Hơn 10 năm trước, bà Trần Thị Ngọc Nga bị khởi tố, truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó bà được đình chỉ điều tra bị can vì hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bà phạm tội.
Ngày 31-7, VKSND Tối cao đã tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai đối với luật gia Trần Thị Ngọc Nga (sinh năm 1954, nguyên giám đốc công ty Vinh Luật). Buổi xin lỗi công khai được tổ chức tại trụ sở UBND phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.
Bà Nga là người từng bị khởi tố, truy tố oan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tham dự buổi xin lỗi có ông Nguyễn Văn Tất - Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ THQCT, KSĐT ATTXH) VKSND Tối cao, ông Hoàng Văn Vĩnh - Thiếu tướng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, đại diện chính quyền địa phương và bà Trần Thị Ngọc Nga.
Trình bày lời xin lỗi, ông Nguyễn Văn Tất - Phó Vụ trưởng Vụ THQCT, KSĐT ATTXH VKSND Tối cao - cho biết bà Nga bị tạm giam từ ngày 15-1-2009 đến ngày 29-1-2010. Quá trình giải quyết vụ án, ông Ishida và Eguchi về nước, không hợp tác với cơ quan điều tra, đồng thời việc thu thập, đánh giá chứng cứ có thiếu sót nên cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vì hết thời hạn không chứng minh được bà Nga phạm tội.
“Chúng tôi thấy quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Nga đã có hiệu lực. Qua làm việc, đối thoại với bà Nga và đánh giá việc bị khởi tố, tạm giam sau đó không chứng minh được bà Nga phạm tội, dẫn đến việc bà bị tổn thất về tinh thần và vật chất, nhiều cơ hội trong cuộc sống bị mất”- ông Nguyễn Văn Tất nói và chân thành xin lỗi bà Nga vì đã làm oan bà.
Bà Nga chia sẻ, suốt những ngày bị khởi tố, bà phải mang thân phận lừa đảo, cuộc sống gia đình bà bị xáo trộn hoàn toàn, sự nghiệp gần như mất tất cả. “Có lúc tôi từng có ý nghĩ muốn tự tử để quên đi những chuỗi dài đau khổ, nhưng nhờ có gia đình và người thân nên tôi gắng gượng vượt qua"- bà Nga nói.
Trước đó, theo cáo buộc của VKSND Tối cao, trong hai năm 2008 và 2009, bà Nga ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý trong việc đòi tài sản cho hai ông Ishida và Eguchi (quốc tịch Nhật Bản) đang làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Sau đó, bà thường xuyên vòi vĩnh tiền nói là để lo thủ tục khởi kiện và dùng 1 số thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt của hai ông này gần 4,4 tỷ đồng.
Nghi ngờ hành vi của bà Nga, hai ông trên đã làm đơn tố cáo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Ngày 15-1-2009, công an bắt bà Nga khi bà đang nhận số tiền 2 triệu Yên Nhật (gần 400 triệu đồng).
Ngày 29-1-2010, VKSND tối cao hủy bỏ lệnh tạm giam đối với bà Nga sau 13 tháng tạm giam bà tại trại giam B34 Bộ Công an.
VKSND Tối cao cũng đã uỷ quyền cho VKSND TP.HCM thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với vụ án này. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, ngày 11-5-2011, TAND TP.HCM quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Đến tháng 8-2011, Bộ Công an ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với bà Nga, theo Điều 34 và Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bà Nga được xác định là "đã xuất trình được tài liệu, chứng cứ mới làm phát sinh thay đổi bản chất vụ án; đồng thời do ông Ishida và Eguchi không có mặt tại Việt Nam, nên không đủ điều kiện để tiếp tục củng cố chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội".
Sau khi được đình chỉ, bà Nga liên tục gửi đơn tới cơ quan tố tụng yêu cầu xin lỗi công khai cũng như bồi thường oan 48 tỷ đồng.
CÙ HIỀN
Không chứng minh được hành vi phạm tội của bị can và thấy rằng việc làm của VKS là hợp lý khi tổ chức xin lỗi công khai ngoài gia vẫn cần xem xét bồi thường theo yêu cầu của bà Nga có thể là số tiền không nhiều như vậy nhưng vẫn nên có sự bồi thường cho bị can vì ít nhất thì cũng ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của bà cũng như thời gian tiền bạc 2 bên.
Trả lờiXóaVà đây cũng có thể coi như là sự thất bại của công tác tố tụng đặc biệt là trong giai đoạn điều tra chứng mình. Đây cũng là bài học đối với các lực lượng liên quan công an cũng như viện Kiểm Sát cần chú ý hơn và xem xét kĩ trước khi khởi tố bị cáo, tránh để tình trạng như vậy tiếp diễn, đả bảo hoạt động tố tụng theo đúng quy định của pháp luật và đúng với thực tế khách quan.
Trả lờiXóaViệc tổ chức xin lỗi công khai là hợp tình, hợp lí nhưng qua đây cũng để chúng ta phải rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng, hạn chế hết mức có thể những sai phạm đáng tiếc như trường hợp này
Trả lờiXóaViệc công khai xin lỗi bà Nga là đúng đắn, việc sai phạm trong công tác tố tụng trong vụ này sẽ là bài học để cơ quan chức năng chú ý và xem xét mọi việc một cách cần thận trước khi đưa ra lời khởi tố, và mong rằng trong thời gian tới sẽ không xảy ra tình trạng như vậy nữa
Trả lờiXóaĐây là một bài học lớn đối với lực lượng công an cùng với viện kiểm sát. Cần phải chú ý kĩ trong các hoạt động tố tụng để tránh những sai phạm đáng tiếc, ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của người khác. Nó liên quan đến cả một đời người.
Trả lờiXóa