Thực trạng một số phóng viên quấy nhiễu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không phải là chuyện mới. Ngay cả khi chủ trương quy hoạch báo chí đang diễn ra quyết liệt những hành vi này chưa thấy có dấu hiệu thuyên giảm.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông).
Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN HIẾU:
BTV Như Quỳnh:Thưa ông, từ góc độ cơ quan quản lý, gần đây nhất, việc hoạt động báo chí đang bị lợi dụng, gây phiền hà cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp có gì mới so với trước đây?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, đặc biệt những vụ việc như vậy có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua. Việc tăng thể hiện qua một vài khía cạnh. Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước nhận được nhiều phản ánh hơn của các cơ quan, tổ chức qua đơn thư, đường dây nóng...
Thứ hai, cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã vào cuộc, đã bắt một số trường hợp vi phạm pháp luật về hình sự, trong quá trình tác nghiệp đã tống tiền cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Cách thức thực hiện cũng phong phú, bài bản hơn, trong đó có sự phối hợp của phóng viên cơ quan báo chí với nhau, phối hợp liên kết giữa phóng viên cơ ban báo chí với đối tượng không hoạt động báo chí và kết hợp giữa thông tin trên báo chí và các nền tảng mạng xã hội để gây sức ép cho cơ quan, tổ chức.
BTV Như Quỳnh: Từ phản ánh của địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, ông thấy về cách thức quấy nhiễu, gây phiền hà cho các đơn vị của những phóng viên dạng này thời gian gần đây có gì đáng chú ý?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Có rất nhiều cách thức khác nhau. Họ gọi điện đến các cơ quan, tổ chức, đến làm việc, cung cấp giấy giới thiệu một cách không tường minh, rõ ràng. Quá trình tìm hiểu vấn đề nằm ngoài chuyên ngành, tôn chỉ mục đích của mình. Trong quá trình tác nghiệp, họ có đặt những vấn đề về thông tin, làm chuyên đề quảng cáo… khiến các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có cảm giác đó không hẳn là việc tác nghiệp báo chí.
BTV Như Quỳnh: Có một thực trạng là nhiều cơ quan báo chí đã cung cấp cho phóng viên những giấy giới thiệu có nội dung chung chung, thời hạn khá dài. Từ đây, phóng viên có quyền rất lớn để nhũng nhiễu cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về hành động này của các cơ quan báo chí?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Cách đây một vài năm, việc này đã xảy ra tương đối nhiều. Bộ Thông tin &Truyền thông cũng đã biết việc này và vào cuối năm 2018 đã có văn bản hướng dẫn cho các sở, các cơ quan báo chí khi cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, những phóng viên chưa có thẻ nhà báo để tác nghiệp. Trong đó, yêu cầu rất rõ giấy giới thiệu phải ghi rõ làm việc với cơ quan, tổ chức nào, trong thời gian nào, về nội dung gì. Việc cấp phải do lãnh đạo cơ quan báo chí cấp.
Việc cấp giấy giới thiệu không chính tắc thể hiện ở một số điểm như không do lãnh đạo cơ quan báo chí cấp, nội dung chung chung, không chỉ rõ cơ quan tổ chức, hoặc về việc gì. Những giấy giới thiệu như thế không đảm bảo yêu cầu tác nghiệp báo chí. Với giấy giới thiệu này, cơ quan, tổ chức có quyền cân nhắc cung cấp hay từ chối cung cấp thông tin.
Trong dự thảo nghị định 159 sửa đổi đã trình lên Chính phủ, đã xin ý kiến thành viên Chính phủ, đang hoàn chỉnh để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới, có hành vi bị xử lý vi phạm, đó là việc người đứng đầu cơ quan báo chí hoặc người được giao quyền cử phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp không đúng tôn chỉ, mục đích cũng là một hành vi bị xử lý vi phạm hành chính.
Cộng với sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, tôi nghĩ việc cấp giấy giới thiệu hoặc hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên sẽ vào nề nếp hơn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu: "Người đứng đầu cơ quan báo chí hoặc người được giao quyền cử phóng viên đi tác nghiệp không đúng tôn chỉ, mục đích cũng là một hành vi bị xử lý vi phạm hành chính"
BTV Như Quỳnh: Chúng ta đang quyết liệt thực hiện quy hoạch báo chí, trong đó có việc sắp xếp lại và yêu cầu chặt chẽ, cụ thể hơn về tôn chỉ mục đích của từng cơ quan báo, tạp chí. Việc tuyên truyền cho những nội dung này cũng được đẩy mạnh, vì sao báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp chưa thuyên giảm?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Nếu nói về việc gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp thì có mấy khía cạnh.
Thứ nhất, bản thân phóng viên khi đi tác nghiệp không thực hiện đúng quy định pháp luật trong quá trình tác nghiệp.
Thứ hai, trong quá trình tác nghiệp đôi khi không thực hiện đúng quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Bản thân cơ quan báo chí có sự buông lỏng, dễ dãi trong việc cấp giấy giới thiệu, cử phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp không đúng tôn chỉ mục đích, chuyên ngành của mình.
