Chia sẻ

Tre Làng

Thông tư: Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông

ANTD.VN -Khi tiến hành điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông cán bộ Cảnh sát giao thông có trách nhiệm xác minh: Có hay không có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; diễn biến, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông;

Mục 2

NỘI DUNG, BIỆN PHÁP ĐIỀU TRA, XÁC MINH VỤ TAI NẠN GIAO THÔNG

Điều 8. Nội dung điều tra, xác minh tình tiết của vụ tai nạn giao thông

1. Khi tiến hành điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông cán bộ Cảnh sát giao thông có trách nhiệm xác minh:

a) Có hay không có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; diễn biến, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông;

b) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm;

c) Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

d) Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ gây ra;

đ) Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt, giải quyết vụ tai nạn;

e) Bất cập, sơ hở, thiếu sót trong tổ chức giao thông, chất lượng hạ tầng giao thông; quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông;

g) Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.

2. Cán bộ Cảnh sát giao thông được phân công đến hiện trường tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông phải lập Biên bản vụ việc hành chính theo mẫu số 02/TNĐB ban hành theo Thông tư này. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản vụ việc hành chính, cán bộ Cảnh sát giao thông lập biên bản phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền để ra Quyết định phân công cán bộ điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn theo mẫu 03/TNĐB ban hành theo Thông tư này và lập Kế hoạch điều tra, xác minh giải quyết vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 04/TNĐB ban hành theo Thông tư này được lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt; việc lập Biên bản vi phạm hành chính theo mẫu số 43/BB-VPHC ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT-BCA ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về các biểu mẫu sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền Công an nhân dân (Thông tư số 07/2019/TT-BCA) được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. 

3. Biện pháp điều tra, xác minh tình tiết của vụ tai nạn giao thông được thực hiện theo các điều 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và Điều 17 Thông tư này.

Điều 9. Khám nghiệm hiện trường

1. Việc khám nghiệm hiện trường đối với những vụ tai nạn giao thông có một trong các dấu hiệu quy định tại điểm a khoản 7 Điều 7 Thông tư này thì được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

2. Việc khám nghiệm hiện trường đối với vụ tai nạn giao thông không có một trong các dấu hiệu quy định tại điểm a khoản 7 Điều 7 Thông tư này thì thực hiện theo khoản 3, 4, 5, 6 và khoản 7 Điều này.

3. Những việc làm trước khi khám nghiệm hiện trường:

a) Tiếp nhận các công việc của bộ phận bảo vệ hiện trường;

b) Xác định phạm vi hiện trường; vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết; nhận định hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn. Sử dụng máy camera được trang cấp cho Cảnh sát giao thông để ghi hình lại toàn bộ khu vực hiện trường trước khi khám nghiệm;

c) Xác định thành phần khám nghiệm:

Tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn giao thông để mời thành phần tham gia khám nghiệm cho phù hợp như: Cán bộ kỹ thuật hình sự; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn, Trạm nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông; đại diện đơn vị đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ hoặc cá nhân, tổ chức có chuyên môn (liên quan đến việc khám phương tiện cơ giới đường bộ); đại diện đơn vị quản lý đường bộ, đại diện đơn vị quản lý công trình, đại diện đơn vị chuyên môn kỹ thuật về công trình liên quan đến vụ tai nạn (đối với vụ tai nạn giao thông liên quan đến công trình cầu, đường, hầm); đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông; đại diện cơ sở, doanh nghiệp (người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, lĩnh vực định giá tài sản) để xác định giá trị thiệt hại ban đầu về tài sản; người chứng kiến; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

d) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia khám nghiệm;

đ) Chọn phương pháp khám nghiệm; xác định chiều hướng khám nghiệm phù hợp; xác định vật chuẩn (điểm làm mốc), mép đường chuẩn để định vị vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết. Vật chuẩn phải có tính bền vững theo thời gian, vị trí, dễ nhận biết, thuận lợi cho việc đo, vẽ sơ đồ hiện trường;

e) Chuẩn bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ phục vụ cho công tác khám nghiệm hiện trường.

4. Tiến hành khám nghiệm:

Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo mẫu số 05/TNĐB ban hành theo Thông tư này và vẽ Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo mẫu số 06/TNĐB ban hành theo Thông tư này; sơ đồ hiện trường phải đồng nhất với biên bản khám nghiệm hiện trường. Việc khám nghiệm hiện trường cụ thể như sau:

a) Quan sát toàn bộ khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông để xác định vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông ở hiện trường;

b) Căn cứ chiều hướng khám nghiệm, điểm làm mốc ở hiện trường để đánh dấu theo số tự nhiên thứ tự vị trí của tất cả các nạn nhân, tang vật, phương tiện và dấu vết có liên quan đến vụ tai nạn giao thông;

c) Chụp ảnh hiện trường bao gồm: Ảnh hiện trường chung, hiện trường từng phần, quay camera (nếu có); chụp ảnh nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết có liên quan và phải đặt thước tỷ lệ. Việc chụp ảnh hiện trường phải được lập thành Bản ảnh hiện trường, sắp xếp ảnh theo thứ tự, có chú thích ảnh;

d) Đo và vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông: Sử dụng thống nhất kí hiệu và đơn vị đo; thể hiện đầy đủ tổ chức giao thông (hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, vòng xuyến, đèn tín hiệu và các hệ thống báo hiệu khác có liên quan) nơi xảy ra tai nạn; phần chú dẫn phải thể hiện tỷ lệ vẽ, dấu vết, ký hiệu trên sơ đồ hiện trường;

đ) Thu lượm tang vật, phương tiện, dấu vết để bảo quản và lấy mẫu so sánh đúng quy định của pháp luật. Những dấu vết dễ bị thay đổi hoặc biến dạng phải được thu lượm bảo quản ngay như: Vết máu, lông, tóc, sợi, xăng, dầu, các dấu vết hóa học hữu cơ khác.

5. Lập biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông

Nội dung biên bản khám nghiệm phải ghi thời gian bắt đầu và kết thúc việc khám nghiệm, địa điểm, thành phần tham gia khám nghiệm; tình trạng hiện trường trước khi khám nghiệm, điều kiện thời tiết, ánh sáng khi tiến hành khám nghiệm, quá trình khám nghiệm; cụ thể như sau:

a) Mô tả hiện trường chung như: Vị trí tai nạn xảy ra trên đường một chiều hay đường hai chiều; đường có dải phân cách loại gì; chiều rộng mặt đường, lề đường; hệ thống báo hiệu đường bộ; rào chắn, tường hộ lan loại gì, chướng ngại vật trên đường; đặc điểm, hình dạng đoạn đường (bằng phẳng hay dốc, thẳng hay cong, tầm nhìn bị che khuất hay không bị che khuất); mặt đường làm bằng bê tông xi măng, nhựa, đá răm, hay đất; tình trạng mặt đường (phẳng, nhẵn, nứt vỡ, trơn trượt);

b) Ghi nhận việc đánh số thứ tự vị trí của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết;

c) Ghi nhận việc xác định vật chuẩn (điểm làm mốc), mép đường chuẩn, chiều hướng khám nghiệm hiện trường;

d) Mô tả vị trí đặc điểm của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết trên hiện trường theo số thứ tự như đã đánh dấu trên hiện trường;

đ) Ghi cụ thể số lượng tang vật, phương tiện, dấu vết đã phát hiện, thu lượm bảo quản và các mẫu so sánh;

e) Ghi nhận quá trình sử dụng thiết bị điện tử máy lập mô hình hiện trường chuyên dụng để đo vị trí đặc điểm của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết trên hiện trường, vẽ hiện trường hoặc chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có).

6. Kết thúc khám nghiệm hiện trường:

a) Kiểm tra lại công việc đã thực hiện trong quá trình khám nghiệm;

b) Đánh giá dấu vết và các tài liệu thu thập được tại hiện trường để xác định tính liên quan hoặc cần phải thu thập thêm những dấu vết khác;

c) Thông qua và ký biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.

7. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cán bộ Cảnh sát giao thông được phân công điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông phải có Báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo mẫu số 07/TNĐB ban hành theo Thông tư này và đề xuất các biện pháp điều tra, xác minh, giải quyết tiếp theo.

Điều 10. Tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề và tạm giữ người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ liên quan đến vụ tai nạn giao thông để điều tra, xác minh theo thủ tục hành chính

1. Tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ tai nạn giao thông để điều tra, xác minh theo thủ tục hành chính được thực hiện như sau:

a) Việc tạm giữ và xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ tai nạn giao thông thực hiện theo quy định tại Điều 125, Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ tai nạn giao thông phải được lập Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo mẫu số 50/BB-TGTVPTGPCC ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT-BCA ngay tại hiện trường vụ tai nạn hoặc nơi phát hiện. Trong thời hạn 24 giờ cán bộ Cảnh sát giao thông lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền để ra Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 18/QĐ-TGTVPTGPCC ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT-BCA;

c) Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ tai nạn giao thông không quá 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp cần tiến hành xác minh thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải báo cáo đề xuất lãnh đạo có thẩm quyền bằng văn bản theo mẫu số 09A/TNĐB ban hành theo Thông tư này để ra Quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo mẫu số 19/QĐ-KDTHTGTVPTGPCC ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT-BCA, thời hạn kéo dài tối đa không quá 23 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ;

Nếu vụ tai giao thông có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền giải quyết vụ tai nạn giao thông phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản theo mẫu 09B/TNĐB ban hành theo Thông tư này để xin gia hạn tạm giữ; việc gia hạn phải có Quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo mẫu số 19/QĐ-KDTHTGTVPTGPCC ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT-BCA, thời hạn gia hạn không quá 30 ngày;

d) Khi trả tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ tai nạn giao thông phải có Quyết định trả lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 20/QĐ-TLTVPTGPCC ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT-BCA, đồng thời lập Biên bản trả lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 60/BB-TLGTTVPT ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT-BCA;

đ) Sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện. Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.

2. Tạm giữ người có liên quan đến vụ tai nạn giao thông theo thủ tục hành chính

Việc tạm giữ người có liên quan đến vụ tai nạn giao thông chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác và phải do người có thẩm quyền quy định tại Điều 123 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quyết định. 

Điều 11. Khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông

1. Thành phần tham gia khám nghiệm thực hiện theo điểm c khoản 3 Điều 9 của Thông tư này.

2. Các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông phải được tiến hành khám nghiệm và lập Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ theo mẫu số 08/TNĐB ban hành theo Thông tư này tại hiện trường hoặc nơi tạm giữ phương tiện ngay sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường. Nếu có nhiều phương tiện giao thông thì tiến hành khám nghiệm lần lượt từng phương tiện giao thông, mỗi phương tiện lập 01 biên bản khám nghiệm phương tiện.

3. Kiểm tra toàn bộ giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ của phương tiện giao thông có liên quan đến vụ tai nạn giao thông như: Giấy phép lái xe, giấy tờ tùy thân (nếu có), đăng ký xe (đối chiếu với biển số, số khung, số máy), giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại phương tiện quy định phải có), giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới, các loại giấy tờ có liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải của phương tiện và hàng hóa vận chuyển trên phương tiện (nếu có).

4. Khám nghiệm ô tô và các loại xe tương tự ô tô được tiến hành từ bên ngoài vào bên trong, từ trước ra sau, từ phải sang trái, từ trên xuống dưới kể cả gầm xe; đặt thước tỉ lệ và chụp ảnh, quay camera (nếu có). Kiểm tra hệ thống lái, hệ thống phanh, hệ thống treo, côn, ga, số, đồng hồ, đèn, còi, gương, gạt nước, thiết bị lưu trữ dữ liệu hoạt động của động cơ và hệ thống an toàn của phương tiện và các trang thiết bị khác của phương tiện theo các nội dung kiểm định an toàn kỹ thuật của xe cơ giới đường bộ.

5. Khám nghiệm xe mô tô, xe máy được tiến hành bên ngoài xe, từ trước ra sau, từ phải sang trái, từ trên xuống dưới; đặt thước tỉ lệ và chụp ảnh, quay camera (nếu có). Kiểm tra hệ thống phanh, côn, ga, số, đồng hồ, đèn, còi, gương và các trang thiết bị khác của phương tiện.

6. Biên bản khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông phải ghi cụ thể: Giấy tờ, đặc điểm phương tiện; mô tả các dấu vết; ghi nhận thiệt hại, hư hỏng của phương tiện, ghi nhận việc thu giữ mẫu vật, dấu vết và các thiết bị kỹ thuật (như camera hành trình, thiết bị giám sát hành trình, hộp đen phương tiện, các thiết bị lưu trữ dữ liệu điện tử khác) để phục vụ công tác giám định. 

7. Thông qua và ký Biên bản khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan vụ tai nạn giao thông.

Điều 12. Ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến vụ tai nạn giao thông

Biên bản ghi lời khai của người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 10/TNĐB ban hành theo Thông tư này, phải ghi rõ thời gian (giờ, ngày, tháng, năm), địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp, giấy phép lái xe, nhân thân của người điều khiển phương tiện; thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn, mật độ giao thông; vị trí của phương tiện giao thông trên mặt đường, hướng chuyển động, tốc độ, các thao tác kỹ thuật; tình trạng sức khỏe, nhận biết của người điều khiển phương tiện giao thông trước khi vụ tai nạn xảy ra và việc xử lý của họ như thế nào trước, trong và sau khi vụ tai nạn xảy ra.

Điều 13. Ghi lời khai của những người bị nạn và người có liên quan khác trong vụ tai nạn giao thông

1. Biên bản ghi lời khai của người bị nạn và người có liên quan khác trong vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 10/TNĐB ban hành theo Thông tư này, phải ghi rõ thời gian, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp, nhân thân của người bị nạn và người có liên quan khác; thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn, mật độ giao thông; lời khai của người bị nạn, người có liên quan. Nội dung lời khai phải làm rõ về diễn biến, nguyên nhân vụ tai nạn, thương tích trên người do vụ tai nạn gây ra. 

2. Trường hợp có người bị thương nặng hoặc có thể bị tử vong phải ghi lời khai ngay; cần đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng. Nếu người bị nạn do bị thương nặng không thể nói được phải lập biên bản ghi nhận về việc đó.

Điều 14. Ghi lời khai của những người làm chứng

1. Biên bản ghi lời khai của người làm chứng theo mẫu số 10/TNĐB ban hành theo Thông tư này, phải ghi rõ thời gian, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp, nhân thân của người làm chứng; thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn, mật độ giao thông; nội dung lời khai phải làm rõ những vấn đề sau đây:

a) Mối quan hệ của người làm chứng với các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông;

b) Vị trí, khoảng cách giữa người làm chứng với nơi xảy ra tai nạn giao thông, thời tiết, ánh sáng khi xảy ra tai nạn, do đâu mà họ biết về vụ tai nạn giao thông;

c) Hướng chuyển động của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông (người và phương tiện);

d) Phần đường và tốc độ, thao tác xử lý của người điều khiển phương tiện trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn giao thông;

đ) Vị trí của tang vật, phương tiện, người sau khi xảy ra tai nạn giao thông, vị trí đó có bị thay đổi không, nếu có thay đổi, xê dịch do ai làm, vì sao? và thay đổi như thế nào;

e) Trạng thái tâm lý của người gây tai nạn biểu hiện ra bên ngoài (ảnh hưởng của rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, tình trạng sức khoẻ);

g) Các yếu tố khác có liên quan đến vụ tai nạn giao thông mà họ biết, còn ai biết về vụ tai nạn giao thông xảy ra.

2. Khi thấy cần thiết, tổ chức cho người làm chứng thực nghiệm để xác định tính khách quan, xác thực về lời khai. 

3. Trường hợp chưa thể ghi lời khai của người làm chứng ngay tại hiện trường thì cán bộ Cảnh sát giao thông ghi lời khai phải ghi lại thông tin về nơi thường trú, công tác, học tập, số điện thoại liên lạc (nếu có) của người làm chứng, sau đó đến nơi ở, nơi làm việc của người làm chứng hoặc mời người đó đến trụ sở Công an để lấy lời khai. Đối với người dưới 18 tuổi, khi lấy lời khai phải mời người giám hộ (cha, mẹ, người đại diện hợp pháp hoặc thầy giáo, cô giáo) của người đó tham dự và ký tên vào biên bản.

4. Trường hợp vụ tai nạn giao thông có nhiều người làm chứng, phải chọn lọc lời khai của người có đủ căn cứ để xác minh; trường hợp qua xác minh ban đầu xác định không có người làm chứng, cán bộ Cảnh sát giao thông phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền.

Điều 15. Một số hoạt động khác để thu thập tài liệu liên quan đến vụ tai nạn giao thông

Ngoài thực hiện quy định tại các điều 9, 10, 11, 12, 13, 14 và Điều 16 Thông tư này; tùy theo tính chất, mức độ của từng vụ tai nạn giao thông, khi tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết phải thực hiện một số hoạt động sau đây:

1. Xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn:

a) Xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn phải được nạn nhân đồng ý và ghi nhận tỉ mỉ; mô tả cụ thể, chi tiết trong Biên bản ghi nhận dấu vết trên thân thể người bị nạn theo mẫu số 11/TNĐB ban hành theo Thông tư này. Đánh dấu vị trí thương tích vào Sơ đồ vị trí dấu vết trên thân thể người bị nạn theo mẫu số 12/TNĐB ban hành theo Thông tư này, chụp ảnh dấu vết thương tích. Nếu là nạn nhân nữ thì phải cử cán bộ nữ tham gia khám dấu vết thương tích và có người cùng giới chứng kiến;

b) Nếu nạn nhân đi cấp cứu, phải thu thập giấy chứng nhận thương tích, hồ sơ bệnh án điều trị thương tích do vụ tai nạn gây ra hoặc kết quả trưng cầu giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể;

c) Nếu nạn nhân không đi cấp cứu nhưng có đề nghị giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể thì phải thực hiện quy định tại điểm a khoản này và báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có chức năng giám định theo quy định của pháp luật.

2. Xác định chỉ tiêu kỹ thuật cầu, đường liên quan đến vụ tai nạn giao thông:

a) Thành phần tham gia xác định chỉ tiêu kỹ thuật cầu, đường thực hiện theo điểm c khoản 3 Điều 9 Thông tư này;

b) Xác định chỉ tiêu kỹ thuật của cầu:

Đo chiều dài, bề rộng mặt cầu; chiều dài nhịp, số nhịp, số trụ cầu so với chỉ tiêu kỹ thuật cầu;

Mô tả, ghi nhận hệ thống báo hiệu đường bộ: Đèn tín hiệu; biển báo, vạch kẻ đường, cọc tiêu trên cầu và hai đầu cầu;

Mô tả, ghi nhận vết nứt, vỡ, hư hỏng trên cầu nơi xảy ra tai nạn;

Kiểm tra, xem xét dấu vết do tai nạn để lại trên mặt cầu, thành cầu;

c) Xác định chỉ tiêu kỹ thuật của đường:

Xác định bán kính đường cong, độ siêu cao, độ dốc dọc của đoạn đường;

Xác định tầm nhìn nhỏ nhất theo chiều dọc (nếu có độ dốc dọc lớn), tầm nhìn theo chiều ngang;

Một số chỉ tiêu kỹ thuật thực tế so với thiết kế đường;

Ghi nhận các dấu vết của vụ tai nạn để lại trên đường;

d) Việc xác định chỉ tiêu kỹ thuật cầu, đường phải được lập biên bản theo mẫu số 13/TNĐB ban hành theo Thông tư này.

3. Kiểm tra, xác minh phương tiện, người điều khiển phương tiện; hành khách, hàng hóa vận chuyển và các giấy tờ có liên quan:

a) Kiểm tra, xác minh việc vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (đặc biệt là gây tai nạn giao thông) của phương tiện, người điều khiển phương tiện;

b) Kiểm tra, xác minh giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề, giấy tờ tùy thân của người điều khiển phương tiện, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, các loại giấy tờ có liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải của phương tiện; hành khách, hàng hóa vận chuyển trên phương tiện. Các loại giấy tờ này có bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc do cơ quan có thẩm quyền cấp hay không;

c) Việc kiểm tra, xác minh phương tiện, người điều khiển phương tiện; hành khách, hàng hóa vận chuyển, tải trọng theo quy định trên phương tiện và các giấy tờ có liên quan phải mời đại diện cơ sở, doanh nghiệp (người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, lĩnh vực định giá tài sản) để xác định giá trị thiệt hại về tài sản, đồng thời lập Biên bản xác minh theo mẫu số 44/BB-XM ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT-BCA.

4. Dựng lại hiện trường:

a) Trong quá trình điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông, nếu có căn cứ xác định hiện trường bị xáo trộn, hiện trường giả hoặc xét thấy cần thiết cho việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông thì tổ chức dựng lại hiện trường vụ tai nạn giao thông để điều tra, xác minh. Việc dựng lại hiện trường phải có kế hoạch, quyết định của người có thẩm quyền;

b) Nội dung dựng lại hiện trường cần xác định lại vị trí người bị nạn, tang vật, phương tiện, dấu vết để lại ở hiện trường, xem xét lại những tình huống, hành vi và những tình tiết khi xảy ra vụ tai nạn giao thông; đo và vẽ lại sơ đồ hiện trường; chụp ảnh để làm cơ sở so sánh đối chiếu;

c) Kết thúc dựng lại hiện trường vụ tai nạn giao thông phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường dựng lại, vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông được dựng lại; những người tham gia dựng lại hiện trường ký, ghi rõ họ, tên vào biên bản và sơ đồ.

Điều 16. Giám định chuyên môn

1. Trường hợp cần giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể người bị nạn, định giá thiệt hại về tài sản, giám định dấu vết; giám định chuyên môn kỹ thuật phương tiện, cầu, đường, phà, tổ chức giao thông, chất lượng công trình giao thông liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật thì cán bộ Cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền ra Quyết định trưng cầu giám định theo mẫu số 37/QĐ-TCGĐ ban hành theo Thông tư số 07/2019/TT-BCA để yêu cầu, đề nghị cơ quan có chức năng giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp vụ tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm mà người bị nạn từ chối giám định thương tật, định giá tài sản phải lập biên bản ghi rõ lý do từ chối, có xác nhận của họ hoặc người chứng kiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog