Khu vực Bắc Trung Bộ là nơi có nhiều văn phòng thường trú, văn phòng đại diện và có hàng trăm nhà báo, phóng viên hoạt động. Đau lòng, khi có nơi chính quyền phải in cả tờ rơi xuống từng xã nhận diện đâu là phóng viên thật, giả...
LTS: Thường trú là hoạt động không thể thiếu của nhiều cơ quan báo chí. Nhưng lĩnh vực này cũng chứa đựng nhiều biến thái, tiêu cực hơn cả. Khu vực Bắc Trung Bộ, hoạt động của nhiều phóng viên, cộng tác viên thường trú có lúc gây khiếp đảm cho người dân, doanh nghiệp sở tại. Đến mức, có nhưng nhà báo xuất thân từ đây, khi về thăm quê, người thân hỏi "dạo này làm gì?". Khi nghe trả lời là làm báo, họ không ngần ngại nói thẳng "sao không kiếm nghề gì tử tế mà làm, lại đi làm báo".
Theo đánh giá, những năm qua, đóng góp của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí là không nhỏ, nhất trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tại địa phương. Văn phòng thường trú, phóng viên thường trú là cánh tay nối dài của tòa soạn tới các vùng miền, địa phương.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt do buông lỏng quản lý nên các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú một số nơi đã để xảy ra nhiều sai sót, gây ảnh hưởng không nhỏ đến bản chất của báo chí nói chung, gây phiền toái cho doanh nghiệp và địa phương.
"Cánh tay nối dài” đi quấy nhiễu
Khu vực Bắc Trung Bộ là nơi có nhiều cơ quan báo chí có văn phòng thường trú, văn phòng đại diện và có hàng trăm nhà báo, phóng viên hoạt động. Đây cũng là vùng được đánh giá xuất hiện nhiều tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp, quấy rầy địa phương, giả danh nhà báo, nhà báo bị bắt vì tống tiền tổ chức, cá nhân...
Theo Sở TT&TT Nghệ An, tại đây có 61 cơ quan báo chí đại diện, thường trú và hàng trăm người làm báo hoạt động tác nghiệp trên địa bàn.
Sáng 31/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí về hoạt động của văn phòng đại diện (VPĐD) và phóng viên thường trú (PVTT) độc lập của cơ quan báo chí.Thông tin từ cuộc họp cho thấy, một số hiện tượng còn bất cập hiện nay như: Việc cấp giấy giới thiệu, giấy chứng nhận cho phóng viên thường trú còn tràn lan; còn hiện tượng khoán trắng hoạt động cho các văn phòng đại diện dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh. Hoạt động của một số văn phòng đại diện không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Việc tuyển chọn phóng viên thường trú, cộng tác viên quá dễ dãi, không có nghiệp vụ vẫn còn xảy ra…
Bà Nguyễn Nữ Lan Oanh - Trưởng Phòng thông tin báo chí (Sở TT&TT Nghệ An) cho biết, các cơ quan báo chí đại diện, thường trú trên địa bàn hoạt động tác nghiệp, đưa tin trên nhiều lĩnh vực khác nhau, phản ánh sinh động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng…
Tuy nhiên, không ít phóng viên, cộng tác viên gây nhiễu và làm ảnh hưởng đến môi trường tác nghiệp báo chí trên địa bàn. “Doanh nghiệp hoặc cán bộ chính quyền địa phương thường... ngại tố cáo PV, CTV khi vòi vĩnh và những hành vi không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan chủ quản đề ra và luật báo chí không cho phép. Và đã có nhiều phóng viên tống tiền doanh nghiệp bị cơ quan công an bắt giữ…”, bà Oanh cho biết.
Một cán bộ Sở TT&TT địa phương chỉ rõ, một số chuyên trang điện tử mà hoạt động xuất bản như một tờ báo điện tử trên địa bàn Nghệ An. Các tạp chí của từng ngành hoặc hội hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích đề ra, thường xuyên gây phiền hà doanh nghiệp.
Không những thế, một số văn phòng tự nhận người và nhận phí xin việc. Khi vào làm việc tại các văn phòng này thì không có lương, phải im lặng chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Một số cơ quan báo chí còn khoán cho anh em văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải tự sống, phải tự lo kinh phí. Khi đó, anh em phải đi xin xỏ cơ sở, xin không được thì gạ gẫm, dọa nạt, viết bài bôi xấu.
“Có nhiều phóng viên không được trả lương, trả nhuận bút, do đó văn phòng tự hoạch toán và tự sống bằng doanh thu quảng cáo. Đây cũng là nguyên nhân khiến báo chí nhũng nhiễu ở nhiều địa phương” – nguồn tin nói với VietNamNet.
Theo Sở TT&TT Nghệ An, các địa phương phản ánh tình trạng phóng viên, CTV “ép” doanh nghiệp làm quảng cáo tiếp tục xuất hiện và gia tăng nhiều nhất ở thời điểm cuối năm.