Thứ ba, cơ quan chủ quản không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí, phóng viên trong quá trình tác nghiệp cũng như quá trình đăng tải nội dung thông tin, đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích, theo trách nhiệm của mình, theo Luật Báo chí.
Một điểm rất quan trọng nữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, đối với quyền của mình đôi khi không nhận thức đầy đủ và thực hiện một cách rõ ràng, dẫn đến tình trạng có sự nể nang, cho rằng báo chí là một quyền lực rất lớn.
BTV Như Quỳnh: Để hạn chế thực trạng này, lãnh đạo Bộ TT&TT mới đây đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan báo chí. Trong văn bản này có nội dung, các tổ chức có liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét, cân nhắc việc cung cấp thông tin khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích. Ông có thể giải thích cụ thể hơn về nội dung này?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Tôi chỉ nói rõ thêm một chút về nội dung này. Khi một cơ quan, tổ chức muốn xin phép thành lập cơ quan báo chí thì một trong những điều kiện được quy định ở Điều 17 của Luật Báo chí là phải xác định rõ tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.
Điều 15 của Luật Báo chí quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản, chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Tôn chỉ, mục đích là trách nhiệm pháp lý của cơ quan chủ quản, của cơ quan báo chí và các phóng viên trực thuộc cơ quan báo chí đó.
Do đó, việc chúng ta phải thực hiện tôn chỉ, mục đích này là pháp luật quy định.
Có nhiều ý kiến cho rằng, tôn chỉ, mục đích này hạn chế quyền của cơ quan báo chí, đặc biệt là trong các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.
Tôi phải khẳng định điều này không hạn chế quyền đó. Khi cơ quan, báo chí đó đi theo mảng chuyên ngành, thuộc lĩnh vực của cơ quan chủ quản, họ có toàn quyền đăng tải thông tin về vụ việc tiêu cực, phòng chống tham nhũng theo chuyên ngành của mình.
Điều này hoàn toàn phù hợp với luật phòng chống tham nhũng trước đây và luật phòng chống tham nhũng 2018. Điều 75 quy định rất rõ nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực, chấp hành các quy định pháp luật về báo chí, quy định đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về phòng chống tham nhũng. Hoàn toàn không có yếu tố cản trở ở đây.
Thời gian vừa qua có nhiều nhà báo, cơ quan báo chí đã đi tác nghiệp hoặc được giao đi tác nghiệp không đúng với tôn chỉ, mục đích, chuyên ngành của mình. Việc này gây khó khăn cho nhiều cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của các cơ quan báo chí, nhà báo đang hoạt động đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, một số phóng viên, nhà báo có một số hoạt động không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức người làm báo, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
BTV Như Quỳnh: Để hạn chế tối đa tình trạng "hổ báo cáo chồn" trong hoạt động báo chí thì yếu tố công khai, minh bạch là điều cần được tính đến đầu tiên. Để làm được điều này, theo ông, người dân, doanh nghiệp, đơn vị khi thấy nghi ngại trước những đề nghị của phóng viên báo chí, điều đầu tiên họ nên làm ngay là gì?
Ông Nguyễn Văn Hiếu: Luật Báo chí quy định rất rõ quyền, nghĩa vụ các bên. Trong đó, có quyền, nghĩa vụ của nhà báo cũng như quyền, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Trong văn bản 2595 của Bộ Thông tin &Truyền thông đã nói rất rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí, và chúng tôi đã đăng tải toàn bộ trong Cổng thông tin của Bộ. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp xúc, nhận được đề nghị của các phóng viên, nhà báo, có quyền cân nhắc hoạt động của cơ quan, lĩnh vực của mình để cân nhắc việc cung cấp thông tin đó.
Về giải pháp, liên quan đến các thông tin về công khai, minh bạch đã được hoàn thiện dần theo Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thanh tra và pháp luật các chuyên ngành khác.
Tiện đây, tôi đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin cần công khai, minh bạch, có thể dùng các hình thức thông tin khác như cổng thông tin của mình, đăng tải, công khai theo các hình thức pháp luật quy định, để cơ quan, báo chí người dân cũng tham gia giám sát.
Đây sẽ là thông tin chính thống mà cơ quan báo chí có thể khai thác, giảm bớt việc phải đến trực tiếp trao đổi với cơ quan, tổ chức, đỡ mất thời gian và gặp phải các vấn đề khác.
Góc nhìn thẳng (thực hiện)
Làm gì thì làm đừng bao giờ sử dụng báo chí như một công cụ để uy hiếp tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nhằm đáp ứng cái lợi ích của bản thân mình. Báo chí nó là bộ mặt của truyền thông nước nhà, nó phải thật sự phản ánh trung thực, chính xác những thông tin mà nhân dân quan tâm đến. Vì thế đừng biến nó thành công cụ để vụ lợi cho chính bạn thân mình.
Trả lờiXóaCâu tụng truyền đời:"NHÀ BÁO NÓI LÁO ĂN TIỀN"..., bây giờ lại thêm "HỔ BÁO CÁO CHỒN"...
Trả lờiXóa