Nhiều doanh nghiệp thời nay không sợ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, mà lo sợ nhất là một bộ phận phóng viên, nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”.
LTS: Trong tháng 7 vừa qua, hàng loạt phóng viên bị bắt quả tang, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi phạm pháp, đã khiến lương tri những nhà báo chân chính không khỏi đau lòng. Thậm chí, nhiều cơ quan, doanh nghiệp không sợ thanh tra, chỉ sợ một bộ phần nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”. Điều gì khiến những người đáng ra phải 'đầy bản lĩnh chính trị, nhiệt huyết, có tấm lòng trong sáng, không bị tiêu cực chi phối' trở nên đáng sợ trong mắt người dân, doanh nghiệp đến vậy? Bài tiếp theo của loạt bài 'nội soi tiêu cực báo chí' cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn thẳng và lời nói thật...
Không sợ thanh tra, chỉ sợ phóng viên ‘mắt cú’
Có tới 5 nhà báo bị bắt giữ, khởi tố trong vòng một tháng quả là điều xót xa đối với bất cứ ai tâm huyết, nặng lòng với nghiệp cầm bút. Một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận người làm báo sa ngã, biến chất rồi rơi vào vòng lao lý là do bị đồng tiền cám dỗ, mê hoặc khiến họ không còn tỉnh táo, không làm chủ được vị thế, gìn gìn được phẩm giá, danh dự của mình.
Không ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, giới báo chí nước nhà không khỏi phiền lòng khi xã hội ngày càng có cái nhìn khắt khe, soi mói hơn về nhà báo. Dư luận xã hội đã xuất hiện những từ ngữ không hay về nghề báo, như: “Nhà báo đếm tầng”, “đánh hội đồng”, “truyền thông bẩn”, “báo ít, chí nhiều”, “bảo trợ truyền thông đen”, "nhóm nhà báo IS"...
Bị can Hoàng Anh Tuấn tại cơ quan điều tra. Phóng viên thử việc này của tạp chí Môi trường và Xã hội bị công an bắt quả tang khi đang nhận 30 triệu đồng từ một người dân tại Lai Châu
Sinh thời, nhà báo Hữu Thọ - một trong những cây bút lão luyện đã đúc kết bản lĩnh, phẩm chất, tài năng của những nhà báo chân chính Việt Nam bằng cụm từ “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Cụm từ này gần như đã trở thành câu nói cửa miệng trong đội ngũ những người làm báo nước ta và là niềm trân quý của đông đảo công chúng dành cho những người cầm bút chân tài thực đức.
Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm về phòng ngừa khủng hoảng truyền thông do một doanh nghiệp tổ chức gần đây, có ý kiến đã phát biểu thẳng thắn rằng, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thời nay không sợ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, mà lo sợ nhất là một bộ phận phóng viên, nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”.
“Mắt cú” là nói gọi của từ “mắt cú vọ”. Khi nói đến “mắt cú vọ” là ám chỉ cái nhìn soi mói, rình mò để tìm cách gây hại người khác. “Lòng đen” hàm ý chỉ phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đã bị hoen gỉ, mờ đục, u tối. “Bút chém” hàm chỉ những người cầm bút có thái độ sách nhiễu, vòi vĩnh, dọa dẫm theo kiểu “đâm chém” nhằm tống tiền doanh nghiệp. “Túi đầy” nghĩa là túi có nhiều tiền, do việc làm báo đã lún sâu vào trục lợi, thương mại hóa.
Cụm từ “Mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy” nhằm ám chỉ, cảnh tỉnh, phê phán một bộ phận người cầm bút đã, đang rời xa những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của người làm báo cách mạng, bán rẻ lương tâm, chà đạp chuẩn mực đạo đức báo chí để lợi dụng nghề nghiệp kiếm chác lợi lộc, vinh thân, phì gia, làm ảnh hưởng nghiêm trọng vị thế, hình ảnh của giới báo nước nhà.
Sớm lấy lại uy tín, danh dự của người làm báo chân chính
Hai thập niên về trước, khi Internet và mạng xã hội chưa có mặt tại Việt Nam, báo chí nước nhà được đại đa số công chúng quý mến, tin tưởng. Hồi đó, nhà báo đi đến đâu cũng được đón tiếp khá thân thiện, cởi mở và cán bộ, người dân sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp thuận lợi.
Nhiều nhà báo sinh ra, trải qua chiến tranh được công chúng trân trọng gọi những cái tên ý nghĩa như “nhà báo chiến sĩ”, “sứ giả đưa tin”, “người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng”… Những câu cửa miệng như “báo đăng đây này”, “nói hay như đài” của người dân với hàm ý khẳng định những thông tin được đăng tải, phát sóng trên báo, đài là những nội dung đáng tin cậy, cần học tập, làm theo.
Sở dĩ người dân đặt trọn niềm tin vào cơ quan báo chí và nhà báo bởi báo chí không chỉ làm tròn chức năng cung cấp thông tin trung thực, chuẩn mực cho công chúng, mà còn là sản phẩm văn hóa chứa đựng những giá trị chân - thiện - mỹ, góp phần làm đẹp thêm cuộc sống, làm giàu thêm đời sống tinh thần con người và xã hội.
Trong suy nghĩ của nhiều người dân, ngòi bút của nhà báo được ví như biểu trưng của công lý, lẽ phải và nhân văn. Với một bộ phận giới trẻ trong xã hội, được học, theo nghề và làm việc ở các cơ quan báo chí là niềm tự hào không chỉ của bản thân mà là niềm vui của cả gia đình, dòng họ, thầy cô và bạn bè thân thiết.
Tuy nhiên, do sự phát triển của công nghệ truyền thông và sự bùng nổ của mạng xã hội, báo chí không còn là nguồn thông tin chính yếu, duy nhất nữa, mà cũng phải đổi mới, bứt phá để tìm lại thị phần thông tin cho xã hội. Đáng tiếc, trên hành trình chạy đua, tranh giành thông tin với mạng xã hội, một bộ phận nhà báo đã bị chênh chao bản lĩnh, ngả nghiêng tâm thế, bị đồng tiền chi phối, bị danh lợi mê hoặc nên không làm tròn bổn phận, sứ mệnh thiêng liêng của người làm báo cách mạng.
Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ rõ, tuy nhiên, người viết cho rằng, một trong những căn nguyên dẫn đến thực trạng đáng buồn này là do nhà báo chưa được trang bị đầy đủ về kiến thức văn hóa, chưa có tầm nhìn văn hóa về nghề báo, chưa có thái độ ứng xử văn hóa đúng mực trong hoạt động báo chí.
Đã theo đuổi, gắn bó với nghề báo, đừng ai đơn thuần nghĩ đây chỉ là công việc “kiếm cơm” như một số nghề nghiệp phổ thông khác, mà phải coi đây là một sứ mệnh cao cả để có thái độ ứng xử, hành nghề đúng đắn để xứng đáng với vị thế, vai trò của người “phò chính, trừ tà” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng căn dặn, mong muốn.
Khi đã dấn thân vào nghề báo, những người cầm bút cần thấm nhuần rằng, đã gọi là tác phẩm báo chí, dù lớn hay nhỏ, dù ngắn hay dài, dù đề cập bất cứ đề tài nào, thể hiện ở thể loại báo chí gì thì cũng không bao giờ được phép xa rời những chuẩn mực cơ bản của nghề báo là phản ánh, soi chiếu, nhận định, đánh giá mọi sự kiện, vấn đề của xã hội phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, công bằng, cân bằng và thông qua lăng kính chính trị, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của nhà báo.
Khi nhà báo có tri thức văn hóa dày dặn, tầm nhìn văn hóa sâu sắc, bản lĩnh văn hóa vững vàng thì ngòi bút sẽ góp phần tôn lên vẻ đẹp đời sống văn hóa con người và xã hội. Ngược lại, tri thức nông cạn, tầm nhìn hạn hẹp, bản lĩnh non nớt sẽ làm cho ngòi bút của nhà báo dễ bị bẻ cong sự thật, từ đó tác động tiêu cực đến môi trường thông tin xã hội và khiến vị thế, hình ảnh người cầm bút bị coi thường, rẻ rúng trong con mắt công chúng.
Thiện Văn
Chính vì một bộ phận "mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy" này đã làm mất đi sự tin tưởng của bạn đọc, của người dân vào nghề báo. Thay vì nói những câu như "báo chí đã đăng" ngày nay người ta lại nói về nghề báo như "nhỏ không học lớn lên làm nhà báo". Phải chăng hiện nay việc xử lý vi phạm, đào tạo nguồn nhân lực, thanh tra, kiểm tra, kiểm duyệt...đang còn lỏng lẻo. Có thể thấy rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết để lấy lại niềm tin của nhân dân với báo chí hiện nay.
Trả lờiXóaRất nhiều nhà báo hiện nay ăn vào chỉ đi rình rình doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết rồi đe dọa, chiếm đoạt tài sản. Vấn nạn này không xử lý nghiêm, chấm dứt thì báo chí mãi mãi không lấy lại được niềm tin của người dân, không lấy lại được bản thân như những năm trước đây.
Trả lờiXóaMột số tờ báo còn để xảy ra tình trạng lọt một số nhà báo không còn là nhà báo cách mạng, cá biệt có báo hiện không còn là báo chí cách mạng nữa nên mới có loại nhà báo "mắt cú, lòng đen, túi đầy" trong bản báo chuyên đi bới móc , đe nẹt, kiếm tiền của người dân, doanh nghiệp, và cả cơ quan chức năng có sai phạm nữa. Đảng và Nhà nước cần mạnh tay loại bỏ loại nhà báo này và cần thiết kể cả phải đóng cửa tờ báo mà có loại nhà báo đó nhưng chậm sửa chữa, thanh loại kịp thời để lấy lại niềm tin trong Nhân dân cho báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trả lờiXóaBản chất bấy lâu nay đã là như thế rồi, đáng buồn và tủi hổ quá. Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều ngành nghề khác cũng sợ báo chí, vì bản thân mấy anh nhà báo chuyên đi săm soi, đe nẹt, hù dọa để bới móc lấy tiền người ta. Cái điều sai trái lâu ngày trở thành bản năng xấu xí, vì không ai lại đưa nhà báo...lên mặt báo cả, dần dà các anh làm mất đi cái hình ảnh báo chí cách mạng trong lòng công chúng. Làm báo nhanh chóng, chính xác thôi chưa đủ mà phải đặt cái tâm lên trên hết, đừng vì mấy thứ vớ vẩn mà mang tiếng xấu muôn đời.
Trả lờiXóaThật sự hiện nay sự phát triển của internet dẫn đến sự bùng nổ của báo mạng, nhiều người cũng có thể dễ dàng làm nhà báo chỉ cần một tài khoản facebook, sim mạng và những thông tin chưa xác thực. Bên cạnh những người đấy thì còn phát sinh những nhà báo thật lợi dụng việc hoạt động của nhà báo tác nghiệp để thu thập thông tin sai phạm để từ đó tiến hành vụ lợi, trục lợi bất hợp pháp và bao che cho hành vi sai phạm. Thật sự hiện nay cánh nhà báo ít nhiều hình ảnh cũng bị phai nhòa đi trong mắt những người đọc báo.
Trả lờiXóaThêm nữa đọc báo trên internet bây giờ thực sự tôi phải nói là có rất ít bài chất lượng, có sự phân tích đa chiều có chiều sâu như báo giấy. Chủ yếu là copy paste của nhau rồi đăng lên, mà không có sự phân tích cho người đọc, nhiều khi người đăng còn không hiểu bản chất bài mình đăng, thật sự đọc mà chán ngán, mà còn nhiều trang báo còn đăng tin sai sự thật, cố tình cắt ghép để thực hiện động cơ cá nhân như là bôi nhọ danh dự người khác. Thật tồi tệ cần phải nâng cao công tác quản lý hơn nữa.
Trả lờiXóaNhững ngày gần đây thật sự đọc được rất nhiều bài viết về ngành báo như thế này. Từ đâu mà báo chí bây giờ đã trở thành nỗi khiếp sợ cho các doanh nghiệp mà các nhà báo phóng viên đó được ví như "mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy". Có chăng là do sự phát triển của internet vô hình chung tạo thành làn sóng mạnh mẽ của dư luận, chính đó đã làm tiền đề cho một số nhà báo làm dụng cái danh của mình để vụ lợi cá nhân mà bỏ quên đí cái danh dự ngành báo vốn có của nó.
Trả lờiXóamặc dù biết ở đâu rồi cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh" tuy nhiên việc bành trướng và ngày càng nhiều "sâu" thì sẽ gây nguy hại rất lớn cho xã hội và sự phát triển của đất nước. Nhà báo cần làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đừng biến nghề báo thành cái mồi kiếm lời cho bản thân để đánh mất đi giá trị, danh dự và nhân phẩm của một nhà báo.
Trả lờiXóa