Tôi đã viết và xoá, tính không viết về vụ Hồ Duy Hải nữa, nhưng vì dư luận chửi ông Đỗ Văn Đương dốt, sai và láo quá nên lại viết bài vừa rồi, trong đó có ý các nhà thơ, nhà văn ở ta vì lòng “nhân ái bao la” cứ tưởng mình có trí tuệ đã thi nhau nhảy vào xử án.
Đó chính là Nhà Văn lão thành Hoàng Quốc Hải và Trần Đăng Khoa. Hoàng Quốc Hải viết tiểu thuyết lịch sử có tài nhưng ngoài giới văn chương ít người biết, không như Trần Đăng Khoa “ai cũng biết”. Đời có chuyện phi lý như vậy. Ngày đầu tôi đến nhà Nhà thơ Chế Lan Viên, Nhà Văn Vũ Thị Thường, vợ ông, sau khi đọc xong truyện ngắn đầu tay “Chuyện về hai người” của tôi, khen “viết được đấy” và nói “Nhưng có tài chưa chắc nổi tiếng, nổi tiếng chưa chắc có tài”. Mà dù có tài văn chương đi nữa cũng chưa chắc có trí tuệ xử án. Hoàng Quốc Hải và Trần Đăng Khoa qua các bài viết chửi việc xử án Hồ Duy Hải đúng là không có trí tuệ thật. Đầu tiên tôi chỉ đọc bài của Hoàng Quốc Hải, không đọc bài của Khoa vì biết sẽ “có chuyện”. “Có chuyện” thì lại phải viết mà thực tâm, vì chút quen biết, tôi không muốn “đánh” Trần Đăng Khoa. Nhưng rồi thấy thiên hạ chửi Trần Đăng Khoa dữ dội quá (bài KHÔN NHƯ TRẦN ĐĂNG KHOA! trên https://www.facebook.com/tiengkeng/?epa=SEARCH_BOX), tôi lại vào đọc thì thấy, sai trái của Trần Đăng Khoa, nếu pháp luật nghiêm, còn bị nặng hơn cả bị chửi.
Trần Đăng Khoa viết trên facebook:
“Vụ án Hồ Duy Hải đến nay đã rõ quá rồi. Chúng ta chỉ còn chờ phán quyết chính thức của một phiên tòa sạch do Ủy ban Tư pháp Quốc hội thành lập, sẽ tiến hành trong thời gian không còn lâu nữa. Tuy nhiên, dư luận xã hội vẫn không hạ nhiệt mà càng ngày càng nóng. Những người muốn cứu Hải và cứu cả nền tư pháp của chúng ta thì đưa ra những bằng chứng không thể bác bỏ về việc Hải vô tội. Những người tàn phá nền tư pháp và tàn phá cả thể chế của chúng ta thì truy bức Hải đến cùng để giết cho bằng được một người dân không có bằng chứng phạm tội”.
Khoa hoàn toàn sai và không hiểu gì khi viết: “Những người tàn phá nền tư pháp và tàn phá cả thể chế của chúng ta thì truy bức Hải đến cùng để giết cho bằng được một người dân không có bằng chứng phạm tội”. Viết vậy là xuyên tạc và phạm pháp, bởi sự xét xử Hồ Duy Hải không chỉ là việc riêng của một nhóm thẩm phán. Họ xét xử dựa vào trình tự tố tụng của cả hệ thống pháp luật chứ không phải tuỳ tiện “truy bức Hải đến cùng” để giết oan Hải.
Sau khi đưa ra phán quyết tại Phiên xét xử giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã cho biết:
“Đầu năm 2015, thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước và Đoàn Giám sát của UBTVQH về việc giải quyết vụ án Hồ Duy Hải, lãnh đạo liên ngành gồm Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC đã thành lập Tổ công tác để xác minh theo yêu cầu. Tại phiên giám đốc thẩm, Hội đồng đã nghe một số bản hỏi cung của Tổ công tác với Hồ Duy Hải và công bố báo cáo đề ngày 27/3/2015 của Tổ công tác. Sau khi nêu toàn bộ diễn biến vụ án và quá trình giải quyết, báo cáo nêu quan điểm của lãnh đạo liên ngành về vụ án này.
Trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách khách quan, thận trọng và toàn diện các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, những vi phạm thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án, lãnh đạo liên ngành Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC thấy rằng: Vụ án Hồ Duy Hải phạm tội giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2008 ở tỉnh Long An là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, được dư luận quan tâm. Quá trình điều tra ban đầu có một số vi phạm thiếu sót, tuy nhiên Cơ quan điều tra đã cố gắng khắc phục, thu thập các chứng cứ để chứng minh các tình tiết xác định sự thật của vụ án. Vì vậy, những vi phạm thiếu sót đó không làm thay đổi bản chất của vụ án. Căn cứ vào các lời khai nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra, xét xử phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án như đặc điểm hiện trường vụ án; kết quả thực nghiệm điều tra; kết quả khám nghiệm, giám định pháp y tử thi; phù hợp với các vật chứng, đồ vật được thu giữ; các biên bản nhận dạng; phù hợp với lời khai các nhân chứng, người liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác; phù hợp về thời gian, không gian xảy ra vụ án, có đủ cơ sở xác định Hồ Duy Hải có hành vi giết chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân, sau đó lấy một số tài sản của họ và của bưu điện Cầu Voi. Do đó Tòa án các cấp kết án đối với Hồ Duy Hải mức án tử hình về các tội giết người cướp tài sản là có căn cứ pháp luật” (hết trích).
Tôi biết Trần Đăng Khoa đã gặp trực tiếp bà Loan, mẹ Hải, mang lại hy vọng vô bờ bến cho bà. Nên tôi viết những dòng chỉ ra sự sai trái của TĐK tất sẽ làm bà Loan đau lòng và thất vọng. Nhưng theo tôi, chỉ ra sự thật cho người trong cuộc biết để chấp nhận kết quả dù là đau đớn còn hơn là vẽ ra ảo tưởng một cách sai trái để rồi kết quả đau đớn vẫn xảy ra thì họ sẽ không chỉ đau đớn, tuyệt vọng hơn cả ngàn lần mà còn cả đời sống trong thù hận tăm tối vì cứ nghĩ con mình bị oan. Tôi mong bà Loan gặp được một thiên tài tìm được chứng cớ và lý lẽ làm vô hiệu hoá được lời thú tội tự nguyện của Hải mà cơ quan điều tra đã kiểm tra là có lý. Chỉ có thế mới có thể làm thay đổi được việc kết án của các quan toà mà thôi. Còn những lời bênh vực Hồ Duy Hải thiểu năng trí tuệ không chỉ sai trái mà còn phạm pháp thì chỉ làm hại thêm Hải.
Trần Đăng Khoa nếu có đọc và hiểu hồ sơ sẽ không viết lộn ngược như thế này: “Tôi xin thưa, cái bản Hải nhận tội ấy là đã bị bức cung mà nói theo lời Hải là “bị đánh đến không chịu nổi”.
Trần Đăng Khoa dựa vào văn bản lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải vào ngày 20-3-2008 cho rằng lời khai thực của Hải ngược lại hoàn toàn với luận điểm lâu nay cho rằng Hải không chứng minh được mình ngoại phạm đêm xảy ra vụ án: “Nhưng người xét xử lại cố tình không biết”, “Hải đâu có đến bưu điện Cầu voi trong ngày Hồng -Vân bị giết. Lý do không đến vì hôm ấy hết báo Bóng đá. Thẩm tra điều này không khó. Chỉ gặp các nhân chứng Hải đã liệt kê rất cụ thể là biết có chính xác hay không. Hải không liên quan gì đến vụ án ở Bưu điện Cầu Voi”.
Cộng đồng mạng nói Khoa “bi bô như trẻ con” là đúng thật. Bởi sau bản khai đầu tiên, hôm sau ngày 21-3, người ta đã đi xác minh và chất vấn thì Hải đã thú nhận mình khai sai và đã viết bản thú tội. Bản thú tội đó chi tiết như một kịch bản, hoặc Hải đúng là thủ phạm, hoặc Hải bị tra tấn ép buộc phải viết theo một kịch bản có sẵn, thì mới rõ ràng đến như thế. Thật buồn cho TĐK và các nhà “nhân ái bao la” là Hải đã nhiều lần khai là tự nguyện chứ không do bị tra tấn mà khai!