Bà Oanh cho hay, có thực tế, nhiều vụ việc tiêu cực khi bị báo chí phản ánh, một số PV, CTV ở báo khác vẫn còn tình trạng đến tiếp cận vụ việc để viết né tránh hoặc tiếp cận để xin làm quảng cáo trước sự cố ‘khủng hoảng truyền thông’.
Sở đã nhiều lần nhắc nhở trong báo cáo họp báo thường kỳ và đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhân sự. Qua đó góp phần đảm bảo quyền lợi và bảo vệ những nhà báo hoạt động nghề nghiệp chân chính. Khi phát hiện các phóng viên có dấu hiệu vi phạm pháp luật và gây phiền hà đề nghị cơ quan, doanh nghiệp liên hệ và phối hợp với Sở TT&TT để hướng dẫn xử lý.
Sở TT&TT Nghệ An cho rằng, một số cơ quan báo cung cấp giấy giới thiệu phải ghi rõ vụ việc cụ thể, không ghi chung chung tránh hiểu nhầm khi các PV, CTV đến chỗ nào cũng vào tự tung tự tác.
Công tác tập huấn kỹ năng cung cấp thông tin, phát ngôn báo chí được triển khai từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Sở in ra các poter thông tin tuyên truyền gắn tại các trụ sở cấp huyện, xã để dễ dàng đối chiếu khi các nhà báo, PV, đến tác nghiệp.
Vì sao DN, địa phương ngại tố cáo?
Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, thậm chí là cơ quan nhà nước tại Hà Tĩnh có tâm lý lo sợ mỗi khi có người xưng làm nghề báo... ghé thăm. Và có không ít doanh nghiệp “ngậm bồ hòn làm ngọt” để tránh cảnh “đụng chạm” với báo chí.
Ở Hà Tĩnh đã xuất hiện trường hợp lợi dụng danh nghĩa báo chí để làm khó dễ doanh nghiệp, trường học, cơ quan nhà nước. Các PV, CTV thu thập thông tin sai phạm hoặc có dấu hiệu sai phạm sau đó liên hệ với chủ doanh nghiệp chia sẻ nội dung đề nghị kí hợp đồng tuyên truyền, thậm chí uy hiếp, dọa dẫm, tống tiền doanh nghiệp.
Một lãnh đạo Sở TT&TT Hà Tĩnh tâm sự, các lĩnh vực các PV, CTV thường “nắm thóp” để bắt sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, tài nguyên môi trường, xây dựng công trình…
Vị lãnh đạo này dẫn dắt câu chuyện: Đơn cử như trường hợp của ông D.C.S là phóng viên của tờ báo có đuôi…phapluat hoạt động tại Hà Tĩnh. Ông S. bị hiệu trưởng Trường tiểu học Vượng Lộc tố cáo vi phạm tư cách, đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, ông D.C.S cho biết, ông “nghe” thông tin hiệu trưởng Trường tiểu học Vượng Lộc có nhiều vấn đề, khi làm việc với nhà trường thấy khu nhà ăn gần nhà vệ sinh, không có bản cập nhật thực đơn tại nhà ăn…
"Theo thói thường, những anh em này ít có thái độ khách quan, đúng đắn khi tác nghiệp, khi thông tin về địa phương (nơi đã “xử lý” mình), nhiều người chỉ nhăm nhăm moi móc cái xấu của địa phương, còn những nỗ lực, kết quả thì không đưa tin, bài xứng đáng", ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài TNVN nói.
Lãnh đạo Thanh tra Sở TT&TT Hà Tĩnh cho hay, khi liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo nhà trường, ông D.C.S dọa sẽ viết bài, rải 500 tờ báo giấy trên địa bàn…, ông S. lý giải bản thân làm việc theo hợp đồng dài hạn với báo nhưng không có lương, chủ yếu hưởng nhuận bút.
Qua xác minh của Sở TT&TT cho thấy, ông D.C.S nguyên là một trạm trưởng trạm quản lý rừng phòng hộ. Sau khi nghỉ việc tại đây, ông S. đã làm việc cho tờ báo trên.
Trong quá trình tác nghiệp tại Hà Tĩnh, ông S. thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí nơi công tác; chưa công tâm trong quá trình làm việc; vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo…
Tạp chí hội văn học nghệ thuật chuyên... soi công trình
Theo Sở TT&TT Hà Tĩnh, tình trạng PV, CTV một số báo, tạp chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, xuất hiện ngày càng nhiều. “Một tờ báo của hiệp hội văn học nghệ thuật tại một địa phương nọ nhưng khi có PV, CTV hoạt động tại Hà Tĩnh thì chuyên viết bài về xây dựng cơ bản; một tạp chí của hội phân bón lại suốt ngày săm soi mỏ đất, cầu đường… không hoạt động đúng tôn chỉ” - vị lãnh đạo này nói.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Hải cũng cho biết, tại Hà Tĩnh có hiện tượng PV, CTV tác nghiệp không đúng quy định pháp luật, sách nhiễu, hoạnh họe và thậm chí trục lợi báo chí.
Theo các lãnh đạo này, rõ ràng mỗi khi PV, CTV nắm bắt được sai phạm, hoặc cũng có thể các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chưa để ra sai phạm, nhưng mỗi khi PV, CTV “ghé thăm”, thậm chí là nhũng nhiễu cũng không dám tố cáo vì sợ đụng chạm.
Thống kê của Sở TT&TT Hà Tĩnh, trong khoảng 3 năm gần đây, Sở này đã lập hàng chục hồ sơ gửi Bộ TT&TT đề nghị xử lý những PV, CTV vi phạm trong hoạt động báo chí. Có trường hợp xử phạt đến hàng chục triệu đồng, buộc PV, CTV treo bút hoặc cho nghỉ việc.
Đơn cử như trường hợp của ông D.C.S. Vụ việc này đã được gửi lên Bộ TT&TT và Tổng biên tập nơi ông D.C.S làm việc đã ra quyết định đình chỉ và treo bút 6 tháng đối với ông này.
Sở TT&TT Hà Tĩnh đã có văn bản gửi cơ quan báo chí và Bộ TTTT đề nghị xử lý ông P. “Những PV, CTV hoạt động vi phạm, dọa dẫm, hoạnh họe doanh nghiệp, nhà trường đều được Sở nắm rõ, có trường hợp chúng tôi phối hợp với công an để “bắt” tại trận nhưng người này nhanh chân thoát” – một cán bộ Sở TT&TT Hà Tĩnh cho hay.
Lập văn phòng đại diện chỉ để làm quảng cáo
Theo thống kê của Sở TT&TT TP.HCM, tổng số các cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện tại thành phố là 166 đơn vị, tuy nhiên chỉ có 87 đơn vị có thông báo hoạt động văn phòng đại diện. Một số cơ quan báo chí có hiện tượng khoán hẳn cho văn phòng đại diện từ việc tổ chức văn phòng, tuyển phóng viên, biên tập viên, trả lương, khoán chạy quảng cáo. Có thời điểm Văn phòng đại diện rao và tuyển dụng hơn trăm người.
Việc cấp giấy giới thiệu tràn lan dẫn đến việc không quản lý được, có cơ quan báo chí tự cấp thẻ nội bộ để phóng viên sử dụng đi tác nghiệp.
Có cơ quan báo chí ngoài văn phòng đại diện chính thức, còn mở nhiều văn phòng khác cho các chuyên trang, có nơi có đến 4, 5 văn phòng hoạt động trái pháp luật và Trưởng văn phòng đại diện không quản lý các đối tượng này. Nhiều cơ quan từ Hà Nội cấp trực tiếp giấy giới thiệu cho phóng viên với danh nghĩa tác nghiệp thực hiện mời gọi quảng cáo, làm khó, gây phiền hà cho các doanh nghiệp kể cả cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương.
Bên cạnh hoạt động báo chí còn xuất hiện các công ty truyền thông có tên tương tự gây ngộ nhận là cơ quan báo chí. Nhiều nhân sự khi bị phát hiện vi phạm ở cơ quan báo chí này thì lại được cơ quan báo chí khác tiếp nhận và có hành vi vi phạm tương tự.
Một số cá nhân còn tổ chức hoạt động trang thông tin điện tử (có phép và không phép) tổ chức tự viết tin bài, gạ gẫm doanh nghiêp gỡ bài…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí nhưng vẫn tổ chức hoạt động báo chí, dùng tên và con dấu tương tự giống cơ quan báo chí hoạt động ở TP.HCM và một số địa phương khác.
Theo một cán bộ Sở TT&TT TP.HCM, những hoạt động sai phạm, đi chệch tôn chỉ mục đích… như trên tạo ra những “ngòi bút” chỉ chuyên đi kiếm tiền là chính.
Trung Văn - Hạ Vũ - Lê Nam - Bình Minh
Đây là phản ánh đúng, tôi có đi nhiều nơi,nhiều vùng miền từ nông thôn đến thành thị, nơi nào có dự án,đất cát hay các sự kiện văn hóa thể thao lớn đều có sự góp mặt của báo chí. Báo chí xem như là kênh thông tin nối dài giữa chính quyền với nhân dân,phải cập nhật nhanh hiệu quả chính xác đặc biệt là phản ánh đúng và đủ. Nếu tay nhà báo nào cũng đc như thế thì mừng. Gần đây các anh chị nhà báo,phóng viên gần như đang đi lệch hướng,lợi dụng cái uy quyền để đe nẹt,để dọa dẫm người trên kẻ dưới;đánh hơi sai phạm mà nhũng nhiễu hạch sách doanh nghiệm v..v.. Tôi kiến nghị nên có chế tài xử lý mạnh tay với những kẻ bán rẻ lương tâm cho đồng tiền này, đừng để mấy tay mất chất này phá hoại đi hình ảnh báo chí cách mạng trong lòng nhân dân.
Trả lờiXóa