UBND thành phố Hà Nội đang đứng trước khó khăn là các gói thầu ở Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang đội giá thêm nhiều triệu đô la/gói thầu nhưng chưa có quy định pháp lý để giải quyết. Trong khi đó, các nhà thầu ngoại gây sức ép đòi kiện chủ đầu tư ra trọng tài quốc tế.
Ngổn ngang, kéo dài và đội vốn thêm hơn 30 triệu đô la
UBND thành phố Hà Nội cuối tháng trước đã phải gửi văn bản báo cáo rất chi tiết tới tất cả các Bộ đề nghị giải quyết vướng mắc trong việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và bổ sung chi phí do kéo dài thời gian của các gói thầu tại Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Phối cảnh khu Deport tại Nhổn, đoạn đầu tuyến đường sắt trên cao Nhổn-ga Hà Nội thi công 11 năm đang gây tranh cãi. Ảnh: Hanoimetro
Đây là dự án được quyết định đầu tư từ 11 năm trước, vay vốn ODA với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1.176 triệu Euro (tương đương với 32.910 tỉ đồng tại thời điểm đó). Quá trình thực hiện dự án gặp rất nhiều vướng mắc, nay đã có quyết định của Thủ tướng cho phép Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội được điều chỉnh tiến độ kéo dài đến hết năm 2022. Tức là 13 năm sau khi khởi công, dự kiến mới đưa vào hoạt động.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, hiện nay tổng thể toàn tuyến đã đạt 62,12% tiến độ thi công và dự kiến đến năm 2021 sẽ đưa đoạn trên cao vào khai thác trước. Toàn bộ dự án có năm gói thầu xây lắp và bốn gói thầu cung cấp thiết bị.
Quá trình thực hiện dự án này gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ hầng kỹ thuật, vướng mắc về kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ. Vướng mắc giao diện giữa các gói thầu dẫn đến các hợp đồng gói thầu đều phải kéo dài thời gian và phát sinh hàng loạt những điều chỉnh hợp đồng lớn.
Cụ thể là gói thầu CP 01 (tuyến - đoạn trên cao) được coi là gói thầu lớn nhất ký năm 2014 với Công ty TNHH DAELIM (Hàn Quốc), dự kiến thời gian hoàn thành 30 tháng, hiện phải điều chỉnh kéo dài thêm gần gấp đôi thời gian (thêm 26,5 tháng). Nhà thầu đề xuất bổ sung thêm giá trị 19,18 triệu đô la. Tư vấn và chủ đầu tư dự án đàm phán xuống mức 6,6 triệu đô la tăng thêm.
Gói thầu CP02 ( các ga trên cao), ký năm 2013 với Công ty POSCO (Hàn Quốc), dự kiến hoàn thành sau 57 tháng, nay cũng gia hạn thêm 26,5 tháng nữa. Nhà thầu đề xuất tăng thêm 7,2 triệu đô. Hiện các bên đang đàm phán.
Gói thầu CP 07 (hệ thống đường sắt 2) ký năm 2016 với Công ty Colais Rail (Pháp), dự kiến hoàn thành sau 40 tháng, nay tăng thêm 21 tháng. Nhà thầu đề xuất tăng thêm 3,003 triệu Euro. Chủ đầu tư đàm phán giá 1,47 triệu đô tăng thêm.
Các gói thầu còn lại đều phải kéo dài thời gian thực hiện do tiến độ chung điều chỉnh.
Nếu không hòa giải được, đưa nhau ra trọng tài quốc tế
UBND Thành phố Hà Nội cho biết lý do điều chỉnh thời gian và tính toán bổ sung chi phí hợp đồng do vướng mắc giải phóng mặt bằng của phía Việt Nam, dẫn đến việc các nhà thầu không thể có quyền tiếp cận công trường đúng tiến độ như các hợp đồng đã ký.
Nhiều quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có tiền lệ hướng dẫn phương pháp xác định thời gian kéo dài, chi phí bổ sung nên các bên không có cơ sở để giải quyết hoặc thanh quyết toán cho nhau hay không.
Phía các nhà thầu căn cứ vào hợp đồng để tính toán ra các thiệt hại, lợi nhuận (không thu được)...nên nhiều lần đệ trình yêu cầu gia hạn với chi phí phát sinh tính ra ngoại tệ nhiều triệu đô la như đã nói ở trên. Như hợp đồng CP01, hơn 7 tháng đàm phán các bên vẫn chưa đi đến thống nhất. Nhà thầu Pháp nhiều lần có thông báo ý định dừng thi công, khả năng đám phán không thành.
Các dự án đường sắt đô thị Hà Nội hiện đang thực hiện đều có thời gian thi công kéo dài rất lớn, qua nhiều năm, gặp vô vàn các khó khăn. Thậm chí có dự án Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% tiến độ vẫn không thể đưa vào sử dụng.
Theo UBND Thành phố Hà Nội, việc gia hạn thực hiện hợp đồng, chi phí bổ sung kéo dài chưa có quy định trong pháp luật Việt Nam. Do đó, các nhà thầu lập theo phương án thông lệ (được gọi là phương án cửa sổ thời gian), được áp dụng rộng rãi với các hợp đồng tiêu chuẩn của Liên đoàn kỹ sư tư vấn quốc tế (hợp đồng FIDIC). Các bên tư vấn của Pháp và Tây Ban Nha khuyến cáo chủ đầu tư nên ký phê duyệt phụ lục hợp đồng sau khi kiểm tra kỹ. Nhưng Ban quản lý dự án không thể làm được do chưa có quy định nào.
Phía các nhà thầu không chấp nhận và yêu cầu thành lập Ban hòa giải, tiến tới khiếu kiện ra trọng tài quốc tế đồng thời dừng thi công nếu việc thanh toán không được giải quyết sớm. Theo UBND thành phố Hà Nội, nếu đưa ra trọng tài quốc tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Việt Nam vay vốn ODA. Do vậy, UBND thành phố Hà Nội đề nghị các bộ cho ý kiến về phương pháp giải quyết vấn đề này.
Lại một dự án ga, đường bị đội vốn lên mức mất kiểm soát và đang đứng trước bế tắc không tể giải quyết và càng phức tạp hơn khi các nhà thầu nước ngoài có thể sx kiện chủ đầu tư ra tòa án trọng tài quốc tế. Vấn đề đã thực sự trở nên rất nghiêm trọng
Trả lờiXóa