Bốn năm sau ngày giải nghệ và hai năm sau khi ra tự truyện, Lê Công Vinh gần như biến mất khỏi làng bóng đá Việt Nam. Không còn quần đùi áo số hay trái bóng lấm lem bùn đất, chàng trai lớn lên ở vùng quê nghèo ngày nào giờ xuất hiện bóng bẩy trên những hàng ghế danh dự, dưới thảm cỏ sân golf với áo thun và giày thể thao. Chỉ có điều vẫn như xưa, đấy là sự tự tin của cựu tiền đạo nổi tiếng bóng đá Việt Nam.
Mặc áo sơ mi trắng và đeo đồng hồ hàng hiệu, cựu đội trưởng tuyển Việt Nam Lê Công Vinh chia sẻ với Zing khát vọng sở hữu CLB V.League trong tương lai.
Công Vinh có buổi trả lời phỏng vấn Zing khi vừa gây ấn tượng ở giải golf nghiệp dư, xếp trên nhiều tuyển thủ quốc gia sau 3 năm tập luyện.
- Tôi vẫn chưa quen với hình ảnh mới của anh. Khi đăng ký dự giải golf nghiệp dư quốc gia, anh có nghĩ mình sẽ đạt được thành tích cao vậy không?
- Mục tiêu ban đầu của tôi khi đi ra Hội An chỉ là vượt cắt (không bị loại vì vượt số gậy quy định - PV). Sau khi đạt thứ hạng 14 trong 120 golfer khắp cả nước, tôi hài lòng với bản thân. Tôi nghĩ nếu mình tham dự giải đấu lần thứ 2, chắc chắn thành tích sẽ tốt hơn. Tôi có thể đánh tốt hơn những gì mọi người vừa xem.
- Điều gì đã dẫn cựu tiền đạo bóng đá Lê Công Vinh đến với golf?
- Tôi chơi golf sau khi từ giã bóng đá, khoảng cuối năm 2016. Sau một thời gian, tôi thấy mình đam mê golf. Bà xã Thủy Tiên bắt tôi đến với golf vì sợ tôi ở nhà buồn. Sau một năm, tôi xuống Single Handicap và nhận ra golf thực sự là bộ môn khó.
Tôi phải nói thực là golf khó hơn bóng đá. Trong bóng đá, lúc mình có đẳng cấp, đủ khả năng đạt phong độ cao từ trận này qua trận khác. Tuy nhiên, golf không ngày nào giống ngày nào. Nó làm cho mình phải điên lên, mê hoặc mình. Hôm nay, mình đánh hay nhưng ngày mai lại cực tệ rồi hôm sau lại hay.
Golf đã thay đổi hoàn toàn con người tôi, tính nết, cách nhìn nhận sự việc. Sau khi nghỉ bóng đá, tôi không còn chơi phủi trận nào, chỉ dành thời gian cho gia đình, golf và học viện.
- Công Vinh đánh golf khác gì với Công Vinh chơi bóng đá?
- Trên sân bóng, tôi có thể hùng hổ và máu lửa. Tuy nhiên, trên sân golf, tôi là người điềm tĩnh hơn. Tôi cũng phải kìm nén sự nóng giận bởi cảm xúc thăng hoa hay giận dữ quá đều không tốt, sẽ dẫn đến tâm lý, làm bể game của mình. Bóng đá cũng có những khoảnh khắc cá nhân hóa, tự quyết định nhưng thiên về đồng đội nhiều hơn. Còn với golf, mình phải chiến thắng chính bản thân.
- Từ ngôi sao bóng đá thành tay golf, từ cậu bé nghèo tới ông chủ học viện, anh còn điều gì nuối tiếc trong sự nghiệp không?
- Tôi không có gì tiếc nuối cả. Sinh ra và lớn lên, tôi luôn tự hào về ba mẹ mình. Tôi tự hào vì được lớn lên ở huyện Quỳnh Lưu. Đó là mảnh đất nghèo để tôi có ý chí và sức vươn lên như bây giờ. Khi mình trưởng thành trên mảnh đất khô cằn, mình sẽ bản lĩnh, vững vàng hơn, nhìn cuộc sống khác đi. Những gì tôi trải qua quá khó khăn rồi.
Quan trọng hơn, tôi đã đến được với bóng đá, may mắn được bóng đá mang lại mọi thứ. Tôi trân trọng và chưa bao giờ hối tiếc điều gì. Tôi cảm thấy mình quá may mắn rồi.
- Nhưng mọi người vẫn muốn thấy anh gắn với bóng đá nhiều hơn?
- Hiện tại, tôi sẽ tập trung phát triển học viện bóng đá của mình ở TP.HCM và Vũng Tàu. Ước mơ của tôi là muốn có đội bóng cho riêng mình. Tôi sẽ làm chủ đội bóng ở V.League. Tôi có ước mơ lâu rồi, luôn có định hướng tương lai như thế từ khi là cầu thủ.
Khi giã từ sự nghiệp bóng đá, tôi đã có tính toán bước đường cho mình. Trước mắt, tôi dành thời gian cho học viện, gia đình và đánh golf. Tôi thấy cuộc sống hiện tại thoải mái. Xa hơn nữa, tôi có hoài bão sở hữu đội bóng cho riêng mình.
- Mong muốn của anh hơi khác nhỉ? Tại sao không phải là nghề huấn luyện, như nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa với anh đang làm?
- Lúc làm cầu thủ, tôi đã nói mình sẽ không bao giờ làm HLV. Vì tôi thấy HLV cũng giống cầu thủ, cũng phải ăn ngủ với công việc, xa gia đình. Cầu thủ sẽ sướng hơn vì nếu thua thì HLV mất chức chứ cầu thủ đâu có mất chức, mất việc đâu.
Thứ nữa, nếu cầu thủ không thích, không đá thì HLV bay ghế trước. HLV là nghề áp lực, thực sự phải có thần kinh thép. Gia đình cũng phải có thần kinh thép mới theo được. Tuy nhiên, tôi không phải người có thần kinh thép, chỉ có thần kinh người thôi.
- Muốn làm ông chủ đội bóng thì phải có tiền. Liệu tôi có thể kết luận rằng việc kinh doanh của anh đang thành công?
- Tôi nghĩ kinh doanh đối với cầu thủ là khó. Bởi chúng ta biết mỗi người chỉ giỏi được một nghề thôi. Chúng tôi sinh ra để làm cầu thủ, theo thể thao, không giỏi kinh doanh. Những người sinh ra để kinh doanh thì khác. Nên cầu thủ kinh doanh chắc chắn sẽ không bao giờ thành công được.
Nếu bạn hỏi thu nhập của tôi hiện có hơn lúc còn chơi bóng không, tôi khẳng định là cao hơn. Các cầu thủ ngày càng được trang bị tốt, chuyên nghiệp, giữ được hình ảnh thật lâu, họ sẽ càng sống được và sống tốt với nghề. Các gia đình sẽ nhìn nhận bóng đá là nghề sống được và cho phép con cái họ đi theo. Tôi nghĩ đó là điều tốt cho bóng đá.
- Hãy trở về với bóng đá đi. Chuyến đi của Văn Hậu tới trời Âu có làm anh nhớ tới những kỷ niệm xưa?
- Tôi nghĩ châu Âu sẽ khác với châu Á. Lần đầu sang châu Âu năm 2009, tôi chơi cho Leixoes (Bồ Đào Nha). Ở đó, các cầu thủ toàn là người Brazil, Argentina, Bồ Đào Nha. Bạn biết không? Họ nhìn tôi kiểu “What?”, một đứa châu Á nhỏ xíu sao lại sang đây? Họ không hiểu tại sao.
Hai tháng đầu, tôi gần như chẳng có quả bóng nào. Họ cũng không hề nói tiếng Anh, chỉ có thủ môn người Áo nói tiếng Anh, nên thỉnh thoảng tôi nói chuyện với anh ta. Còn lại, chẳng ai nói chuyện với mình. Tôi gần như tự kỷ.
- Đến khi nào, sự phân biệt đó thay đổi?
- Sau 2 tháng, tôi không được họ chuyền bóng. Cuối cùng, tôi thể hiện tốt dần trên sân tập. Đến tháng thứ 3, họ bắt đầu chuyền bóng. Rồi HLV cũng cho tôi ra sân ở giải vô địch quốc gia Bồ Đào Nha. Tôi còn đấu cúp rồi ghi bàn (Leixoes thắng Casa Pia 2-1 ở vòng 3 cúp quốc gia Bồ Đào Nha 2009/10 - PV).
Tất cả điều đó khiến họ dành sự tôn trọng vì mình nỗ lực và có khả năng. Tuy nhiên, thời gian 5 tháng quá ngắn để tôi thể hiện thêm được. Dù vậy, nó vẫn là trải nghiệm lớn. Nó giúp tôi nhận ra mình đang ở cái ao và khi ra được biển lớn sẽ hoàn toàn khác biệt.
- Kinh nghiệm ấy giúp ích gì cho anh trong chuyến đi Nhật Bản vài năm sau?
- Những gì đã có ở Bồ Đào Nha giúp tôi hiểu hành trang chưa đủ để thành công ngay lập tức. Sau đó, ở chuyến thứ 2, tôi xuất ngoại đi Nhật Bản thì lại hoàn toàn thành công. Tôi tự tin với những gì đã trải qua ở châu Âu nên khi tới Nhật Bản, tôi hiểu điều gì sẽ đến với mình. Ở Nhật, họ hoàn toàn ủng hộ mình, các cầu thủ quý mến vì những gì mình thể hiện trong sân tập và sau sân tập. Họ đã dành những gì tốt nhất cho tôi.
- Đó có phải con đường anh muốn khuyên Văn Hậu, tới châu Âu học hỏi rồi trở về, thành danh tại châu Á?
- Trước khi Hậu về Việt Nam, tôi có nói chuyện với Hậu. Tôi bảo anh có theo dõi bước chân của Hậu. Hậu mới 21 tuổi, Hậu đang còn quá trẻ, trẻ hơn anh khi sang Bồ Đào Nha. Tôi nói với Hậu chuyến đi sang Hà Lan quá thành công rồi, không có gì thất bại cả. Với lứa tuổi của Hậu, việc được sang châu Âu trải nghiệm như thế là tuyệt vời.
Nếu nói về hậu vệ cánh ở Việt Nam, Hậu hiện là số một cả về năng lực chuyên môn, thể lực lẫn nhận thức. Tôi nghĩ sau chuyến đi này, Hậu sẽ lớn lên và có nhiều cơ hội để đi những giải đấu hàng đầu khác, có thể là châu Á. Ví dụ như Nhật Bản, Hậu thừa sức đá. Đội trưởng của Thái Lan vẫn có thể thành công ở Nhật Bản, thì tại sao Hậu không làm được. Hậu có thua gì cầu thủ đó đâu?
- Khác với Công Vinh, Công Phượng hay Xuân Trường, Văn Hậu là cầu thủ phòng ngự. Anh có nghĩ đấy là khó khăn riêng của Hậu trên chặng đường xuất ngoại?
- Tôi coi chuyến đi này của Hậu là thành công. Còn chuyện được đá hay không được đá, chúng ta chưa nói đến. Vì hậu vệ khác với tiền đạo. Nếu Hậu là tiền đạo hay tiền vệ, cửa ra sân sẽ nhiều hơn vì các vị trí ấy đều cần thay người rất nhiều. Còn ở bộ tứ hậu vệ, không HLV nào muốn xáo trộn quá nhiều. Trong trường hợp cầu thủ đá chính kém quá, họ mới thay đổi. Còn bình thường, họ sẽ không thay 2 trung vệ, 2 hậu vệ biên và thủ môn. Văn Hậu khó khăn hơn chúng tôi ở điểm đó.
- Vậy còn Công Phượng, người đồng đội cũ của anh ở tuyển Việt Nam?
- Phượng đã trải qua hết rồi, qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ. Tôi nghĩ ở độ tuổi đó, Phượng cũng không còn trẻ nữa. Tôi nghĩ Phượng nên cố gắng đặt dấu ấn của mình ở V.League. Phượng có gia đình rồi, cũng đang cống hiến được nhiều cho CLB TP.HCM và có những bước tiến chuyên môn. Điều quan trọng hơn, Phượng cần có chỗ đứng ở V.League để cống hiến được cho đội tuyển quốc gia nhiều nữa.
Phượng vẫn còn tương lai tươi sáng ở phía trước, cống hiến ở đâu cũng như nhau. Cái chính là mình cần được ra sân thường xuyên, ghi bàn thắng. Bàn thắng là món ăn của tiền đạo, mình phải được sống trong bầu không khí đó thì mới tiến bộ được.
- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này.
câu chuyện của công vinh đã cho thấy sự kỳ thị trong bóng đá,các dân tộc châu á vẫn bị các quốc gia châu âu kinh rẻ,cpos lẽ điều này xuất phát từ lịch sử thế kỷ 20,người châu âu quá kiêu ngạo!
Trả lờiXóa