Còn Hải khai bị Nguyễn Công Đỉnh đánh là sau khi viết thú tội vào tháng 5, tức sau 2 tháng!
Còn ông Nhà văn già Hoàng Quốc Hải viết “phiên giám đốc thẩm về vụ án Hồ Duy Hải”, “Tất cả đều bức xúc về phiên tòa xử không đúng luật. Việc kết án không thuyết phục”, “Tòa tối cao xử giám đốc thẩm tuyên tử hình, lại không có bất cứ một vật chứng nào làm bằng cớ, chứng minh cho hành vi gây án của bị án Hồ Duy Hải; thay vào đó dầy đặc những lời cung”.
Ông nhà văn cần phải phân biệt “lời cung” ở đây không phải là chuyện vu khống, tố điêu cho một người vô tội, như ông và Trần Đăng Khoa, vì không hiểu, đã “tố điêu” các quan toà. “Lời cung” mà ông Hoàng Quốc Hải viết là lời tự nguyện thú tội của Hồ Duy Hải, không phải “không có bất cứ một vật chứng nào làm bằng cớ” như ông viết mà Hải khai gì thì có vật chứng nấy, như “trái cây, con gấu bông, cái thớt, cái ghế, con dao, v.v…”
Nếu có chút thông thái, Hoàng Quốc Hải phải khen chứ không chê Chánh án Nguyễn Hoà Bình như thế này:
“Bất giác, đọc trên mạng xã hội, thấy mấy dòng chữ đậm đóng khung:
“CƠ QUAN ĐIỀU TRA KHI KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG ĐÃ PHÁT HIỆN CÁI THỚT DÍNH MÁU NẰM CẠNH ĐẦU CÔ HỒNG, MÀ CƠ QUAN ĐIỀU TRA KHÔNG BIẾT ĐÓ LÀ HUNG KHÍ GÂY ÁN NÊN ĐÃ KHÔNG THU GIỮ.
VỀ CÂY DAO GÂY ÁN, DO SƠ SUẤT NÊN NGƯỜI TA ĐÃ VỨT ĐI”. (Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC)”.
Bởi chuyện không thu giữ hung khí do công an không biết nên mới mắc sai lầm, vứt đi, rồi chính Hồ Duy Hải đã “lạy ông tôi ở bụi này” chỉ cho họ thì họ mới biết. Điều này càng chứng tỏ chuyện Hải đã tự nguyện khai việc mình đã làm, bởi công an không thể mớm cung điều mà họ không biết. Đó chính là thêm một cơ sở để cho ông Nguyễn Hoà Bình kết án.
Là một nhà văn nhưng Hoàng Quốc Hải dùng từ không chính xác nên thành ra vu khống khi ông viết: “Cơ quan điều tra thì thủ tiêu tang chứng”. Thủ tiêu là một hành động cố ý với mục đích xấu, còn vụ Hồ Duy Hải, do trình độ kém, cán bộ điều tra không biết nên đã để mất hung khí. Họ phải đi mua, không phải để thay thế mà để phục dựng hình ảnh cho hung thủ và nhân chứng nhận dạng, hoàn chỉnh hồ sơ. Mất vật chứng nhưng còn ảnh chứng, không thể nói là thủ tiêu được. Đã là thủ tiêu thì không có chuyện phục dựng như vậy. Việc Hoàng Quốc Hải viết: “Cơ quan xét xử các cấp từ sơ thẩm, trung thẩm, thượng thẩm và giám đốc thẩm đều nhất trí trọng cung chứ không trọng chứng, và đều thống nhất y án tử hình” cũng sai như đã phân tích ở trên.
***
Viết bài này tôi chỉ chỉ ra cái sai của Trần Đăng Khoa và Hoàng Quốc Hải, còn vụ Hồ Duy Hải tôi thấy quan toà xử có lý nhưng cũng còn những chỗ khiến tôi băn khoăn, đành đợi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vậy.
2-7-2020
ĐÔNG LA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét