Chia sẻ

Tre Làng

Thủ đoạn 'thổi giá' thiết bị xét nghiệm ở CDC Hà Nội


Cơ quan điều tra quy kết CDC Hà Nội thuê đơn vị lập khống chứng thư thẩm định giá. Thiết bị khi nhập có giá 2,3 tỷ nhưng các bị can nâng lên gấp 3 lần.

Theo kết luận điều tra vụ gian lận giá trị mua sắm hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 tại CDC Hà Nội, Bộ Công an đề nghị truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) và 9 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Lời khai các bị cáo cho thấy những người bị đề nghị truy tố đã câu kết để "thổi giá" máy xét nghiệm cao gấp nhiều lần.

Nâng khống giá máy từ 2,3 tỷ lên 7 tỷ

Cơ quan điều tra xác định đầu tháng 2, Sở Y tế giao cho CDC Hà Nội nguồn kinh phí bổ sung hơn 31 tỷ đồng. Sở cũng giao đơn vị này làm chủ đầu tư gói thầu số 15, mua thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 với chi phí dự toán khoảng 9,5 tỷ.

Trong đó, giá mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm SARS-CoV-2 là 7 tỷ, máy chiết tách DNA/RNA tự động 1,2 tỷ và 2 tủ lạnh âm giá 1,34 tỷ.

Ngày 6/2, Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty Vitech) thỏa thuận với Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty Phương Đông, đơn vị phân phối hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm có xuất xứ từ Đức) về việc Nhất mua thiết bị này với giá 4 tỷ để bán cho CDC Hà Nội.

Hai bên thống nhất nếu phi vụ thành công thì sẽ chi cho ông Cảm 15% giá trị sản phẩm. Số tiền chênh lệch còn lại, sau khi khấu trừ các chi phí, Nhất và Tuyền chia đôi.

Nguyễn Ngọc Nhất (trái) và Nguyễn Thanh Tuyền. Ảnh: Bộ Công an.

Chiều 6/2, Tuyền và Nhất đến gặp ông Cảm tại phòng làm việc trong trụ sở CDC Hà Nội để trao đổi về hệ thống Realtime PCR xét nghiệm. Tại đây, Tuyền báo giá thiết bị là 7 tỷ với hạn bảo hành trong 3 năm.

Tại buổi gặp, Nhất cũng đề nghị sau khi việc mua bán hoàn tất, doanh nghiệp sẽ chi cho ông Cảm 15% giá trị của hệ thống máy xét nghiệm. Sau khi thỏa thuận, ông Cảm đề nghị Tuyền liên hệ với Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội) để làm việc.

Rời trụ sở CDC Hà Nội, Nguyễn Ngọc Nhất rủ Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST) tham gia bán hệ thống Realtime PCR và máy tách chiết do Công ty Phương Đông nhập khẩu cho phía ông Cảm với giá 8,2 tỷ. Vinh đồng ý với thỏa thuận nếu giao dịch thành công, Vinh sẽ được chia 1,5% giá trị hợp đồng.

Để giảm biên độ chênh lệch giá giữa mua vào và bán ra, Đào Thế Vinh sử dụng Công ty Hưng Long (do vợ Vinh làm giám đốc) mua các thiết bị từ Công ty Phương Đông với giá 4,1 tỷ.

Sau đó, Vinh bán hệ thống máy móc cho Công ty KD với giá 5,2 tỷ. Tiếp đó, Vinh lấy pháp nhân Công ty MST mua thiết bị với giá 7,8 tỷ trước khi bán lại cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ như thỏa thuận từ trước.

Cơ quan công an xác định trên thực tế, Vinh chỉ mua các thiết bị với tổng số tiền 4,1 tỷ để bán cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ, không có việc mua bán với các công ty còn lại.

Theo kết luận điều tra, đầu tháng 3, Nhất và Công ty MST hoàn tất ký hợp đồng với CDC Hà Nội. Số máy móc trên sau đó được lắp đặt và vận hành.

Trụ sở CDC Hà Nội ở quận Đống Đa. Ảnh: Hải Nam.

Cơ quan chức năng cáo buộc quá trình mua 2 thiết bị, ông Cảm đã chỉ đạo các cán bộ dưới quyền hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu nhằm ấn định Công ty MST là đơn vị trúng thầu, với giá trúng thầu 9,5 tỷ (bằng với giá dự toán ban đầu).

Nhằm hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu chỉ định, CDC Hà Nội đã thuê Công ty Nhân Thành lập khống chứng thư thẩm định giá. Theo điều tra, giá của thiết bị khi nhập về Việt Nam khoảng 2,3 tỷ nhưng các bị can đã cấu kết nâng khống cao gấp 3 lần.

Làm rõ 18 gói thầu khác tại CDC Hà Nội

Quá trình điều tra, cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm nhận thức được hành vi của mình là trái quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Cảm không thừa nhận việc bị can Nhất trao đổi trích lại cho CDC Hà Nội 15% giá trị gói thầu. Vì vậy, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh bị can Cảm có tư lợi.

Cơ quan chức năng cáo buộc trong vụ án, ông Nguyễn Nhật Cảm khi còn là Giám đốc CDC Hà Nội đã trực tiếp thỏa thuận với một số bị can ấn định giá mua hệ thống máy xét nghiệm là 7 tỷ. Sau đó, ông Cảm chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ đấu thầu để chỉ định Công ty MST trúng thầu.

Đối với các cá nhân tại Sở Y tế và Sở Tài chính Hà Nội liên quan đến gói thầu số 15, cơ quan điều tra chưa xác định rõ sai phạm nên tách hồ sơ để tiếp tục làm rõ. Nếu họ có sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định.

Ngoài gói thầu số 15 trên, Bộ Công an nhận thấy còn có 18 gói thầu với tổng trị giá 83 tỷ. Trong đó, CDC Hà Nội đã thanh toán cho nhà thầu tổng số tiền hơn 70 tỷ. Cơ quan điều tra chưa xác định rõ sai phạm nên tách hồ sơ để làm rõ, xử lý sau.

2 nhận xét:

  1. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp thì nhà nước ta vẫn đang cố gắng phát huy hết sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để chống lại đợt dịch khó khăn này. Thế nhưng vẫn có những thành phần lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cho bản thân mình với những động thái "thổi giá" thiết bị xét nghiệm một cách thủ đoạn. Điều này là cực kì cần lên án kịch liệt.

    Trả lờiXóa
  2. Phải nói rằng những con người này có ăn có học mà không phải là con người, những kẻ thất đức định trục lợi khi đất nước gặp khó khăn, định ăn trên sức khỏe, tính mạng của những bệnh nhân, vì lợi ích của bản thân, vì đồng tiền mà đánh đổi sự an nguy của cả xã hội. Thiết nghĩ với những kẻ này cần xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, răn đe, chấm dứt các hành vi tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của đất nước của nhân dân.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog