chính trị nặng nề, nhưng nguồn lực thì hạn chế; Hiểu chưa đúng về khái niệm “Tự chủ” tài chính trong báo chí; Chưa nhìn nhận Báo chí truyền thống trong mối quan hệ tổng quan với Hệ sinh thái truyền thông xã hội; Nặng về “định tính” hơn “định lượng”; Không có số liệu đo đạc; Nặng về mục tiêu “Quản lý”, nhẹ về định hướng phát triển...

Bên cạnh đó, tình trạng “đánh đấm, sách nhiễu, đánh hội đồng, xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự” trong làng báo, với nạn nhân là cá nhân (thường là lãnh đạo), doanh nghiệp, địa phương, Bộ ngành. Nạn sao chép, vi phạm bản quyền nội dung, hình ảnh trong làng báo; nạn “làm báo” qua trang tin điện tử, mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới; nạn “Báo hoá” tạp chí, hoạt động sai tôn chỉ mục đích; nạn “câu view, khoán view” trên báo điện tử đã làm suy giảm niềm tin của bạn đọc vào báo chí, truyền thông.

Nguy hại hơn, nạn “câu view” đang “đồng hóa” báo chí điện tử. Không ít cơ quan báo, tạp chí điện tử khi xảy ra sự kiện (thường xuất phát từ mạng xã hội, báo nước ngoài) thì cứ sao chép cho đăng đã, lấy view rồi đặt câu hỏi cuối bài dạng nghi vấn. Sau đó gọi điện đến cơ quan chức năng địa phương, căng hơn thì hỏi luật sư, cơ quan Chính phủ, đại biểu Quốc hội theo kiểu “nhét chữ vào mồm” người trả lời, rồi mới đến hiện trường chụp ảnh, gặp gỡ nhân vật hoặc hàng xóm, nếu xa xôi quá thì lấy ảnh của nhau, bí quá thì dùng ảnh minh họa. Khi các báo nhìn nhau, tổng biên tập sốt ruột sao mình không có tin đấy các báo bạn lên hết cả rồi, vậy là hò nhau làm tiếp, làm mạnh. Những tin tức giật gân được share mạnh bởi bộ phận SEO, Team Social (báo nào cũng có), rồi đầu tư thêm về media, làm infographic...là thành trendy

Về kinh tế báo chí, hiện đang là vấn đề rất hệ trọng đối với các cơ quan báo chí, đài phát thanh - truyền hình. Không ít cơ quan báo chí nói chung giao phóng viên buộc phải “làm kinh tế” khi làm báo; khoán view để chấm nhuận bút, khoán bài PR, khoán “hợp đồng truyền thông”. Nguy hại hơn là việc có một số cơ quan báo, tạp chí điện tử lấy “doanh thu” đến từ “đăng và gỡ” bài.

Việc giành giật miếng bánh “quảng cáo chất lượng thấp”, “quảng cáo vi phạm pháp luật qua các Ad Network xuyên biên giới (Google Adsense, Mgid....). Vấn đề đặt hàng báo chí gặp khó khăn trong việc xây dựng áp dụng đơn giá; bị giới hạn ở các chương trình “nhiệm vụ chính trị tuyên truyền thiết yếu”; không đặt hàng với các chương trình giải trí; cơ chế coi báo chí như “đơn vị sự nghiệp có thu” bộc lộ nhiều bất cập…

Đối với lĩnh vực phát thanh - truyền hình đang đứng trước thách thức chưa từng có, nhiều kênh truyền hình liên kết đang “ngắc ngoải”, miếng bánh quảng cáo chuyển mạnh sang các nền tảng xuyên biên giới như: Youtube, Facebook… Những kênh liên kết còn tồn tại xung đột lợi ích trực tiếp với các kênh chính của Đài (bản quyền, quảng cáo); lượng người xem, số giờ xem chuyển mạnh từ truyền hình sang mạng xã hội nước ngoài.

Nhiều công ty truyền thông hiện đã phát hành thẳng lên mạng xã hội. Trên thực tế, nghệ sĩ biểu diễn “online” ngày càng nhiều. Nhiều báo điện tử mở chuyên trang “truyền hình” nhằm thu hút nguồn quảng cáo (ví dụ, Đài VTV năm 2019 hụt thu 400 tỷ so với kế hoạch; năm nay dự báo là một năm “ÁC MỘNG” với các Đài truyền hình về doanh thu quảng cáo).

(Tham luận tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, hôm 6/7)

***

Đọc xong tham luận, một nhà báo có trách nhiệm (thiếu tá Dương Lê) bình luận có lý: “Ai làm báo đều nhìn thấy tồn tại này trong báo chí đã “tích tụ” nhiều năm, tại sao giờ các anh mới “thổi còi”? Vì sao những năm vừa qua tạp chí điện tử xuất hiện nhiều như “cỏ dại” trên cánh đồng hoang? Ai cấp phép? Để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu trên có phần trách nhiệm chính của các cq quản lý nhà nước, vì thiếu kiểm tra, thanh tra. Theo tôi cần có cuộc thanh tra việc cấp phép hoạt động báo chí và các trang tin điện tử, mxh trong giai đoạn 5 năm gần đây... Qua thanh tra cũng để làm rõ có hay ko việc chạy chọt để ra đời tạp chí, trang tin?”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog