Đã 75 năm kể từ khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào ngày 6 và 9/8, dẫn đến sự kết thúc của Thế chiến thứ Hai.
Thành phố Hiroshima hoang tàn sau vụ nổ bom nguyên tử
Bài chứa hình ảnh và chi tiết có thể làm một số người khó chịu.
Số người chết được ghi nhận chỉ là ước tính, nhưng người ta cho rằng khoảng 140.000 trong số 350.000 dân của Hiroshima thiệt mạng trong vụ nổ, và ít nhất 74.000 người chết ở Nagasaki.
Bức xạ hạt nhân do bom phóng ra đã khiến hàng nghìn người chết vì bị nhiễm phóng xạ trong những tuần, tháng và năm sau đó.
Những người sống sót sau các vụ đánh bom được gọi là "hibakusha". Họ phải đối mặt với hậu quả kinh hoàng ở các thành phố, bao gồm cả những chấn thương tâm lý.
Các vụ ném bom đã đột ngột chấm dứt chiến tranh ở châu Á, với việc Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện vào ngày 14/8 năm 1945.
Nhưng giới phê bình cho rằng Nhật Bản đã ở sẵn trên bờ vực đầu hàng.
Ước tính khoảng 140.000 trong số 350.000 dân của Hiroshima thiệt mạng trong vụ nổ
Sau khi cuộc giao tranh ở châu Âu kết thúc vào ngày 7/5 năm 1945, Đồng minh yêu cầu Nhật Bản đầu hàng trước ngày 28/7, nhưng thời hạn đã qua mà Nhật Bản không chịu làm như vậy.
Ước tính khoảng 71.000 binh sĩ từ Anh và Khối thịnh vượng chung đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống Nhật Bản, trong đó có hơn 12.000 tù nhân chiến tranh chết trong khi bị Nhật Bản giam cầm.
Vào ngày 6/8 năm 1945 lúc 08:15 giờ Nhật Bản, một chiếc máy bay ném bom B-29 của Mỹ tên là Enola Gay đã thả một quả bom nguyên tử xuống Hiroshima.
Phi hành đoàn của Enola Gay, những người thả bom nguyên tử xuống Hiroshima
Đó là lần đầu tiên bom nguyên tử được sử dụng trong chiến tranh.
Quả bom ở Hiroshima, được gọi là "Little Boy", có sức công phá tương đương từ 12.000 đến 15.000 tấn TNT và tàn phá một khu vực rộng 13 km vuông.
Hơn 60% các tòa nhà ở Hiroshima bị phá hủy
Bóng một nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima được nhìn thấy trên các bậc đá
Một phụ nữ cho thấy vết thương của bà ở Hiroshima; Da bà bị cháy theo một mô hình tương ứng với phần tối của bộ kimono mặc vào thời điểm vụ nổ
Một chiếc đồng hồ từ đống đổ nát của Hiroshima, dừng lại lúc 08:15
Một hình ảnh tổng hợp cho thấy cảnh trên không của Hiroshima trước khi ném bom nguyên tử (dưới cùng bên trái) và sau (trên cùng bên phải)
Tuy nhiên, Nhật Bản không đầu hàng.
Ba ngày sau, Mỹ thả một quả bom nguyên tử khác xuống thành phố Nagasaki lúc 11:02 giờ Nhật Bản.
Những đám khói hình nấm do bom nguyên tử thả trên Hiroshima (trái) và Nagasaki (phải) tạo ra
Reiko Hada mới chín tuổi khi quả bom phát nổ ở Nagasaki.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên ảnh Lee Karen Stow, cô mô tả trải nghiệm của mình: "Tôi đến được lối vào nhà của mình, và nghĩ rằng tôi thậm chí đã bước một bước vào bên trong, rồi mọi chuyện bất ngờ xảy ra.''
"Một ánh sáng chói lòa xẹt qua mắt tôi. Các màu vàng, kaki và cam, tất cả trộn lẫn vào nhau.''
"Tôi thậm chí không có thời gian để tự hỏi điều gì đang xảy ra... Ngay lập tức, mọi thứ hoàn toàn trở nên trắng.''
"Tôi có cảm giác như mình bị bỏ mặc một mình. Sau đó có tiếng nổ lớn. Rồi tôi ngất đi.''
Những tòa nhà đổ nát của Nagasaki sau bom nguyên tử
Hada đã chứng kiến một số thương tích thảm khốc do bom nguyên tử gây ra.
"Nhiều người đã bỏ chạy qua Núi Konpira để đến với cộng đồng của chúng tôi. Mọi người trợn mắt, tóc tai bù xù, gần như khỏa thân, da bị bỏng nặng và rũ xuống.''
"Mẹ tôi lấy khăn lông và khăn trải giường ở nhà và cùng với những người phụ nữ khác trong cộng đồng, dẫn những người bỏ trốn đến khán phòng của một trường cao đẳng thương mại gần đó, nơi họ có thể nằm xuống.''
"Họ xin nước, tôi được nhờ mang nước đến nên tôi tìm được một cái bát sứt mẻ và ra sông gần đó múc nước cho họ uống.''
"Uống một hớp nước thì chết, người ta lần lượt theo nhau chết.''
"Không thể biết những người đó là ai. Họ đã không chết như con người."
Trẻ em ở Hiroshima đeo khẩu trang để bảo vệ mình khỏi không khí ô nhiễm giữa thành phố đổ nát vào tháng 10 năm 1945
Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào ngày 14/8.
Cùng ngày, Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman có bài phát biểu trước một đám đông tập trung bên ngoài Nhà Trắng, ông nói:
"Đây là ngày mà chúng tôi đã chờ đợi kể từ Trân Châu Cảng. Đây là ngày mà chủ nghĩa phát xít cuối cùng cũng chết, như chúng ta luôn biết điều đó sẽ xảy ra."
Ngày hôm sau, Nhật hoàng Hirohito lần đầu tiên được nghe trên đài phát thanh trong một chương trình phát thanh, trong đó ông đổ lỗi cho việc sử dụng "một quả bom mới và tàn ác nhất" khiến Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện.
Ông nói thêm: "Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu, nó không chỉ cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ và diệt vong của đất nước Nhật Bản, mà còn dẫn đến sự tuyệt chủng hoàn toàn của nền văn minh nhân loại."
Thủ tướng Anh Clement Atlee nói: "Kẻ thù cuối cùng của chúng ta đã bị hạ xuống."
Ông nói thêm rằng lời cảm ơn đặc biệt phải gửi đến với Mỹ "nếu không có những nỗ lực phi thường của họ thì cuộc chiến ở miền Đông sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa".
Hiroshima một năm sau quả bom nguyên tử, cho thấy các tòa nhà bằng gỗ do chính phủ cung cấp được xây dựng trên thành phố bị san phẳng
Sau khi Nhật Bản đầu hàng, hai ngày nghỉ lễ đã được công bố để tổ chức lễ kỷ niệm ở Anh, Mỹ và Úc.
Hàng triệu người từ các nước Đồng minh đã tham gia các cuộc diễu hành và tiệc trên đường phố nhân Ngày Chiến thắng Nhật Bản (VJ) vào ngày 15 tháng 8.Tại London, Hoàng gia Anh chào đón đám đông cổ vũ từ ban công của Cung điện Buckingham.
Học sinh trong một lớp học bị bom phá hủy ở Hiroshima năm 1946, trong khi hàng nghìn thi thể vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát
Văn kiện đầu hàng chính thức được Nhật Bản ký vào ngày 2/9 trên thiết giáp hạm USS Missouri ở Vịnh Tokyo.
Một em học sinh bị sẹo vì bom nguyên tử ở Hiroshima tham gia buổi học năm 1946
Mái vòm Bom nguyên tử ở Hiroshima, được nhìn thấy vào tháng Tám 2020, là một trong số ít các tòa nhà còn sót lại sau trận bom và đã được bảo tồn như một đài tưởng niệm.
Mái vòm nằm trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình của thành phố và được Unesco công nhận là Di sản Thế giới.
Sau tai hoạ này, người Nhật đã "nắm tay" nhau để xây dựng lại hai thành phố từ hoang tàn, đổ nát. Với tinh thần Nhật Bản, chỉ sau ít năm hai thành phố này đã được tái thiết nhanh chóng. Mỗi năm một lần, cứ đến ngày 9/8, người dân Nhật lại nắm tay nhau và gọi đó là Ngày Nắm tay để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng, khắc ghi một thời kỳ đau thương, mất mát, gian khó vô cùng, nhưng từ đó, sức mạnh Nhật đã hiện lên người sáng và lập nên kỳ tích khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Trả lờiXóa